Ý nghĩa sâu xa của viếng thăm Quê hương

của Ðức Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ý nghĩa sâu xa của viếng thăm Quê hương của Ðức Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia - 22/08/2002) - Chuyến viếng thăm BaLan lần thứ 8 từ ngày 16-19/08/2002) của ÐTC, ---- (và nhiều người cho là chuyến viếng thăm lần thứ 9, bởi vì  họ đếm cả  lần ÐTC  về BaLan, để chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Czestochow năm 1991) ----- , đã được  nhiều người nghĩ  là chuyến viếng thăm từ giã và là chuyến viếng thăm sau cùng. Người khác thì bạo hơn quả quyết rằng ÐTC sẽ từ chức và ở lại Cracovia để nghỉ, không trở về Roma nữa.

Ðược báo chí hỏi: "Thực sự có chương trình như vậy không?",  ÐHY Francisezk Macharski, TGM Cracovia, trả lời: "Thật là một điều phi lý". Rồi ngài nhắc lại lời Phêrô hỏi Chúa khi ông đang trốn khỏi Thành Roma để tránh cuộc bách hại  lúc đó: "Quo vadis?" (Chúa đi đâu vậy?). Chúa đáp: "Ta vào Thành để chịu đóng đanh một lần nữa". Hiểu lời Chúa, Thánh Phêrô trở lại Thành, để rồi chịu đóng đinh theo gương Chúa.

Vào cuối Thánh Lễ  sáng Chúa nhật 18/08/2002, Thanh niên hô lớn tiếng xin ÐTC ở lại. Ngài đáp lại cách khôi hài: "Các con dụ dỗ Cha trốn khỏi Roma à?". Rồi trong kinh cầu nguyện với Ðức Mẹ Maria tại Ðền Thánh Kalwaria ---(nơi ngài từng đến cầu nguyện)----- ÐTC xin cho mình được sức mạnh về  tinh thần và thể xác, để tiếp tục sứ mệnh đến cùng. Trước khi lên đường trở về Roma, ngài tuyên bố rõ ràng: "Tôi sẽ ở lại chỗ của tôi cho đến cùng".

Với sức hoạt động và chịu đựng  gây ngạc nhiên và với những lời tuyên bố rõ ràng, lần này không  báo chí nào, không một người nào dám nói đến sức khỏe và việc từ chức hồi hưu nữa. Hơn nữa, ÐTC còn hứa với dân Ba lan: "Cha sẽ trở lại, nếu Chúa muốn". Trong diễn văn từ giã tại Phi Trường quốc tế Cracovia-Balice, ÐHY Jozef Glemp, Giáo chủ, Chủ tịch HÐGM  Ba lan, đã mời ÐTC trở lại chủ tế thánh lễ Thánh Hiến Ðền thờ dâng kính Chúa Quan Phòng tại Warszawa, trong ba năm nửa.

Về chuyến viếng thăm vừa kết thúc, cần nhìn vào ý nghĩa sâu xa, không phải chỉ nhìn vào những biến cố bên ngoài hoặc bàn luận  vô ích về việc từ chức, hồi hưu, sức khỏe v.v... Ý nghĩa sâu xa của chuyến ra đi này là  gì? Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" , số ra ngày 19 và 20/08/2002.  đã viết như sau: "ÐTC  trở lại Công viên Blonie để đặt lại một lần nữa chân lý về Thiên Chúa".

Thánh lễ Chúa nhật 18/08/2002 tại Công viên Blonie là thánh lễ huy hoàng và đông người tham dự nhất,  kể từ trước tới giờ. Báo chí qưốc tế đều công nhận: không có chuyến viếng thăm nào tại Châu Âu tụ họp được biển người như vậy:  gần 3 triệu người. Nhiều người đến Công viên từ chiều tối hôm trước,  để chiếm chỗ.

Như để thưởng công vất vả và những hy sinh của các tín hữu đầy đức tin này, trước Thánh lễ, trên chiếc xe lưu động, ÐTC đi vòng suốt Công viên (dài gần hai cây số) trong vòng 15 phút, để chào và ban phép lành cho mọi người, cách riêng những ai ở xa. Theo Sở cảnh sát Cracovia, thì con số dự thánh lễ lần này đông hơn lần thứ nhất  năm 1979, cũng tại Công viên Blonie,  trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ÐTC, lúc BaLan còn trong chế độ  Cộng sản.

Cùng đồng tế với ÐTC, có 12 Hồng Y - 200 TGM và GM và 840 Linh mục. Sau thánh lễ, ÐTC làm phép 60 viên đá để xây cất 60 nhà thờ mới tại Ba lan và 22 quả chuông mới.

Các lễ vật được dâng cho ÐTC trong thánh lễ, đáng chú ý hơn cả là bức ảnh Ðức Mẹ Lavang bằng sơn mài do Cộng đồng công giáo Việt nam tại Ba lan dâng kính và một mặt nhật (hào quang) do bà mẹ của Cha Jerzy Popieluskzko, tuyên úy của Công đoàn Solidarnosc ở Warszawa,  đã bị Công an Cộng sản sát hại và quăng xác xuống hồ,  tháng 10 năm 1984. Mộ của Cha tại thủ đô BaLan, đã trở nên điểm hành hương. ÐTC cũng đã đến quì cầu nguyện tại đây. Về số người Công giáo Việt nam tại Ba lan - theo nguồn tin chúng tôi nhận được - có khoảng 7 ngàn. Ðây là một cộng đồng rất đáng kể, hiện giờ còn tùy thuộc vào Văn phòng di cư Công giáo của Tổng Giáo phận Warszawa.

Tuy Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 18/08/2002, là Thánh lễ huy hoàng và đông người tham dự hơn cả từ trước tới nay, và là trung tâm điểm của các chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC,  nhưng  không nói lên tất cả ý nghĩa sâu xa của chuyến viếng thăm lần này. Ý nghĩa sâu xa này phải tìm nơi tất các lễ nghi được cử hành, nơi các diễn văn, nơi các cử chỉ, các kinh cầu nguyện và các nơi được viếng thăm trong bốn ngày (16-20/08/2002).

"ÐTC trở về để đặt lại một lần nữa chân lý về Thiên Chúa". Lời của Báo Quan Sát Viên Roma, "Người là tảng đá". Lời này đã được ghi trên một tảng đá đặt tại Công viên Blonie, để nhớ lại thánh lễ của Vị Giáo Hoàng tiên khởi gốc Slave trong lịch sử Giáo hội. Và chính từ viên đá, từ đức tin sắt đá của dân tộc Ba lan, một dân tộc sùng kính cách riêng Thánh Thể và Ðức Mẹ Maria, khởi sự con đường đưa  đến một tương lai tốt đẹp hơn, cho mỗi một người, cách riêng cho những người đau khổ tinh thần và thể xác, trong thế kỷ XX vừa qua đi và trong thế kỷ XXI vừa bắt đầu, đang bị đe dọa khắp nơi.

Trong bài giảng dài của Thánh lễ Chúa nhật 18/08/2002 - theo nhận xét của Ðài Truyền hình quốc gia Ý - đây là một trong các bài giảng ý nghĩa và hay hơn cả ---- ÐTC nói đến "Mysterium iniquitatis" (Mầu nhiệm của sự dữ, của tội ác). Tội ác và sự dữ này đã ghi dấu sâu trong thế kỷ XX, và nơi tộc Ba lan, cũng như nơi nhiều dân tộc khác tại Châu Âu và trên thế giới. Mầu nhiệm tội  ác và sự dữ này - theo báo chí giải thích -  ám chỉ hai chế độ độc tài tại Châu Âu: Ðức Quốc xã và Cộng sản. Hai chế độ độc tài này chủ trương  gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài đời sống, ra ngoài xã hội.  Hai chế độ đều bách hại Giáo hội, các tôn giáo và vi phạm nhân quyền và phẩm giá con người.

Ngày nay, các quốc gia dưới chế độ cộng sản Liên xô tại miền Trung-Ðông-Âu trở lại tự do và lấy lại chủ quyền quốc gia của mình, đang chạy theo chế độ Tư bản, một chế độ hướng về thuyết Duy vật và sống hưởng thụ, gây nên hố sâu giữa người nghèo và người giầu, con người không còn nhớ đến các giá trị cao siêu nữa. ÐTC nói:  "Ngày nay con người muốn đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa. Ngày nay con người đang tìm cách làm yên lặng tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, bằng cách làm cho Thiên Chúa trở nên "vắng  bóng" trong nền văn hóa và lương tâm của các dân tộc".

Sau đó, ÐTC nhắc đến hậu quả của "Mysterium iniquitatis" này:  nó gây nên sự sợ hãi, đau khổ. Rồi ngài đưa ra giải pháp: "Có thể chính vì cảnh thê thảm của thế kỷ XX, Thiên Chúa đã chọn chị Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn người Ba lan, để nhắc lại sứ điệp của Tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Thế giới ngày nay hơn lúc nào hết cần đến Tình thương của Thiên Chúa. Thế giới cần đến niềm hy vọng".

ÐTC không nói rõ, nhưng nhiều người hiểu rằng: Giáo hội Ba lan, ÐTC và Thánh Faustina Kowalska, người đã được Chúa chọn cách riêng, có trách nhiệm rao giảng và phổ biến "Sứ điệp của Lòng Thương xót" trên thế giới ngày nay, một thế giới đang phải sống trong lo sợ, thù ghét, báo thù, khủng bố, chiến tranh, nghèo khổ ...  Chỉ có Tình Yêu Thiên Chúa, chỉ có Lòng Thương xót vô biên của Người mới có thể xóa bỏ thù ghét, báo oán, lo sợ, khủng bố, chiến tranh và đem lại hòa bình, an vui, tình liên đối huynh đệ cho nhân loại đau khổ mà thôi.

Chính để phổ biến Lòng Thương xót của Thiên Chúa cho thế giới ngày nay, ÐTC đã trở về Balan để thánh hiến Ðền thờ dâng kính "Lòng  thương xót Thiên Chúa" được xây cất bên cạnh Tu viện của Thánh Faustina Kowalska, tông đồ của Lòng thương xót Thiên Chúa. Và cũng chính trong nhà thờ của các Nữ tu này, Ðức Karol Wojtyla, từ hồi là sinh viên và làm thợ,vẫn đến cầu nguyện tại đây. Và sau khi lên làm Giáo Hoàng, ngài đã viết Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng nhân từ", thông điệp thứ hai của Triều Giáo Hoàng, công bố năm 1980. Và cũng để phổ biến Lòng thương xót Thiên Chúa, Ðức Gioan Phaolô II đã quyết định: Mầu nhiệm của Lòng Thương xót Thiên Chúa được mừng vào Chúa nhật thứ hai Phục sinh. Và trước khi lên đường viếng thăm Ba lan, qua Sắc lệnh của Tòa Ân giải tối cao, ÐTC ban ơn đại xá cho các tín hữu viếng nhà nguyện nầy, trong ngày Chúa nhật kính Lòng Thương xót Chúa, với những điều kiện thường lệ:  xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.

 

(TÐK)

 


Back to Home Page