Một cuộc trở về khải hoàn
của Ðức Gioan Phaolô II tại Ba lan
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Một cuộc trở
về khải hoàn của Ðức Gioan Phaolô II tại Ba lan. Ý nghĩa sâu
xa của chuyến ra đi lần này.
(Radio Veritas
Asia - 16/08/2002) - Cách đây ba năm, sau chuyến viếng thăm lần
thứ bẩy (tháng 6 năm 1999) trong lễ nghi từ giã tại Cracovia,
ÐTC chào các người đồng hương "hẹn gặp lại". Cuộc gặp
lại này được thực hiện trong ba ngày từ 16 đến 19 tháng
8 năm 2002.
Lần này, theo
các dự tính của mọi người, sẽ
có đám đông biển người tuốn đến Cracovia để được đón
chào và nhất là được thấy Ðức Gioan Phaolô II
mà họ coi là "Vị anh hùng - Vị cứu tinh của Ðất nước
và Người con ưu tú nhất của Ba lan". Trong các chuyến viếng
thăm trước đây mỗi lần ÐTC cử hành thánh lễ tại Công
viên Blonie (của thành phố Cracovia) có khoảng 2 triệu người
tham dự. Lần này Ban tổ chức đã phân phát một triệu 200
ngàn vé dự thánh lễ. Ngoài ra khoảng nửa triệu nữa sẽ
tham dự thánh lễ tại các ngả đường kế bên Công viên,
qua các màn ảnh truyền hình cỡ lớn.
Theo cuộc thăm
dò dân ý mới đây, lần này sẽ có khoảng 5 triệu người
tuốn về Cracovia và Ðền Thánh Kalwaria (hai địa điểm được
viếng thăm), để được thấy Ðức Gioan Phaolô II. Những năm
trước đây, các bích báo mang hình ảnh
"Ðức Gioan Phaolô II như Maisen hùng mạnh hướng dẫn Dân
Ba lan ra khỏi ách nô lệ cộng sản". Lần này, hình ảnh của
ngài "như một người Cha, người Ông hiền từ, đầy tình âu
yếm đối với con cái, cháu chắt". Mọi người muốn được
thấy ngài, được gần gũi ngài, tốt hơn nữa, nếu được
bắt tay, hôn tay, nói một vài lời với ngài và lãnh phép
lành của ngài.
Cô Agata, một
thiếu nữ người Cracovia, hiện cư trú tại Ý, đã
nghỉ hè vào những ngày này tại Thành phố của Cô,
trong dịp ÐTC trở lại viếng thăm. Cô nói: "Tôi sợ có thể
đây là lần sau cùng, vì thế tôi không muốn bỏ mất cơ hội
hiếm có này".
Linh mục Adam
Boniecki, Giám đốc tuần báo Công giáo "Tygodnik Powszechny",
giải thích về con số tuốn đến Cracovia đông đảo hơn các lần
trước, bởi vì "Mọi người nghĩ rằng đây là chuyến trở
về để
"từ giã" và không
có người Ba lan nào, ---kể cả những người vô thần-- mà
lại không muốn tham dự bằng
cách nào đó vào các cuộc gặp gỡ với ÐTC". Cha viết thêm:
"ÐTC Wojtyla là sự hiện thân gây cảm động về những cái
gì là tốt lành và trung thực. Hy vọng của tôi là trong khi
được ở gần ngài, cả chúng tôi nữa người Ba lan, cảm
thấy mình gần gũi nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn".
Ðược đặc
phái viên nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" (Avvenie), số
ra ngày 15/08/2002, Lễ Ðức Mẹ lên trời, hỏi: "Ðây có phải
là cuộc trở về "từ giã quê hương" không?" ÐHY
Franciszek Macharski, TGM Cracovia, trả lời: "... Chuyến viếng thăm
sau cùng à? Người ta nói đến từ năm 1997. Rồi ngài trở
về năm 1999 và nay ngài lại đến một lần nữa và chúng tôi
hy vọng ngài còn trở lại nữa. Và dù sao, chúng tôi không
tin rằng: ngài sẽ ngưng không đi ra đến với thế giới nữa".
Ðược hỏi thêm: "Có báo viết: thậm chí ngài sẽ thôi không
làm Giáo Hoàng nữa và sẽ hưu tại Cracovia" - ÐHY trả lời:
"Thật phi lý. Ông nghĩ rằng Vị kế nghiệp Phêrô từ chối
không trở về Roma nữa à? Chỉ cần đọc lại
diễn văn Ðức Gioan Phaolô II đọc ngày hôm sau được
bầu làm Giáo Hoàng, khi ngài thuật lại Cuốn Tiểu thuyết
"Quo vadis". Mọi người hỏi Vị Giáo Hoàng tuổi tác và bệnh
tật này có ý đi đến đâu?
Câu trả lời ở đó: "Quo vadis, Domine? (Lạy Chúa, Chúa đi
đâu vậy). "Con sẽ theo Chúa và theo đến cùng".
Theo nhận xét
của nhiều người, lần này Ðức Gioan Phaolô II sẽ gặp một
Ba lan chia rẽ và không sáng sủa gì cả. Một Ba lan không còn
nhận ra được nữa, một
Ba lan không còn Solidarnosc, như lực lượng chính trị, bị xóa
bỏ hoàn toàn trong Quốc hội, sau
cuộc bầu cử tháng 9 năm 2001. Một Ba lan với một Tổng Thống
(Kwasniewski) và Thủ tướng (Miller) là cựu đảng viên cộng sản.
Cả hai cùng thuộc phe cải cách trong những năm 1980, nay cùng
đạp một chiếc xe, nhưng không luôn luôn hòa hợp với nhau,
trên con đường của Ðảng
Dân chủ xã hội, và chủ
trương đi đến hòa đồng Châu Âu.
Kinh tế tuy đã
tiến được một bước dài, nhưng nay xem ra thoái lui. Nạn thất
nghiệp lên tới khoảng 20%. Trước tình hình không sáng sủa
này, Bruxelles đòi nhiều điều kiện nơi BaLan, để được gia
nhập Liên hiệp Châu Âu.
Về phía Công
giáo, không thiếu những cẳng thẳng và chia rẽ. Người dân
Ba lan đang chờ đợi một lời hướng dẫn của Vị Giáo Hoàng
lão thành đầy kinh nghiệm này. Theo chương trình, ngài sẽ viếng
thăm các nơi của thời thơ ấu và trưởng thành của ngài;
nhưng chuyến viếng thăm không chỉ giới hạn vào "những kỷ
niệm êm đềm riêng tư xưa kia". Ngài vẫn còn giúp Ba lan như
xưa và Ba lan trong lúc này vẫn cần đến ngài. Vì thế người
dân Ba lan chờ đợi và sẽ dành cho ngài một cuộc tiếp đón
huy hoàng và thân mật hơn các lần trước đây.
Từ gần một
tuần nay, trên các đường phố của Cracovia cờ quốc gia Ba lan:
trắng đỏ, cùng với cờ Vatican: trắng-vàng và cờ trắng-xanh
da trời (kính Ðức Maria) bay phất phới trước gió, báo hiệu
một lễ linh đình của những ngày tới đây.
Thứ thư 14/08/2002,
một con đường mang tên "Ðường Gioan Phaolô II" đã
được khánh thành. Con đường này khởi sự từ con đường
Franciszkanska và chạy theo các nơi thân mật hơn cả của Ðức
Karol Wojtyla, từ khu phố Debnicki, nơi ngài di chuyển đến định cư
năm 1939, tới nhà thờ Thánh Floriano, nơi ngài thi hành thừa
tác vụ Linh mục.
Thứ bẩy (17/08/2002)
và Chúa nhật (18/08/2002) Ðức Gioan Phaolô II trở lại viếng
thăm các nơi ngài đã sống 58 năm. Ngài chỉ lưu lại có ít
ngày, nhưng là một chuyến viếng thăm gây nên nhiều xúc động
nơi người dân Cracovia. Các báo chí thi đua nhau xuất bản phần
phụ trương và cho đăng nhiều bài, với nhiều hình ảnh ý
nghĩa về Ðức Gioan Phaolô II. Các sách vở về Ðức Gioan
Phaolô II và về Thánh Nữ Faustina Kowalska, Vị tông đồ của Lòng
thương xót Chúa - đề tài của chuyến viếng thăm lần này -
bán chạy như "tôm tươi".
Nhật báo
Corriere della sera (15/08/2002) viết: "Ðây là chuyến trở về với
những kỷ niệm êm đềm xưa kia. Ðây là một lễ liên hoan
được bắt đầu từ thứ sáu (9/08/2002). Nhưng điểm chính yếu
và dấn thân hơn cả của chuyến ra đi này là "việc rao giảng
của Ðức Gioan Phaolô II trong suốt Triều Giáo Hoàng của ngài:
Lòng thương xót Thiên Chúa". Vì thế, thứ bẩy 17/08/2002, ngài
sẽ chủ tế thánh lễ thánh hiến Ðền thờ của Lòng thương
xót Thiên Chúa ở Lagiewniki, cách trung tâm Cracovia 10 cây số".
Ðức Giám mục
Piero Marini, Trưởng phòng cử hành các lễ nghi phụng vụ của
ÐTC, giải thích: "Con đường hướng dẫn cuôīc hành hương
lần này là "Mầu nhiệm của Lòng Thương xót Thiên Chúa: mầu
nhiệm này gợi lại một niềm hy vọng mạnh mẽ và cũng là
một lời kêu gọi minh chứng lòng thương xót". Ðức Giám
mục nhắc lại lời ÐTC đã viết trong Thông điệp "Dives in
misericordia" (Chúa giầu lòng thương xót), thông điệp thứ
hai của Triều Giáo Hoàng, công
bố năm 1980, sau Thông điệp thứ nhất: "Redemptor Hominis" (Ðấng
Cứu thế của nhân loại) năm
1979. "Lòng thương xót trở nên yếu tố cần thiết để tạo
nên các mối quan hệ với nhau giữa con người, trong tinh thần
tôn trọng sâu xa đối với những cái gì là nhân loại và
của tình huynh đệ với nhau" (số 14). Ðức Giám mục giải thích:
"Không phải tình cờ trong chuyến viếng thăm này được trình
bày nhiều tác phẩm vể lòng Thương xót Chúa, do Giáo hội Ba lan tổ chức". Ðây là chuyến
viếng thăm vắn hơn cả tại Ba lan. Ðề tài của chuyến viếng
thăm: "Thiên Chúa giầu lòng thương xót" và được chia làm
ba chặng rất ý nghĩa về thiêng liêng và mục vụ,
với ba buổi cử hành phụng vụ do ÐTC chủ tế. Thứ bẩy
17/08/2002, ÐTC chủ tọa lễ nghi Thánh hiến nhà thờ mới mang tước
hiệu "Lòng Thương xót Thiên Chúa ở Cracovia-Lagiewniki" - Chúa
nhật 18/08/2002, ÐTC chủ tế Thánh lễ tại công viên Blonie trước
Nhà thờ chính Tòa Cracovia - Thứ hai 19/08/2002, chặng sau cùng,
ÐTC viếng thăm Ðền Thánh Kalwaria". Ðức Giám mục kết thúc:
"Cả ba chặng này chủ ý cử hành và ca ngợi Thiên Chúa
là Ðấng Thánh và giầu lòng thương xót, để mời gọi mọi
người đến múc kín dồi dào nơi nguồn mạch vô tận của Lòng
Thương xót Chúa".
Nhật báo "Người đưa tin chiều" (Corriere della sera) viết như sau: "Tư tưởng về Lòng Thương xót Thiên Chúa đối với Ðức Gioan Phaolô II là "một lời chìa khóa", ngay từ đầu Triều Giáo Hoàng của ngài. Từ tư tưởng này ngài đi đến việc thúc đẩy tiến đến tình liên đới xã hội: Thiên Chúa đã thương xót con người - ÐTC lý luận trong các Thông điệp xã hội của ngài - Người kêu gọi con người phải thương xót lẫn nhau. Ðức Karol Wojtyla nhìn nơi "Lòng thương xót" khuôn mặt của Thiên Chúa có thể được trình bày cách tốt hơn cả đối với con người thời nay. Ngài coi sứ điệp của Lòng thương xót được phú thác cho một phụ nữ khiêm tôn Ba lan, Thánh Faustina Kowalska (1905-1938) giữa đệ nhất và đệ nhị thế chiến, mang ý nghĩa sâu xa. Trong ngày lễ Phong Hiển Thánh của Faustina, ngài nói: "Những đau khổ khủng khiếp cho chúng ta thấy" Sứ điệp của lòng thương xót cần thiết như thế nào!". Nhật báo kết luận: "Từ chuyến ra đi trong mến nhớ tại Quê hương, chúng ta cũng chờ đợi một sứ điệp nào đó của ÐTC về mối quan hệ giữa Tin Mừng và số phận của thế giới".
(TÐK)