Nhìn lại các chuyến viếng thăm

của Ðức Gioan Phaolô II tại Ba lan

trong 24 năm Triều Giáo Hoàng

(từ 1978 đến 2002)

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nhìn lại các chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ba lan trong 24 năm Triều Giáo Hoàng.

(Radio Veritas Asia - 15/08/2002) - Trong các nước trên thế giới đã được Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm, Ba lan là quốc gia được viếng thăm nhiều lần hơn cả. Chuyến viếng thăm trong những ngày từ 16 đến 19/08/2002 là chuyến viếng thăm Balan lần thứ tám của ÐTC Gioan Phaolô II. Việc ÐTC viếng thăm nhiều lần như vậy không gây nhạc nhiên cho ai cả, bởi vì Ba Lan là quê hương của ngài. Và chính nhờ các chuyến viếng thăm này, nhiều quan sát viên quốc tế , cả các nhà chính trị lỗi lạc trên thế giới, đều công nhận tình hình tại các nước Trung-Ðông-Âu dưới chế độ cộng sản đã thay đổi trong những năm từ 1989 đến 1991. Các quốc gia thuộc khối cộng sản Liên xô đã tan rã và trở thành các quốc gia độc lập và đầy đủ chủ quyền.

Ngoài Ba lan, Pháp là quốc gia được viếng thăm tới sáu lần. Ðối với ÐTC Gioan Phaolô II, Pháp giữ vai trò rất quan trọng và là một trong các quốc gia Châu Âu đã cung cấp cho Giáo hội hoàn cầu nhiều nhà truyền giáo và nhiều vị thánh thời danh. Nhưng Giáo hội Pháp bị tục hóa nhiều, cần phải trở về nguồn gốc Kitô của mình. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên tại Pháp năm 1980, giảng trong Thánh lễ tại sân bay cũ "Le Bourget" (ngoại ô Paris), ÐTC đặt câu hỏi này: "Hỡi nước Pháp, ngươi đã làm gì đối với Phép Rửa tội của ngươi?". Ai cũng biết rằng: Nước Pháp được tước hiệu là "Trưởng nữ của Giáo hội". Câu hỏi trên đây đáng suy nghĩ nhiều.

Không kể  Ba lan và Pháp, Mexicô cũng là quốc gia được ÐTC viếng thăm tới 5 lần. Lần cuối cùng sau Ngày QTGT tại Toronto. Mexico còn là quốc gia được Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm đầu tiên trong Triều Giáo Hoàng của ngài: tháng Giêng năm 1979,  chỉ ít tháng sau khi được bầu làm Vị Kế nghiệp Phêrô. Nhờ các chuyến viếng thăm này, tình hình chính trị tại Mexico đã hoàn toàn thay đổi: từ một chính quyền thù địch, bách hại Giáo hội Công giáo, đi đến một chính quyền có cảm tình và cộng tác.  ÐTC viếng thăm Mexico nhiều lần, bởi  vì Mexicô là quốc gia có con số Công giáo cao hơn cả tại Châu Mỹ: 92,5% và Mexico giữ một vai trò rất quan trọng trong việc tái rao giảng Tin Mừng tại Châu lục này. Hơn nữa Ðền thánh Ðức Mẹ Guadalupe của Mexico là điểm hành hương thu hút hằng năm trên 30 triệu người hành hương đến từ các nước Châu Mỹ. Guadalupe là trung tâm nuôi dưỡng lòng sùng đạo bình dân (rất thịnh hành nơi các  thổ dân) và đức tin Công giáo. Văn kiện Hậu-Thượng Hội Ðồng về Châu Mỹ đã được công bố tại Ðền Thánh này. Ðây là một cử chỉ mang ý nghĩa sâu xa: "phú thác công việc tái rao giảng Tin Mùng cho Ðức Mẹ Guadalupe, Ngôi Sáng đã hướng dẫn Châu lục này từ hơn năm thế kỷ nay".

Nhìn lại các chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ba lan. Ngài đã nói những gì với các người đồng hương của ngài?

(1) Trong chuyến viếng thăm thứ nhất (từ 6-đến 10/06/1979), được thực hiện sau 9 tháng làm Giáo Hoàng, diễn văn Ðức Gioan Phaolô II được coi là diễn văn lịch sử, như  "Phép Thêm sức của Quốc gia", (bởi vì Ba lan mới mừng kỷ niệm một ngàn năm Phép Rửa tội, một kỷ niệm đã được chuẩn bị trong 10 năm). Trong diễn văn này, Ðức Karol Wojtyla mời  gọi các người đồng hương của ngài "đừng li khai khỏi Chúa Kitô", đồng thời nhắc lại trách nhiệm dân sự của Quốc gia Ba lan, bằng việc kêu gọi trở về nguồn gốc Kitô của mình.

Các quan sát viên  quốc tế giải thích lời cảnh cáo này như một vụ tấn công khá rõ ràng chống lại chế độ cộng sản. Trái lại mục tiêu của ÐTC nhằm là chiều kích thiêng liêng và tôn giáo của con người, của dân tộc.

(2) Chuyến viếng thăm thứ hai (16-23/06/1983) đến vào lúc Ba lan bị đảo lộn. Sau cuộc đảo chính của Tướng Jaruzelski (theo chỉ thị của Ðiện Cẩm Linh) tháng 12 năm 1983, trên thực tế lệnh giới nghiêm được ban hành trong cả nước. Các phe chống đối đều bị đàn áp và bắt giam. Công đoàn Solidarnosc (thành lập năm 1980) bị đặt ngoài vòng pháp luật. Lech Walesa, lãnh tụ Công đoàn bị quản thúc tại gia. ÐTC đã có ý định đến Gdansk (Danzig, mạn bắc) để gặp lãnh tụ công đoàn; nhưng sau cùng ngài phải thay đổi lộ trình:  thay vì đi Gdansk, ngài đã đi Zakopane (mạn nam), trên miền núi Tatra.  Ðây là chuyến ra đi, xét về phương diện chính trị, mang nhiều viễn tượng. Khi ngài đến miền nam, dân chúng hoan hô, nhưng đồng thời họ cũng  đả đảo chế độ đàn áp. Tại Nowa Huta (thành phố kỹ nghệ do chế độ thiết lập năm 1949,  cách Krakow (Cracovia) chừng 10 cây số, ÐTC làm phép nhà thờ kính thánh Maximiliano Kolbe. Lúc còn là HY TGM Cracovia, chế độ không cho xây cất nhà thờ, nhưng hằng năm Ðêm Lễ Giáng sinh, ngài vẫn đến đây để cử hành thánh lễ ngoài trời cho dân chúng.

(3) Trong chuyến viếng thăm thứ ba (8-14/06/1987), tuy chế độ cộng sản vẫn cầm quyền, Ðức Gioan Phaolô II đã đến Gdansk gặp ông Lech Walesa, lãnh tụ Công đoàn Solidarnosc. Chuyến ra đi này mang nhiều ý nghĩa chính trị. Solidarnosc vẫn còn bị đặt ngoài pháp luật, nhưng luồng gió tự do thổi mạnh hơn lúc nào hết. Việc ÐTC cử hành thánh lễ ngay tại Gdansk, cái nôi của Solidarnosc, làm cho luồng gió này trở nên không thể ngăn chặn được nữa. Giảng trong thánh lễ, ÐTC đã dùng những lời lẽ rõ ràng như ban ngày: "Nhân danh của tương lai và của con người, cần phải hô lên lời này: Solidarnosc (tình liên đới). Sau đó, tại Tòa Giám mục Gdansk, ÐTC đã tiếp riêng ông Lech Walesa, lãnh tụ của Công đoàn đã bị giải tán.

(4) Chuyến viếng thăm thứ bốn (1-9/06/1991), được thực hiện ngay sau khi chế độ cộng sản Trung-Ðông-Âu sụp đổ và có thể là chuyến viếng thăm khó khăn hơn ba chuyến trước đây lúc chế độ  còn cầm quyền. Lúc này đây, Ðức Krol Wojtyla không còn phải lên tiếng chống đối chế độ độc tài, nhưng ngài nhìn thấy một thù địch nguy hiểm hơn: thuyết tục hóa, phát xuất bởi giải thích sai lầm về tự do. ÐTC căn dặn các người đồng hương, sau khi thoát ách nô lệ của chế độ cộng sản, đừng để mình rơi vào ách nô lệ của nền luân lý trụy lạc và của lạm dụng tự do. Ngài nhấn mạnh: "Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta, để chúng ta được tự do".

(4b) Cũng năm 1991 (từ 13-20/08/1991), ÐTC trở lại Ba lan một lần nữa để chủ tọa Ngày quốc tế giới trẻ, được tổ chức tại Czestochowa. Như vậy trong năm 1991 ngài trở về Ba lan hai lần và lần này coi như là chuyến viếng thăm thứ bốn. Trước Ðền thánh quốc gia kính Ðức Mẹ tại Czestochowa, Quan Thầy Ba lan, từng trăm ngàn thanh niên đến đây để cầu nguyện với Ngài. Ðây là lần thứ nhất các thanh niên thuộc khối Liên xô được đặt chân trên đất tự do và tham dự Ngày QTGT.

Nhưng cùng với việc mở biên giới, mọi người được tin về những rối loạn tại Moscowa và về việc truất phế ông Mikhail Gorbaciov (người đã có công "nhân đạo hóa" chế độ cộng sản tại Liên xô và mở một con đường mới với thế giới tự do".

Sau Ngày QTGT tại Czestochowa, ÐTC lên đường đi Budapest, viếng thăm Hungari. Ngoài Ba lan, Hungari là một trong các quốc gia đầu tiên thuộc khối Liên xô được ÐTC viếng thăm, sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ. (Tháng tư năm 1990, ÐTC đã viếng thăm Tiệp khắc, nhưng chỉ là chuyến viếng thăm chớp nhoáng và lúc đó Tiệp khắc vẫn còn là một nước, chưa chia thành hai).

Cũng nên  nhắc lại: Tuy sống dưới chế độ cộng sản, Hungari tương đối là quốc gia có một nền kinh tế khả quan hơn các nước khác. Số người công giáo tại đây cũng đông đảo, chiếm khoảng 70%. Hungari đã cùng với Ba lan và Cộng hòa Tchèque được gia nhập Khối Nato. Hungari cũng như Ba lan đã xin gia nhập Liên hiệp Châu Âu.

(5) Trong chuyến viếng thăm thứ năm (20-22/05/1995), tuy đến Ba lan, nhưng ÐTC nhằm Cộng hòa Tchèque. Lần này trong ba ngày ngài viếng thăm ba thành phố Ba lan giáp giới Cộng hòa Tchèque. Ngày 21/04/1990, Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm "chớp nhoáng" Tiệp khắc (lúc đó chưa chia thành hai nước). Viếng thăm ba thành phố giáp giới để chuẩn bị và chờ đợi đến lúc Praga  thủ đô cộng hòa Tchèque được hoàn toàn thoát khỏi những áp lực của cựu Liên xô. Lời ÐTC nói lên tại ba thành phố giáp giới nhằm an ủi  và khuyến khích đối với một quốc gia đang chờ đợi và hy vọng một tương lai bình thản hơn, sau những hậu quả tai hại do một chế độ độc tài để lại.

(6) Chuyến viếng thăm thứ sáu (31/05 đến 10/06/1997) là chuyến viếng thăm nhằm mục đích trình bày những gương mẫu mới về đời sống thánh thiện cho các tín hữu Công giáo. Lần này ngài đến để chủ tọa lễ nghi bế mạc Ðại Hội Thánh Thể quốc tế thứ 46 tại Thành phố Wroclaw (mạn Tây-nam Ba lan). Trong dịp này Ba lan cũng mừng kỷ niệm một ngàn năm tử đạo của Thánh Adalberto tại Gniezno và 600 năm thành lập Phân Khoa Thần học của Ðại học Jagellonica ở Cracovia. Cũng trong chuyến viếng thăm này, ÐTC tôn phong lên bậc Chân phước các Ðầy tớù Chúa: Bernardina Maria Jablonska và Maria Karlowaska, và phong lên bậc Hiển Thánh  Chân phước Edwige, Hoàng hậu Ba lan và Chân phước Jan da Dukla.

(7) Chuyến viếng thăm thứ bẩy (5-17/06/1999) là chuyến viếng thăm lâu dài nhất và gồm nhiều địa điểm hơn cả. Cũng là chuyến viếng thăm có tính cách lịch sử, bởi vì đây là lần thứ nhất một Vị Giáo Hoàng đọc diễn văn tại Quốc hội Ba lan trong phiên họp chung của Hạ và Thượng viện tại thủ đô Warszawa. Diễn văn của Ðức Gioan Phaolô II đã được vỗ tay nhiều lần và sau cùng tất cả các Dân biểu và Nghị sĩ đều đứng dậy vỗ tay trong 10 phút để hoan hô ÐTC. Lần này người dân Ba lan coi ngài thực sự là "Vị Cứu tinh đất nước" và thêm lòng tôn trọng, mộ mến ngài nhiều hơn nữa.

Lần này ngài cũng trở lại viếng thăm thành phố Wadowice, sinh quán của ngài và tại đây ngài đối thoại thân mật với người đồng hương và gợi lại các kỷ niệm xưa kia. Ngài cũng viếng thăm "ghetto" Do thái và những nơi bách hại của chế độ Ðức Quốc xã.

Cũng trong chuyến viếng thăm này, ÐTC tôn phong Linh mục Stefan Wincenty Frelichowski và 108 Vị Tử đạo trong đệ nhị thế chiến và hai đầy tớ khác: Nữ tu Regina Protmann, Edmond Bojanowski lên bậc Chân phước và Nữ Chân phước Cunegonda lên bậc Hiển thánh.

(8) Chuyến viếng thăm lần thứ 8 (16-19/08/2002). Ðức Thánh Cha chỉ viếng thăm Tổng Giáo Phận Cracovia mà thôi, giáo phận của ngài trước khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 16/10/1978. Trong lần viếng thăm này, ÐTC sẽ chủ tế Thánh Lễ Phong Chân Phước cho bốn Ðầy Tớ Chúa: (1) Ðức TGM Sigismondo Felice Felinski  (1822-1895) - (2) Linh mục Jan Balicki (1869-1948) - (3) Linh mục Jan Beyzyrn  (1850-1912) và (4) Nữ tu Sanzia Szymkowiak (1910-1942).

 


Back to Home Page