Vài hàng giới thiệu Balan

nhân chuyến viếng thăm quê hương

lần thứ tám của ÐTC Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài hàng giới thiệu Balan, nhân chuyến viếng thăm quê hương lần thứ tám của ÐTC Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia - 14/08/2002) - Hai tuần sau khi kết thúc chuyến viếng thăm quốc tế lần thứ  97 tại Toronto, Guatemala và Mêhicô, thì vào lúc 16.15 ngày thứ sáu, 16 tháng 8/2002,   ÐTC Gioan Phaolô II lại lên đường  về thăm quê hương Ba lan, trong ba ngày từ 16 đến 19/08/2002. Ðây là chuyến viếng thăm quốc tế thứ 98, và là chuyến viếng thăm thứ tám tại Ba lan.

(1) Lần thứ nhất, ÐTC về thăn quê hương BaLan, là vào tháng 6 năm 1979.

(2) Lần thứ hai: cũng tháng 6 năm 1983.

(3) Lần thứ ba: cũng tháng 6 năm 1987. Trong ba lần viếng thăm này, Ba lan còn dưới chế độ cộng sản.

(4) Lần thứ bốn:  cũng tháng 6 năm 1991 (ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ).

(4b) Sau hai tháng, ÐTC trở lại Ba lan, nhưng chỉ để chủ tọa Ngày QTGT được tổ chức tại Ðền Thánh Czestochowa,  vào tháng 8 năm 1991. Như vậy trong năm 1991 ngài trở về Ba lan hai lần và lần này cũng coi như là chuyến viếng thăm thứ bốn. Ðây là lần đầu tiên, Ngày QTGT được tổ chức tại miền Ðông Âu, vừa thoát chế độ cộng sản và cũng là lần đầu tiên  các thanh niên thuộc các quốc gia Trung-Ðông-Âu có thể tham dự, kể cả thanh niên Nga.

(5) Lần thứ năm (20-22/05/1995), tuy ÐTC đến Ba lan, nhưng ÐTC nhằm Cộng hòa Tchèque. Lần này trong ba ngày, ngài viếng thăm ba thành phố Ba lan giáp giới Cộng hòa Tchèque.

(6) Lần thứ sáu, ÐTC về thăm BaLan là  cuối tháng 5 sang tháng sáu năm 1997.

(7) Lần thứ bẩy: cũng tháng sáu năm 1999 (đây là chuyến viếng thăm dài nhất tại Ba lan: 12 ngày).

(8) Và lần này, lần thứ tám, từ ngày 16 đến 19/08/2002, ÐTC chỉ viếng thăm Tổng Giáo phận Cracovia mà thôi,  giáo phận của ngài trước khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 16/10/1978.

Chương trình ba ngày viếng thăm như sau:

- Thứ  bảy 17 tháng 8/2002,  ÐTC sẽ chủ tế thánh lễ thánh hiến Ðền thờ "Lòng thương xót của Chúa",

- và Chúa nhật (18/08/2002) Ngài chủ tế Thánh lễ Phong Chân phước cho bốn Ðầy tớ Chúa: (1) Ðức TGM Sigismondo Felice Felinski  (1822-1895) - (2) Linh mục Jan Balicki (1869-1948) - (3) Linh mục Jan Beyzyrn  (1850-1912) và (4) Nữ tu Sanzia Szymkowiak (1910-1942).

- Thứ hai (19/08/2002): ÐTC chủ tế Thánh lễ kỷ niệm 400 năm thánh hiến Ðền Thánh Kalwaria Zebrzydowska. Sau đó vào lúc 17.30, sau lễ nghi lễ từ giã tại phi cảng quốc tế Krakow/Balice , ÐTC lên đường trở về Roma.

Ba-lan là một trong các quốc gia thuộc Trung-Ðông-Âu. Diện tích chiếm 312,685 cây số vuông (nhỏ hơn Việt nam chút ít) - Dân số gồm 38 triệu 650 ngàn (theo thống kê năm 2000), trong đó có  37 triệu 2 ngàn Công giáo (95,7%). Giáo hội Công giáo Ba lan được chia thành 43 giáo phận, dưới sự hướng dẫn của  119 giám mục, và sự cộng tác của 27,458 linh mục (21,280 linh mục giáo phận và 6,178 linh mục dòng tu) - 23,945 Nữ tu - 1,297 Tu sĩ không có chức linh mục - 1,006 thành viên của các Tu hội đời - 14,776 giáo lý viên và 6,789 chủng sinh thuộc hai ban Thần học và Triết học.

Theo thống kê năm 1995 và năm 2000 (5 năm sau), con số nữ tu và chủng sinh giảm ít nhiều, nhưng số linh mục giáo phận cũng như linh mục dòng tu - thành viên của các Tu hội đời và nhất là số giáo lý viên gia tăng rất đáng kể. Ngoài ra,  con số các trung tâm Giáo dục và bác ái, xã hội cũng gia tăng nhanh chóng.

Việc gia tăng này minh chứng rằng  lòng sùng đạo của dân Ba lan không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Chủ nghĩa cộng sản vô thần trước đây và bởi Chủ Thuyết tiêu thụ và đời sống Tây phương, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Một tiến bộ cụ thể về kinh tế: Dưới chế độ cộng sản, các xe du lịch chở các đoàn hành hương đến Roma hằng tuần, đều là loại xe "Orbis" cũ kỹ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ được ít năm, các loại xe này không còn xuất hiện trên các ngả đường Roma nữa và được thay thế bằng các loại xe du lịch tối tân. Ba lan hiện nay là một trong các quốc gia, trước đây thuộc Khối Cộng sản Liên xô,  tiến bộ nhiều về kinh tế. Năm 1999 Ba lan đã được gia nhập khối NATO (Phòng thủ Bắc đại Tây dương, được thành lập để đối phó với Khối quân sự Warzawa, do Liên xô cầm đầu) và hiện nay Ba lan là một trong các quốc gia đã đệ đơn xin gia nhập nhập Liên hiệp Châu Âu.

Tổng thống Aleksander Kwasniewski, trước đây là thành viên của Ðảng cộng sản Ba lan và năm 1985, ông giữ chức Bộ trưởng Thanh niên. Năm 1990, sau khi giải tán Ðảng cộng sản Ba lan, ông lập Ðảng Dân chủ xã hội và giữ chức Chủ tịch Ðảng này tới năm 1995, nghĩa là cho tới lúc được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Ba lan. Năm (05) năm sau,  ngày 8 tháng 10 năm 2000, ông được tái cử  Tổng Thống nhiệm kỳ  hai. Ông đã gặp ÐTC Gioan Phaolô II nhiều lần: tại Vatican (7/04/1997),  tại Wroclaw (31/05, cũng năm 1997), tại Vatican  (18/11/1998), trong dịp mừng kỷ niệm 20 năm Triều Giáo Hoàng của ngài, sau cùng tại Warszawa (11/06/1999), trong chuyến viếng thăm lần thứ bẩy của ÐTC tại Ba lan.

Sau đệ nhị thế chiến (1939-1945), Ba lan bị mất hết những yếu tố dân chủ và thân Tây phương, trở thành quốc gia cộng sản (năm 1947) và là một quốc gia quan trọng trong Khối Liên xô. Năm 1980, với việc thành lập Công đoàn Solidarnosc, do ông Lech Walesa lãnh đạo, tình hình Ba lan bắt đầu thay đổi và đưa đến cuộc toàn thắng trong đợt bầu cử tự do năm 1989.

Các chính phủ theo đường lối chính trị của Solidarnosc, vì thiếu  kinh nghiệm và tham nhũng, đã bị thất bại trong cuộc bầu cử năm 1995. Những  cựu đảng viên cộng sản (nay đổi tên là Ðảng dân chủ xã hội)  trở lại cầm quyền;  ông Aleksander Kwasniewski được bầu làm Tổng thống.

Căn cứ vào Hiến Pháp mới được cuộc trưng cầu dân ý chấp nhận năm 1997,  Tổng thống Cộng hòa Ba lan được chọn theo lối phổ thông đầu phiếu, với nhiệm kỳ 5 năm và chỉ được tái cử một lần mà thôi.

Trái lại,  Hạ viện (Sejim) gồm 460 đại biểu và Thượng viện (100 ghế) được bầu lại cứ bốn năm một lần.

Như chúng tôi vừa nhắc lại trên đây: lần này, ÐTC chỉ viếng thăm Tổng giáo phận Cracovia (Krakow) mà thôi. Giáo phận này được thành lập vào thế kỷ thứ X, nhưng chỉ được cất nhắc lên Tổng giáo phận đứng đầu Giáo tỉnh ngày 28/10/1925. Giáo phận Cracovia rộng 5,730 cây số vuông với dân số 1 triệu 660 ngàn, trong đó có 1 triệu 313 ngàn Công giáo (97%), được chia thành 400 giáo xứ và 16 điểm truyền giáo.

Nhân sự mục vụ và truyền giáo, nếu sánh với nhiều giáo phận khác, có thể nói thực là dồi dào: 1,064 linh mục giáo phận và 907 linh mục dòng tu - 1,880 Tu sĩ không có chức linh mục - 2,689 Nữ tu - 120 chủng sinh Ban Thần và Triết học - 82 viện giáo dục - 158 viện từ thiện bác ái - Trong năm vừa qua có 17,735 người lãnh Phép Rửa tội.

Vị chủ chăn Tổng giáo phận hiện nay là ÐHY Franciszek Macharski (75 tuổi)  thụ phong linh mục năm 1950 - được bổ nhiệm làm TGM Cracovia 29/12/1978 và được tấn phong 6 tháng Giêng năm 1979. Thăng Hồng Y 30/06/1979. ÐHY TGM Cracovia có hai vị giám mục phụ tá.

Thành phố Cracovia trước đây là thủ đô của Ba lan. Năm 1611, thủ đô được chuyển về Warszawa. Sau Ðại học Praga, Ðại học Jaghellonica của Cracovia là đại học nổi tiếng và cổ thời nhất ở Châu Âu. Ngoài Ðại học, Cracovia còn có 14 Học viện, với 85 ngàn sinh viên và 12 đại chủng viện (một của Tổng giáo phận và 11 của các Dòng Tu). Cracovia còn hãnh diện về con số các Bảo Tàng viện (30), hằng năm có khoảng 2 triệu du khách viếng thăm. Năm 2000 Cracovia trở nên Thành phố của Văn hóa và đã đón tiếp nhiều cuộc gặp gỡ văn hóa quốc tế. Cùng với Warzawa (thủ đô mới) Cracovia (Krakow) có con số các nhân vật  nổi tiếng nhất của Ba lan về Văn hóa và về Khoa học. Cracovia cũng là thành phố kỹ nghệ về hóa chất, về kim khí, về thực phẩm, về ấn  loát và về y phục... Năm 1949, cách Cracovia 10 cây số, chế độ cộng sản cho lập "Nowa Huta", khu kỹ nghệ, như "thành phố xã hội và vô sản", để chống lại với Cracovia "thành phố bảo thủ và giáo sĩ ". Dù đây là thành phố xã hội, vô sản, nhưng hằng năm  vào Ðêm Lễ Giáng sinh, ÐHY Karol Wojtyla vẫn đến đây cử hành thánh lễ ngoài trời giá lạnh (vì chế độ không cho xây cất nhà thờ) cho anh chị em thợ thuyền. Tuy rất khó chịu, nhưng chế độ cộng sản BaLan lúc đó không dám chống đối, hoặc tìm cách ngăn cản.Tại nhiều quốc gia cộng sản-- như Cuba, Hungari, Liên xô--- chế độ không nhìn nhận lễ Giáng sinh, nhưng tại Ba lan lễ nầy không bao giờ bị bãi bỏ, cũng như Lễ Mình và Máu Thánh Chúa. Tuy theo cộng sản, nhiều người dân Ba lan vẫn là Công giáo và quốc gia Ba lan vẫn là quốc gia Công giáo (95,7%) từ hơn một ngàn năm nay. Dù sống dưới chế độ cộng sản hơn nửa thế kỷ, Ba lan vẫn giữ được đức tin và các truyền thống tôn giáo của mình  "Polonia semper fidelis", phần lớn nhờ vào hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ đoàn kết, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và cương quyết của ÐHY Stefan Wyszynski, TGM Warszawa, Giáo chủ Ba lan và ÐHY Karol Wojtyla, TGM Cracovia.

 


Back to Home Page