Tổng Thống Vladimir Putin

trả lời thư ÐTC Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tổng Thống Vladimir Putin trả lời thư ÐTC Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia - 12/08/2002) - Theo nguồn tin ngoại giao, sau ba tháng, Tổng Thống Nga, ông Vladimir Putin, đã phúc đáp bức thư Ðức Gioan Phaolô II đã gửi cho ông từ mồng 8 tháng 5 năm 2002, để xin Tổng thống can thiệp về vụ trục xuất Ðức Giám mục Jerzy Mazur và linh mục Stephano Caprio,  tháng tư năm 2002. Vẫn theo nguồn tin ngoại giao, Tổng thống minh xác rằng: " Vụ rút lại chiếu khán đối với Ðức Giám mục Mazur và Linh mục Caprio, không phải là thành quả của một chiến dịch chống công giáo; trái lại đây chỉ là những biện pháp "thông thường" của một chủ quyền quốc gia đối với từng công dân ngoại quốc trên đất nước Nga".

Ngoài hai vụ trục xuất Ðức Giám mục và linh mục trên đây, hiện nay một linh mục khác, Cha Stanislaw Kania, người Ba lan, cũng sắp phải cắp gói lên đường ra đi khỏi lãnh thổ Nga. Lại một lần nữa, nhà cầm quyền Nga không đưa ra lời giải thích nào về lý do,  mà chỉ nhất định "không gia hạn giấy cư trú".

Bình luận về vụ Cha Stanislaw Kania, Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, TGM giáo phận Moscowa, tuyên bố: "Ðây là một bước rất trầm trọng. Việc không gia hạn giấy phép cư trú cho Linh mục Kania chỉ là một sự kiện xác nhận một tình trạng khó khăn, trong đó chúng tôi bị cản trở thi hành công việc của chúng tôi".

Trong những tuần trước đây, linh mục Stanislaw Kania, thuộc Dòng Ngôi Lời, như Ðức Giám mục Mazur, đã xin phép đi Bielorussia và Kazakhstan. Cả hai quốc gia này cũng theo đường lối của Ðiện  Cẩm Linh, đều bác bỏ đơn xin của linh mục Ba lan, 30 tuổi này. Với những hành động như vậy, mọi người đều nghĩ rằng: chính sách chống Giáo hội Công giáo xưa kia dưới chế độ cộng sản Liên xô,  rất có thể trở lại và trong thời gian không xa nữa.

Về việc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo tại Nga và Tòa Giáo chủ Chính thống, vẫn có những dấu hiệu tương phản nhau. Tòa Giáo chủ Moscowa, do Ðức Alexis đệ nhị lãnh đạo, từ trước tới nay  vẫn chống đối chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Moscowa. Bản tin của Văn phòng Ngoại vụ của Tòa Giáo chủ, xác nhận một lần nữa tính cách không thay đổi trong đường lối do Giáo hội Công gíao chủ trương đối với người dân Chính thống tại Nga và tại  các quốc gia thuộc Liên Bang Nga. Việc xác nhận này dựa trên  bức thư của Ðức TGM Kondrusiewicz trả lời từng điểm cho những tố cáo gắt gao của Ðức TGM chính thống Kirill,  vị có trách nhiệm về ngoại vụ của Giáo hội Chính thống và là nhân vật tín nhiệm của Giáo chủ Alexis đệ nhị.

TGM Chính thống thực ra đã gửi cho ÐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, một bản báo cáo về  "những hoạt động bị chính thống coi như việc chiêu mộ của các tổ chức Công giáo tại Nga".

Hồ sơ này chẳng qua chỉ là bản phúc đáp gay gắt đối với bản tin do Ðức TGM Công giáo Kondrusiewicz loan đi ngày 13 tháng 2 năm 2002. Chủ tịch HÐGM Công giáo Nga tìm cách trấn an những phản ứng gay gắt của Tòa Giáo chủ trước việc thiết lập bốn giáo phận Công giáo tại Nga: Moscowa, Saratov, Novosibirsk và Irkutsk. Dù có những dấu hiệu gây lo lắng, nhưng Ðức TGM vẫn tỏ ra lạc quan. Ngài tuyên bố: "Nếu chúng ta  cứ tiếp tục viết cho nhau, giải thích cho nhau, điều này có nghĩa là vẫn còn khoảng cách cho việc đối thoại".

Ðức TGM nói lên với tư cách là đại diện của một Giáo hội phục hưng,  sau sự tan rã của Khối Liên xô, một Giáo hội, giữa những tàn phá đổ nát, và không ai dám nghĩ rằng vẫn còn có những tín hữu Công giáo sốt sắng, giữ vững đức tin trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn như vậy".

Gợi lại cuộc tranh luận sôi nổi trong lúc này là việc can thiệp của Linh mục Chính thống Vsevelod Chaplin, phó trách nhiệm về Ngoại vụ, do TGM Kirill cầm dầu. Ông này viết trên "Rossiskay Gazeta" số ra ngày 5/07/2002 rằng: "Việc thiết lập bốn giáo phận Công giáo tại Nga "sánh như một chiến tranh công khai".  Những lời gay gắt của ông không cho phép nghĩ rằng "sau một cơn gió bão, mặt biển trở lại phẳng lặng".  Chaplin nhấn mạnh: "Các giáo hội của chúng ta không phải như  hai hãng sản xuất cạnh tranh nhau thị trường,  nhưng như hai quốc gia liên minh" (trong chiến tranh). Dù đã có những thanh minh trong sứ điệp của Ðức TGM Kondrusiewicz về những điều mà trong ngôn ngữ khôn ngoan và tế nhị ngoại giao, ngài gọi là "không chính xác".

Nhưng dù sao - theo Ðức TGM Công giáo - vẫn có hy vọng "như đã xẩy ra tại nhiều nơi trong nước chúng ta. Chúng ta có thể cộng tác với nhau trong tình liên đới". Chính linh mục Chaplin công nhận rằng: "Việc cộng tác với Giáo hội Công giáo là điều hợp lý cần phải làm. Nhưng những sáng kiến này phải có tính cách "không thiên tư". Ông muốn nói trong ý nghĩa này: "Nếu các người Công giáo, thí dụ, lo lắng thực sự đến các trẻ em mồ côi, tại sao lại không đưa các em đến các trung tâm chính thống? "Nếu các người Công giáo đã không làm, Chaplin lý luận là    họ muốn giáo huấn các em này theo đạo Công giáo". Ông kết luận: "Ðây không phải là một chứng cớ  rõ ràng của việc chiêu mộ sao?".

Thế nhưng "Tại sao các tín hữu Chính thống không lo lắng đi tìm các em mồ côi hay trẻ em "bụi đời" đem về trung tâm của mình, để giáo huấn các em theo Chính thống giáo, lại ngồi nhà chờ đợi các người Công giáo đi tìm và đem về trung tâm Chính thống, trong lúc người Công giáo cũng có các trung tâm của mình? Ðứng trước những tranh chấp, căng thẳng và lý luận vớ vẫn,  thì việc tiếp tục hy vọng vào một đối thoại dựa trên "khôn ngoan và nhẫn nại"  xem ra ra một lần nữa là một hành động của đức tin: tin vào  quyển năng của Ðấng đã cầu nguyện với Chúa Cha trước cuộc Tử nạn: "Xin cho họ trở nên một". Chính hành động đức tin này đã đã giúp người Công giáo kiên trì  trong thời gian lâu dài hơn 70 năm dưới chế độ độc tài cộng sản Liên xô.

Nhật báo Công giáo Avvenire số ra ngày Chúa nhật 11/08/2002, loan tin: Tại Moscowa, một đạo luật giới hạn tự do tôn giáo đang được nghiên cứu. Luật của Nga về tự do tôn giáo, tự do lương tâm và về các tổ chức tôn giáo công bố năm 1997 đã được dùng như dụng cụ để giới hạn các hoạt động của các nhóm và các tổ chức tôn giáo.

Và Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Hiện nay Quốc hội Nga (Duma) đang thảo luận về việc có nên "duyệt lại luật này và cả  việc muốn áp dụng  chính sách kỳ thị mạnh hơn". Nhưng người ta đặt câu hỏi này: lập trường của nhà cầm quyền biểu lộ tâm tình của người dân không? Một sự kiện đáng phải suy tư: Theo cuộc thăm dò dân ý thực hiện sau việc cất nhắc bốn giáo hạt giám quản  tông tòa lên giáo phận chính thức - gây phản ứng rất gay gắt về phía Chính thống - có 75% người dân Nga ủng hộ chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II . Sự tôn trọng người dân Nga đối với người Công giáo tại Nga được mọi người biết rõ, kể cả "Intelligencija" của Nhà nước. Nhật báo Avvenire kết luận: nhiều lúc cấp lãnh đạo chính trị và tôn giáo (Chính thống) không có cái nhìn sâu rộng và sống xa xã hội Nga, xã hội này không còn là một xã hội 10 năm trước đây và xã hội này không thể trở lại quá khứ, và sống trong ghetto đóng kín.

 


Back to Home Page