Bản tuyên ngôn chung
của các đại diện tôn giáo
tham dự cuộc gặp gỡ lịch sử tại Assisi
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC gửi thư riêng của ngài và Bản tuyên ngôn chung của các đại diện tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ lịch sử tại Assisi cho 60 vị lãnh đạo quốc gia.
Ngày 24 tháng
2 năm 2002, sau đúng một tháng của Ngày cầu nguyện cho hòa bình
tại Assisi (24/01/2002), ÐTC gửi một bức thư riêng và Bản Tuyên
ngôn chung về các dấn thân của đại diện các tôn giáo cho
60 vị Lãnh đạo của 60 quốc gia. Bản Tuyên ngôn chung này
được gọi là "Thập giới"
(vì gồm 10 cam đoan) của cuộc gặp gỡ lịch sử tại Assisi và
chỉ được gửi tới 60 vị
lãnh đạo quốc gia có đại diện tham dự Ngày cầu nguyện tại
Assisi ngày 24 tháng Giêng năm 2002. Trong bức thư
Ðức Gioan Phaolô II quả quyết rằng:
các vị tham dự cuộc gặp gỡ tại Assisi trong lúc này hơn
lúc nào hết được linh động bởi một xác tín chung này:
nhân loại phải lựa chọn giữa "tình yêu thương và sự
thù ghét, vì chỉ tình yêu thương biết xây dựng và sự thù
ghét chỉ phá hủy mà thôi". Và đây là tổng hợp của sứ
điệp các vị lãnh đạo tôn giáo họp nhau tại Assisi muốn gửi
cho thế giới. Và trong những ngày này, Ðức Gioan Phaolô II
đã muốn gửi riêng cho 60 vị lãnh đạo quốc gia đã cử đại
diện đến Assisi, Thành phố của Thánh Phanxicô.
Trong bài thời
sự nầy, chúng tôi xin thuật lại bức thư của của ÐTC và
cùng với bức thư, bản dịch nguyên văn Bản
Tuyên ngôn chung của các đại diện tôn giáo, cũng gọi
là "Thập giới của Assisi".
Bức thư của
ÐTC được ký ngày 24 tháng 2 năm 2002, đúng một tháng sau
cuộc gặp gỡ lịch sử tại Asissi (24/01/2002), nhưng được công
bố ngày 05 tháng 3 năm 2002. Thập giới là một bản văn hoàn
toàn phù hợp trong lúc này,
nếu chúng ta nhìn vào những biến cố thê thảm xẩy ra hằng
ngày tại Thánh địa giữa Do thái và Palestine từ hơn một năm
nay và càng ngày càng trở nên nguy hiểm. Tình trạng nguy ngập
này đã thúc đẩy ÐTC, trong giờ đọc kinh Truyền Tin Chúa nhật
3/03/2002, lên tiếng một lần nữa "yêu cầu đình chiến tức
khắc và hãy lắng nghe tiếng nói của lý trí".
Cùng với bức
thư, ÐTC gửi theo cả bản được gọi là "Thập
giới của Assisi". Ngài ước mong rằng: "10 dốc quyết
của Bản tuyên ngôn chung này có thể hướng dẫn các hoạt
động chính trị và xã hội" của mỗi chính phủ. Dĩ nhiên Bản
Thập giới này là thành quả của "ước muốn thành thực"
của những con người nam nữ,
được hướng dẫn bởi tín ngưỡng tôn giáo sâu xa của
mình, "cùng nhau hoạt động
cho sự hòa thuận, cho việc tìm kiếm chung về một tiến bộ thực
sự và về hòa bình của cả gia đình nhân loại".
ÐTC giải thích
thêm rằng: Trong Bản tuyên ngôn chung tại Assisi rất dễ
dàng khám phá ra ước muốn thành thực của các đại
diện tôn giáo, nhất là khi các vị xác nhận rằng: "bạo lực
và khủng bố trái nghịch hẳn với tinh thần tôn giáo chân chính".
Và vì thế các vị gia tăng nỗ lực trong "việc cổ võ nền
văn hóa về đối thoại và tha thứ cho nhau những lầm lỗi
trong quá khứ, dấn thân chiến đấu chống lại cảnh cùng cực
và loại ra ngoài lề xã hội, dấn
thân không thụ động trước bạo lực và sự dữ, dấn thân
khuyến khích mọi sáng kiến nhằm cổ võ tình hữu nghị và liên
đới giữa các dân tộc".
Ðức Gioan
Phaolô II viết: "Tôi đã công nhận rằng các vị tham dự cuộc
gặp gỡ, trong lúc này hơn lúc nào hết, được linh hoạt bởi
một xác tín chung này: nhân loại phải lựa chọn trong hai sự:
tình yêu thương và sự thù ghét". Rồi ÐTC
thêm ngay: "10 điểm của Thập giới có giá trị như một
sự lựa chọn rõ ràng, bởi vì mọi người tham dự xác tín
rằng: nếu sự thù ghét phá hủy, tiêu diệt, thì trái lại tình
yêu thương biết xây dựng".
Vì thế, trong
phần cuối bức thư gửi cho 60 vị lãnh đạo quốc gia,
ÐTC ước mong rằng: "sự dấn thân và tinh thần của
Assisi dẫn đưa mọi người thiện chí đến việc tìm kiếm chân
lý, công bình, tự do và tình yêu thương, để mọi người
được hưởng các quyền bất khả vi phạm của mình
và để mỗi một dân tộc được hưởng hòa bình". Rồi
ÐTC kết thúc như sau: "Trong dấn thân này người ta sẽ thấy
Giáo hội công giáo luôn luôn đứng hàng đầu, để việc đối
thoại thành thực, việc tha
thứ cho nhau và việc hòa thuận với nhau... mở ra một con
đường mới cho mọi người trong ngàn năm thứ ba này".
Những dấn thân
và ước mong trên đây, Chúa nhật 3/03/2002, trong giờ đọc
Kinh Truyền Tin, Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc lại cho các vị
trách nhiệm về đợt sóng mới của đổ máu, chết chóc tại
Thánh địa. ÐTC nói: "Tôi đau đớn sâu xa về những tin mới
nhất nhận được từ Giêrusalem".
"Bạo lực, chết chóc và trả đũa... chỉ có thể thúc
đẩy nhiều hơn nữa người dân Do thái cũng như người
Palestine đi đến chỗ thất
vọng và thù ghét. Cần phải đình chiến tức khắc và cùng
với tinh thần nhân đạo và tôn trọng luật lệ quốc tế, làm
cho tiếng súng yên đi và làm cho tiếng nói của lý trí
được nghe theo".
Sau đây là bản
dịch nguyên văn Bản Tuyên Ngôn Chung Assisi,
cũng gọi là "Thập giới của Assisi".
1
- Chúng tôi cam đoan tuyên xưng xác tín cương quyết của chúng
tôi là bạo lực và khủng bố trái nghịch hẳn với tinh thần
tôn giáo đích thực và, trong lúc lên án mọi việc xử dụng
bạo lực và chiến tranh nhân danh Thiên Chúa hoặc nhân danh tôn
giáo, chúng tôi cam đoan làm tất cả những gì có thể để
loại trừ tận gốc rễ các căn cớ của khủng bố.
2
- Chúng tôi cam đoan giáo dục con người biết tôn kính và tôn
trọng nhau, để có thể đạt tới một cuộc chung sống hòa bình
và liên đới giữa các thành viên của các chủng tộc, văn
hóa và tôn giáo khác nhau.
3
- Chúng tôi cam đoan cổ võ nền văn hóa của đối thoại, để
phát triển sự hiểu biết và tín nhiệm nhau giữa cá nhân và
các dân tộc, bởi vì đây là những điều kiện của một nền
hòa bình chân chính.
4
- Chúng tôi cam đoan bênh vực quyền của mỗi người
có một cuộc đời xứng đáng, phù hợp với căn cước
văn hóa của mình và xây dựng cách hoàn toàn tự do một
gia đình, thực sự là gia đình riêng của mình.
5
- Chúng tôi cam đoan đối thoại cách thành thực và nhẫn nại,
không phải bằng việc coi những gì chia rẽ chúng tôi như một
bức tường không thể vượt qua được, nhưng trái lại bằng
việc nhận biết rằng việc đối chiếu với những khác biệt
của người khác có thể trở nên cơ hội của một việc hiểu
biết nhau hơn.
6
- Chúng tôi cam đoan tha thứ cho nhau về những sai lầm và những
thành kiến của quá khứ và của hiện tại và chúng tôi nâng
đỡ nhau trong nỗ lực chung để thắng tính ích kỷ và lạm dụng,
thù ghét và bạo lực và
để học biết từ quá khứ là hòa bình mà không có công
bằng, thì không phải là hòa
bình đích thực.
7
- Chúng tôi cam đoan đứng về phía những người đau khổ do
cảnh cùng cực và bị loại ra ngoài lề xã hội, bằng
cách trở nên tiếng nói của những người không có tiếng
nói và bằng việc hoạt động cách cụ thể, để vượt qua những
tình trạng như vậy, bởi vì chúng tôi xác tín rằng: không ai
có thể sống hạnh phúc do tự mình được.
8
- Chúng tôi cam đoan nhìn nhận như tiếng kêu của chính chúng
tôi, tiếng kêu của tất cả
những ai không cam chịu bạo lực và sự dữ, và chúng tôi
muốn góp phần với tất cả
sức mạnh của chúng tôi để đem đến cho nhân loại thời
nay một hy vọng thực sự về công lý và hòa bình.
9
- Chúng tôi cam đoan khuyến khích mọi sáng kiến nhằm cỗ võ tình
hữu nghị giữa các dân tộc, bởi vì chúng tôi xác tín rằng,
nếu thiếu sự hòa hợp vững chắc giữa các dân tộc, thì
phát triển kỹ thuật liều đưa thế giới đến những nguy hiểm
mỗi ngày mỗi thêm về tàn phá và chết chóc.
10 - Chúng tôi cam đoan yêu cầu các vị trách nhiệm các quốc gia làm mọi cố gắng có thể, để, trên bình diện quốc gia và quốc tế, xây dựng và củng cố một thế giới của tình liên đới và của hòa bình dựa trên công lý.