Nhà thờ đầu tiên tại Atyrau

Cộng hòa Kazakhstan

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nhà thờ đầu tiên tại Atyrau tại Cộng hòa Kazakhstan.

(Radio Veritas Asia - 8/08/2002) - Sau khi chế độ cộng sản Liên xô  sụp đổ, các Cộng hòa hợp thành Liên Bang Sô viết, đã lấy lại chủ quyền và nền độc lập của mình. Từ đó, đạo Công giáo, bị bách hại trên 70 năm dưới hế độ cộng sản  cũng được tự do hoạt động, và tái thiết cơ sở, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, như tại Nga trong lúc này. Những khó khăn tại Nga thực ra không do Nhà Cầm quyền, nhưng do Giáo hội Chính thống, lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo. Tại các cộng hòa khác, tự do tôn giáo xét  chung được tôn trọng nhiều hơn. Trong thời kỳ Cộng sản, không ai nghe nói đến có các tín hữu Công giáo tại Mông cổ, Kazakhstan, Azerbaijan, Georgia, Arménie,  Ukraine v.v... Nhưng sau khi Liên xô tan rã, ÐTC Gioan Phaolô II đã có thể viếng thăm hầu hết các nước trước đây thuộc Liên Bang Sô viết, trừ Nga và Bielorussia. Cuối tháng 5 năm 2002, ngài đã viếng thăm Cộng hòa Azerbaijan, nơi đây, hầu hết theo Hồi giáo; người Công giáo chỉ có 120 mà thôi. Sau Azerbaijan, ÐTC viếng thăm  Bulgari, trước đây cũng sống dưới chế độ cộng sản Liên xô; đa số dân cư  theo Giáo hội Chính thống. Cuối tháng 9 năm 2001, sau vụ khủng bố tại New York và Washington, ÐTC đã viếng thăm cộng hòa Kazakhstan, đại đa số  theo Hồi giáo.  Vị lãnh đạo quốc gia trước đây là một nhân vật quan trọng của Ðảng cộng sản Liên xô. Tại Kazakhstan số người Công giáo khoảng 200 ngàn trong tổng số 15 triệu dân cư,  sống rải rắc trên một lãnh thổ mênh mông gần 3 triệu cây số vuông.  Sau chuyến viếng thăm của ÐTC, chúng ta  thấy nhiều thành quả cụ thể.

Chúa nhật 04/08/2002, các người Công giáo của giáo phận Atyrau đã có nhà thờ mới và cơ sở giáo xứ. Nhà thờ và cơ sở này được xây cất, nhờ vào viện trợ tài chánh của "Tổ chức quốc tế "Trợ giúp Giáo hội đau khổ", do Cha Van Straaten sáng lập sau đệ nhị thế chiến. Ðây là nhà thờ đầu tiên của thành phố Atyrau, đã được Ðức Cha Wiktor Skworc, Giám mục giáo phận Tarnow (Ba lan) làm phép khánh thành, vì giáo phận này hiện đang giúp đỡ giáo phận Atyrau trong lãnh vực mục vụ.

Giáo phận Atyrau là một trong bốn giáo phận của Cộng hòa Kazakhstan  (Karaganda, Almaty (thủ đô cũ), Astana (thủ đô mới) và Atyrau. Cả bốn giáo phận được thành lập ngày 7/07/1999, do một Giám mục (giáo phận Karaganda) và ba Vị Giám quản Tông Tòa quản trị. Giáo phận Karaganda rộng 711,300 cây số vuông (hơn 2 lần Việt nam), với trên 3 triệu dân cư, trong đó chỉ có 40 ngàn người Công giáo (khoảng 1%).  Giáo phận Almaty (cựu thủ đô Kazakhstan), rộng 711,400 cây số vuông cũng hơn 2 lần Việt nam) với trên 6 triệu dân cư, trong đó có 50 ngàn Công giáo (0,8%) - Giáo  phận Astana rộng 576,000 cây số vuông, với gần 4 triệu dân cư, trong đó có 90 ngàn người Công giáo (khoảng 2,3%). Giáo phận Atyrau gồm 736,000 cây số vuông (hơn 2 lần Việt nam) với dân số gần 3 triệu, nhưng Công giáo chỉ có 160 người --(xin nhấn mạnh: 160 người) -- mà thôi,  hợp thành giáo xứ duy nhất: giáo xứ Atyrau.

Trong thánh lễ làm phép nhà thờ giáo xứ Atyrau có sự hiện diện của Ðức TGM Jozef Wesolowski, Sứ Thần Tòa Thánh tại Kazakhstan, Ðức Cha Pawel Lenga, Giám mục Giáo phận Karaganda và ba Vị giám quản Tông Tòa của giáo phận Astana (thủ đô mới) - Almaty (thủ đô cũ) và Atyrau.

Thành phố Atyrau có 140 ngàn dân cư. Theo thống kê, chỉ có 160 người Công giáo mà thôi. Công việc mục vụ và truyền giáo, vừa khởi sự, nhưng rất mênh mông và vất vả. Nói đúng ra, giáo phận Atyrau có hai giáo xứ: một trong thành phố và một trong miền Altiouoinsk, cách xa thành phố khoảng 600 cây số.

Trước khi có nhà thờ giáo xứ, các tín hữu Công giáo tụ họp nhau tại nhà cha sở. Nay cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại đây hãnh diện về nhà thờ mới, được dâng kính Chúa biến hình trên núi Tabor (lễ vào ngày 6/08/2002), với các cơ sở của giáo xứ, dành cho các công việc từ thiện bác ái. Tất cả nằm trong một  khu đất  rộng một ngàn thước vuông. Công việc mục vụ chú trọng không những đến các phương pháp truyền thống, nhưng tại đây cần quan tâm cách riêng đến các vấn đề xã hội, nghĩa là đến việc giúp đỡ tất cả những ai cần giúp đỡ, dù họ không đến nhà thờ hay không thuộc cộng đồng Công giáo. Công việc từ thiện bác ái này cũng được thi hành tại Almaty và các giáo phận khác của Kazakhstan và tại các quốc gia trước đây thuộc Khối Liên xô, vì tại những nơi này có rất nhiều người sống trong cảnh cùng cực. Ðo đó Giáo hội phải thi hành sứ vụ của mình trong việc rao giảng Tin Mừng cũng như trong việc thăng tiến toàn diện con người.

Mới đây Ðức Giám quản Tông Tòa giáo phận Almaty nhấn mạnh rằng: việc rất quan trọng là các giáo xứ trở nên những trung tâm có đủ khả năng thi hành các dịch vụ xã hội đối với người dân. Nhà thờ chính tòa Almaty, dâng kính Chúa Ba Ngôi, nơi có tòa Giám mục, đã trở nên điểm gặp gỡ và đón tiếp các người nghèo ban ngày, nơi chuẩn bị bữa ăn, nơi trú trọ cho các người tàn tật, nơi đón nhận bệnh nhân, và một nhà mồ côi. Các cơ sở này do các Cha Dòng Phanxicô và các Nữ tu Phanxicô điều hành. Hiện nay tại Kazakhstan có các Tu hội sau đây: Các Cha Phanxicô, các Nữ tu Phanxicô, các Gíao sĩ Dòng Ðức Maria, Dòng Thụy sĩ "Pro Deo" và từ năm 1999, Opus Dei cũng đến truyền giáo tại đây.

Theo Sơ Madalena Sumilasova, thuộc Dòng Phanxicô, thì số người Công giáo tại Kazakhstan có thể đông hơn nhiều (không phải hơn 100 ngàn như bản thống kê), bởi vì - theo Sơ - nhiều tín hữu giữ đạo trong âm thầm, không đến nhà thờ. Thực sự khoảng cách quá mênh mông, phương tiện giao thông khó khăn, thiếu các nơi phụng tự và nhân sự mục vụ, truyền giáo... Nên nhớ: Trong thời kỳ bách hại dưới chế độ cộng sản, nhiều người Công giáo bị lưu đầy tại các miền rừng thiêng nước độc này. Nhiều người đã chết đi, nhưng con cháu của họ, hầu hết đã được rửa tội và giữ vững đức tin nhờ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau,  nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn, không thể sống đạo cách công khai.

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại miền này đã làm cho các cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại đây được biết đến, nói đến và được nâng đỡ về tinh thần cũng như vật chất, để có thể phát triển giữa những khó khăn lớn lao của ban đầu. Kazakhstan, với chuyến viếng thăm của ÐTC vào cuối tháng 9 năm 2001, đã muốn trở nên chiếc cầu giữa Ðông và Tây. Chuyến viếng thăm này đã làm cho thế giới biết đến và cộng tác với Kazakhstan nhiều hơn, bởi vì Kazakhstan, ngoài vai trò là chiếc cầu giữa Ðông và Tây, còn là miền đất rất phong phú về lâm sản,  khoáng sản và nhất là về dầu hỏa. Chuyến viếng thăm của ÐTC đã củng cố đức tin của các cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại miền này, bé nhỏ, nhưng rất can đảm trong việc minh chứng đức tin tại một  xã hội đầy khó khăn, giữa đại đa số Hồi giáo và Chính thống.

Sự hiện diện của ÐTC đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp: Sự cộng tác giữa Chính phủ và Giáo hội trong việc cổ võ hòa bình thế giới - khuyến khích cuộc chung sống hòa bình giữa các dân tộc, cách riêng giữa các tôn giáo, bằng việc đề cao gương mẫu của Kazakhstan - đã gây được nhiều cảm tình nơi các tín hữu Hồi giáo và Chính thống. Trong các thành quả thiêng liêng, cũng nên nhắc  lại một thành quả được báo chí nói đến nhiều sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Kazakhstan: Việc trở lại Ðạo Công giáo của cô Sveta Barbassova, một thiếu nữ 22 tuổi. Trong chuyến viếng thăm của ÐTC cô đã giữ vai trò thông dịch viên, vai trò kín đáo, nhưng rất hiệu nghiệm. Trong Thánh lễ trọng thể tại Astana trước 40 ngàn người tham dự: đây là giờ phút quyết định của Cô. Cô kể lại việc trở lại của mình như sau: "Tôi đã cảm thấy trong thánh lễ này sự hiện diện rõ ràng của Mầu nhiệm, một cách hết sức xác thực đến độ có thể sờ mó được. Tôi cảm thấy Thiên Chúa hiện diện giữa chúng tôi". Một sự lạ khác: Trong buổi viếng thăm Ðại học Astana, các sinh viên hầu hết thuộc Hồi giáo và Chính thống đã dành cho ÐTC một cuộc tiếp đón rất nồng hậu, không thua kém các sinh viên và thanh niên Công giáo. Có sinh viên đã ôm hôn ÐTC như người Cha, người Bạn thân; rồi nhóm này nhóm khác, cách riêng nhóm hòa nhạc, đã chụp hình kỷ niệm với ÐTC.  Họ lắng nghe ngài và sau đó đã có một vài sinh viên xin trở lại Ðạo Công giáo, như cô Sveta Barbassova. Ngoài những trường hợp công khai này, còn nhiều việc kỳ diệu Thiên Chúa làm cách âm thầm trong các tâm hồn, chúng ta không thể biết hết được. "Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa làm cho cây mọc lên " (1Cor 3, 6).

 


Back to Home Page