Lễ phong Chân phước

cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta

sẽ được cử hành trong thời gian gần đây

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Lễ phong Chân phước cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta sẽ được cử hành trong thời gian gần đây.

(Radio Veritas Asia - 5/08/2002) - Mẹ Têrêsa Thành Calcutta qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997 tại Calcutta và lễ nghi an táng được Chính phủ Ấn độ  tổ chức rất long trong,  theo nghi thức "Quốc táng", tức là theo lễ nghi  dành cho các nhân vật chính trị nổi tiếng hoặc các Vị lãnh đạo quốc gia đang tại chức qua đời,  hay các Vị đại ân nhân  của Ðất Nước. Nhiều vị Quốc trưởng, thủ tướng, nhân vật chính trị và ngoại giao đã tham dự lễ an táng của Mẹ Têrêsa, lúc đó  do ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, đặc sứ của ÐTC Gioan Phaolô II, chủ tế. Sau lễ Thánh lễ, Mẹ được an táng trong nhà nguyện của các Nữ tu Thừa Sai bác ái ở thành phố Calcutta.

Dòng các Nữ tu thừa sai bác ái do chính Mẹ lập ra năm 1946, ngày nay lan rộng trên cả thế thế giới với hơn bốn ngàn Nữ tu. Mẹ qua đi, không còn hiện diện giữa các con cái nữa, nhưng - theo Nữ tu Nirmala, người kế vị Mẹ hướng dẫn Hội Dòng -  thì Mẹ vẫn hoạt động như lúc còn sống. Trong 5 năm vắng Mẹ, con số các Nữ tu vẫn tiếp tục gia tăng (khoảng 450 vị) và công việc tông đồ vẫn tiến đều, và Hội dòng đã mỡ thêm được nhiều cộng đoàn khác nữa.

Sau hơn hai năm qua đời, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, cách riêng của Ðức TGM Calcutta, ÐTC đã ban phép đặc biệt, để việc làm án phong thánh trên cấp bậc Giáo phận được khởi sự,  và không cần chờ đợi  đủ 5 năm kể từ lúc qua đời, theo luật lệ về việc làm án Phong Thánh,  do chính ÐTC ấn định năm 1983.  Vụ làm án trên cấp giáo phận đã hoàn tất và các hồ sơ gồm hơn 50 ngàn trang đã được chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma,  dịp lễ Ðức Mẹ lên trời năm 2001.

Sau một năm làm việc ráo riết, các nhà thần học sẽ đưa ra ý kiến về tính cách anh hùng các nhân đức của Mẹ Têrêsa thành Calcutta, vào dịp kỷ niệm 5 năm qua đời  của Mẹ,  vào ngày 5 tháng 9 năm 2002.

Nhật báo  "Roma Thời Báo" (Il Tempo di Roma), số ra ngày 2/08/2002 đã đề tựa lớn như sau: "Mẹ Têrêsa: những phép lạ sau khi qua đời. Các phép lạ này, sau khi được Vatican cứu xét, sẽ đưa Mẹ lên danh dự bàn thờ". Nhật báo Roma viết tiếp: "Lễ Phong Chân phước sẽ được dự tính vào tháng 9 năm 2002". Nhưng chúng tôi xin  nhấn mạnh: "Ðây chỉ là dự  đoán của nhật báo  "Il Tempo" mà thôi. Và lời tựa có dụng ý thu hút sự chú ý của nhiều người.

Mẹ Têrêsa đã làm hai phép lạ và hai phép lạ này đang được Bộ Phong Thánh cứu xét. Theo luật hiện nay của Giáo Hội Công Giáo, để được tôn phong lên bậc Chân phước, đối với các Vị không tử đạo, chỉ cần một phép lạ mà thôi. Từ ngày Mẹ Têrêsa qua đời, theo sự kể lại, nhiều người đã được những ơn lạ lùng do lời Mẹ bầu cử. Mộ của Mẹ trở nên điểm hành hương hằng ngày không những của các tín hữu Công giáo, nhưng còn của các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nữa: Ấn giáo, Hồi giáo và Phật  giáo. Mẹ Têrêsa là Vị Thánh của mọi người, của mọi dân tộc. Mẹ được mọi người bất cứ thuộc tôn giáo nào, giai cấp nào, dân tộc nào... tôn kính, mến phục. Mẹ là ân nhân của nhân loại đau khổ, của các người nghèo nhất trong các  người nghèo, của các người bị loại ngoài lề xã hội.

Theo nhật báo Roma, thì hiện nay các nhà thần học đang cứ xét những phép lạ và các hồ sơ được chuyển từ  Calcutta về Roma. Và các vị này có thể đưa ra nhận xét tích cực vào dịp kỷ niệm 5 năm qua đời của Mẹ, tức là vào ngày 5 tháng 9 năm 2002. Nhưng phán quyết sau cùng vẫn thuộc thẩm quyền của ÐTC trong một cuộc họp các Hồng Y. Việc tôn phong Mẹ Têrêsa lên bậc Chân phước  vào tháng 9 năm 2002 ---- theo tin của báo Il Tempo di Roma --- chúng tôi thiết nghĩ: là việc không thể xẩy ra được, vì nhiều lý do:

- Trong những tháng hè nầy, không thể có một cuộc triệu tập Hồng Y để thảo luận về việc phong Chân phước hay Hiển Thánh.

- Từ lúc ÐTC chấp thuận ý kiến của Hội nghị Hồng Y và công bố sắc lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức,  cho tới ngày cử hành lễ nghi phong Chân phước hay Hiển Thánh, đòi một thời gian, ít nhất là vài tháng. Vì thế, nhật báo Roma, sau lời đề tựa có tính cách thu hút sự chú ý như vừa nói trên, thì trong chính bài báo, lại viết  một cách  khác với  tựa đề  như sau:  "Theo tin  từ Vatican, Mẹ Têrêsa có thể sẽ được tôn phong trước lễ Giáng Sinh năm 2002  hoặc  trước Mùa Xuân năm 2003".  Báo này nhận xét thêm rằng: "Ðây là vụ lám án-kỷ lục, vượt qua nhiều vụ thời danh khác, như vụ làm án của Cha Pio Năm Dấu  và của  Chân phước Josemaria Escriva de Balaguer,  vị sáng lập Opus Dei".

Về phép lạ do lời bầu cử của Mẹ Têrêsa, nhật báo Roma kể lại  như sau: có lẽ Ủy ban các bác sĩ của Bộ chọn phép lạ có tính cách đột ngột, và theo khoa học không thể giải thích được: một phụ nữ trẻ trung người Ấn độ, ở Raiganj, tên là Monica Besra, 30 tuổi, mắc chứng ung thư, đã được khỏi cách lạ lùng.

Theo bản tường trình của các Bác sĩ, thì Monica Besra có một bướu  lớn trong khu vực bao tử, có thể là ung thư, bởi vì việc chẩn đoán đích xác đã không thể làm được. Vào năm kỷ niệm thứ nhất Mẹ  Têrêsa qua đời, Monica Besra đến nhà các Nữ tu thừa sai bác ái ở Calcutta. Các Nữ tu dẫn chị ta đến các bác sĩ khám xét. Bác sĩ nói: phải giải phẫu;  nhưng tình trạng sức khỏe của Monica không cho phép. Chị ta trở lại nhà các Nữ tu lúc 5 giờ chiều. Các nữ tu đặt một "ảnh phép lạ"  mà Mẹ Têrêsa vẫn mang khi còn sống,  trên bụng nơi bao tử của chị Monica, rồi các nữ tu cầu nguyện. Chị Monica đi ngủ. Vào lúc một giờ đêm,  thức dậy,  Monica  thấy bao tử mình trở lại bình  thường. Một cái gì lạ lùng đã xẩy  ra.

Ngoài ra, còn phép lạ khác nữa như sau: Một thiếu nữ người Palestine được khỏi chứng ung thư trong lúc mơ thấy Mẹ Têrêsa hiện ra.

Sự thánh thiện đời sống của Mẹ Têrêsa được thế giới công nhận  và cảm phục. Vì thế, trái với luật lệ đã ấn định, ÐTC Gioan Phaolô II,  người đã biết rõ và nhiều lần gặp Mẹ Têrêsa tại Vatican cũng như tại Ấn độ và thấy rõ công việc vĩ đại của Mẹ, đã cho phép làm án, chỉ  sau hơn hai năm qua đời, thay vì 5 năm như luật dạy.  Hồ sơ nghiên cứu về vụ lám án này gồm 76 pho, mỗi pho gồm 450 trang và 112 chứng nhân. Một công việc đòi nhiều thời giờ và nhiều chuyên viên. Năm ngoái, dịp lễ Ðức Mẹ lên trời, Ðức TGM Calcutta cho biết: việc đọc và cứu xét các hồ sơ này có thể đòi hai năm làm việc liên tiếp.

Mẹ Têrêsa sinh năm 1910 tại Skopje (Macedonia). Mẹ đến Ấn độ năm 1928. Năm 1946, sau khi được ơn soi sáng, Mẹ lập Dòng các Nữ tu thừa sai bác ái. Ðặc sủng và mục đích của Dòng là giúp đỡ, chăm sóc các người nghèo nhất trong các người nghèo. Năm 1979, Mẹ Têrêsa thành Calcutta được lãnh Giải thưởng Nobel về hòa bình. Ngày nay Dòng của Mẹ có hơn 4 ngàn Nữ tu và khoảng 400 vị thừa sai bác bác ái ngành nam. Ngoài ra, còn có ngành Nữ chuyên về đời sống chiêm niệm. Các Nữ tu thừa sai bác ái hoạt động, theo luật Dòng, mỗi ngày chầu Thánh Thể một giờ. Chính việc sống bên cạnh Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, làm cho Dòng phát triển mạnh mẽ và vẫn có nhiều ơn kêu gọi, trong lúc nhiều Hội Dòng khác chưa ra khỏi cơn khủng hoảng về ơn kêu gọi.

 


Back to Home Page