Ðiểm Báo Quốc Tế
kết thúc Chuyến viếng thăm
của Ðức Gioan Phaolô II
tại Toronto, Guatemala và Mexico
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Ðiểm Báo Quốc
Tế kết thúc Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại
Toronto, Guatemala và Mexico.
(Radio Veritas
Asia - 3/08/2002) - Báo chí quốc tế
theo dõi chuyến viếng thăm của ÐTC tại Mỹ
châu đều ca ngợi sự can đảm và ý chí sắt đá của
Ngài trong việc ra đi lần này: chuyến viếng thăm quốc tế thứ
97 của Triều Giáo Hoàng, một trong các chuyến viếng thăm lâu
dài và quan trọng. Vừa về
tới Roma nghỉ trong ít ngày, ÐTC đã nghĩ đến chuyến viếng thăm
khác gần đây: Ba lan. Sau lễ Ðức Mẹ lên trời, Ngài sẽ lên
đường đi Balan vào ngày 16 và trở lại Roma ngày 19 tháng
8 năm 2002. Rồi chuyến viếng thăm khác nữa vào tháng
Giêng năm 2003 tại Manila, để chủ tọa Ngày Thế giới Gia đình
lần thứ bốn. Và sau đó, chuyến
viếng thăm tại Cộng hòa Croat. Như vậy,
không bao lâu nữa, tổng số
các chuyến viếng thăm quốc tế
của ÐTC sẽ lên tới con số một trăm (100).
Từ ngạc nhiên
này đến ngạc nhiên khác, không ai, không báo chí nào dám
nói đến việc từ chức và sức khỏe của ÐTC. Trên máy
bay, cả lúc đi cũng như lúc về, không một ký giả nào dám
đặt câu hỏi Sức khỏe của ÐTC như thế nào, sau 11 ngày đi
thăm Toronto, Guatemala và Mexico. Những bi quan, những lời thuyết
phục, những nghi ngờ... trước chuyến
viếng thăm, giờ đây
đã được cải chính hoàn toàn. ÐTC đã có lý do mạnh để
theo chương trình của Ngài. Sức mạnh nào đã giúp ngài trong
ý chí sắt đá này? Thánh Gioan Tông đồ
có thể giúp ta có câu trả lời như sau: "Ðây là
chiến thắng của anh em, chính là đức tin của anh em". Và lời
Chúa Giêsu: " Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các
con sẽ có thể chuyển được núi từ chỗ này qua chỗ khác".
Và Thánh Phaolô: "Tôi làm được mọi trong Ðấng ban sức
mạnh cho tôi". ÐTC đã tin như vậy và ngài sống như vậy. Gương
sáng cho chúng ta, cho mọi người.
Vì đức tin mạnh
mẽ, sắt đá này nơi ÐTC, các
phương tiện truyền thông xã hội,
kể cả những
mass-media không có cảm tình
với Giáo hội, cũng đều ca ngợi ÐTC trong chuyến viếng thăm
vừa hoàn tất.
Nhật báo L'Osservatore
Romano, số ra ngày 03/08/2002, đăng hình ÐTC vừa xuống khỏi máy
bay tại phi trường quân sự Roma, lúc 8.58 phút (giờ địa phương).
Ngài ngồi trên xe, chung quanh có các vị Hồng Y, Giám mục và
đại diện chính phủ Ý chào đón. Khuôn mặt có vẻ mệt nhọc
vì chặng đường dài, nhưng khỏe mạnh.
Trên hình này, nhật báo viết: "Cuộc trở về của ÐTC".
Nơi trang nhất, cơ quan bán chính thức Tòa Thánh ghi lại những
lời ÐTC nói với dân tộc Mexico trước khi lên đường trở
về Roma: "Cha ra đi, nhưng Cha vẫn ở lại với anh chị em". Nhật
báo viết tiếp: "Xin cảm ơn anh chị em đã đón tiếp Cha trên
các ngả đường của Thành phố
này. Cha cảm ơn anh chị em đến từ nơi xa, anh chị em đã nghe
Cha và sẽ đón nghe sứ điệp của Cha để lại cho anh chị em -
Cha cảm ơn anh chị em đang cầu
nguyện nhiều cho Thừa tác vụ của Cha, Vị kế nghiệp Thánh Phêrô.
Trong lúc Cha sắp từ giã miền đất được chúc phúc này,
Cha nhớ đến bài hát rất bình dân bằng tiếng Tây ban nha:
"Tôi ra đi, nhưng tôi không ra đi. Tôi ra đi, nhưng tôi không
vắng mặt, dù tôi ra đi, tâm hồn tôi vẫn ở lại".
Mexico, Mexico, Mexcio đẹp thay, ước gì Thiên Chúa chúc lành
cho Ngươi!" - Lời này sẽ
được ghi nhớ lâu dài nơi tâm hồn người dân Mexicô, một
dân tộc đã dành cho ÐTC "một cuộc tiếp đón khởi hoàn,
có lẽ không đâu sánh kịp". Dân chúng, qua đài TV, và
các báo chí địa phương cũng như quốc tế, đều công
nhận như vậy.
Le Monde (nhật báo
Pháp), số ra ngày 1/08/2002, viết: "Một dân tộc
hân hoan như trong ngày đại lễ, đã
hô lên lòng biết ơn của họ đối với một Người bạn
trung thành". Báo này viết thêm: "Lịch sử tình yêu giữa
ÐTC và dân tộc Mexico
có nguồn gốc từ lâu". Le Monde nhắc đến chuyến viếng
thăm đầu tiên năm 1979 của Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan
Phaolô II và ngài trở lại đây lần thứ năm. Mexico là quốc
gia thứ hai trên thế giới xét
về con số đông công giáo (sau
Brazil). Nhật báo Paris cũng nhấn mạnh đến việc Ðức Gioan
Phaolô II đề cao phẩm giá của các dân tộc
bản xứ, không riêng tại Mexicô
mà toàn Châu Mỹ.
Cũng
báo Le Monde (2/08/2002 ) nhấn mạnh đến việc phong Hiển Thánh
của Juan Diego và coi đây là
một biến cố lịch sử được ÐTC ghi vào Cuốn lịch phụng vụ
Công giáo: Vị Thánh đầu tiên người thổ
dân Châu Mỹ. Le Monde viết thêm: "Nhưng việc tôn phong lịch
sử này cách riêng là một dấu hiệu, chưa hề có từ trước
tới giờ tại Mexico, của cảm tình và của lòng biết ơn đối
với một cộng đồng thổ dân nạn nhân của các vụ bách hại".
Nhật báo Frankfuretr
Allgemiene Zeitung của Ðức và Corriere della sera của
Ý số ra ngày 1/08/2002, đều nêu lên con số tuốn ra các ngả
đường đón chào ÐTC: khoảng 5 triệu người
dọc theo con đường dài
30 cây số từ sân bay về Tòa Sứ Thần (ngày ÐTC đến
Mexico) và hôm sau khoảng
đường dài 20 cây số từ Tòa Sứ Thần đến Ðền thờ
Guadalupe. Nhật báo Ý nhấn mạnh điểm này:
ÐTC đã muốn đến Mexico, bởi vì ngài coi cuộc gặp gỡ
này rất quan trọng, không riêng cho Mexicô, nhưng cho tất cả
Châu Mỹ, bởi vì ngài cảm thấy rằng: cần phải trả lại phẩm
giá cho các thổ dân.
Sueddeustche Zeitung
(một nhật báo khác của Ðức) số 1/08/2002, để hình ÐTC cỡ
bự, rồi ghi lại lời dân Mexico hô lên trong lúc ÐTC đến đây:
"Gioan Phaolo II, Cha là người Mexico". Rồi chú giải: Lời này
được từng ngàn, từng
ngàn người Mexico hô lên trong lúc chào đón ÐTC. Họ ca hát,
họ hoan hô "Vạn tuế". Còn ÐTC rất hài lòng trong việc tôn
phong Chân Phước Juan Diego lên bậc Hiển Thánh.
"Người tác
thành căn cước mới của Mexico trung thành": đó là tựa
đề lớn của nhật báo International Herald Tribune (1/08/2002). Sau
khi tả lại cuộc tiếp đón rất nồng hậu, báo này viết:
"ÐTC nhấn mạnh đến sự thánh thiện của Juan Diego, bằng việc
đề cao Vị Thánh mới như điểm gặp gỡ giữa hai thế giới
và bằng việc coi Thánh nhân
như "người tác thành căn cước mới của Mexico trung thành".
Cũng nhật báo
này số 2/08/2002 đề cao cuộc tiếp đón vô cùng nồng hậu và
sự tôn kính của Tổng thống Fox đối với ÐTC (lần đầu tiên
một Vị Tổng thổng Mexico bái gối và hôn tay ÐTC) và nhấn
mạnh đến lời kêu gọi của Ngài về việc tôn trọng các
quyền của các thổ dân.
Tờ Avvenire, nhật
báo Công giáo Ý
(2/08/2002) đề tựa: "Từng triệu, từng triệu con mắt, cánh
tay và tiếng hô hy vọng không bao giờ chết".
Trong bài tờ
báo Công giáo viết: "Trong lịch sử nhân loại không thấy một
người nào khác đã bắt tay và tỏ dấu âu yếm đối với
biết bao con người, đủ mọi
giai cấp, lứa tuổi, dân tộc, mầu da ... như Ðức Gioan Phaolô
II. Ngày hôm qua, cũng như ngày hôm nay, từng triệu, triệu con
người gặp gỡ ngài, vây chung quanh ngài, nâng đỡ ngài bằng
lời cầu nguyện ... Những đám đông khác nhau, những dân tộc
khác nhau, các nền văn hóa khác nhau, các ngôn ngữ khác
nhau, nhưng sau cùng tất cả
đều gặp nhau, cùng một ý chí, cùng một ước muốn, cùng một
hy vọng, cùng một tín nhiệm, cùng một mục đích... Tất cả
chung quanh ÐTC, vì nơi ngài họ tìm được sức mạnh và niềm
hy vọng, tìm được ý nghĩa của cuộc đời... Ðây là tiếng
kêu trước thế giới ngày nay, tiếng kêu hy vọng không bao giờ
chết.
Il Messaggero di Roma (2/08/2002), chạy tít lớn: "ÐTC đã chinh phục
được tất cả tình yêu của các
thổ dân", bằng việc tôn phong hai thánh mới, thánh
Pedro de San Jose de Betancurt (Guatemala) và Thánh
Juan Diego, cùng với
hai Vị Tân chân phước tử
đạo Juan Bautista và Jacinto de Los Angeles
(Mexico). Hành động nầy giúp
các con cái của miền đất này, không phân biệt chủng tộc,
văn hóa... biến đổi sự hăng say truyền thống của họ thành
"một đà truyền giáo mới". Ðặc phái viên đề
cao sự kiện này: trong bài giảng ÐTC nhấn mạnh đến việc phải
trả lại phẩm giá cho các dân tộc
bản xứ.
Tờ Le Figaro (2/08/2002) nhật báo Pháp, nhận xét: ÐTC không chú ý
đến hình ảnh của Vị Thánh được tôn phong cho bằng việc
biểu lộ lòng tôn trọng đối với đức tin của dân tộc bản
xứ, từ năm thế kỷ nay,
phải gánh chịu biết bao thử thách trên toàn Châu lục này.
Nhật báo Pháp cũng đề cao cuộc tiếp đón nồng hậu dành
cho ÐTC.
The daily Telegraph (31/07/2002) nhận xét: ÐTC đã biết khơi dậy niềm hy vọng và sự hãnh diện của các dân tộc bản xứ bằng sự hiện diện của ngài và nhất là bằng việc tôn phong "các người thổ dân" lên bậc Hiển Thánh và Chân phước. Báo này trưng lại thư mục vụ của các Giám mục Mexico, trong đó các ngài quả quyết rằng: Một sự kiện rõ ràng là việc phong Hiển Thánh và Chân phước là việc công nhận các dân tộc bản xứ như dân tộc và việc công nhận này có thể làm cho mọi người hiểu rõ hơn nguồn gốc bản xứ của dân tộc Mêhicô chúng ta.