Người Công giáo tại Los Angeles
trông đợi ngày thánh hiến thánh đường mới
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Người Công giáo tại Los Angeles trông đợi ngày thánh hiến thánh đường mới.
Hoa Kỳ - Los Angeles (CNS 7/08/2002) - Trong những ngày này, toàn TGP Los Angeles và người Công giáo cũng như không Công giáo đang trông đợi đến ngày 2 tháng 9/2002, là ngày thánh hiến tân nhà thờ chánh tòa Nữ Vương Các Thiên Thần (Cathedral of Our Lady of the Angels).
Lý do nào khiến cho người không theo đạo Công giáo cũng nóng lòng trông đợi như vậy? Theo cha Alexei Smith, giám đốc văn phòng Ðại Kết và Liên Tôn Vụ của TGP Los Angeles, thì ÐHY Roger M. Mahony -Tổng Giám Mục, muốn nhà thờ chính tòa mới này trở thành nhà cầu nguyện cho mọi người thuộc tất cả các tín ngưỡng. Ðể nói lên ý nghĩa đại kết này, khoảng 70 nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương, thuộc các tôn giáo khác nhau như: Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, đạo Sikhs, đạo Bà Hai, Do Thái Giáo và các phái Tin Lành đã được mời tham dự buổi lễ cầu nguyện vào ngày 4 tháng 9/2002. Ngoài ra Hội Ðồng Liên Tôn Los Angeles và Hội Ðồng Ðại Kết Nam California sẽ cùng với TGP tổ chức buổi lễ tưởng niệm đặc biệt tại tân nhà thờ chính tòa, cho những người nam nữ và trẻ em đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Cha Alexei Smith cho biết: "TGP Los Angeles mở cửa nhà thờ chính tòa để đón nhận tín hữu thuộc mọi tôn giáo trong những ngày đặc biệt này, và chắc chắn đây chỉ mới là khởi đầu của rất nhiều chương trình mà chúng tôi muốn cùng nhau thực hiện".
Bắt đầu vào tháng Giêng năm 2003, nhà thờ chính tòa TGP Los Angeles sẽ là địa điểm mới cho Ngày Cầu Nguyện Ðại Kết hằng năm, được tổ chức vào tuần lễ Cầu Nguyện Cho sự Hiệp Nhất Kitô Giáo. Ngoài ra linh mục Smith cũng dự tính tổ chức các buổi hòa tấu và trình diễn của các ca đoàn thuộc các tôn giáo khác ngay tại nhà thờ chính tòa. Các nhà lãnh đạo tôn giáo bày tỏ quan điểm chung là TGP Los Angeles đang đóng vai trò tiên phong trong công tác đại kết giữa lúc có nhiều người muốn tạo sự chia rẽ dựa trên tôn giáo, màu da và sắc tộc.