Linh Mục Pierre
người sáng lập Cộng Ðồng ÊMau
mừng sinh nhật thứ 90
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Linh
Mục "Pierre", người sáng lập "Cộng Ðồng ÊMau", mừng
sinh nhật thứ 90.
Tin Paris (Apic 5 tháng 8 năm 2002) - Thứ hai, ngày 5
tháng 8/2002, "Linh Mục
Pierre", vị sáng lập "Cộng Ðồng Êmau", đã mừng sinh nhật
thứ 90, sau gần 50
năm dấn thân phục vụ người nghèo, một việc phục vụ bù
đắp cho những thiếu sót của các quyền hành
và các nhà chính trị, tại Pháp
cũng như tại các quốc gia khác,
trước những vấn đề nghèo
đói.
"Linh Mục Pierre" là
biệt hiệu của linh mục Henri Grouès, sinh ngày
5 tháng 8 năm 1912, tại Lyon, trong một gia đình có 8 người
con. Sau những năm Trung Học
tại Trường của Dòng Tên ở Lyon,
HENRI GROUES, ----mà sau nầy được biết đến với tên gọi
là "Linh Mục Pierre" (Abbé Pierre),----
vào tập viện dòng Capucin, và được thụ phong linh mục
vào năm 1938. Trong thời thế chiến thứ hai, Cha Henri
Grouès thi hành tác vụ Tuyên Úy trong quân đội Pháp,
chống lại Ðức Quốc Xã. Từ năm
1945 cho đến năm 1951, Cha được chọn làm dân biểu quốc hội
Pháp, đại diện cho tỉnh NANCY. Năm 1948, Cha thiết lập tại thủ
đô Paris một "Nhà Tiếp Nhận" dành cho người nghèo. Một
năm sau, tức năm 1949, "Nhà
Tiếp Nhận" nầy được gọi với danh hiệu là "Nhà ÊMAU".
Rồi 5 năm sau, tức vào Mùa Ðông năm 1954, hay đúng
hơn, ngày 1 tháng 2 năm 1954, Cha Henri Grouès, lên tiếng trên đài Phát Thanh, thức tỉnh lương tâm người
dân Pháp, với lời kêu gọi động viên toàn dân: "Hỡi
những người bạn của tôi, hãy ra sức tiếp cứu!" Mười
năm sau, tức vào năm 1964, Hiến Chương Phổ Quát của Phong Trào
"Cộng Ðồng ÊMAU", được
chấp nhận làm nền tảng cho chương trình hoạt động trợ
giúp người nghèo của "Linh Mục PIERRE".
Ðể
kỷ niệm cho biến cố "Kêu
Gọi Trợ Giúp" vào Mùa Ðông năm 1954, một bộ phim về cuộc
đời phục vụ của "Linh Mục Pierre" được thực hiện với
tựa đề là: "Mùa Ðông năm
54".
Trong dịp mừng sinh nhật thứ 90, ngỏ lời với phóng viên của hảng tin công giáo Thụy Sĩ APIC, "Linh Mục Pierre" đã chia sẻ nhận định của mình như sau: "Không phải vì con người ngày nay đã trở nên quá ích kỷ. Họ chỉ bị mù mắt, không nhìn thấy nhu cầu của anh chị em xung quanh... Chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn mới mẻ, được ghi dấu bởi tính cách phổ quát của các phương tiện thông tin và bởi khả thể cũng như nhu cầu muốn biết tất cả mọi sự. Một môi trường xã hội như vậy, chỉ làm cho tôi lo sợ, nếu con người không được kêu gọi để trợ giúp nhau. Tất cả chúng ta cần được "động viên" để đương dầu với những thách thức, những tiếng kêu cứu; tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tâm thần, nếu chúng ta không tạo ra những niềm vui mới để sống, khác với những cuộc vui sống chỉ vì tiền của".