Vài nhận định về Ðức Phaolô VI (1963-1978)

với Công đồng Vatican II

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định về Ðức Phaolô VI (1963-1978) với Công đồng Vatican II.

(Radio Veritas Asia - 6/08/2002) - Từ 24 năm nay, vào ngày Lễ Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor, mùng  6 tháng 8, Giáo hội cách riêng nhớ đến Ðức Phaolo VI, vì đây là ngày mà Ðức Phaolô VI cho công bố Thông điệp đầu tiên của Triều Giáo Hoàng "Ecclesiam Suam" (Giáo hội của Người),  một  văn kiện được coi như kim chỉ nam cho hoạt động của ngài trong Chức vụ Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, theo đường hướng của Công đồng Vatican II.  Và Giáo hội cũng nhớ đến ngài cách riêng, vì  vào ngày Lễ nầy, Ðức Phaolô VI  qua đời trong sự thánh thiện, trong sự bình thản,  tại Trại hè Castelgandolfo, sau 15 năm phục vụ Giáo hội tại ngai Tòa Thánh Phêrô.

Ðức Phaolô VI sinh tại Concesio (thuộc giáo phận Brescia, miền bắc nước Ý), ngày 26/09/1897. Cha tên là Giorgio Montini, mẹ là Giuditta Alghesi. Ngài có một người anh làm nghị sĩ quốc hội và một người em làm bác sĩ.

Thụ phong linh mục ngày 29/05/1920. Ngay ngày hôm sau làm lễ mở tay tại Ðền Thánh "Santa Maria delle Grazie" ở Brescia. Ðược cử về Roma học Dân Luật và Giáo luật tại Ðại học Gregoriana (của các Cha Dòng Tên) từ năm 1920-1922; rồi học Văn chương và Triết lý tại Ðại học Nhà nước cũng ở Roma. Năm 1923, ngài bắt đầu làm việc trong ngành Ngoại giao tại Phủ Quốc Vụ Khanh, và sau đó được cử làm tùy viên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Varsovie (thủ đô Ba lan). Tháng 10 cũng năm này được gọi về Roma và được bổ nhiệm trước hết làm Tuyên úy Câu lạc bộ Roma của Liên đoàn Ðại học Công giáo Ý  (FUCI) và năm 1925 thăng Tổng tuyên úy Fuci toàn quốc. Nhờ những tiếp xúc với giới trí thức, Ðức Montini quen biết nhiều nhà chính trị Ý, cách riêng những vị thuộc Ðảng dân chủ Công giáo, như ông Moro, Andreotti, Fanfani, La Pira vv.... Ngài giữ chức vụ này cho tới năm 1933. Ngày 13.12.1937, Ðức Montini được bổ nhiệm làm Phụ tá Quốc vụ Khanh và ngày 29/11/1952, phụ trách Ngoại vụ tại Phủ Quốc vụ khanh (tương đương với Bộ trưởng ngoại giao của các Chính phủ). Sau cùng,  ngày 01/11/1954, Ðức Pio XII (1939-1958), bổ nhiệm ngài làm TGM giáo phận Milano, một Giáo phận lớn nhất nước Ý, đồng thời cũng là  một trong các Giáo phận lớn nhất trên thế giới nữa. Lúc đó Ðức Montini chưa có chức Giám mục, dù ngài đã giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Giáo Triều. Ngài chỉ được tấn phong Giám mục trước khi lên đường đi Milano. Việc bổ nhiệm Ðức Montini làm TGM Milano và việc ngài ra khỏi Giáo Triều đã được giải thích nhiều cách khác  nhau theo cái nhìn con người; nhưng theo ánh sáng Ðức tin, thì  phải công nhận  đây là một việc Chúa Quan phòng để chuẩn bị Ðức Montini cho những đại sự sau này. Sau khi Ðức Pio XII qua đời  ngày 9/10/1958) tại Castelgandolfo, dư luận cho rằng: Ðức Montini, lúc đó chưa làm Hồng Y, sẽ là một trong các Vị "Papabili" (có thể được bầu làm Giáo Hoàng), dù ngài không tham dự Mật viện. Giáo luật không cấm bầu một Vị ngoài Mật viện làm Giáo Hoàng.

Nhưng trái với dư luận, Mật viện (lúc đó gồm có 58 Hồng Y) đã chọn ÐHY Giuseppe Angelo Roncalli, Giáo chủ Venezia, gần 78 tuổi, làm Giáo Hoàng, nhận tên hiệu là Gioan XXIII. Ðức Gioan XXIII vẫn coi mình là "Vị Giáo Hoàng chuyển tiếp". Chính ngài đã tôn phong Ðức Montini TGM Milano lên bậc Hồng Y ngày 15/12/1958.

Dù là "Vị Giáo Hoàng chuyển tiếp", nhưng ngày 25/01/1959, tại Tu viện Thánh Benedicto kế bên Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, với sự hiện của Hồng Y đoàn, Ðức Gioan XXIII tuyên bố triệu tập Công đồng chung Vatican II . Tin này gây ngạc nhiên hết sức lớn lao trên thế giới. Sau ba năm chuẩn bị, Ðức Gioan XXIII đã khai mạc Công đồng Vaticano II ngày 11/10/1962, lúc đó là Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa. Ngài đã điều khiển Khóa họp thứ nhất. Nhưng rồi, sau cơn bệnh nặng, Ðức Gioan XXIII đã qua đời ngày 03/06/1963,  để lại bao mến thương; Ðức Gioan 23 được nhiều người gọi là "Vị Giáo Hoàng Nhân Từ"  (Il Papa Buono).

Sau khi Ðức Gioan XXIII qua đời, Mật viện đã bầu Ðức Hồng Y Giovanni Battista Montini, TGM Milano,  lên kế vị, với tên hiệu là Phaolô VI. Lần này, dư luận không sai lầm: mọi người đều tin rằng: ÐHY Montini sẽ được bầu làm Giáo Hoàng, vì ngài là một trong các vị Hồng Y nổi tiếng và được biết đến nhiều trong khóa họp thứ nhất của Công đồng Vatican II. Hơn nữa ngài đã có rất nhiều  công trong việc chuẩn bị Công đồng. Ngài có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết tường tận công việc trong Giáo Triều; ngài nhìn xa thấy rộng, am hiểu tình hình Giáo hội và thế giới, nhất là ngài tha thiết với Công đồng Vaticanô II, một Công đồng sẽ đem lại một đời sống mới cho Giáo hội.  Là người kế Vị Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI nhận thấy mình có trách nhiệm tiếp tục và hoàn tất Công đồng, nhất là thi hành giáo huấn của Công đồng.  Ai cũng thấy rằng: Vì Công đồng, Ðức Phaolô VI đã chịu nhiều đau khổ, nhất là cơn khủng hoảng sau Công đồng. Ngài nhận thấy sự khẩn cấp của Công đồng đối với Giáo hội thời nay. Ngài lo lắng để Công đồng thành công tốt đẹp. Ngay từ lúc còn làm TGM Milano, ngài vẫn ước muốn rằng: Giáo hội phải trở nên người Mẹ, người Chị của nhân loại. Ngài ước muốn rằng: Giáo hội phải tìm trở nên khó nghèo, đơn sơ, khiêm tốn, dễ thương trong tiếng nói, trong cách sống. Giáo hội phải tìm cách nhắc lại cho thế giới những lời khôn ngoan về phẩm giá con người, về sự trung thực, về tự do, về tình yêu, về một nền luân lý  nghiêm chỉnh, về can đảm, về hy sinh... Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Cần phải xây dựng một nền văn minh của tình yêu thương". Ngày 04/10/1964, tại Trụ sở Liên hiệp quốc, trước sự hiện của phái đoàn các quốc gia hội viên và các vị cầm quyền các nước, ngài yêu cầu:"Ðừng bao giờ gây chiến tranh nữa".

Năm 1962, lúc cón là Hồng Y TGM Milanô, trong Thư mục vụ Mùa Chay với chủ đề: "Chúng ta hãy nghĩ đến Công đồng", gửi cho Giáo phận, Ðức Montini viết như sau: "Giáo hội đừng nghĩ đến mình mà thôi, Giáo hội phải nghĩ đến tất cả nhân loại. Giáo hội nghĩ đến nhân loại bằng cách nhắc nhở mình trở nên người tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô Ngôi Lời nhập thể, Ðấng đã đến trong thế gian để cứu thế gian".

Công đồng Vaticanô II được khai mạc, như chúng tôi vừa nhắc qua trên đây, ngày 11/10/1962. ÐHY Montini cũng như hơn hai ngàn Nghị phụ đến từ khắp thế giới đều tham dự. Sau Thánh lễ khai mạc, công việc khởi sự và diễn ra trong 5 ngày mỗi tuần. Ngay trong các phiên họp đầu tiên, các vấn đề quan trọng của đời sống Công giáo: Phụng vụ, Mạc khải, Giáo hội... đã được đem ra thảo luận. Khóa thứ nhất bế mạc ngày 8/12/1962, lễ Ðức Maria vô nhiễm. Sau khóa này, Ðức Gioan XXIII qua đời. Ðức Phaolo VI, người kế vị, tiếp tục và hoàn tất ba khóa sau. Trong Khóa sau cùng, suốt Mùa hè 1965, các Ủy ban và các nhà thần học làm việc và thảo luận đến nhiều điểm, như: Mạc khải, các mối quan hệ giữa Giáo hội và thế giới, việc lên án chiến tranh nguyên tử và chế độ cộng sản, vấn đề tự do tôn giáo, mối quan hệ vơi người Do thái và các tín hữu ngoài Kitô giáo, hàng giám mục và công việc truyền giáo, Hôn nhân, việc  Tông đồ giáo dân, việc huấn luyện hàng giáo sĩ, đời sống tận hiến, vấn đề giáo dục và trường học Công giáo... Khóa sau cùng nầy, cũng như các Khóa trước,  đều kết thúc vào Lễ Ðức Maria vô nhiễm, mùng 8 tháng 12.

Năm nay (2002) là năm kỷ niệm 40 năm khai mạc Công đồng Vatican II (11/10/1962-2002), cũng là năm nhớ cách riêng Ðức Phaolô VI, Vị chủ chăn đã đem mọi nghị lực để chuẩn bị, tham dự, tiếp tục, hoàn tất và cuối cùng thực hiện Công đồng.  Lúc đó, khi vừa được tin Ðức Gioan XXIII loan báo triệu tập Công đồng, Ðức Montini, TGM Milano, lập tức thông báo cho toàn Giáo phận sự ủng hộ hoàn toàn của mình đối với sáng kiến của Ðức Gioan  23, với những lời như sau: "Công đồng này sẽ là Công đồng lớn nhất mà Giáo hội chưa bao giờ cử hành,  trong 20 thế kỷ lịch sử của mình".

 


Back to Home Page