Vài nhận định tổng kết

về chuyến viếng thăm lần thứ 97 của ÐTC

tại Toronto, Guatemala và Mehico

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định tổng kết về chuyến viếng thăm lần thứ 97 của ÐTC tại Toronto, Guatemala và Mehico.

(Radio Veritas Asia - 2/08/2002) - Chuyến viếng thăm 10 ngày của ÐTC Gioan Phaolô II tại  ba địa điểm: tại Toronto, Canada,  tại thủ đô Guatemala và tại thủ đô Mêhicô,  được khởi sự ngày 23 tháng 7/2002 và  kết thúc sáng thứ sáu mùng 02 tháng 8/2002. Ðây là một trong các chuyến viếng thăm vất vả, cách riêng đối với tuổi cao (82 tuổi) và sức yếu của ÐTC trong lúc này. Tại Toronto, ÐTC chủ tọa Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII. Ngài gặp gỡ thanh niên ba lần: trong buổi đón tiếp và giới thiệu 172 phái đoàn tham dự Ngày Quốc Tế Giơiùi Trẻ (QTGT) chiều thứ năm 25 tháng 7/2002 tại "Khu Vực Triển Lãm"  của Thành phố Toronto - rồi trong buổi canh thức cầu nguyện chiều thứ bẩy 27/07/2002 tại "Downsview Park" (sân bay cũ của thành phố) và sau cùng trong Thánh lễ bế mạc vào sáng Chúa  nhật 28/07/2002 cũng tại Downsview Park.

Các phương tiện truyền thông  và dân chúng xem ra lãnh đạm trong những ngày đầu, nhưng sau đó, với con số tham dự đông đảo của trên 800 ngàn thanh niên, bất kể trời mưa, gió bão,  đã thay đổi thái độ, ca ngợi, cảm phục, và coi Ngày QTGT  như một  phép lạ không những đối với giới trẻ, nhưng cả với người dân Canada. Nhà cầm quyền Canada công nhận: đây là một biến cố đáng ghi nhớ trong lịch sử Ðất nước.

Từ giã Toronto trong mến tiếc của giới trẻ và người dân Canada, sáng thứ hai 29/07/2002, ÐTC lên đường đi Guatemala,  để chủ tế thánh lễ phong Hiển Thánh cho Chân phước Pedro de San José de Betancurt tại Trường đua ngựa của Thành phố với sự tham dự của 700 ngàn tín hữu Công giáo đến  từ các miền trong nước, bằng mọi phương tiện của dân nghèo, kể cả việc đi bộ suốt  đêm.

Tại đây, tuy nghèo nàn, người dân Guatemala đã dành cho ÐTC một cuộc tiếp đón hết sức nồng hậu và quảng đại. Ngoài việc tuốn ra các ngả đường để hoan hô chào mừng, dân chúng đã vất vả trong nhiều ngày để làm một chiếc thảm hoàn toàn bằng bông hoa tươi đủ mầu sắc dài 7 cây số trên quãng đường dài 14 cây số từ sân bay về Tòa Sứ Thần ở thủ đô, nơi ÐTC đi qua. Thảm này còn được giữ lại để hôm sau ÐTC lại qua một lần nữa, khi ngài  rời Guatemala, lên đường đi Mexico. Ðây là một cử chỉ hết sức đặc biệt, biểu lộ lòng kính mến và biết ơn của toàn dân đối với ÐTC,  vì ngài đã có nhiều công trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài  36 năm tại miền này. Ðây là lần thứ ba ÐTC viếng thăm Guatemala. Lần này,  dù sức khỏe yếu kém và mệt nhọc nhiều,  sau những cử hành Ngày QTGT tại Toronto, ÐTC quyết tâm đến đây một lần nữa, để tôn phong lên bậc Hiển Thánh Chân phước Pedro de San José de Betnacurt, Vị Thánh của các người nghèo, của công việc từ thiện, bác ái và của  việc phát triển toàn diện con người, cách riêng đối với người dân thổ cư (indios) và cũng  là Vị Thánh đầu tiên của dân tộc Guatemala.

Sau Guatemala, ÐTC lên đường đi thủ đô  Mehicô, chặng sau cùng của chuyến ra đi lâu dài và vất vả này. Ðây là lần thứ năm ÐTC viếng thăm Mehicô, một đặc ân dành cho quốc gia rất công giáo này (95%); nhưng tiếc thay, trong  vòng 70 năm, Giáo hội tại đây đã bị bách hại và bị loại ngoài lề xã hội, bởi một chế độ chính trị thù nghịch. Với các chuyến viếng thăm của ÐTC, Mehico đã dần thay đổi và Giáo hội Công giáo tại đây đã lấy lại được địa vị của mình trong xã hội. Giữa Tòa Thánh và Mehico đã có quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Giáo hội Công giáo được công nhận là "một pháp nhân". Giáo hội và Chính phủ, áp dụng chính sách "tách rời" giữa Nhà nước và Giáo hội, hoạt động trong lãnh vực riêng của mình. Thế quyền và thần quyền khác nhau, nhưng cùng theo đuổi một mục đích: công ích của người dân. Ðể đạt mục đích này, Nhà nước và Giáo hội cần cộng tác với nhau và tôn trọng nhau.

Từ năm 2000, lần thứ nhất, Mehico có một vị Tổng thống Công giáo, ông Vicente Fox. Trong lễ nghi đón tiếp ÐTC tại Sân bay quốc tế Mehico, lần đầu tiên một Vị Tổng thống Mehicô bái gối kính chào, rồi hôn tay ÐTC, khác hẳn thái độ của Vị Tổng Thống Mêhicô đón tiếp ÐTC tháng Giêng năm 1979.

Hôm sau đương kim Tổng thống Vivente Fox,  còn hiện diện trong Thánh lễ Phong Hiển Thánh tại Ðền thờ Guadalupe. Ông cũng là một tín hữu sùng kính Ðức Mẹ Guadalupe. Báo chí của các nhóm đối lập chỉ trích thái độ của Tổng thống, vì không tôn trọng chính sách "li khai". Ông đã trả lời thẳng thắn như sau: "Hiến pháp công nhận tự do tôn giáo. Tổng thống cũng là một công dân, có quyền hưởng quyền thiêng liêng này. Hơn nữa, tôi tham dự Thánh lễ trong tư cách là một tín hữu Công giáo, không nhân danh Chính phủ". Với thái độ này,  các báo ủng hộ Tổng thống,  đã viết như sau: xem ra Tổng thống quyết tâm đẩy mạnh bước quặt lịch sử và hướng dẫn Mehico sang một giai đoạn mới.

Người dân Mehico cũng như người dân Guatemala đã dành cho ÐTC một cuộc tiếp đón hết sức nồng hậu. Sự nồng hậu, hăng say này mỗi ngày mỗi tăng. Trên quãng đường dài 20 cây số từ Tòa Sứ Thần đến Ðền thờ Guadalupe, người dân tuốn ra hai bên đường,  không một chỗ trống, không sợ mưa gió, không ngại chờ đợi lâu giờ... để được nhìn thấy ÐTC, để  hoan hô chào mừng ngài, đấng được  họ yêu mến như Vị ân nhân, như  một người Cha, như vị hướng dẫn... Họ tung hoa trên xe của ÐTC, họ vẫy cờ, hô to, hát xướng .... Theo báo chí, số người tuốn ra các ngả đường chào đón ÐTC có trên một triệu. Số người dự thánh lễ Phong Hiển Thánh trong Ðền thờ và ngoài sân (qua các màn ảnh TV) khoảng 60 ngàn. Nhật  báo La  Stampa kể lại: một số thanh niên chờ đợi 20 tiếng đồng hồ và ngủ lại bên Ðền thờ Guadalupe, để  dành chỗ tham dự thánh lễ do ÐTC cử hành. Một hiện tượng rất khó hiểu, nếu không có đức tin. Cũng nhật báo này viết với tựa lớn như sau: "Ðức Gioan Phaolô II chinh phục được  dân chúng".

Tình yêu mến, lòng biết ơn của dân tộc Mehicô được biểu lộ trong các cuộc tiếp đón, các cuộc gặp gỡ, các thánh lễ do ÐTC cử  hành. Tất cả việc biểu lộ tâm tình này là để đáp lại những hy sinh, vất vả, mệt nhọc của ÐTC và đáp lại sự tin tưởng của ngài vào tương lai Giáo hội tại Mỹ Châu.

Nhìn lại từ đầu Triều Giáo Hoàng, chúng ta hiểu được phần nào những chuyến ra đi và đặc biệt những chuyến viếng thăm tại các nước Châu Mỹ Latinh. ÐTC đặt tin tưởng vào Giáo hội tại miền này. Chỉ ít tháng sau khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, ÐTC lên đường viếng thăm Puebla của Mehico, để chủ tọa Hội nghị các giám mục Châu Mỹ Latinh, để cùng với các ngài phác họa một chương trình tái rao giảng Tin Mừng. Ngài đã cùng với các vị chủ chăn miền này tổ chức lễ mừng 500 khám phá Tân thế giới và việc rao giảng Tin mừng cho các dân tộc tại đây.

Tháng 10 năm 1992, ÐTC đã đến Châu Mỹ để cùng với các Giám mục và Cộng đồng Công giáo Châu Mỹ mừng kỷ niệm 500 năm rao giảng Tin Mừng, đồng thơ øi thúc đẩy một đà tiến mới  trong việc tái rao giảng Tin Mừng trong Ngàn năm thứ ba. Ngài đã cử hành thánh lễ tại Ðền thánh Guadalupe, điểm hành hương của các dân tộc Châu Mỹ, để phú thác cộng việc tái rao giảng Tin Mừng cho Ðức Trinh Nữ Maria "Stella dell’evangelizzazione" (Ngôi Sao  Sáng của việc rao giảng Tin Mừng). Chúng ta thấy rõ: Châu Mỹ là nơi được ÐTC viếng thăm nhiều lần hơn cả, nhiều nước được viếng thăm ba, bốn, năm lần. ÐTC tin tưởng vào Châu lục này, vì tại đây  có hơn nửa dân số Công giáo hoàn cầu (khoảng 600 triệu). ÐTC  vẫn thường nói: Tương lai Giáo hội ở nơi Châu Mỹ. Vì thế trong Khóa họp ngoại lệ của Thượng Hội Ðồng Giám Mục (THÐGM) (cuối năm 1997), ÐTC muốn rằng: Bắc, Trung, Mỹ châu hợp thành một Châu duy nhất: Châu Mỹ, để cùng cộng tác chặt chẽ trong việc tái rao giảng Tin Mừng tại  đây. Bắc Mỹ giầu về vật chất, hãy giúp Trung và Nam Mỹ  đang phát triển và nghèo nàn, nhưng lại giầu  về nhân sự.

Lần này, trong chuyến viếng thăm tại Hai thành phố Guatemala và Mexicô, ÐTC muốn nhấn mạnh đến chương trình tái rao giảng Tin Mừng tại Châu lục này phải dựa trên con đường đã được hai  Vị Thánh mới Pedro de San José và Juan Diego vạch ra. Thánh Pedro de San José, Vị thánh của các người nghèo, của việc phát triển. Giảng trong thánh lễ Phong Hiển Thánh, ÐTC nhấn mạnh: "Vị Thánh mới là một lời mời gọi khẩn cấp về thực hành lòng thương xót trong xã hội ngày nay, nhất là trong lúc biết bao con người đang chờ đợi bàn tay cấp cứu. Chúng ta hãy nghĩ đến các trẻ em và thanh niên không nhà ở, không được giáo dục, nghĩ đến các người phụ nữ bị bỏ rơi với biết bao nhu cầu phải đối phó; nghĩ đến các nạn nhân của các tổ chức tội ác, nạn nhân của mãi dâm hoặc của thuốc phiến, nghĩ đến các bệnh nhân không được giúp đỡ hay các người già cả sống cô đơn".

Giáo hội tại Châu Mỹ còn phải là Giáo Hội biết đem Phúc âm vào nền văn hóa dân tộc. Trong bài giảng Thánh lễ Phong Hiển Thánh cho Chân phước Juan Diego, ÐTC nói: "Cần phải nâng đỡ các dân tộc thổ cư (rất đông tại Mexico) trong những ước vọng chính đáng của họ, bằng việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị của mỗi nhóm chủng tộc. Mexico cần đến các dân thổ cư và các dân thổ cư cần đến Mexico". Ngỏ lời vời các dân thổ cư, ÐTC nói: "Anh em thổ cư rất thân mến, Cha luôn luôn gần gũi anh chị em". Thánh Juan Diego và Ðức Mẹ Guadalupe là biểu hiệu của việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa của Châu lục này.

Nhật báo Công giáo Ý  "Tương lai"  số ra ngày 01/08/2002, viết trong bài xã thuyết, với tựa đề: "America latina, es tu hora" (Châu Mỹ Latinh, đây thời đại của ngươi). Trong bài, tác giả giải thích: "Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi  nhưng đầy ý nghĩa,  ÐTC chỉ cho thế giới hai hình ảnh khác nhau, nhưng mang  một biểu hiệu rất sâu xa: tại Mexico, Thánh Juan Diego, tại Guatemala, Thánh Pedro de San José de Betancurt, vị sáng lập  trường học đầu tiên miễn phí tại Châu lục này. Hai hình ảnh, hai sứ điệp. Việc tôn trọng sâu xa đối với các nguồn gốc văn hóa của mỗi một dân tộc -  dấn thân không ngừng cho việc phát triển toàn diện con người: đây là những con đường cụ thể của Tin Mừng trong thời đại của việc hoàn cầu hóa. Ðó là những con đường mà Ðức Wojtyla, vị ra đi khắp nơi trên thế giới và không biết mỏi mệt của Tin Mừng, muốn chỉ cho Giáo hội tại Châu lục này, cho Giáo hội trên thế giới  và cho cả thế giới nữa".

 


Back to Home Page