Vài hàng giới thiệu Guatemala

quốc gia được ÐTC viếng thăm

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài hàng giới thiệu Guatemala, quốc gia được ÐTC viếng thăm.

(Radio Veritas Asia - 30/07/2002) - Sau gần một tuần lễ tại Toronto, để chủ tọa Ngày Quốc Tế Giới Trẻ (QTGT) lần thứ XVVII, sáng thứ hai 29/07/2002, ÐTC lên đường tiếp tục chuyến viếng thăm của ngài tại hai Thành phố lớn: Guatemala (thủ đô Cộng hòa Guatemala) và Mexico (thủ đô cộng hòa Mexico). Trong hai chặng sau cùng này, tại Thành phố Guatemala, ÐTC chủ tế Thánh lễ phong Hiển Thánh cho Chân phước Pedro de San José de Betancurt, và tại Thành phố Mexico (nơi Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe) phong hiển thánh cho Chân phước Juan Diego Cuauhttoatzin vào ngày 31 tháng 7/2002,  và hôm sau, mùng 1 tháng 8/2002, phong Chân phước cho hai Vị Tử đạo Juan Bautista và Jacinto de Los Angeles.

Guatemala là một quốc gia nhỏ bé thuộc Trung Mỹ châu, gồm 108,889 cây số vuông, với 11 triệu 390 ngàn dân cư. Sau cuộc khám phá Tân thế giới, Guatemala trở thành thuộc địa của Tây ban nha, như nhiều quốc gia khác tại Bán cầu này. Guatemala được độc lập vào năm 1839, theo chính thể Cộng hòa, với Hiến pháp riêng, công bố ngày 31 tháng 5 năm 1985 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14 tháng Giêng năm 1986.

Vị trí địa dư của Guatemala: Mạn Tây-bắc, giáp Cộng hòa Mexico,   phía Ðông-bắc giáp cộng hòa nhỏ bé Belize, mạn Ðông, giáp Cộng hòa Honduras và Biển Antilles, phía Ðông nam,  giáp cộng hòa El Salvador, và mạn Tây-nam, Thái bình dương. Guatemala là một trong những những quốc gia Trung Mỹ châu thường bị nạn động đất và núi phun lửa. Cũng như các nước tại Trung Mỹ châu, Guatemala sống trong cảnh nghèo khổ. Hơn nữa, Guatemala bị cuộc nội chiến kéo dài trong 36 năm, gây nên biết bao chết chóc,  di tản và nghèo đói.

ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Guatemala hai lần rồi: Tháng 3 năm 1983, trong chuyến viếng thăm các quốc gia Trung Mỹ châu -  Và Lần thứ hai,  tháng 2 năm 1996, trong lúc nội chiến vẫn tiếp diễn. Trong dịp này, để tỏ lòng tôn kính ÐTC, hai bên tranh chấp đã quyết định đình chiến trong những ngày ÐTC viếng thăm. Cũng trong  chuyến viếng thăm lần thứ hai này, Chính phủ và phe kháng chiến khởi sự cuộc đàm phán và đi đến việc ký kết thỏa ước hòa bình. Nhờ đó, trong những năm vừa qua người dân Guatemala được sống trong bình an; nhưng hậu quả của cuộc nội chiến còn rất sâu rộng. Nhờ viện trợ của nhiều quốc gia, Guatemala đang trên đường phục hưng. Tình hình chính trị trở lại rất căng thẳng vào tháng 4 năm 1998, sau vụ ám sát Ðức Giám mục José Juan Gerardi, Giám mục phụ tá Giáo phận Thành phố Guatemala, vì ngài đã soạn thảo bản báo cáo về những tội ác trong những năm nội chiến, phần lớn gây nên do  quân đội chính phủ.

Về tổ chức Giáo hội Công giáo: Người dân Guatemala thuộc nền văn minh Maya, dưới thời cai trị của Tây ban nha, hầu hết trở lại Ðạo Công giáo (khoảng 83%), được chia thành 15 giáo phận và 434 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của 21 giám mục, với sự cộng tác của  360 linh mục giáo phận và 610 linh mục dòng tu. Ngoài các Giám mục và linh mục, Giáo hội Guatemala còn có sự cộng tác của hơn 2 ngàn Nữ tu - 172 tu sĩ không có chức linh mục - 72 thành viên của các Tu hội đời - 94 giáo dân truyền giáo và gần 43 ngàn giáo lý viên. Giáo hội Guatemala còn thiếu nhiều nhân sự mục vụ và truyền giáo. Mỗi linh mục phải coi sóc khoảng 10 ngàn tín hữu Công giáo. Số chủng sinh trong cả nước hiện nay khoảng 370 thầy. Vấn đề gây lo lắng nhiều cho các vị chủ chăn tại Guatemala, cũng như tại nhiều quốc gia Châu Mỹ Latinh,  là nạn giáo phái mỗi ngày mỗi lan rộng, bằng việc tung tiền của mua chuộc dân nghèo.

Như chúng tôi vừa nhắc trên đây: Lần này ÐTC đến Guatemala là để chủ tế thánh lễ phong Hiển Thánh của Vị Thánh đầu tiên của Guatemala, Tu sĩ Dòng Phanxicô: Pedro de San José de Betancurt, người dân thổ cư (indio),  như chính ÐTC đã nhắc đến trong diễn văn đọc trong lễ nghi đón tiếp tại sân bay L'Aurora.

Chiều thứ hai 29/07/2002, lúc 17giờ (giờ Guatemala, tức 23 giờ Roma, khoảng 5 giờ sáng ngày 30/07/2002 giờ Việt nam), từ Thành phố giầu có, xa hoa Toronto, nơi cử hành Ngày QTGT  lần thứ XVII, ÐTC lên đường đi đến Thủ ÐôGuatemala của một quốc gia nghèo nàn. Nhưng  người dân Guatemala lại là một dân tộc rất sùng đạo và quí mến biết ơn ÐTC. Ngay từ lúc đầu họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón bên ngoài khác hẳn cuộc tiếp đón tại Toronto - Ðài Truyền Hình  Ý  gọi cuộc tiếp đón này là "khởi hoàn". Hai bên đường từ sân bay, dài 14 cây số, về đến Tòa Sứ Thần tại Thủ đô, dân chúng tụ họp,  với lá cờ nhỏ Vatican trong tay,  hoan hô chào mừng ÐTC. Trên con đường này, họ đã làm một chiếc thảm đỏ dài bằng bông hoa mầu sắc, bằng vải, để "Xe Di Chuyển ÐTC" chạy qua. Ðây là một hiện tượng chưa bao giờ có trong các chuyến viếng thăm của ÐTC. Thảm đỏ bằng bông hoa chỉ thấy trong các cuộc ruớc kiệu Thánh Thể tại nhiều nơi trên thế giới.

Các cửa hàng, các công sở,  ngân hàng... đều được phép đóng cửa trước,  để dân chúng và công chức  được  dự lễ nghi đón tiếp ÐTC và tuốn ra các ngả đường để chào mừng ngài. Quang cảnh tưng bừng ngày lễ này thường vẫn xẩy ra trong các chuyến viếng thăm của ÐTC,  cách riêng tại các quốc gia Châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, trường hợp đặc biệt khác trong lễ nghi đón tiếp ÐTC tại sân bay Guatemala được báo chí lưu ý nhiều: cùng với Tổng thống Alfonso Portillo Cabrera của Guatemala, còn có sự hiện diện của sáu vị Tổng thống các nước Trung Mỹ châu: Francisco Flores Perez, TT cộng hòa El Salvador - Ricardo Maduro Joest, TT cộng hòa Honduras - Henrique Bolaos Geyer, TT cộng hòa Nicaragua -Mireya Moscoso Rodriguez, Nữ TT cộng hòa Panama - Abel Pacheco, TT cộng hòa Costa Rica - và Said Musa, thủ tướng cộng hòa Belize. Ngoài sáu vị trên đây, còn có cả TT Cộng hòa Domicana, Rafael Hipolito Mejia Dominguez. Các vị Quốc trưởng đến Guatemala để biểu lộ lòng biết ơn và quí mến đối với ÐTC, Vị ân nhân của Châu Mỹ Latinh, cách riêng của miền Trung Mỹ châu, một miền vừa nghèo khó, vừa bị nhiều thiên tai. Trong mọi dịp đau buồn này, ÐTC tận tình giúp đỡ và kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ người dân miền này. Cũng nhờ trung gian nhẫn nại của ÐTC, nhiều cuộc nội chiến tại đây (El Salvador, Honduras, Nicaragua...) được kết thúc, để người dân nghèo khổ được sống trong bình an và  tiến trên con đường tái thiết quốc gia.

 


Back to Home Page