Ðiểm báo xuất bản Chúa Nhật 2807/2002

về  bửa Cơm trưa của Các Bạn Trẻ Với ÐTC

và nghi thức ngắm đàng Thánh Giá

ngày thứ sáu 26 tháng 7 năm 2002

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðiểm báo xuất bản Chúa Nhật  28 tháng 7 năm 2002 về  bửa Cơm trưa của Các Bạn Trẻ Với ÐTC và nghi thức ngắm đàng Thánh Giá ngày thứ sáu 26 tháng 7 năm 2002.

(Radio Veritas Asia - 28/07/2002) - Trong bài điểm báo trước đây (thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2002), chúng tôi đã nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và 14 thanh niên đại diện các thanh niên tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ (QTGT) tại Toronto, được mời dùng bữa cơm trưa thứ sáu 26/07/2002 với ÐTC tại "Ðảo Dâu" (Strawberry Island). Trong bài nầy chúng tôi xin thêm vài chi tiết  về cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa này, đã được  các phương tiện truyền thông xã hội Canada quan tâm cách riêng và coi đây là cử chỉ thân tình của người Cha đối với các bạn trẻ, như con cái của ngài.

Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" (L'Osservatore Romano), số ra ngày Chúa nhật 28/07/2002 đăng hình ÐTC đang ngồi bàn ăn với Ðức TGM giáo phận Kingston, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Canada chịu trách nhiệm về tổ chức Ngày QTGT và Cha Thomas Rosica, Giám đốc quốc gia và điều hành Ủy ban Tổ Chức, cùng với 14 Thanh niên nam nữ, trong số nầy  có:

- 3 thanh niên Canada: Emmanuel Pierre 22 tuổi, sinh viên Kiến trúc của Ðại học Toronto - Marianne Desgagne, 21 tuổi, thuộc giáo  phận Québec và Frank William Sinclair, 25 tuổi, chuyên viên về âm nhạc,

  11 thanh niên khác thuộc các quốc gia như: Cộng Hòa Liên Ban Ðức, Ấn Ðộ, Hoa Kỳ, Sudan, Kenya, Australia, Peru, Jordanie, Bosnia-Erzegovina và Tahiti:

- Anneke Pelmoller 20 tuổi, giáo phận Hambourg (Cộng hòa Liên Bang Ðức).

- Joseph Sangeetha, 25 tuổi, thuộc Bang Kerala (Ấn độ).

- Robin Cammarota, 19 tuổi, người Hoa kỳ.

- Keji Lako Jada Kowjok, 18 tuổi, từ Sudan.

- David Sadera Kuntai, từ Kenya, 21 tuổi, sẽ vào chủng viện tháng 8 năm 2002.

- Daniel đã tham dự Ngày QTGT tại Roma năm 2000, Cliffon John William Mamid 17 tuổi, người Australia, đến từ Derby, có 6 người anh em trai và hai chị gái.

- Jovita Martinez Coca, 26 tuổi, người Perù.

- Gizelle Michael Nijmeh, 25 tuổi, sinh viên của trường Giáo chủ tại Amman, thủ dô Jordanie.

- Anna-Maria Cagali, 26 tuổi, thuộc giáo phận Mostar (Bosnia-Erzegovina), đã tham dự Forum quốc tế của Ngày QTGT năm 2000 tại Roma.

- Sau cùng Saraya Tsing, đến từ Tahiti, sinh viên Khoa Kinh tế tại Ðại học của thủ đô cộng hòa Tahiti.

Sau cuộc gặp gỡ với ÐTC tại "Ðảo Dâu" (Strawberry Island), Cô  Saraya Ysing, từ Tahiti, đã tuyên bố  như sau: "ÐTC đã đi vào trong đời sống của chúng tôi,  từ lúc ngài muốn chúng tôi tụ họp chung quanh ngài, từ đầu Triều Giáo Hoàng của ngài. Ơn lớn lao của Ngày QTGT  sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm hồn chúng tôi".

Cử chỉ  đầy tình cha của Ðức Gioan Phaolô II đối với giới trẻ trong cuộc gặp gỡ thu hẹp tại "Ðảo Dâu"  và trong những gặp gỡ chung  giới trẻ thế giới trong những ngày này tại Toronto, đã và đang gây tiếng vang sâu rộng nơi các Phương tiện Truyền Thông xã hội tại  Canada.

Ngoài bửa Cơm Trưa  tại "Ðảo Dâu" (Strawberry island), một biến cố khác cũng gây xúc động và cảm phục tại Canada: đó là  Lễ nghi Ngắm Ðàng Thánh giá vào chiều thứ sáu 26/07/2002,  trên Ðại lộ Ðại Học;  biến cố  nầy kéo dài trong ba tiếng đồng hồ. Và các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội tại Canada đã đề cao biến cố này, như là một biến cố chưa bao giờ xẩy ra tại Canada. Ðây không phải chỉ là lễ nghi ngắm Ðàng Thánh giá thông thường, như vẫn có trong dịp cử hành Ngày QTGT  từ trước tới giờ. Ủy ban tổ chức Ngày QTGT Canada đã có sáng kiến rất đặc biệt: Diễn lại cuộc Tủ Nạn của Chúa và  đây là Ðường Thập Giá (Via Crucis)  sống động, diễn ra giữa  một đô  thị phồn thịnh nhất về vật chất của Liên Bang Canada.

Nhật báo Quan Sát Viên Roma, L'Ossservatore Romano,  cũng số phát hành Chúa nhật 28/07/2002, đề cao việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, và dành một bài riêng về lòng sùng kính đạo đức này, có sức gây ảnh hưởng sâu xa và cảm động mạnh mẽ trong tâm hồn những người theo dõi tại chỗ hoặc trên đài truyền hình.

Thánh giá Ngày QTGT mở đường cho cuộc  tiến lên Calvario. Tất cả Thanh niên đều hướng về Thánh giá này, biểu hiệu của Ngày QTGT và là quà tặng của ÐTC cho Thanh niên thế giới, từ năm 1985 đến nay. Ba  vị Hồng Y chủ tọa Lễ nghi đi Ðàng Thánh Giá ---Via Crucis --- là ÐHY  James Francis Stafford, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân - ÐHY Aloysius Ambrosic, TGM Toronto -   ÐHY Jean Claude Turcotte, TGM Montréal.

Mỗi chặng có 172 thanh niên nam nữ,---- đại diện 172 quốc gia tham dự Ngày QTGT Toronto,------ đi theo Thánh Giá và thay đổi nhau vác Thánh giá của Ngày QTGT,  vừa thỉnh thoảng lại dâng lên cao cho mọi người tham dự được nhìn ngắm và cầu nguyện.

Chặng đầu được khởi sự từ Nathan Philips Square và do Ca đoàn của Cộng đồng Taizé (Pháp) ca hát. Các chặng kế tiếp, ---từ chặng thứ hai đến hết chặng thứ chín,--- được đặt dọc theo Ðại lộ "Ðại Học".  Chặng 10 , 11 và 12 -  diễn ra tại sân cỏ mênh mông của Tòa Nhà lập pháp của Bang Ontario – và hai chặng 13 và 14  thì diễn ra tại "Bảo Tàng Viện Quốc Gia bang ONTARIO" (Royal Ontario Museum). Kết thúc Ðàng Thánh Giá, cả ba vị HY cùng ban phép lành cho các người tham dự.

Vào lúc bắt đầu việc Ngắm Ðàng Thánh giá, bốn thanh niên đốt lên ngọn đuốc, bằng ngọn lửa  do chính Ðức Gioan Phaolô II đã đốt lên trong chuyến viếng thăm thứ nhất tại Canada và tại Thành phố Toronto, năm 1984,  nhờ vào những cụt than lửa đỏ,  được mang đến từ Hiroshima, thành phố của Nhật, bị tàn phá bởi bom nguyên tử trong thời đệ nhị thế chiến.

Ngoài những nhân vật chủ chốt của lễ nghi diễn lại Cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, trên Via Crucis, được chúng tôi nhắc lại trên đây, còn có 250 thanh niên nam nữ tự nguyện giữ các vai trò khác nhau, như các vai Philato, các thầy tư tế, các môn đệ, các lính tráng...

Thêm vào đó, mỗi chặng có sáu thanh niên thuộc Cộng đồng l'Arche (bên Pháp) do ông Jean Varnier sáng lập, với mục đích phục vụ các người cần được phục vụ trên thế giới, đi theo sau đẩy xe lăn của anh chị em tàn tật.  Sự hiện diện của các bệnh nhân này trong yên lặng, trong đau khổ, là tiếng nói hùng hồn. Họ không nói lên bằng tiếng nói, nhưng bằng cử chỉ, bằng thảm kịch con người của họ trong đêm yên lặng, giữa một thành phố phồn thịnh về vật  chất.

Ðề tài dành cho cuộc Ði Ðường Thánh Giá, (Via Crucis),  do chính ÐTC Gioan Phaolô II soạn trong Năm Thánh 2000, và được đọc lên bằng tiếng: Anh, Pháp, Ý, Tây ban nha và Latinh.... xen giữa những bài hát, thánh vịnh, kinh nguyện... Ðến chặng 11, mọi người cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Kitô tự hiến thân làm của lễ hy sinh, lạy Tình yêu đã chịu treo  trên Thập giá, xin hãy đổ đầy tâm hồn chúng con bằng tình yêu thương của Chúa,  để chúng con nhận biết nơi Thánh giá Chúa dấu hiệu của ơn cứu độ của chúng con, và một khi đã được lôi kéo bởi các vết thương của Chúa, chúng con sống và chết với Chúa".

Về lễ nghi Ðàng Thánh Giá, nhật báo: "Tin Sáng"  (Il Mattino),  xuất bản tại Napoli, số ra ngày 27/072002,  đăng hình ÐTC với khuôn mặt rất hài lòng và tươi cười giữa thanh niên trong những ngày này,  tụ họp tại Exhibition Park. Nhật báo giải quyết thêm như sau: "Thanh niên tham dự lễ nghi ngắm Ðàng Thánh giá cách nghiêm trang, sốt sắng trên các ngả đường của Toronto, để khẩn xin Thiên Chúa  ơn hòa bình cho các dân tộc hiện nay còn đang sống trong thù ghét và bạo lực".

Nhật báo cũng đề cao cuộc găp gỡ giữa ÐTC và các vị lãnh đạo chính trị Canada và lễ nghi canh thức cầu nguyện tại Downsview Park, nơi ngài sẽ cử hành thánh lễ bế mạc Ngày TGTN lần thứ XVII vào sáng Chúa nhật 28/07/2002.

"Ðặc sủng của Ðức Gioan Phaolô II, lại một lần nữa, trở nên trung tâm thu hút đám đông biển người. Ðám đông thanh niên, vừa thấy hình  ảnh của ngài xuất hiện, thì như trở nên "bị thôi miên".  Ðây là nhận  xét của nhật báo Le Figaro của Pháp, số ra ngày 27/07/2002. Báo này viết tiếp: "Trong hơn hai tiếng đồng hồ, ÐTC hầu như bị giới  trẻ bao vây". Tờ báo Pháp cũng nhấn mạnh đến lời ÐTC căn dặn giới trẻ: Cái làm cho các con hạnh phúc thật không phải tiền bạc, danh vọng, chức quyền, thú vui, nhưng chỉ có Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chỉ có Người có thể làm cho thế giới này tiến đến hòa bình, hòa giải, và hạnh phúc thật".

Nhật báo ---Người Ðưa Tin Chiều—và những bài tâm ca, cho bản tin chiều được dịu bớt-Corriere della sera xuất bản tại Milano, tả lại cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và 14 thanh niên tại Strawberry island, nhắc đến lời của một thanh niên nói với ÐTC : " Ngày QTGT thật là cuộc gặp gỡ kỳ diệu . Chúng ta hãy tổ chức mỗi năm  một  lần.’’  Một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đã và đang gây nên những " sự kỳ diệu " trong tâm hồn nhiều người, không chỉ riêng thanh niên, nhưng cả nơi người lớn, nam, cũng như nữ .

Nhật báo "Tương Lai"  của Ý  số ra ngày 28/07/2002, kể lại một sự kỳ diệu ngay trong những ngày này. Từ Thủ tướng và các vị lãnh đạo xã hội Canada  đều biểu lộ sự tôn trọng đối với ÐTC và các người Công giáo, dù trong nước còn có một vài dấu hiệu "chống giáo sĩ ".  Linh mục phụ trách mục vụ cộng đồng Công giáo Ý ở Toronto quả quyết: "Cả nơi những người không có tín ngưỡng đang ghi nhận một sự "rung động mới".

Cũng nhật báo Avvenire này, thuật lại mẩu chuyện "kỳ diệu" trong tâm hồn, như một phép lạ,  vào Ngày Toronto. Bà Clare Mary K., một phụ nữ giầu có tại Toronto, hiện là manager của nhiều ngân hàng trong thành phố, trong những Ngày QTGT  bà đón tiếp hai  bạn trẻ  trong nhà mình. Ðể biểu lộ lòng biết ơn, hai thanh niên tặng bà một biểu hiệu nhỏ không đáng kể gì của Ngày QTGT  Toronto; đó là chiếc "chiếc kim gài áo). Bà gài trên áo, đến sở làm việc, như mọi ngày. Sau giờ làm việc, trở lại nhà, Bà thú nhận: nhân viên trong sở  từ lúc thấy biểu hiệu của Ngày QTGT, mới nhận ra tối đa là một tín hữu Công giáo. Từ  đó Bà nhận ra rằng: một kim nhỏ gài trên áo với biểu hiệu Ngày QTGT  cũng là dụng cụ mang ý nghĩa sâu  xa, có thể trở nên "muối đất và ánh sáng thế gian" giữa các nhân viên trong sở của bà, và cả giữa một đô thị tối tân, vật chất, như Toronto ngày nay.

 


Back to Home Page