ÐTC lên đường viếng thăm Canada
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC lên
đường viếng thăm Canada.
(Radio Veritas
Asia - 23/07/2002) - Lúc 9.40 sáng thứ ba 23/07/2002, ÐTC lên đường
đi Toronto, Canada, để cử hành Ngày thế giới Thanh niên XVII
với các bạn trẻ đến
từ khắp nơi trên thế giới. Toronto
là chặng thứ nhất, trong ba chặng (tại ba quốc gia
Canada, Guatemala, và Mehicô) của chuyến viếng thăm quốc tế của ÐTC lần thứ 97, kể từ khi lên làm giáo
hoàng đến nay. Và đây là
lần thứ ba ÐTC viếng thăm Canada; nhưng thực ra lần này không
phải là chuyến viếng thăm mục vụ,
như hai lần trước đây. Lần này chỉ giới hạn tại Thành
phố Toronto, nơi cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ (QTGT),
được khai mạc thứ ba 23/07/2002
với Thánh lễ, do ÐHY Aloysius Ambrosic, TGM Toronto, chủ tế,
và bế mạc sáng Chúa nhật 28/07/2002,
với thánh lễ do ÐTC chủ tế.
Vài lời giới thiệu quốc gia Canada:
Lần thứ nhất
ÐTC viếng thăm Canada vào tháng
9 năm 1984, (từ ngày 9 đến 20//09/1984). Trong thời gian này ngài
viếng thăm các địa điểm sau đây: Québec, Trois Rivières ,
Montréal, St. John's, Moncton, Halifax, Toronto, Huronia, Winnipeg/St
Boniface, Edmonton, Yellowknife, Vancouver, Ottawa/hull. Lần thứ hai năm
1987, cũng vào tháng 9, ÐTC viếng thăm có hai nơi mà thôi:
Edmonton và Fort Simpson.
Canada là một
quốc gia Liên bang, được thành lập năm 1867. Từ
năm 1926, là thành viên của Commonweath và có Hiến Pháp
riêng, được công bố ngày 25/04/1982. Canada được chia thành
10 Tỉnh (mỗi tỉnh có các cơ quan lập pháp và hành pháp riêng)
và hai Lãnh thổ. Quốc trưởng của Liên Bang là vua nước Anh,
được đại diện tại Canada, bởi Vị Thống đốc; vị này do
Thủ tướng chỉ định và giới thiệu lên Hoàng gia Anh. Chính
phủ chịu trách nhiệm với Quốc hội, gồm hai viện: Hạ viện (hợp
thành bởi 301 dân biểu, được lựa chọn theo cuộc bầu cử
và tại chức trong thời hạn 5 năm) - Thượng viện (tối đa
gồm 112 nghị sĩ, do Thống đốc bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ
tướng).
Ðể bảo vệ
dân thiểu số, một lãnh thổ mới (bởi một phần của các
lãnh thổ miền Tây-Bắc) dành cho các nhóm thiểu số,
được thiết lập ngày 01/04/1999, thủ đô là Iqaluit, trên
đảo Baffin, và một chính phủ tự trị của dân Inuit.
Ngày 14 tháng
12 cũng năm 1999, Quốc hội Canada đã chấp nhận một thỏa
ước về việc trao phó cho dân thổ cư nisga'a một lãnh thổ rộng
2 ngàn cây số vuông , với ngân sách 170 triệu và quyền tự
trị rộng rãi.
Canada là một
trong các quốc gia rộng lớn nhất trên thế giới, gồm 9,970,610
cây số vuông, với 30 triệu 750 ngàn dân cư, trong số này có
13 triệu 453 ngàn người Công
giáo (43,75%) được chia thành 72 giáo phận và 5,115 giáo xứ,
dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của 137 giám mục, với
cộng tác của 9,832 linh mục (5,766 giáo phận và 4,066 dòng tu) -
918 thầy sáu vĩnh viễn - 2,254 tu sĩ không có chức linh mục -
23,971 nữ tu - 531 thành viên của các Tu hội đời và 12,025
giáo lý viên.
Thủ đô Liên
Bang là Ottawa với 323 ngàn 340 dân cư (hơn một triệu, nếu tính
cả các vùng ngoại ô) - Các thành phố lớn: Toronto (4 triệu
rưởi) - Montréal (3 triệu rưởi), Vancouver (gần 2 triệu) và
Edmonton (hơn 900 ngàn).
Trong số gần
31 triệu dân Canada có tới 77% sinh sống tại các thành phố và
các vùng ngoại ô - 9% là người dân thuộc Khối Liên hiệp
Châu Âu - Xét về chủng tộc: 40% là dân Anh - 27% dân Pháp -
2% dân thổ cử Amerindi - 1% dân lai - 0,1% dân Inuit.
Tiếng nói chính
thức là Anh và Pháp.
Xét về phương
diện tôn giáo: 44% thuộc Giáo hội công giáo - 36% Tin Lành -
1,5% chính thống - 1,4% theo Do thái giáo - 1% Hồi giáo - 0,6% Phật
giáo và 0,6% Ấn giáo.
Vài lời giới thiệu Thành phố Toronto, địa điểm
tổ chức Ngày QTGT năm
2002:
Toronto là một
trong ba thành phố lớn nhất của Bắc Mỹ châu: New York, Los
Angeles (Hoa kỳ) và Toronto (Canada). Dân cư trong thành phố khoảng
2 triệu rưởi (nếu tính cả cùng ngoại ô, lên tới hơn 4
triệu rưởi). Toronto là thủ
đô Bang Ontario và là thành phố chính của Canada và là trái
tím của một lãnh thổ chạy dài tới 80 cây số, theo suốt mạn
bắc Hồ Ontario.
Toronto được
thành lập năm 1793, sau Montréal một thế kỷ rưỡi. Toronto phát
triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng sau đệ nhị thế chiến, trở
nên hạt ngọc của nền kinh tế Canada, nhờ vào việc giáp giới
Hoa kỳ, đồng thời cũng là một cửa biển lớn kế bên Ðại
Tây dương và là đường thông
thương của sông St. Lawrence. Nhờ sự phồn thịnh về kinh
tế, có thể nói một phần ba dân số Canada sống trong chu vi 160
cây số chung quanh Toronto. Trong năm 1999 có 21 triệu khách du lịch
viếng thăm Thành phố này. Toronto
còn là một thành phố của thế giới, bởi vì hơn một nửa
dân cư sinh tại ngoại quốc và một phần ba vẫn nói tiếng riêng
của mình trong gia đình thay vì tiếng Anh, tiếng chính thức. Năm
1997, Toronto đón nhận 80 ngàn người di dân đến từ 169 quốc
gia khác nhau. Bà Thống đốc hiện nay, Adrienne Clarkson, sinh tại
Hồng kông năm 1939, và là con gái của đôi vợ chồng tị nạn
tại Canada năm 1942.
Toronto con
được gọi là "Hollywood North" do mức sản xuất TV và là
trung tâm kịch trường thứ ba trên thế giới nói tiếng Anh,
sau London và New York. Toronto nối tiếng trên cả thế giới vì cây
tháp về giao thông và kiểm soát "Canadien National", cao 544 thước,
một công trình xây cất cao nhất hiện nay,
do tài trí của con người.
Ngoài ra Toronto
còn có một hệ thống đường hầm dài rộng nhất của miền
Bắc Mỹ châu. Hệ thống này nói liền 1,100 cửa hàng và tiệm
ăn, 48 tòa nhà về thương mại, 6 khách sạn và nhiều trung tâm
giải trí.
Giáo phận
Toronto được thành lập ngày 17/12/1841, được cất nhắc lên
Tổng giáo phận ngày 18/03/1870, rộng 13 ngàn cây số vuông với
5 triệu 360 ngàn dân cư, trong số này có 1 triệu 847 ngàn người
Công giáo (35%). Tổng giáo phận được chia thành 222 giáo xứ
và 5 nhà thờ (địa điểm truyền giáo). Vị chủ chăn hiện nay
là ÐHY Aloysius Ambrosic, sinh tại Cộng hòa Slovenia năm 1930. Thụ
phong Linh mục năm 1955, được bổ nhiệm làm Giám mục hiệu tòa
và tấn phong năm 1976, thăng Giám mục phó với quyền kế vị
Toronto năm 1986; chính thức TGM Toronto năm 1990; thăng Hồng Y tháng
2 năm 1998.
Tổng giáo phận
Toronto có 385 linh mục giáo phận và 501 linh mục dòng - 613 Tu sĩ
không có chức linh mục - 738 Nữ tu - 78 chủng sinh ban Thần học
và Triết học - 147 thầy sáu vĩnh viễn - 549 viện giáo dục -
40 cơ sở từ thiện bác ái - Năm vừa qua có 19,780 người
lãnh bí tích rửa tội.
Ngoài ra, trong Thành phố Toronto còn có một Giáo phận của các người công giáo Ukraine, thuộc lễ nghi Bizantin. Giáo phận này là giáo phận phụ thuộc giáo tỉnh Winnipeg, của các người Công giáo Ukraine, với 41 ngàn giáo dân, được chia thành 78 giáo xứ do 85 linh mục giáo phận coi sóc và 16 linh mục dòng, với sự cộng tác của 20 thầy sáu vĩnh viễn, 17 tu sĩ không có chức linh mục, 36 Nữ tu và 6 chủng sinh. Trong Giáo phận có 7 cơ sở giáo dục. Trong năm 2001 có 520 người chịu phép rửa tội.