ÐTC chủ tọa buổi canh thức cầu nguyện

với sinh viên đại học Châu Âu

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC chủ tọa buổi canh thức cầu nguyện với sinh viên đại học Châu Âu.

Chiều thứ bẩy 02/03/2002, tại Thính đường Phaolô VI trong Nội Thành Vatican, ÐTC chủ tọa buổi canh thức cầu nguyện với các sinh viên của sáu đại học Châu Âu, trong số này có sinh viên đại học Moscowa. Buổi canh thức cầu nguyện được tiếp vận qua đài truyền hình với các sinh viên Ðại học Budapest (Hungari) - Viena (Áo quốc) -  Valencia (Tây ban nha) - Athènes (Hy lạp) - Strasbourg (Pháp) và Moscowa (Nga). Việc tiếp vận với sinh viên đại học Moscowa được coi như là "một chuyến viếng thăm trong tinh thần của ÐTC tại Nga".

Các sinh viên công giáo tụ họp trong nhà thờ chính tòa của sáu Thành phố có đại học, dưới sự hướng dẫn của các Giám mục giáo phận và các linh mục tuyên úy sinh viên.

Buổi canh thức cầu nguyện do Giáo phận Roma tổ chức với sự cộng tác của Ủy Ban Châu Âu của các Linh mục tuyên úy đại học. Từ trong các nhà thờ chính tòa của sái thành phố nói trên, các sinh viên đọc Kinh Mân côi với Ðức Thánh Cha,  theo tiếng nói của nước mình, và được tiếp vận với Ðại Thính đường Phaolô VI, nơi ÐTC, các HY, TGM, GM, LM và sinh viên hiện diện ở Roma, tụ họp. Ðây là giờ phút cảm động, hiệp thông trong tình huynh đệ, không ai còn cảm thấy mình bị xa cách bởi  biên giới địa dư, bởi ngôn ngữ, hoặc chủng tộc ... Tất cả cùng nhau cầu nguyện trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Cha của đại gia đình nhân loại. Tất cả cùng với ÐTC, Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho tình huynh đệ giữa các dân tộc và nhất là cho Châu Âu được trở về nguồn gốc văn hóa Kitô của mình, trong lúc công việc soạn thảo một Hiến Pháp chung cho Cộng đồng Âu Châu  được bắt đầu tại Bruxelles (Bỉ).

HÐGM Giáo hội công giáo Nga gọi buổi cầu nguyện tiếp vận giữa Roma và Moscowa  này, như  là "một chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga". Trong thông cáo được phổ biến, các Giám mục Giáo hội công giáo Nga giải thích như sau: "Vì nhiều lý do, ÐTC không thể đích thân viếng thăm các người công giáo tại Nga trong lúc này, ngài thực hiện một chuyến viếng thăm trong tinh thần tại nhà thờ chính tòa Moscowa". Trong giờ cầu nguyện tại nhà thờ Ðức Mẹ vô nhiễm ở thủ đô có khoảng hai ngàn người công giáo tụ họp duới sự hướng dẫn của Ðức TGM Tadeusz Kondrusiewicz. Mọi người được thấy ÐTC từ Thính đường Phaolô VI ở Roma, qua ba màn ảnh truyền hình lớn được đặt bên trong và bên ngoài nhà thờ.

Trước giờ tiếp vận với Vatican, Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, TGM giáo phận "Mẹ Thiên Chúa" ở Moscowa, chủ tế Thánh lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.  Như mọi người biết: sau việc cất nhắc bốn giáo hạt quản trị tông tòa tại Nga lên bậc giáo phận chính tòa, Giáo hội chính thống Nga phẫn uất, đe dọa đoạn tuyệt mọi tiếp xúc, đối thoại với Giáo hội công giáo Roma. Vì thế, chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Nga trở nên xa vời hơn nữa. Thực sự đã từ lâu, người công giáo Nga vẫn chờ đợi chuyến viếng thăm này, không những người công giáo, nhưng cả người ngoài công giáo và cả chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin nữa. Ông tuyên bố: Sẵn sàng mời ÐTC viếng thăm bất cứ lúc nào.

Ngoài nhà thờ chính tòa ở Moscowa, trong các nhà thờ giáo xứ trên toàn lãnh thổ Nga, nhờ tiếp vận qua hệ thống vệ tinh,  các người công giáo cũng có thể tham dự buổi cầu nguyện như trong nhà thờ Ðức Mẹ vô nhiễm ở thủ đô Moscowa vậy.  Việc tiếp vận này cũng gây phẫn nộ cho Tòa Giáo chủ chính thống Nga. Thứ sáu 1/03/2002, phát ngôn viên của Tòa Giáo chủ  yêu cầu  Ðức Gioan Phaolô II hãy lo lắng đến các vấn đề trầm trọng hiện có giữa hai Giáo hội, thay vì những mưu toan để hiện diện tại Nga.

Ðài phát thanh Vatican tuyên bố: "Những chỉ trích kia về phía Giáo hội chính thống không giập tắt được tình yêu thương của ÐTC đối với các tín hữu công giáo tại Nga". ÐTC vẫn giữ thái độ bình thản, tôn trọng. Thứ hai 25/02/2002, nhân dịp mừng ngày sinh nhật của Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống Nga, ÐTC gửi điện văn chúc mừng, trong đó ngài viết: "Tôi cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta qua khỏi các khó khăn chúng ta đang gặp trong việc tiếp tục việc đối thoại, nhằm gia tăng sự cộng tác hữu hiệu hơn, để tiến đến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, một sự hiệp nhất mà mọi người ước mong".

Buổi đọc kinh Mân côi của ÐTC với các Sinh Viên Âu Châu được tổ chức như sau: Trước mỗi mầu nhiệm và 10 Kinh Kính Mừng,  có chứng tá của một sinh viên; tiếp sau đó là phần thứ nhất của kinh Kính mừng đuơc đọc  bằng tiếng địa phương. Phần thứ hai được đọc trong các nhà thờ chính tòa và trong Ðại Thính đường Phaolô VI bằng tiếng nói riêng của mỗi nhóm sinh viên. Trong Ðại Thính Ðường Phaolô VI, kế bên ÐTC, có đặt tượng Ðức Mẹ Loreto. Tuợng thánh này sẽ lên đường đi Canada trong dịp cử hành Ngày Qước Tế Giới Trẻ tại Toronto (Canada),  vào cuối tháng bẩy năm 2002.

Trong khi chờ đợi ÐTC bước vào Thính đường, lúc 18 giờ,  có những bài suy tư của các học giả và của các vị hoạt động trong mục vụ sinh viên về một số đề tài liên hệ đến việc rao giảng Tin Mừng và việc phát triển cựu Lục địa.

Sau buổi cầu nguyện với ÐTC, các sinh viên hiện diện ở Roma, tụ họp thành đoàn rước kiệu tiến về nhà thờ Thánh Agnès ở Quảng Trường Navona, nhà thờ này vẫn được dành riêng cho giới trẻ. Tại đây các sinh viên lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh Bí tích Rửa tội.

Trong bài giảng, ÐTC nói với sinh viên về nguồn gốc và tương lai Châu Âu. Ðề tài rất hợp thời trong lúc Châu Âu đang tiến đến sự thống nhất, không phải chỉ về tiền tệ, kinh tế, nhưng cả về chính trị, văn hóa nữa. ÐTC đã nhiều lần lên tiếng: Châu Âu phải thống nhất từ Tây sang Ðông và phải thở bằng hai lá phổi:  Ðông và Tây. Châu Âu phải được xây dựng trên nền văn hóa Kitô, một nền văn hóa  đã có từ ngàn năm và ăn rễ sâu vào các dân tộc.

Không phải tình cờ: Nhân buổi cầu nguyện của sinh viên đại học Châu Âu, Ðức Cha Attilio Nicora, phó chủ tịch Ủy Ban các Hội đồng Giám mục Châu Âu, trong cuộc họp báo, loan tin rằng: trong những ngày từ 20 đến 23 tháng sáu năm 2002, Ðại học công giáo Roma sẽ tổ chức một Ðại hội  quốc tế với sự tham dự của giáo sư, sinh viên đại học về đề tài: "Tiến đến một Hiến pháp Châu Âu". Vị phụ trách mục vụ sinh viên, Lm Sergio Lanza, trong một bản văn gửi cho sinh viên, viết như sau: "Nền văn hóa Châu Âu ngày nay đã đặt việc phục hưng Kitô của Châu Âu vào trong bóng tối và trong sự nghi ngờ. Sự cần thiết của các giá trị và thể chế chung, không thể là một việc lui trở lại đàng sau, để nhường bước cho  sinh hoạt chính trị; nhưng  trái lại phải là linh hồn của tất cả mọi thực hiện chính trị, để khỏi rơi vào những chế độ dã man, độc tài, kỳ thị chủng tộc. Với các giá trị chung này, chúng ta hy vọng lấy lại đường giây đối thoại với Moscowa". Nên nhớ lại rằng: Một số nhà chính trị Pháp thuộc phe xã hội, như Ông Jospin, thủ tướng Pháp, và phe cực tả không muốn nói đến các tôn giáo, cách riêng Kitô giáo trong Hiến Pháp Châu Âu. ÐTC đã lập  tức lên tiếng về thái độ loại trừ  này. Cùng lên tiếng bênh vực nguồn gốc Kitô của cựu Lục địa, có các Giám mục và một số lớn các nhà chính trị thuộc đảng Bình dân Châu Âu, thuộc khuynh hướng ôn hòa.

 


Back to Home Page