Vài nét về Tổng giáo phận Toronto

nơi tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 17

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Tổng giáo phận Toronto, nơi tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 17.

(Radio Veritas Asia - 17/07/2002) - Trong bài nói chuyện với đặc phái viên nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai", số  phát hành ngày Chúa nhật 14.07.2002, ÐHY Aloysius  Ambrosic, gốc Slovenia, Chủ chăn Giáo phận Toronto,  cho biết về tình hình Giáo hội địa phương Toronto, nơi được chọn làm địa điểm tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ (QTGT) lần thứ  XVII.

ÐHY bắt đầu bằng những lời như sau: "Quý vị muốn biết Giáo hội của tôi à? Cảm ơn quý vị. Tôi xin trả lời ngay: Ðây là một Giáo hội rất hay. Tôi là vị chủ chăn của một Giáo hội gồm 232 giáo xứ và Thánh Lễ được cử hành bằng 29 thứ tiếng khác nhau. Có lẽ không có Giáo hội địa phương nào trên thế giới giống như vậy".

Nói đến việc thực hành đạo, ÐHY TGM Toronto cho biết: Số người tham dự thánh lễ các ngày Chúa nhật trong thời gian qua gia tăng. Ðây là một trường hợp họa hiếm tại Thế giới Tây phương. Ðiểm thấp hơn cả là trong năm 1994, chỉ có khoảng 33% tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật và  5% đến nhà thờ mỗi tháng hai lần. Ngày nay con số tăng lên  35% tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và 12% đến nhà thờ mỗi tháng hai lần.  Như vây tính trung bình mỗi tháng có 47% người Công giáo đến nhà thờ ít nhất một lần trong tháng. Ðây là con số đáng mừng sánh với các nước Tây phương hiện nay".

Về giới trẻ - Giới trẻ thường bị nhiều người, nhất là các người lớn tuổi, coi là "khô đạo", ham vui chơi, lãnh đạm với tôn giáo ... Nhưng trái lại, theo ÐHY Ambrosic, tại Giáo hội địa phương Toronto, số thanh niên dự thánh lễ các ngày Chúa nhật khoảng 42%. ÐHY  giải thích thêm như sau: "Ðây không phải là nhận xét của riêng tôi, nhưng là những học hỏi, nghiên cứu của các nhà xã hội học trung lập". Nhìn vào Ngày  QTGT  được tổ chức lần này tại Toronto, Giáo phận của ngài, ÐHY rất bình thản, mỉm cười, lạc quan và ý thức rõ ràng về tất cả những gì đã phải làm,  đã thực sự được hoàn tất. Guồng máy tổ chức tự nó bắt đầu chuyển vận.

Về việc tiếp đón các thanh niên-hành hương, ÐHY TGM cho biết: Giáo hội Toronto là một Giáo hội phản chiếu đặc điểm Thành phố, nghĩa là rất hỗn hợp (gồm những con người đến từ khắp nơi) từ nhiều nền văn hóa, nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo, nhiều ngôn ngữ, phong tục, truyền thống khác nhau, nhưng cũng là một Giáo hội hiệp nhất trong đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu thế duy nhất.

ÐHY Ambrosic nhắc lại thời kỳ còn nhỏ, khi ngài từ Slovenia đến Bang Ontario, qua ngả đường Áo quốc, năm 1948. Lúc đó Giáo hội Toronto gồm hầu hết người dân Công giáo Ái nhĩ lan di cư, vốn có một đức tin vững chắc. Sau đó, với làn sóng di cư, trước hết các người Ý, người Ba lan và Bồ đào Nha; rồi đến các người thuộc Châu Mỹ Latinh và Philippines, người Trung quốc, người Việt nam... ÐHY TGM nói: "Có lúc tôi tự hỏi: trong tương lai con đường thiêng liêng nào sẽ là con đường nổi bật hơn cả. Thực sự đây là một câu hỏi không thể tìm ra giải đáp  được". Ðây là một dân tộc rất phức tạp, đến từ Tây phương cũng như Ðông phương, từ Bắc đến Nam ... Cũng nhờ làn sóng di dân này, số người tham dự thánh lễ gia tăng. ÐHY nhấn mạnh: "Tôi xin nói thêm: Các cuộc học hỏi nghiên cứu cho thấy có một sự trở về với đường lối các Giáo hội chính tại Canada: Anh giáo, Tin Lành và Công giáo. Các giáo phái hầu như có một sự thụt lùi, trước đây xem ra không thể lướt thắng nổi, vì tính cách hung hăng của họ.

ÐHY Ambrosic cho biết thêm như sau: "Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng về những sự kiện trên đây. Và tôi nhớ lại một cuộc gặp gỡ với ÐHY Kim, cựu TGM Seoul (Nam Hàn). Ngài nói với tôi về 60 ngàn người trở lại trong một năm tại Nam Hàn, và tôi hỏi ngài làm cách nào mà có một số người trở lại đông đảo như vậy? Ngài trả lời: Tôi không có một ý nghĩ gì về công việc này, bởi vì chúng tôi không tốt lành, không giỏi giang hơn ai cả. Ðây cũng là điều tôi có thể nói trong lúc này, bởi vì chủ thuyết tục hóa không biến mất hoàn toàn. Nó sẽ biến mất từng đợt.  Chúng ta biết: Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ. Do kinh nghiệm soi sáng, chúng ta thấy thuyết tục hóa cũng sẽ đi theo một số phận như vậy".

Hồi giáo là một thách đố hiện nay tại Châu Âu. Ðược hỏi: Canada có sợ Hồi giáo không, Ðức TGM Toronto trả lời: "Không. ...Trong những tháng này, chúng tôi thấy rõ: đối với chính các người Hồi giáo ở đây - ----dĩ nhiên đối với các tín hữu Tin Lành, cũng vậy---- ngày nay ÐTC  là một người cha, một vị lãnh tụ tôn giáo vĩ đại, uy tín nhất trên thế giới, không phải là một nguy hiểm cho ai cả".

ÐHY nói đến giây liên kết của Giáo hội tại Toronto, nơi có những truyền thống rất khác nhau, đang gặp nhau, chung sống hòa bình;  nhưng một điều không ai hồ nghi: Thánh Thể là giây liên kết chung của mọi người, cho mọi người, mặc dù Thánh Thể được cử  hành bằng các thứ tiếng khác nhau.. Rồi các kinh cầu nguyện, như Kinh Lạy Cha,  hoặc các Thánh vịnh. Ðức tin chung có thể đưa đến những việc sùng kính riêng. Thí dụ: sự chú ý về các biểu hiệu, các ảnh tượng,  rất mạnh mẽ nơi các tín hữu thuộc lễ nghi Latinh.  Hoặc như các người Ái nhĩ lan di cư tại Canada này học biết truyền thống hành hương và truyền thống ca hát trong lúc cử hành phụng vụ, những truyền thống mà họ không biết đến,  lúc còn ở xứ sở của họ".

Nói đến cuộc hành hương, được hỏi về các cuộc hành hương của Thánh Giá của Ngày QTGT, trong hai năm qua đã được rước đi khắp các giáo phận Canada, có gây ngạc nhiên gì không, ÐHY Ambrosic trả lời: "Có rất nhiều ngạc nhiên. Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến và chờ đợi những hăng say như vậy. Nhưng nên nhớ: nền thần học của chúng ta là một nền thần học trừu tượng. Trong lúc thanh niên bị điều kiện hóa bởi TV, đối với họ hình ảnh đã là cái cốt yếu rồi, cái đánh động tâm hồn họ. Như vậy Thánh Giá nói đến sự hiện diện của sự thánh thiêng, sự hiện diện của Chúa Giêsu; và trong một ý nghĩa nào đó, cũng nói đến cả ÐTC nữa, vì đây là một quà tặng của ngài cho thanh niên thế giới".

Về những năm chuẩn bị Ngày QTGT, nay đã hoàn tất,,  Vậy có cái gì đáng phàn nàn, vì đã phải làm, mà không làm không? ÐHY trả lời: "Vấn đề của Ngày QTGT  là vấn đề chỉ làm một lần mà thôi. Anh có thể quan sát các người khác, học hỏi, nhưng rồi bổn phận của anh là thi hành và chỉ có thể làm một lần mà thôi, không lặp lại lần thứ hai. Nếu anh sai lầm, thì không còn cơ hội sữa chữa lại được. Vì thế, tôi nghĩ: chúng tôi đã làm hết sức và chúng tôi không phàn nàn gì cả. Thành công ở trong tay Chúa, không phải ở nơi con người".

Nói đến vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa kỳ, ÐHY công nhận: có sự thiệt hại không ít. Các con đường vào Canada được thu hẹp hơn và kiểm soát nghiêm nhặt hơn. Nhưng nói chung, tất cả chúng tôi,  người dân Bắc Mỹ, đã có những phản ứng quá xúc động. Người dân Châu Âu đã trải qua hai thế chiến và đã chứng kiến biết bao tàn phá. Nhưng chúng tôi tại Bắc Mỹ, đây là lần thứ nhất bị tấn công như vậy trên lãnh thổ châu lục của chúng tôi".

ÐHY Ambrosic kết luận: "Giáo hội Toronto đang tiến đến cuộc gặp gỡ lịch sử vĩ đại: "Chúng tôi là một xứ sở hỗn hộp, một Giáo hội hỗn hợp. Chúng tôi cùng nhau sống như trong một đại gia đình,  trong đó có nhiều lần chúng tôi phải vất vả nhiều,  để hiểu nhau, thông cảm nhau. Nhưng vẫn là một gia đình".

Trong phòng hội lớn của Tòa TGM Toronto, ở lầu trệt, có trưng  bày một trong các bích báo về Ngày QTGT, trên đó có  hàng chữ này: "He speaks fifteen language. He also speaks your language". Ngài nói 15 thứ tiếng, cả tiếng nói của anh, chị nữa".  14 tiếng nói "thông thường", còn tiếng nói thứ 15 là tiếng nói của trái tim. Không một người nào đến Toronto sẽ cảm thấy mình là người ngoại quốc.

 


Back to Home Page