Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz

TGM Moscowa

nói về tình hình Giáo hội Công giáo tại Nga

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, TGM Moscowa, nói về tình hình Giáo hội Công giáo tại Nga.

(Radio Veritas Asia - 1/07/2002) - Trong số 28 vị TGM từ nhiều nơi trên thế giới về Roma lãnh dây  "Pallium " trong ngày Lễ Thánh Phêrô-Phaolô 29/06/2002, có Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, TGM giáo phận "Mẹ Thiên Chúa" ở Moscowa, thủ đô Nga. Nhân dịp này, Ðức TGM nói về tình hình Giáo hội Công giáo hiện nay tại Cộng hòa Nga, cách riêng về những khó khăn Giáo hội tại đây đang gặp phải.

Trước hết, sự hiện diện của Ðức TGM Giáo phận Moscowa tại thủ đô Giáo hội Công giáo nhắc lại cho chúng ta thấy những cản trở và những căng thẳng mà người Công giáo tại cựu Liên xô vẫn tiếp tục phải đối phó cho tới ngày nay. Ðức Cha Tadeusz giải thích: "Việc trao "Pallium" cho TGM Giáo phận Moscowa, đối với các người Công giáo của các miền này,  là một cử chỉ công nhận tất cả Giáo hội Công giáo tại Nga, một Giáo hội có một lịch sử lâu dài và đau thương, kể cả những cuộc bách hại của chế độ cộng sản trong thế kỷ XX vừa qua".

Theo Ðức TGM, trước lịch sử khó khăn và đau hương này, cũng có những dấu hiệu tích cực, dĩ nhiên đây là những hoa trái của biết bao Vị Tử đạo anh hùng và chứng nhân trung thành của Tin Mừng. Những đau khổ quá khứ kia, ngày nay xem ra lại xuất hiện cách cụ thể trong vụ của Ðức Cha Jerzy Mazur, người Ba lan, Giám mục giáo phận Irkutsk trong miền Siberia, bị thu hồi chiếu khán, nhằm ngăn cản không cho ngài trở lại với cộng đồng giáo phận. Trước Ðức Cha Mazur, Cha Stefano Caprio, nhà truyền giáo người Ý tại Nga, cũng bị một số phận như vậy. Cả hai biện pháp được đưa ra, sau khi bốn giáo hạt giám quản Tông Tòa được cất nhắc lên Giáo phận chính tòa  với Hàng Giáo phẩm và HÐGM riêng. Giáo hội Chính thống phản đối tức khắc và coi đây là một  "hành động nhằm gây ảnh hưởng và củng cố sự phát triển mỗi ngày mỗi thêm mãi của Giáo hội Công giáo trên lãnh thổ Nga, lãnh thổ mà Giáo hội Chính thống vẫn coi là "độc quyền của mình".

Giáo hội Chính thống quên rằng: Việc thành lập  các giáo phận và Hàng Giáo phẩm Công giáo đã có từ trước cuộc cách mạng vô sản tháng 10 năm 1917 và họ cũng quên rằng: tại các quốc gia Công giáo, Giáo hội Chính thống tự do thiết lập cơ cấu của mình, không ai phản đối. Giáo hội Chính thống tố cáo Giáo hội Công giáo "chiêu mộ" các tín hữu Chính thống. Việc tố cáo này chỉ là lý do bên ngoài che đậy những lo lắng khác. Lý do sâu xa là Giáo hội Chính thống lo sợ về sự phát triển và ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trên lãnh thổ Nga, do bởi những hoạt động rất tích cực trong các lãnh vực mục vụ, xã hội, bác ái, giáo dục ... thu hút người dân hơn Giáo hội Chính thống. Kinh nghiệm trong 10 năm qua cho thấy rõ ràng: Giáo hội Công giáo, hầu như bị xóa bỏ hoàn toàn trên lãnh thổ Liên xô, dưới chế độ cộng sản, trong 10 năm vừa qua, đang trên đường  tái sinh và lớn mạnh mỗi ngày mỗi thêm số và được dân chúng tín nhiệm.

Về vụ Tổng thống Vladimir Putin yên lặng không phúc đáp bức thư Ðức Gioan Phaolô II gửi về vụ trục xuất Ðức Cha Mazur và Linh mục Caprio, Ðức TGM Kondrusiewicz bình luận như sau: "Việc không trả lới bức thư của ÐTC viết ngay 8 tháng 5 năm 2002, trong đó ngài xin can thiệp để Ðức Giám mục Mazur được trở lại giáo phận, làm cho tôi thất vọng nhiều, cả trong tư cách là một công dân Nga. Vì thế, tôi hy vọng rằng: Vị Tổng thống của tôi - người mà tôi cầu nguyện cho hằng ngày - hiểu rằng: Vị Giáo Hoàng Roma, ngoài  tư cách là một Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn cầu, còn là một Vị Quốc trưởng nữa. Với tư cách này, ngài có quyền được phúc đáp với những giải thích rõ ràng về lý do trục xuất Giám mục Mazur. Ðây là một trong các thủ tục của quan hệ ngoại giao quốc tế". Ðức TGM Moscowa nói thêm: "Về vụ Ðức Giám mục Mazur, tôi hy vọng có thể tìm được một giái pháp trong thời gian gần đây". Giải pháp nào, Ðức TGM không tiết lộ.

Ðức Cha Kondrusiewicz cũng cho biết: Ngài đã gặp một số giám mục và linh mục Chính thống. Các vị này đều lo lắng về việc trục xuất Ðức Cha Mzur và linh mục Caprio, bởi vì đây là một vụ tranh chấp giữa hai Giáo hội, cả hai đều thuộc Kitô giáo. Ngài cũng cho biết thêm: Cả nhà cầm quyền trong lúc này cũng tỏ ra sự lo lắng "tìm một giải pháp cho vấn đề trên đây". Do đó, nhìn vào tương lai với tín nhiệm, Ðức TGM tỏ vẻ lạc quan về những việc sẽ xẩy ra tại Nga;  Ðức Cha Kondrusiewicz nhấn mạnh  rằng  sự đe dọa thực sự  đến từ phía những lực lượng quốc gia quá khích". Chính vì thế, cả Giáo hội Chính thống mỗi ngày mỗi ý thức nhiều hơn rằng: cần phải cùng nhau giải quyết những vấn đề gây nên chia rẽ; và trước hết  là việc tố cáo Giáo hội Công giáo "chiêu mộ tín hữu chính thống", rồi mới có thể đi đến việc đối thoại về thần học.

Sự lạc quan của Ðức TGM Kondrusiewicz, thực ra không phải là thành quả của một hy vọng xa xăm, nhưng dựa trên chuyến viếng thăm vừa qua của ÐTC tại Azerbaijan và Bulgaria. Các vị đại diện các Giáo hội Chính thống tại hai quốc gia này coi "Ðức Gioan Phaolô đệ nhị như một biểu hiệu của thời đại chúng ta". Hơn nữa, ÐTC vẫn coi Giáo hội Chính thống là một "Giáo hội anh em". Vì thế Ðức TGM nhắc lại một lần nữa rằng: "Uớc mong lớn lao của tôi  và của  các tín hữu Công giáo Nga là: Ước gì ÐTC có thể viếng thăm sớm hết sức nước Nga. Trong khi chờ đợi, mỗi Chúa nhật, tại các giáo xứ, dân chúng lần hạt Mân côi để cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga sớm được thực hiện".

Cũng nên nhắc lại đây những khó khăn Giáo hội Công giáo tại Nga đang phải đối phó từ bốn tháng nay:

- Ngày 11 tháng 2 năm 2002, Tòa Thánh thông báo việc thiết lập bốn giáo phận chính tòa  tại Nga: Moscowa, Saratov, Novosbirsk và Irkutsk. Việc loan báo này tức khắc gây phản ứng rất mạnh mẽ về phía Tòa Giáo chủ Chính thống Nga, bởi vì Tòa Giáo Chủ Chính Thống Nga coi đây là một vi phạm quyền của Giáo hội Chính thống và các mối quan hệ giữa các Giáo hội.

- Ngày 11 tháng 4/2002, Cha Stefano Caprio, linh mục Ý  thuộc giáo phận Milano, đã làm cha sở giáo xứ Moscowa từ 12 năm nay, bị thu chiếu khán, lúc ngài tới sân bay Moscowa, để không được trở lại Nga nữa.

- Ngày 19 cũng tháng 4/2002, Ðức Cha Jerzy Mazur, người Ba lan, Giám mục giáo phận Irkutsk, cũng bị một số phận như Cha Caprio. Nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng  cho Giáo phận qua đường điện thoại và tiếp xúc với Tòa Giám mục (trong miền Siberia) qua Internet. Tuần trước đây, Ðức Cha Mazur đến Roma,   được ÐTC tiếp riêng và sau đó ngài gặp các vị trách nhiệm của Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

- Ngày 8 tháng 5/2002, ÐTC gửi một bức thư cho Tổng thống Vladimir Putin, xin Tổng thống tìm giải pháp cho cơn khủng hoảng. Cho tới lúc này, Tòa Thánh vẫn chờ đợi thư phúc đáp từ Ðiện Cẩm Linh.

 


Back to Home Page