Tiếng vang về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC
tại Cộng hòa Bulgari
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Tiếng vang về
chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cộng hòa Bulgari.
(Radio Veritas
Asia - 28/06/2002) - Như chúng tôi đã trình bày trong bài trước
đây những phản ứng rất tích cực về chuyến viếng thăm mục
vụ mới đây của ÐTC tại hai cộng hòa Azerbaijan và Bulgaria,
được nhật báo L'Osservatore Romano thu lượm và đăng trên sáu
trang đặc biệt trong số ra ngày Chúa nhật vừa qua 23/06/2002. kỷ
niệm một tháng chuyến viếng thăm của ÐTC. Chứng tá về
Azerbaijan đã được thuật lại trong bài thời lần trức.Trong
bài này, chúng tôi xin nói đến cộng hòa Bulgari.
Từ giã
Azerbaijan chiều 23/05/2002, ÐTC đi thẳng đến Sophia thủ đô cộng
hòa Bulgari và lưu lại đây hết ngày 26/06/2002. Ðây là chuyến
viếng thăm đầu tiên của một Vị Giám mục Roma tại Bulgari.
Chuyến viếng thăm trùng hợp với Ngày lễ kính hai Thánh
Cirillo và Thánh Methodio, tông đồ của dân Slavô, được tôn
kính cách riêng tại Bulgari. Ngày lễ kính hai Thánh anh em nầy
được mừng như Quốc Khánh của Bulgari. Hai Thánh Tông đồ là
mối liên kết chặt chẽ giữa Tòa Thánh và Dân tộc Bulgari.
Mối liên kết này lại được củng cố thêm do sự hiện diện
của Ðức TGM Angelo Giuseppe Roncalli, Khâm Sứ Tòa Thánh tại
Sophia từ năm 1934, sau nầy được
chọn làm Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan XXIII.
Ngoài việc viếng
thăm Cộng đồng Công giáo, chuyến
viếng thăm tại Bulgari còn có tính cách mạnh mẽ về đại kết.
Nhân dịp này, ÐTC đã có những cuộc gặp gỡ với Ðức
Giáo chủ và Thánh Hội nghị Chính thống, để củng cố thêm
mối giấy liên kết với Giáo hội Chính thống tại Bulgari.
Ngoài hai mục
tiêu tôn giáo trên đây, chuyến viếng thăm còn có tính cách
chính trị, nghĩa là xóa bỏ những "tiếng đồn không tốt trước
dư luận quốc tế", bởi vì từ nhiều năm qua, Bulgari bị tố
cáo có liên lụy vào vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II tại
Quảng trường Thánh Phêrô, xẩy ra chiều 13/05/1981. Chuyến viếng
thăm này cũng đáp lại ước mong của Chính phủ. Nhờ uy tín
của ÐTC, người đã có công nhiều với Châu Âu trong thời
gian vừa qua, trong việc phá
đổ bức tường phân cách Ðông và Tây Âu và cũng là người
luôn luôn cổ võ việc thống nhất cựu Lục địa từ Ðại Tây
dương đến miền Núi Oural. Bulgari là một trong các Quốc gia Châu
Âu, cần được hội nhập vào Khối Liên hiệp Châu Âu và
Khối NATO, như các quốc gia khác. Thực sự Chính phủ Bulgari đang
vận động, cũng như nhiều quốc gia trước đây thuộc Khối
Liên xô, để được thu nhận vào hai tổ chức này.
Ngoài các mục
tiêu trên đây, cuộc hành hương của ÐTC tại Tu viện và Ðền
Thánh San Giovanni ở Rila, trung tâm tu đức của Chế độ Dòng
Tu bên Ðông và là trung tâm văn hóa không những của
Bulgari, mà của thế giới, bởi vì Tu Viện thời danh này
được UNESCO ghi vào sổ các di tích thuộc gia tài lịch sử và
văn hóa của thế giới.
Chuyến viếng
thăm được kết thúc bằng Thánh lễ rất trọng thể tại Quảng
trường trung tâm của Plovdiv, thành phố lớn thứ hai của
Bulgari, sau thủ đô Sophia.
Trong Thánh lễ, ÐTC tôn phong ba Vị Tử đạo của Bulgari dưới thời cộng sản lên
bậc Chân phước: các linh mục Kamen Vitchev, Pavel Djidjov, Josaphat
Chichkov, cả ba thuộc Dòng Ðức Mẹ lên trời, cùng bị bắn năm
1952. Trên bàn thờ không có di tích thánh của các Ngài, bởi
vì không ai biết các người cộng sản đã ném bỏ hay chôn
xác các Ngài ở đâu.
Sau đây là chứng
tá của Ðức Cha Christo Proykov, Giám mục phụ tá giáo phận
Sophia, thuộc lễ nghi Ðông phương. Tít đề của bài ngài viết
cho Nhật báo "Quan Sát Viên Roma"
là:"Giấc mơ đã thành sự thật. ÐTC đến giữa chúng
ta".
Trong bài tường
thuật, Ðức Giám mục viết: Những ngày viếng thăm của ÐTC
là những ngày không thể quên được. Chuyến viếng thăm của
ÐTC, trước hết là một sự công nhận cộng đồng Công giáo,
và qua các người Công giáo Bulgari, là sự công nhận Quốc
gia Bulgari. Ðây là một biến cố phi thường, không một người
nào sẽ có thể quên được. Ðây là một biến cố sẽ
được ghi vào lịch sử của Bulgari, không phải chỉ của Giáo
hội Công giáo mà thôi.
Ðức Cha giải
thích thêm như sau: "Chúng ta biết rằng khi ÐTC viếng thăm một
quốc gia nào, tức là ngài làm cho quốc gia đó được biết
đến trên cả thế giới. Ðối với Bulgari,
đây là một sự kiện rất quan trọng. Ðây là một sự
công nhận dân tộc Bulgari, một dân tộc có một lịch sử từ
ngàn năm, và là một dân
tộc thuộc Kitô giáo. Cử chỉ hôn đất
lúc ÐTC đặt chân đến Bulgari không những là một phép
lành của Thiên Chúa, nhưng còn là một dấu hiệu của tình yêu
mến, của sự tôn trọng đối
với dân tộc. Cử chỉ này không thể quên đi được".
Khẩu hiệu của
HÐGM Bulgari nêu lên trong dịp chuẩn bị chuyến viếng thăm của
ÐTC: "Chúng ta sẽ tiến đi trong ánh sáng của Người".
Ðức Cha Christo Proykov giải thích: "Nghĩa là chúng ta cùng với
Dân Chúa và ÐTC bước đi trong ánh sáng của Chúa Kitô. Ðây
là khẩu hiệu biểu lộ ước muốn của chúng tôi:
là người Công giáo Bulgari sẵn sàng cởi mở đón nhận
tương lai đang chờ đợi chúng tôi".
Ðức Cha phụ
tá Giáo phận Sophia nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và
Ðức Giáo chủ Maxim và Thánh Hội nghị Chính thống. Trong cuộc
gặp gỡ thân mật này, ÐTC trao tặng Giáo hội Chính thống di
tích của Thánh Dasio, tử đạo thế kỷ thứ ba. Ðức Giám mục
quả quyết: "Chiều kích đại kết đã đóng một vai trò quan
trọng của chuyến viếng thăm tại Bulgari". Cuộc đối thoại đi
đến hiệp nhất các tín hữu tiến một bước dài. Trong buổi
tiếp đón ÐTC tại Tu viện San Giovanni ở
Rila, Ðức TGM chính thống, Tu viện trưởng, đã có những
lời rất tốt đẹp: "Các bức tường phân cách đã do con
người dựng lên ,và các bức tường này thật cao, nhưng dù
sao nó không cao đến tận trời. Con người đã dựng lên, thì
con người phải phá hủy nó đi".
Ðức Giám mục
nói đến các cuộc gặp khác của ÐTC với đại diện Hồi giáo,
Do thái và Tin Lành. Ðối với mọi người, ÐTC có một sự
tôn trọng và một sự cởi mở khác thường. Và
nhờ thái độ của ÐTC, các vị này tỏ sự tôn trọng
đối với Giáo hội Công giáo.
Cuộc gặp gỡ
với Tổng thống và Thủ tướng Bulgaria cũng là những cuộc
gặp gỡ rất quan trọng trong lúc Bulgari
vừa thoát khỏi chế độ cộng sản Liên xô. Bulgari cần
lấy lại uy tín và tiếng nói của một quốc gia độc lập trước
Cộng đồng quốc tế và nhất là tại Châu Âu.
Một biến cố
quan trọng khác là việc kính viếng nhà thờ chính tòa Sophia
thuộc lễ nghi Bizantin-Slavo. Tại đây, ÐTC làm phép quả chuông
dành cho Tu viện mới của các Nữ Tu
Carmelo và làm phép viên đá đầu tiên để xây nhà thờ
dâng kính Chân phước Gioan XXIII; Ngài đã làm Khâm sứ Tòa
Thánh tại Bulgari trong nhiều năm và được dân chúng Bulgari
quí mến, biết ơn. ÐTC cũng trao tặng dí tích thánh của Chân
phước, như thể "một cuộc trở về lại" của Ðức Angelo
Giuseppe Roncalli với dân tộc mà ngài đã yêu mến và phục
vụ trong thời kỳ làm đại diện Tòa Thánh tại Bulgari.
Một cử chỉ
khác mang ý nghĩa sâu xa: ÐTC đội triều thiên Ảnh Ðức Trinh
Nữ Maria rất thánh, với tước hiệu "Quan Thầy của sự hiệp
nhất các tín hữu", được tôn kính tại Ðền thánh Malko
Tarnovo, và là Vị Che chở Giáo phận Sophia và hướng dẫn con
đường đại kết của các tín hữu Kitô Bulgari.
Ðức Giám mục phụ tá quả quyết: "Chuyến viếng thăm của ÐTC là một đáp trả lại lòng trung thành của Giáo hội Công giáo Bulgari trong suốt thời kỳ bị bách hại dưới chế độ cộng sản Liên xô". Ai cũng biết rằng: Giáo hội Công giáo Bulgari đã chịu đau khổ nhiều dưới chế độ cộng sản tại Bulgari, một chế độ tàn bạo không thua kém chế độ cộng sản tại Tiệp khắc. Các linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân bị đầy đến các trại tập trung và trong các nhà giam. Nhiều vị đã chết trong tù, để trung thành với đức tin, với Giáo hội và với Vị Kế nghiệp thánh Phêrô. ÐTC đến đây để nói lên cách công khai rằng: lòng trung thành này rất quí giá đối với ngài, đối với Giáo hội. Việc tôn phong Các Vị Tử đạo Bulgari lên danh dự bàn thờ là một trang sử mới, được ÐTC mở ra: trang sử của một Mùa Xuân. Máu các Vị Tử đạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu Kitô. Ðức Cha Christo Proykov nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng máu các Vị Tử đạo đã đổ ra vì Chúa Kitô, sẽ đem lại nhiều hoa trái. Một trong các hoa trái này chính là chuyến viếng thăm của ÐTC rất được ước mong và chờ đợi từ lâu. Ngài đến để canh tân chúng tôi và để củng cố chúng tôi trong đức tin và trong đời sống hiệp thông Giáo hội. Chúng tôi biết ơn, cầu nguyện và nhất là biểu lộ lòng yêu mến hiếu thảo con cái đối với ÐTC, người hướng dẫn đầy kinh nghiệm và chắc chắn trên con đường đức tin".