Thánh Lễ Kính Chân phước Alojzije Stepinac

Hồng Y tử đạo của Giáo hội Croat

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh Lễ Kính Chân phước Alojzije Stepinac, Hồng Y tử đạo của Giáo hội Croat.

Chúa nhật 10/02/2002, lễ kính Chân phước Alojzije Stepinac, ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Bộ Giám mục, chủ tế Thánh lễ tại nhà thờ kính Thánh Hieronimo của Cộng đồng công giáo Croat ở trung tâm Roma, với sự hiện diện của các Ðại sứ Cộng hòa Croat và cộng hòa Bosnia-Erzegovina cạnh Tòa Thánh và Chính phủ Ý, và với sự tham dự của Cộng đồng công giáo Croat ở  Roma.

Năm 2001, trong ngày lễ kính Chân phước, Cộng đồng công giáo Croat ở Roma đã mời ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa bình, chủ tế Thánh lễ kính Chân phước tử đạo Stepinac. ÐHY Phanxicô, một chứng nhân đức tin, có lòng sùng kính cách riêng Chân phước Stepinac, vì ngài cũng đã bị giam tù dưới chế độ cộng sản hơn 13 năm.

Chân phước Alojzije Stepinac tử đạo không đổ máu như nhiều vị Tử đạo khác, nhưng cái chết của ngài đã gây nên bởi những đau khổ và tra tấn lâu dài trong tù, dưới chế độ cộng sản độc tài  của Thống chế Titô, thống trị Liên bang Yougosalvie. Ngài đã can đảm lãnh nhận những đau khổ trong 15 năm để biểu lộ lòng trung thành với Chúa Kitô, với Giáo hội và với Vị Kế nghiệp Thánh Phêrô. Trong di chúc để lại cho Giáo phận năm 1957, ÐHY viết như sau: "Các con thân mến, hãy trung thành với Giáo hội Chúa Kitô, dù  phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, nếu cần... Các con biết rằng: cha ông và các bậc tổ tiên chúng ta, trong nhiều thế kỷ, đã đổ máu để bảo tồn kho tàng quí báu của đức tin công giáo và để trung thành với Giáo hội Chúa Kitô. Các con sẽ không xứng đáng với tên của các Vị tiền bối này, nếu các con để mình bị tách lìa khỏi tảng đá, trên đó Chúa Kitô đã thiết lập Giáo hội.... Vì thế các con hãy trung thành với Giáo hội cho đến chết".

Khi nhận thấy ÐHY quá kiệt sức, Thống chế Tito chongài trở về Krasic, sinh quán của ngài, bị quản thúc, chứ không cho về Tòa Tổng Giám mục Zagreb. Sau đó, Thống Chế Tito muốn ngài đi ra nước ngoài chữa  bệnh; nhưng ngài đã can đảm từ chối, bởi vì ngài biết rằng: nếu chấp nhận đề nghị ra khỏi nước, sẽ không bao giờ được trở lại Quê hương nữa. Ngài đã muốn ở lại để sống gần dân và giúp đỡ họ bằng việc minh chứng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chân lý bất diệt của Phúc Âm, và bằng tín nhiệm hoàn toàn vào Chúa, theo đúng khẩu hiệu Giám mục của ngài: "In Te speravi" (Con đã trông cậy vào Chúa).

Trước những tố cáo gian dối, trước những vụ bách hại dữ dội, Vị chủ chăn can đảm này đã cương quyết không phản bội. Ngài đã lên tiếng phản đối mọi hình thức bất công, bất cứ từ đâu đến. Ngài viết: "Giáo hội công giáo không sợ hãi một thế lực nào của loài người, khi phải bênh vực những quyền căn bản và bất khả xâm phạm của con người".

Chân phước Stepinac đã ý thức về bổn phận và trách nhiệm lớn lao của Vị Tổng giám mục giáo phận Zagreb trước thế giới và Giáo hội. Ngài hiểu biết rằng: môn đệ Chúa Kitô không thể chỉ sống cho mình và một Vị chủ chăn phải sống giữa đàn chiên của mình, hướng dẫn dàn chiên bằng giáo huấn và nhất là bằng gương sáng đời sống. Vị chủ chăn phải theo gương Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên.

Và thực sự ÐHY Stepinac đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên ngày 10 tháng 2 năm 1960. Trong bài giảng thánh lễ Chúa nhật mùng 10 tháng 2 năm 2002, ÐHY Giovanni Battista Re quả quyết  như sau: "Ngài đã là một chứng nhân vĩ đại, đem lại sức mạnh cho biết bao người,  không những tại Quê hương của ngài, nhưng trên cả thế giới và ngài đã dạy chúng ta, như Bài Phúc Âm thánh lễ hôm nay, trở nên "Ánh sáng và Muối Ðất". Chứng tá của ngài, cũng như chứng tá của biết bao anh hùng tử đạo khác, là gương sáng và lời mời gọi trung thành với lý tưởng cao quí của đời sống Kitô. Chỉ khi nào chúng ta sống các lý tưởng cao quí này, chúng ta mới có thể coi mình là ánh sáng và muối của thế giới".

ÐHY Tổng trưởng Bộ Giám mục cũng đề cao một chiều kích khác trong đời sống của Chân phước Alojzije Stepinac, đó là lòng sùng  kính Ðức Trinh Nữ Maria, được dân tộc Croat tôn kính và cầu nguyện cách riêng tại Ðền Thánh Marija Bistrica. Hồi còn làm TGM Zagreb, ngài không ngần ngại đi bộ nhiều lần trên con đường dài 35 cây số từ Zagreb đến Marija Bistrica, để hành hương.  Năm 1935, trong buổi kết thúc cuộc hành hương, cuối bài giảng ngài khấn hứa với Ðức Mẹ như sau: "Chúng con khấn  hứa điều này là chúng con sẽ luôn luôn là những người tôn kính Mẹ, trung tín và thành thực đến cùng ...". Lòng sùng kính Ðức Maria chắc chắn đã trở nên nguồn mạch của sự bình thản và nguồn sức mạnh trước những vu vạ, cáo gian  trong những năm trong tù. Từ Phúc Âm và từ lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa, ÐHY Stepinac đã múc kín được nghị lực để trở nên Vị Chủ chăn can đảm liều mạng sống vì đàn chiên. Và tại chính Ðền thánh Marija Bistrica, ngày 3 tháng 10 năm 1998, ÐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong Vị chủ chăn anh hùng này lên bậc Chân  phước.

Ngoài thánh lễ kính Chân phước được tổ chức tại Roma, còn nhiều thánh lễ khác cũng được cử hành tại nhiều nơi trong Cộng hòa Croat và Bosnia-Erzegovina (hai quốc gia trước đây thuộc Liên Bang Yougoslavie).

Tại nhà thờ chính Tòa Zagreb (thủ đô Cộng hòa Croat), trong thánh lễ đồng tế với sự tham dự đông đảo của các tín hữu, đa số thanh niên, nhiều người phải đứng ngoài sân nhà thờ, Ðức Cha Josip Bosanic, TGM giáo phận, loan báo triệu tập Hội nghị và phú thác công việc chuẩn bị cho Chân phước Alojzije Stepinac. Ngay từ  sáng sớm, các tín hữu xếp hàng chờ đợi để được xưng tội và để kính viếng Mộ Chân phước trong nhà thờ chính tòa.

Giảng trong thánh lễ, Ðức TGM nói: "Chân phước Stepinac, với chứng tá của ngài, tiếp tục là ánh sáng và hướng đi cho toàn dân Croat". Tại Krasic, sinh quán của Chân phước và cũng là nơi ngài bị quản thúc và qua đời, sau 15 năm tù, Ðức Cha Josip Mrzljak, giám mục phụ tá giáo phận Zagreb, chủ tế thánh lễ đồng tế với Ðức Cha Juraj Jezerinac, Giám mục phụ trách quân đội cộng hòa Croat. Các thánh lễ khác được tổ chức tại thành phố Rijeka và Dubrovnik và Spalato.

Người công giáo Croat sẽ không bao giờ để cho "Vị Hồng Y đáng kính mến của họ bị xét xử một lần nữa", với những gian dối, vu vạ phi lý đến độ không một người nào xấu xa đến độ có thể bịa  đặt ra như vậy. Ngày nay, một số thù địch Giáo hội muốn gợi lại những tố cáo gian đối của năm 1946. Ðây là một hành động hết sức phi lý và vô ích. Vấn đề chính yếu và đích thực là ÐHY Stepinac và cùng với ngài, Giáo hội công giáo tại Croatie, đã cương quyết bênh vực sự hiệp nhất Giáo hội công giáo và lòng trung thành với Vị Kế nghiệp Phêrô. Ðây là "tội duy nhất" mà thù địch của ngài sẽ không bao giờ tha thứ  cho và đây cũng là "sự thánh thiện của ngài",  sự thánh thiện đã thúc đẩy ngài hy sinh mạng sống như ngài đã nói lên nhiều lần: "Nếu tôi có được 100 mạng  sống, tôi sẽ hy sinh tất cả để Giáo hội thánh của Chúa Kitô được sống. Ðâu có Phêrô, ở đó có Giáo hội. Cơn bão táp sẽ qua, nhưng Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi mãi. Anh chị em biết rằng: Chúa Kitô là Thiên Chúa! Ðối với Người, trong  mọi giây phút chúng ta hãy sẵn sàng chết cho Người".

 


Back to Home Page