Tường thuật

Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio

hôm  Chúa Nhật 16/06/2002

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio, hôm  Chúa Nhật 16/06/2002.

(Radio Veritas Asia - 18/06/2002) - Trong lịch sử Giáo hội ở Roma, kể cả những biến cố mới đây của Năm Ðại Toàn xá năm 2000, không có biến cố nào -----, trừ biến cố Ngày thế giới Thánh niên năm Thánh 2000, với sự tham dự của hơn hai triệu thanh niên , thu hút một đám đông biển người,------ như Ngày Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio. Ước tính của Ban tổ chức và của giới  báo chí, con số tham dự trên dưới 300 ngàn. Nhưng con số này cao hơn nhiều và có lẽ không ai có thể biết rõ được bao nhiêu. Tất cả Quảng trường Thánh Phêrô, Ðại Lộ Hòa Giải, Quảng Trường Pia (trước Ðài Phát thanh Vatican), Quảng trường Adriana (kế bên Ðền Thiên Thần,  cuối Ðại Lộ  Hòa Giải, Ðại Lộ Porta Angelica và Quảng trường Risorgimento... đều bị các đoàn hành hương chiếm. Thậm chí nhiều người có vé với chỗ ngồi  cũng không thể vào được. Nhiều người hành hương đến từ nơi xa (Pháp, Hoa kỳ, Brazil, Argentina  v.v...),    có vé tốt và mang phù hiệu của Lễ Phong Thánh, cũng phải rút lui trở lại nhà, để theo dõi Thánh lễ qua đài truyền hình, được tiếp vận với 10 nước khác nhau. Ðài truyền hình cho thấy nhiều người ngủ đêm tại chỗ, hoặc đến chiếm chỗ từ sáng sớm lúc 5 giờ sáng. Những người có vé, nếu đến chậm vào lúc 7 giờ sáng (-- dù thánh lễ khởi sự lúc 10 giờ ---), không thể vào được khu vực đã chỉ định.  16 chuyến xe lửa đặc biệt, hơn 3 ngàn xe ca chở các đoàn hành hương, không kể những người đến bằng máy bay, các phương tiện riêng và những người đi bộ ... từ các ngả đường khác nhau tuốn về Roma.

Ngoài đám đông biển người tại các khu phố chung quanh Vatican, còn phải nhắc đến đám đông khoảng 50 ngàn người từ 4 giờ sáng đã tuốn đến Quảng trường lớn của San Giovanni Rotondo, nơi Cha Pio hoạt động tông đồ và qua đời, để theo dõi thánh lễ qua các màn ảnh TV cỡ bự được tiếp vận với Vatican. Tại đây sáu máy bay trực thăng rải hoa hồng xuống dân chúng ngay sau lúc ÐTC, từ Roma long trọng tuyên bố: "Chân phước Pio từ nay được tôn phong lên bậc Hiển Thánh", giữa tiếng hoan hô và những tràng pháo tay dài của dân chúng chào mừng Vị Thánh mới, Vị Thánh của mọi người "Il Santo di tutti".

Tại Roma, một mới lạ chưa từng có trong dịp lễ Phong Thánh:  Ban chiều có buổi hòa nhạc tại thính đường Phaolô VI và lúc 22 giờ, trên đồi Gianicolo, kế Ðền thờ Thánh Phêrô, bắn pháo bông trong 15 phút mừng Vị Thánh của mọi người.

Ngoài việc cung cấp một triệu chai nước cho dân chúng tham dự Thánh lễ dưới bầu trời nóng nực khác thường, Thị xã Roma còn cho các xe phun nước vào dân chúng cho đỡ nóng, và ra chỉ thị: các người hành hương có vé dự lễ, được xử dụng các phương tiện di chuyển công cộng trong thành phố (Bus, Metro...) miễn phí trong cả Ngày Chúa nhật 16/06/2002.

Một mới lạ khác cũng chưa từng thấy: Sau khi tuyên bố Chân phước Pio lên Bậc Hiển Thánh và ấn định ngày mừng lễ kính Vị Thánh mới 23 tháng 9 (ngày qua đời), ÐTC thêm ngay: "Ðây là lễ kính bắt buộc". Thực sự việc chỉ định bậc lễ mừng và ghi vào Lịch phụng vụ chung của Giáo hội thường do Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí tích. Cử chỉ của ÐTC cho thấy rằng: Cha Pio không những được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, nhưng còn được xếp vào "hạng các Vị được tôn kính cách đặc biệt trong toàn Giáo hội, nghĩa là các linh mục cử hành thánh lễ bất cứ nơi nào trên thế giới ngày 23 tháng 9 bắt buộc phải cử hành lễ Thánh Pio da Pietrelcina,  nếu không có lý do nào khẩn cấp  để miển trừ ---( thí dụ: lễ cưới, lễ  qui lăng, hoặc lễ mừng (festum) hay lễ trọng (sollemnitas) nào khác của địa phương)---. Trong lịch phụng vụ chung của Giáo hội, chúng ta thấy chỉ có 68 Vị Thánh (Nam, Nữ) trong số 6,500 vị ---( Nam, Nữ chung hoặc từng quốc gia, từng miền, từng Giáo phận)---- được mừng với bậc lễ kính nhớ bắt buộc mà thôi,  108 Vị được mừng với bậc kính nhớ tự do.

Một cử chỉ đặc biệt khác của ÐTC trong dịp này: sau bài giảng Thánh lễ, Ngài đọc một kinh chính thức,  do ngài soạn ra, để cầu  xin Thánh Pio da Pietrelcina, vị Thánh đầu tiên của Thế kỷ mới, để phú thác và xin sự bầu cử của Thánh nhân "cho con đuờng tiến lên sự thánh thiện của toàn Giáo hội, lúc bước vào Ngàn năm mới này".

Những cử chỉ trên đây minh chứng Ðức Karol Wojtyla có lòng sùng kính Cha Pio như thế nào. Trong bài giảng Thánh lễ, chính ngài kể lại: Lúc con là linh mục sinh viên (1946-1947) ở Roma, ngài đã tới San Giovanni Rotondo gặp Cha Pio và xưng tội với Cha. Rồi khi làm Hồng Y TGM Cracovia, ngài còn trở lại một lần nữa. Rồi lúc làm Giáo Hoàng, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại miền này, ngài đã đến quì cầu nguyện bên mộ Cha Pio. Ngài biết rõ sự thánh thiện của Cha Pio, dù có những chống đối của Giáo triều đối với Cha, do những báo cáo sai lầm. Sau khi Cha Pio qua đời (1968), năm 1970, Ðức Karol Wojtyla đã cổ võ việc làm án phong Thánh. Hồi đó, Ðức Phaolô VI, vì có sự chống đối của một số vị Giáo sĩ cấp cao, đã không cho phép xúc tiến vụ phong thánh cho Cha Pio. Nhưng khi lên làm Giáo Hoàng, Ðức Karol Wojtyla đã thúc đẩy công việc này và tin rằng: ngài sẽ tôn phong Cha Pio lên bậc Chân phước và Hiển Thánh. Hành động của Ðức Gioan Phaolô II đã được toàn dân đón nhận hăng say, không một ai chỉ trích. Ngài biết: Ðối với ngài và dân chúng, Cha Pio đã là thánh ngay từ lúc còn sống. Mọi người đều thấy rõ nỗi vui mừng lớn lao như thế nào của dân Công giáo trên cả thế giới đối với hai lễ Phong Chân phước và Hiển Thánh của Cha Pio.

Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio là một lễ Phong Thánh không như các Lễ Phong Thánh từ trước tới giờ: không phải là 43 lễ Phong Thánh do Ðức Karol Wojtyla đã cử hành trước đây trong 24 năm Triều Giáo Hoàng, cũng không phải là 102 lễ Phong Thánh của các Vị Tiền nhiệm của ngài, kể từ Ðức Clemente VIII (1592-1605) đến Ðức Phaolô VI (1963-1978). Cha Pio là vị Thánh duy nhất, sánh với 460 Vị Thánh do Ðức Karol Wojtyla đã tôn phong và 300 Vị Thánh khác do các Vị Tiền Nhiệm của ngài đã tôn phong,  từ năm 1594 (năm các vụ làm án phong thánh phải theo những qui luật riêng).

Cha Pio là Vị Thánh duy nhất, không như 760 Vị Thánh trước đây (460 +300), bởi vì nơi Ngài được tập trung một lúc ba  yếu tố đặc biệt sau đây: đời sống chiêm ngưỡng thần bí - khả năng đau khổ, như lễ hy sinh của tình yêu - con số rất cao về những dấu hiệu đáng tin  về sứ mệnh của Ngài và những sự lạ lùng Ngài đã làm cho các linh hồn ngay lúc còn sống. Trước hết những dấu thánh. Rồi hình ảnh của Ngài cho thấy rõ một sự tập trung các đặc sủng,   sự đau khổ và sự thánh thiện duy nhất trong đời sống. Qua sự thánh thiện và đau khổ vì tình yêu, Cha Pio đã thu hút, như nam châm, các linh hồn về cho Chúa, qua thánh lễ và qua tòa giải tội. Ngài luôn luôn sẵn sàng đón tiếp các linh hồn đến lãnh Bí tích hòa giải, có ngày ngài ngồi tòa giải tội  18 tiếng đồng hồ liên tiếp. Ðúng như Ðức Benedicto XV (1914-1922) đã nói: "Cha Pio là dụng cụ Chúa dùng để làm cho các kẻ tội lỗi được trở lại". Và như ÐHY José Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh,  vị đóng vai trò quan trọng trong vụ làm án phong Chân phước và Hiển thánh  của Cha Pio,-- tuyên bố trên đài Phát thanh Vatican như sau: "Nếu chúng ta nghĩ rằng: Cha Pio không bao giờ ra khỏi San Giovanni Rotondo, và như Ðức Phaolô đã nói "Ngài cử hành thánh lễ cách khiêm tốn, giải tội từ sáng đến chiều và mang dấu thánh Chúa", tiếng đồn về sự thánh thiện của Ngài là một sự việc hoàn toàn khác thường". Cha đã biết làm cho mình trở nên người đồng thời với người thời nay; người thời nay khao khát Thiên Chúa và bị giầy vò bởi các đau khổ đủ loại. Họ tìm được nơi Ngài những câu trả lời  xứng hợp".

Dĩ nhiên các Thánh đều cầu nguyện, thúc đẩy các linh hồn hướng về Chúa. Nhưng Cha Pio có một sặc sủng khác thường trong việc dẫn đưa các người tội lỗi về với Chúa. Ngài đã  vạch rõ trước mắt mọi người một con đường đã được Chúa Giêsu rao giảng ngay từ lúc khởi sự cuộc đời công khai tại Palestine: "Hãy ăn năn đền tội . Hãy trở về với Thiên Chúa". Với Bí tích Hòa giải, Cha Pio dạy cho chúng ta biết: con người luôn luôn cần đến lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Lịch sử của Ngài là lịch sử của một Linh mục "hoàn toàn đúng nghĩa", của một môn đệ trung thành theo Chúa Kitô, trong việc thực hiện các dụ ngôn của lòng thương xót Thiên Chúa, được các Thánh sử,  cách riêng Thánh Luca, thuật lại trong Phúc Âm.

Chưa có lễ Phong Thánh nào, các vị cầm quyền quốc gia Ý tham dự đông  đảo như vậy. Ngoài Tổng thống, Chủ tịch Thượng và Hạ viện, còn có phái đoàn chính thức của Chính phủ do Phó Thủ tướng cầm đầu; rồi nhiều Bộ trưởng, Dân biểu Quốc hội. Trong số các vị ngồi hàng đầu kế bên Bàn thờ, có em Matteo Colla, chín tuổi, đã được phép lạ do lời bầu cử của Cha và Bà Wanda Poltawaska, mẹ của bốn người con nhỏ tuổi, bị chứng ung thư , đã xin Ðức Giám mục Karol Wojtyla (lúc đó đang tham dự Công đồng Vatican II ở Roma), cầu nguyện. Ngài đã viết thư xin Cha Pio cầu nguyện. Sau 10 ngày Bà đã được lành cách lạ lùng và sống cho tới ngày nay. Trong dịp lễ Phong Hiển Thánh bà đã được Ðài Truyền hình của HÐGM Ý phỏng vấn. Bà cho biết: Bà đã đến San Giovanni Rotondo gặp Cha Pio. Dù không bao giờ Cha biết Bà, nhưng Cha đã lại gần đặt tay trên đầu và chúc lành cho bà trong lúc bà len lỏi giữa dân chúng.

Với lễ Phong Hiển Thánh Chúa nhật vừa qua, Cha Pio càng trở nên nhiều hơn nữa "Il Santo di tutti - Un Santo global" (Vị Thánh của mọi người, mọi dân tộc). Trong lúc sống cũng như sau khi đã qua đời, Cha Pio vẫn tiếp tục là "dụng cụ, như Ðức Benedicto XV đã nói, của Thiên Chúa dùng, để làm cho các người tội lỗi trở lại" và qua các nhóm cầu nguyện rải rắc trên cả thế giới, Cha vẫn hoạt động cho hòa bình thế giới.

 


Back to Home Page