Vài nhận định về Cha Pio

vị tu sĩ dòng Phan-xi-cô được phong hiển thánh

vào Chúa Nhựt 16/06/2002

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định về Cha Pio, vị tu sĩ dòng Phan-xi-cô  được phong  hiển thánh vào Chúa Nhựt 16/06/2002.

(Radio Veritas Asia - 17/06/2002) - Theo Cha Gerardo de Flumeri, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Cha Pio, chúng ta còn có rất nhiều điều quý giá phải học hỏi về vị thánh nầy.

Thông thường, người ta chỉ biết về Cha Pio như một linh mục nổi tiếng đạo đức, được rất nhiều người mộ mến.  Nhưng nếu nghiên cứu các bài viết của cha, người ta sẽ nhận ra một con đường tâm linh với 2 ý niệm nổi bật: nhận định và lượng giá về vấn đề đau khổ, và cái nhìn về Ðức Mẹ Ma-ri-a.

Ðối với Cha Pio, đau khổ là một đặc ân.  Khi cha cầu xin Chúa đừng gởi thêm quá nhiều đau khổ đến cho mình, đó là vì cha e rằng như thế cha sẽ làm tổn hại người khác.  Bởi nếu giả thiết rằng: đau khổ là một thiện hảo quá lớn lao như vậy, thì cha nghĩ là không công bằng chút nào nếu chỉ một mình cha là người duy nhứt được hưởng nhờ đặc ân ấy.  Nói khác đi, chính vì cha coi đau khổ là một điều hết sức tốt, hơn nữa là một đặc ân, nên cha đã xin Chúa ban thêm.

Nhìn  chung, Cha Pio đề cập đến Ðức Trinh Nữ và Chúa Giê-su chung với nhau.  Ðức Mẹ là phương tiện chuyển tải Chúa Ki-tô, ơn cứu độ.  Ðức Mẹ là vì sao soi đường cho người hoa tiêu.  Tuy nhiên, có điều mới lạ là trong các tác phẩm của Cha Pio Ðức Nữ Ðồng Trinh thường được nói đến đơn độc một mình, không phải vì Ðức Mẹ không chịu tùy thuộc vào Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng vì cha muốn nhấn mạnh những đặc sủng trong cuộc đời Ðức Mẹ, khởi đầu với ơn làm Thiên Mẫu, tức là tước vị Thiên Chúa ban cho Ðức Mẹ để Mẹ được phép can dự vào công việc của Chúa Giê-su với uy quyền của một người mẹ.  Quả Ðức Ma-ri-a có những tước hiệu sủng ái trước Nhan Thiên Chúa.

Dầu quan niệm của Cha Pio về vấn đề đau khổ có vẻ lạc lõng đối với văn hóa thời nay, vậy mà người ta vẫn tìm đến với cha, bởi vì họ nhận thấy cha gần gũi, thiết thân với họ, ở chỗ rất nhiều lần cha tự nguyện hiến mình làm vật hy sinh cho tội nhân được ơn hoán cải, và cũng ở chỗ cha có một ngôn ngữ đơn thành trong cách diễn giải các ý niệm nói trên của cha, trong những lời khuyên giảng ai ai cũng co thể lãnh hội.

Chính vì vậy người ta xem cha như một người bạn, một ân nhân, một người hướng đạo.  Sự kiện có đông đảo người đi theo cha chỉ có thể giải thích bằng những từ ngữ vượt quá tự nhiên mà thôi.

Một sự kiện quan trọng khác, theo Cha Marciano Morra, thư ký phong trào Nhóm Cầu Nguyện Padre Pio, đó là từ hứng khởi của linh đạo Cha Pio, hiện có 2,700 nhóm cầu nguyện rải rác trên khắp thế giới.

Các nhóm cầu nguyện được quảng bá lần đầu tiên do lời kêu gọi của ÐTC Pio XI nhắm xin cho nhân loại ơn thoát khỏi chiến tranh, rồi tiếp theo là lời kêu gọi của ÐTC Pio XII vào lúc kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.  Các tín hữu được khuyến khích họp nhau từng cộng đoàn nhỏ, cùng nhau cầu nguyện xin Chúa trợ lực trong công cuộc phục hồi đời sống tinh thần cho xã hội.  ÐTC Pio XI khuyên các tín hữu hợp nhau cầu nguyện, vì "khi cầu nguyện chung với nhau, chúng ta lay chuyển được trái tim của Thiên Chúa."  Và Cha Pio đã đáp ứng: "Chúng ta phải là những người tiên phong."

Vào thời ấy, tu viện có một nhà khách tách rời khỏi khu nội cấm của các tu sĩ, nên có thể tiếp đón khách đến trọ.  Nhà khách có một lò sưởi, nơi Cha Pio quy tụ chùng 10 chị em dân làng đơn sơ, chất phát để dạy họ giáo lý, dạy họ đọc Tin Mừng, giải thích cho họ hiểu Cựu Ước.  Tưởng tượng mà coi: đó là việc xảy ra hồi thập niên 20!

Công cuộc được hoàn thiện dần: vào những năm 1940, Cha Pio ra những chỉ dẫn khúc triết cho bác sĩ Guglielmo Sanguinetti, một người rất nhiệt thành, linh hồn của bịnh viện San Giovanni Rotondo mới được các cha dòng Ca-pu-chi-no thành lập.  Trong những hướng dẫn đó, Cha Pio phân định những đặc trưng làm cho phong trào của cha được nổi bật trong thòi đại hôm nay.

Trước hết, cha ấn định là các nhóm cầu nguyện phải được điều khiển bởi một linh mục do vị giám mục địa phương chỉ định.  Cha muốn tránh mọi trường hợp "chơi trội" và trệch đường do những sáng kiến cá nhân làm sai lạc mục đích của phong trào là "cầu nguyện trong Hội Thánh, với Hội Thánh, và cho Hội Thánh."  Cha Pio là người đù tiên ý thức rằng: "tệ tôn sùng cá nhân Padre Pio" rốt cục sẽ kết thúc với nạn bè phái, tinh thần cục bộ, và dựng chuyện phù phép.  Giả mà vị giám mục địa phương đã không chấp nhận các nhóm cầu nguyện - đây là chuyện thường hay xảy ra ở buổi ban đầu - thì có lẽ cha Pio cũng đã giải tán các nhóm ấy rồi.

Các nhóm cầu nguyện có một tinh thần rất uyển chuyển.  Có nhóm họp nhau trong đồn cảnh sát, với người trưởng nhóm là chính ông cảnh sát trưởng cùng các thành viên là bà vợ và các con của ông.  Nhóm khác lại họp tại trụ sở cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc ở Roma, gồm các nhân viên làm việc tại đây.  Họ gặp nhau vào thời gian nghỉ ăn trưa.

Các thành viên họp nhau mỗi tháng 4 lần để dâng thánh lễ, lần chuỗi môi khôi, suy niệm Thánh Kinh.  Cha Pio ưng tiến hành từng bước nhỏ cho giáo dân.  Dần đà, việc cầu nguyện chung biến thành đức bác ái tích cực.

Năm 1968, lúc Cha Pio qua đời, chỉ có độ 700 nhóm cầu nguyện.  Hiện giờ, nguyên tại nước Ý, đã có tới 2,300 nhóm.  Theo Cha Gerardo Ruotulo, phó thỉnh nguyện viên án phong thánh, những con số đó chẳng nói lên được bao nhiêu.  Cha cho biết: trong dịp đi Ba lan mới đây, cha tìm đến thăm 3 nhóm cầu nguyện từng quen biết trước đây và gặp được những 24 nhóm.  Tại Argentina, nơi tưởng chỉ có 1 nhóm thôi, thì hóa ra có tới 70.  Nhiều nhóm khác đang được chuẩn bị chín chắn và ổn định để sau đó sẽ xin phép chuẩn nhận.

Cha Morra cho rằng: các nhóm cầu nguyện gặt hái được thành quả vượt quá mong đợi vì họ đặt nền trên một ý niệm tuy giản dị nhưng lại thiết yếu trong một kỷ nguyên của chủ nghĩa cá nhân.  Ý niệm đó là: "cùng nhau cầu nguyện".

 


Back to Home Page