Vài nét về Lễ Phong Hiển Thánh cho Cha Pio

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Lễ Phong Hiển Thánh cho Cha Pio.

Roma - 15/06/2002 - Vì trời Roma nóng nhiều và nhiệt độ lên cao dột ngột, Ban tổ chức Thánh lễ yêu cầu Thị xã Roma và Ban Bảo vệ Dân sự giúp đỡ, như trong các dịp trọng đại của Năm Toàn xá giúp đỡ. Thị xã Roma và Ban Bảo vệ Dân sự, ngoài việc cung cấp và phát không 750 ngàn chai nước nửa lít cho dân chúng, còn chuẩn bị sẵn sàng 8 xe lớn chở nước, để, nếu cần, phun vào dân chúng cho đỡ nóng. Việc phun nước trên dân chúng, Ban bảo vệ dân sự đã làm trong Ngày thế giới Thanh niên tạikhu phố Tor Vergata, Roma,  tháng 8 năm 2000. Những biện pháp  tương tự cũng được đưa ra  tại San Giovanni Rotondo, nơi đây có khoảng 50 ngàn người hành hương dự thánh lễ ngoài  trời, qua các màn ảnh TV cỡ bự dược tiếp vận từ Vatican.

Ðể bảo vệ an ninh, Bộ Nội vụ và Thị xã Roma đã dành sẵn khoảng một ngàn nhân viên thuộc các lực lượng an ninh và quân đội, trong đó có một số cải trang, len lỏi vào dân chúng, để kiểm soát và cấp cứu kịp thời  những vụ bất trắc có thể xẩy ra.

Ngày 2 tháng 5 năm 1999, cách đây ba năm, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 350 ngàn tín hữu đến từ khắp thế giới, ÐTC Gioan Phaolô II chủ sự thánh lễ trọng thể, trong đó ngài tôn phong Cha Péio lên bậc Chân phước. Một lễ nghi ít thấy, kể cả những dịp trọng đại, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Số người dự thánh lễ quá đông bắt buộc Ban tổ chức phải chia thành  hai nơi:  Quảng trường Thánh Phêrô dành cho khoảng 250 ngàn người và Quảng trường Thánh Gioan in Laterano khoảng hơn 100 ngàn, không kể từng trăm ngàn dự thánh lễ tại San Giovanni Rotondo, nơi Cha Pio hoạt dộng tông đồ cho đến lúc qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968, và từng triệu người theo dõi thánh lễ qua đài Truyền hình. Hai Quảng trường  Thánh Giovanni Laterano và quảng trường San Giovanni Rotondo, được tiếp vận với Vatican qua những màn ảnh Truyền Hình lớn, để mọi người có thể theo dõi các lễ nghi Phong Chân phước. Theo Ban tổ chức, dịp Lễ Phong Hiển Thánh, Quảng trường Thánh Gioan Laterano không xử dụng nữa, vì tránh mệt nhọc  cho ÐTC; nhưng sau Thánh Lễ ÐTC sẽ dùng xe Jeep  đi quanh Quảng trường Thánh Phêrô và Ðại Lộ Hòa Giải để chào dân chúng.

Sau ba năm, các đoàn hành hương và những nhóm cầu nguyện của Cha Pio lại có dịp trở lại Roma lần nữa, để dự lễ Phong Hiển Thánh . Với lễ nghi Phong Hiển Thánh, vào Chúa Nhật  16 tháng 6 nầy, Cha Pio được tôn kính cách công khai trong toàn Giáo hội. Có thể quả quyết rằng: Chưa có Vị Thánh nào được biết đến nhiều và tôn sùng như  Cha Pio trong lúc còn sống và sau khi đã qua đời, trừ Mẹ Têrêsa Thành Calcutta. Vì thế Ðài truyền hình qưốc gia Ý, trong buổi  truyền hình  trước Lễ Phong Hiển Thánh và nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 12/06/2002,  gọi Cha Pio là: "Il Santo di tutti" (Vị Thánh của mọi người, của mọi dân tộc), như Thánh Phanxicô Thành Assisi và Thánh Antôn Thành Padova.

Cha Pio " il Santo di tutti" (Vị Thánh của mọi người và mọi dân tộc) - Cha Pio được sùng kính trên cả thế giới. Nhìn vào các nhóm cầu nguyện của Cha trên cả thế giới, chúng ta thấy lời quả quyết trên đây " il Santo di tutti" hoàn toàn phù hợp với sự thực.

Tại Bắc Mỹ châu:   Canada có 13 nhóm cầu nguyện. Hoa kỳ: 55 nhóm. - Tại Châu Mỹ Latinh: Mexicô có một nhóm - Guatemala: một nhóm - Venezuela: 4 nhóm - Ecuador: một nhóm - Chilê: 2 nhóm - Argentina: 4 nhóm - Uruguay:  9 nhóm.

Tại Châu Âu:  Bắc Ái nhĩ lan có 9 nhóm - Cộng hòa Ái nhĩ lan: 67 nhóm - Scottland: 14 nhóm - Anh quốc: 47 nhóm - Pháp: 28 nhóm - Ðức: 8 nhóm - Bỉ: 22 nhóm - Thụy sĩ: 33 nhóm - Luxembourg: 2 nhóm - Ba lan: 8 nhóm - Bồ đào nha: một nhóm - Tây ban nha: 4 nhóm - Rumania: 2 nhóm - Ðảo Malta: 27 nhóm - Ý: 2,300 nhóm.

Tại Châu Phi: Côte  d'Ivoire: 2 nhóm - Togo: một nhóm - Nigeria: 3 nhóm - Cameroun: 2 nhóm - Nam Phi: 2 nhóm.

Tại Châu Á: Ấn độ: 2 nhóm - Sri Lanka: 3 nhóm - Philippines: 2 nhóm.

Tại Châu Ðại dương: Australia: 10 nhóm.

Nguồn tin sau cùng của Nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" , số ra ngày 12/06/2002--- (với phần phụ trướng gồm 16 trang,  dành để nói về Cha Pio  nhân dịp lễ Phong Hiển Thánh)---, cho biết: Cha Pio còn được biết đến và tôn kính tại Irak, Ai cập, Eritrea, Tchad  và Bénin nữa.

Trong số các người sùng kính Cha Pio, chúng ta phải kể một Vị thời danh hơn cả là Ðức Karol Wojtyla, đã có công cổ võ và xúc tiến việc làm án phong Chân phước và Hiển Thánh cho Cha Pio, ngay sau khi Cha qua đời.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ðức Karol Wojtyla với Cha Pio xẩy ra vào những năm 1946-1948, lúc ngài còn là linh mục sinh viên tại Ðại Học Angelicum (của các Cha Dòng Ða-minh ở  Roma).  Nghe đồn về Cha Pio, Cha Karol Wojtyla muốn đến San Giovanni Rotondo để được thấy tận nơi những sự lạ lùng về Cha Pio. Sau lần gặp thứ nhất, Cha Karol Wojtyla còn trở lại nữa để củng cố lòng sùng kính đối với Vị Thánh sống này.

Lúc  làm Tổng giám mục Cracovia (Ba lan), trong những năm 1970 trở đi,--- (Cha Pio qua đời năm 1968)---, Ðức Karol Wojtyla vận động xin chữ ký để khởi sự tiến trình phong Chân phước. Trong lúc tham dự Công đồng chung Vatican II (1962-1965), Ðức Karol Wojtyla, đã viết thư (bằng tiếng Latinh) cho Cha Pio  để xin cầu nguyện cho một tín hữu Cracovia, bà Wanda Poldawska, bị chứng ung thư. Cha Pio viết lại cho Ðức Karol Wojtyla là ngài đã cầu nguyện theo ý chỉ này. Bà Wanda đã được khỏi tức khắc và còn sồng cho tới lúc này. Bà thường đến Roma kính thăm ÐTC. Bức thư thư bằng tiếng Latinh của Ðức Karol Wojtyla gửi cho Cha Pio đã được nhiều báo đăng lại. Người viết bài này đã được đọc bức thư và cũng được gặp Bà Wanda, người đã được Cha Pio  cầu nguyện để được chữa lành tức khắc, khỏi chứng bệnh ung thư.

Ngoài bức thư trên đây và những mối liên hệ mật thiết giữa Ðức Karol Wojytla và Cha Pio, người ta còn nhắc cả đến việc Cha Pio đã nói tiên tri là Ðức Karol Wojtyla sau này sẽ làm Giáo Hoàng. Nhưng lời tiên đoán này không tìm thấy trong các hồ sơ của vụ phong Thánh cho Cha Pio.

Ðể phổ biến thêm lòng sùng kính đối với Vị Thánh của mọi người, chúng tôi xin thuật lại ít chi tiết về đời sống của Cha Pio.

Cha Pio sinh tại Pietrelcina (thuộc tỉnh Benevento, miền nam nước Ý), năm 1887, tên gọi trước khi đi tu Dòng là Francesco Forgione. Năm 1910, Cha khấn Dòng Thánh Phanxicô (thành Assisi), ngành Cappucin. Sáu năm sau, cha được chuyển đến San Giovanni Rotondo vì vấn đề sức khỏe. Tại đây cha làm việc mục vụ trong nhiều năm và năm 1956 thiết lập Bệnh viện, được Cha gọi là "Casa del Sollievo della sofferenza" (nhà nâng đỡ sự đau khổ). Cha qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23 tháng 9 năm 1968.

Cha Pio nhận được những dấu thánh của sự đau khổ của Chúa Kitô, vào mùa Thu năm 1910 (sau khi đã tuyên khấn), nhưng Cha xin Chúa đừng cho ai nhìn thấy các dấu thánh này, vì Cha là một người rất khiêm tốn và đơn sơ. Từ ngày 20 tháng 9 năm 1918 đến lúc qua đời (23 tháng 9 năm 1968) Cha luôn luôn mang dấu thánh này và mọi người đều nhìn thấy. Một sự lạ lùng:  ngay sau lúc qua đời, các dấu thánh biến mất hẳn và không để lại trên thân xác Cha dấu vết gì cả.

Thực sự Cha mang cuộc tử nạn của Chúa trên thân xác và trong tâm hồn của Cha. Vì những vu khống, nhiều lần Cha bị Bộ "Giáo lý đức tin" (lúc đó còn gọi là  Bộ Thánh Vụ, Sant'Uffizio) cấm thi hành công khai thừa tác vụ linh mục (giải tội và cử hành thánh lễ cho dân chúng). Cha sẵn sàng tuân theo những biện pháp kỷ luật do Cấp trên ban xuống.

Cha qua đời 23 tháng tháng 9 năm 1968 và vụ làm án phong Chân phước, ở  cấp bậc Giáo phận được khởi sự năm 1969. Sau 30 năm, ngày 2 tháng 5 năm 1999, Cha Pio được tôn phong lên bậc Chân phước và sau hai năm, tức ngày 17 tháng 12 năm 2001, ÐTC Gioan Phaolô II công bố Sắc lệnh công nhận việc khỏi bệnh cách lạ lùng của một em nhỏ 8 tuổi, tên là Matteo Colla, bị chứng viêm màng não trầm trọng, do lời bầu cử của Chân phước Pio. Em nầy sẽ hiện diện trong Lễ Phong Hiển Thánh,  Chúa nhật 16  tháng 6 năm 2002, và được rước lễ do chính ÐTC.

Sau đây là Chương trình Thánh lễ Phong Hiển Thánh:

Thánh lễ được khởi sự lúc 10 Chúa nhật 16/06/2002, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Số người tham dự được dự tính khoảng 500 ngàn , nhưng số vé chỉ cấp phát cho khoảng 250 ngàn, con số có thể được vào Quảng trường Thánh Phêrô và Ðại Lộ  Hòa Giải.

Ðể giúp mọi người tham dự thánh lễ, dù ở xa bàn thờ, Ban tổ chức đã cho đặt 9 màn ảnh TV lớn,  4 Màn Ảnh dọc đường  Hòa Giải, và 5 Màn Ảnh tại hai Quảng trường Adriana và Risorgimento, kế bên khu vực San Pietro. Khu vực chung quanh Ðền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô chỉ dành cho người đi bộ mà thôi. Gần 4 ngàn xe ca và xe tư  nhân sẽ có bãi đậu dành riêng. Một ngàn tự nguyện viên lo giữ trật tự - sáu địa diểm cung cấp nước uống và 757 nhà vệ sinh hóa chất,  được đặt tại các khu vực chung quanh.

Tất cả những ai có vé dự lễ được dùng xe công cộng (Bus, xe Metro) miễn phí.

Chúng ta, con cái Giáo hội, cùng nhau  cảm tạ Chúa Ba Ngôi cực thánh đã dành cho Giáo hội, dù phải sống giữa một thế kỷ bị đảo lộn bởi hai thế chiến, bởi nhiều biến cố đau thương, những Vị Thánh đặc biệt, như Cha Pio và Mẹ Têrêsa. Nhìn vào các Thánh, chúng ta thấy rõ ràng rằng: chỉ có sự thánh thiện đời sống, mới chính phục được các linh hồn và mới làm cho thế giới ngày nay trở về với  Chúa, nguồn mạch sự thánh thiện và hạnh phúc của con người.

 


Back to Home Page