ÐTC tiếp chung các Giám mục Venezuela

đến Roma  viếng Tòa Thánh

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp chung các Giám mục Venezuela đến Roma  viếng Tòa Thánh.

(Radio Veritas Asia - 13/06/2002) - Sáng thứ ba 11/06/2002, ÐTC  đã tiếp chung các Giám mục Cộng hòa Venezuela đến Roma viếng thăm Tòa Thánh và tường trình về tình hình Giáo hội địa phương, theo Giáo luật ấn định cứ 5 năm một lần. Hội đồng Giám mục Venezuela là một trong các Hội đồng Giám Mục đông đảo, vì thế chuyến viếng thăm kéo dài từ mấy tuần qua, để ÐTC có đủ thì giờ gặp từng vị chủ chăn của mỗi  Giáo phận, trước khi tiếp chung tất cả.

Trong diễn văn dài đọc cho các Vị chủ chăn Giáo hội tại Venezuela, trước hết ÐTC nhắc đến  điều ngài đã nói trong chuyến viếng thăm mục vụ tại đây năm 1986, tức là những thách đố lớn lao đang chờ đợi Giáo hội Venezuela trong Ngàn Năm mới.

Cũng nên nhắc lại: ÐTC viếng thăm Venezuela lần thứ nhất vào tháng Giêng năm 1986, và lần thứ hai vào tháng 2 năm 1996.

Trước những thách đố lớn lao của Ngàn năm mới, ÐTC vui mừng được đón tiếp các Vị chủ chăn của Giáo hội Venezuela đến Roma, viếng Tòa Thánh, khuyến khích các ngài  trong thừa tác vụ chủ chăn, hướng dẫn Dân Chúa lữ hành  tại Quốc gia yêu quí này.

Cũng như với các Vị chủ chăn của các nơi khác đến Roma "viếng Tòa Thánh", ÐTC nhắc lại mục đích chuyến viếng thăm này là để biểu lộ ý chí cương quyết của sự hiệp thông với Ðấng Kế nghiệp Phêrô, người đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô, Ðấng sáng lập Giáo hội, sứ mệnh củng cố đức tin anh em mình (Lc 22, 39), và làm dấu hiệu và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất đức tin và hiệp thông Giáo hội (LG , số 18).

Sau đó, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến biến cố quan trọng của Giáo hội Venezuela hiện nay: Việc triệu tập và cử hành Công Nghị Toàn Quốc đầu tiên, với mục đích đoàn kết các nỗ lực, để mưu ích chung cho các Giáo hội địa phương, qua việc đẩy mạnh hoạt động rao giảng Tin Mừng  cách sâu rộng hơn, đồng thời  để biểu lộ một nỗ lực chung của mọi người, nhằm đi đến việc làm cho đức tin lớn lên và trở nên ánh sáng  của chân lý, cho mọi người.

Về hiệp nhất và hiệp thông, sau kinh nghiệm Năm Ðại Toàn xá, ÐTC nói:  "Một trong các thách đố lớn lao của Giáo hội là chính việc làm cho Giáo hội thành" ngôi nhà và trường học của  việc hiệp thông", qua một con đuờng tu đức sâu xa;  không có con đường này tất cả các dụng cụ, các tổ chức bên ngoài của sự hiệp thông ... sẽ không giúp ích gì, và trở nên như những guồng máy không có linh hồn". ÐTC nói tiếp: "Vì thế Công Nghị toàn quốc riêng của Venezuela, một biến cố nổi bật của Giáo hội,  phải được sống và hoàn tất như một kinh nghiệm đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Ðấng hướng dẫn Giáo hội và bảo tồn sự hiệp nhất đức tin và đức ái. Thành quả đầu tiên của Công Nghị là sự hiệp thông giữa các Vị chủ chăn và sau đó, các vị chủ chăn trở nên nguyên tắc của sự hiệp nhất trong các Giáo hội, mà các ngài có trách nhiệm hướng dẫn".

ÐTC nhấn mạnh thêm như sau: "Tôi mời gọi quý Ðức Cha nuôi dưỡng,   trong mọi giai đoạn của Công Nghị,  tinh thần đối thoại, sự  hòa hợp huynh đệ và cộng tác thành thực, vừa tránh mọi bất thuận có thể gây lạc hướng giữa các tín hữu,  hoặc gây nên căn cớ cho những người có những mưu cơ  theo đuổi những lợi lộc khác, không phù hợp với công ích của Giáo hội".

ÐTC  khuyến khích  các Vị chủ chăn hãy gần gũi với đàn chiên mình, cách riêng trong một thời đại có những biến đổi nhanh chóng,  điều kiện hóa việc rao giảng Tin Mừng và đòi nhiều can đảm dể đối phó.  Trong công việc canh tân thiêng liêng, được Công  Nghị toàn quốc Venezuela nhắm đến, ÐTC nhắc lại sự quan trọng của việc giảng dạy giáo lý cho mọi tầng lớp, cách riêng cho giới trẻ. Trong bối cảnh xã hội và nền văn hóa bị tục hóa, trong bầu khí lãnh đạm tôn giáo và nhiều thể chế truyền thống vững chắc của xã hội, thí dụ như gia đình, bị lung lay hoặc tan rã,  thì các trung tâm công giáo, các trường học có nhiệm vụ thông truyền đức tin và cổ võ việc giáo dục công giáo cho các thế hệ mới. ÐTC nhắc lại: "Trong công việc xây dựng Nước Chúa, cần phải có một sự hăng say mới nơi các Vị chủ chăn (Giám mục và linh mục) và nơi các giáo lý viên,  ngõ hầu,  cùng với chứng tá đời sống và tinh thần sáng tạo, các ngài tìm được những hình thức xứng hợp hơn để đem ánh sáng Chúa Kitô đến trong các tâm hồn. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo giúp rất nhiều cho việc giảng dạy giáo lý và xứng hợp cho mọi tầng lớp các tín hữu".

ÐTC không quên nhắc đến vần đề ơn kêu gọi. Ngài nói: "Với tinh thần của Vị Chủ chăn nhân lành, các Ðức Cha thấy rõ lời Chúa "Lúa chín đầy đồng, nhưng thợ gặt lại quá ít" (Mt 9, 37). Ðiều an ủi là tại Venezuela số ơn kêu gọi gia tăng. Nhưng các Ðức Cha biết rõ ràng: việc khuyến khích các ơn kêu gọi và việc tôn trọng các Vị chủ chăn của mình, hệ tại  ở việc đừng bao giờ ngừng việc nuôi dưỡng  một bầu khí huynh đệ giữa các người cộng tác trực tiếp của quý Ðức Cha; và  Tính cách đích thực của các đặc sủng khác nhau  phong phú hóa mỗi Giáo hội địa phương".

ÐTC nói đến tình trạng nghèo khổ của người dân, của nhiều gia đình, trong lúc Venezuela có nguồn tài sản dồi dào. --- (Venezuela là một trong các quốc gia sản xuất số lượng cao về dầu hỏa ---). Nhưng còn biết bao người, nhất là người dân nông thôn và dân thổ cư bị loại ngoài lề xã hội, biết bao trẻ em bị bỏ ngoài đường, người già  yếu sống cô lập, phụ nữ bị khai thác, thanh niên thất nghiệp... Không thể  làm ngơ đi qua trước anh chị em mình bị số phận hẩm hiu (Lc 33, 35)... nhiều lúc họ cần được sự chú ý tức khắc, trước khi phân tích căn cớ của sự bất hạnh xẩy đến cho họ. Giáo hội luôn luôn quan tâm đến các người nghèo khổ, luôn luôn cổ võ cộng đồng công giáo và sự cộng tác của các thành  viên mình, luôn luôn rao giảng tình liên đới  giữa toàn thể  dân Chúa tại Venezuela cũng như tại bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ðứng trước những khẩn cấp như vậy, ÐTC nhấn mạnh: "Các Ðức Cha cảm thấy sự cần thiết góp phần vào việc xây dựng một trật  tự xã hội công bình, hòa hợp và lợi ích hơn cho mọi người. Thực sự, Giáo hội không tranh giành, ganh đua với những gì thuộc lãnh vực riêng của Nhà Cầm quyền dân sự. Nhưng Giáo hội nhiều lúc được mời gọi lên tiếng thay cho những ai không có tiếng nói và không bao giờ được lắng nghe.... Giáo hội thành thực cộng tác trong mọi sáng kiến nhằm thăng tiến toàn diện con người, bởi vì những sáng kiến này phù hợp với sứ mệnh của Giáo hội và cũng phù hợp với mục đích riêng biệt của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội này không thể bỏ qua và cũng không thể không biết đến sự đóng góp quan trọng của Giáo hội trong nhiều phương diện thuộc công ích".

ÐTC xác nhận rằng:  việc thi hành thừa tác vụ giám mục không phải là điều dễ  dàng, nhiều lúc bị hiểu lầm, bị giải thích theo chiều hướng này, chiều hướng khác..." Nhưng  xin quý Ðức Cha biết rõ rằng: Giáo hội không hoạt động theo cái nhìn của thế tục, trái lại Giáo hội ước muốn cổ võ bầu khi đối thoại cởi mở và xây dựng, nhẫn nhục và vô vị lợi với các vị có trách nhiệm công cộng, để phẩm giá và các quyền bất khả vi phạm của con người, được tôn trọng trong bất cứ dự án nào, chương trình nào của xã hội, như vậy để làm cho trái đất này trở nên huynh đệ hơn và liên đới hơn, để được sống cách tốt đẹp hơn, và để sự lãnh đạm, những bất công và thù ghét, không bao giờ có chỗ đứng nữa" (Diễn văn dọc cho Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh 10.01.2002, số).

ÐTC kết thúc diễn văn bằng việc phú thác Thừa tác vụ Giám mục của các Vị chủ chăn Giáo hội Venezuela cho Ðức Mẹ Maria được tôn kính tại Ðền Thánh quốc gia ở Coromoto.  "Truớc ảnh thánh Mẹ, tôi đã quì gối trong chuyến viếng thăm năm 1996,  để cầu xin sự che chở của Mẹ cho Dân tộc Venezuela và hôm nay đây  tôi tiếp tục xin Mẹ giúp cho các tín hữu công giáo của Quốc gia yêu quí này trở nên "muối và ánh sáng cho người khác, như những chứng nhân của Chúa Kitô", (trích  Bài giảng tại Ðền Thánh Coromoto 10/03/1996, số 6).

 


Back to Home Page