Sự vắng mặt của các nước giàu
trong khóa họp của tổ chức FAO
gây một cảm giác không tốt
đối với quốc gia tham dự
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Sự vắng mặt
của các nước giàu trong khóa họp của tổ chức FAO gây một cảm giác không
tốt đối với quốc gia tham dự.
(Radio Veritas
Asia - 12/06/2002) - Lúc 9 giờ thứ
hai 10/06/2002. Khóa họp thượng đỉnh của Tổ chức
FAO (Food and Agriculture Organisation) của Liên hiệp quốc, có
trụ sở tại Roma, đã được khai mạc long trọng, với sự
tham dự của khoảng bốn ngàn đại biểu thuộc 183 quốc gia hội
viên , trong số này có sự hiện diện của Ông Kofi Annan, Tổng
thư ký Liên hiệp quốc và khoảng 100 vị Quốc trưởng và Thủ
tướng, hầu hết thuộc các quốc gia của Thế giới thứ ba (nghèo hoặc trên đường phát triển); trái lại trong số 29
quốc gia Châu Âu giầu thịnh kỹ nghệ, thuộc Tổ chức "Tổ
chức An ninh và Cộng tác Châu Âu"
thì có Hoa kỳ và
Canada vắng mặt.
FAO là một tổ
chức của Liên hiệp quốc, để lo về Thực Phẩm và Canh nông
(FAO: Food and Agriculture Organisation). FAO được thành lập năm
1945, ngay sau đệ nhị thế chiến (1939-1945), tại Québec (Canada). Từ năm 1951, trụ sở của FAO được
dời về Roma cho tới
lúc này. Tại Tòa nhà lớn của FAO hiện có 3,700 nhân viên (công chức của FAO là
1,400 và 2,300 nhân viên phục vu). Ông Jacques Diouf, người Sénégal,
được bầu làm tổng giám đốc từ năm 1994. Nhiệm kỳ
của ông sẽ chấm dứt vào năm 2006.
Ai là người cung cấp tài chánh cho tổ chức này? - Tổ chức được 183 quốc gia hội viên cung cấp tài chánh, theo tỉ số đã được Hội đồng của FAO ấn định. Hội đồng được triệu tập hai năm một lần, để ấn định ngân sách và phác họa chương trình hoạt động cho hai năm sau. Khóa họp của Hội đồng cũng để bầu Hội đồng chấp hành.
Còn khóa họp thượng đỉnh là khóa họp được triệu tập để tìm những giải pháp cụ thể cho thảm trạng đói khổ trên thế giới. Theo thống kê: cứ mỗi 4 giây có một nguời chết đói. Hội nghị thượng đỉnh thế giới đầu tiên về Thực Phẩm được triệu tập năm 1996, (cách đây sáu năm). Ðáng lẽ phải triệu tập sau 5 năm, từ 5 đến 9 tháng 11 năm 2001; nhưng các vị trách nhiệm về tổ chức đã đình lại, vì những biến cố xầy ra tại Genova (Tây bắc nước Ý) dịp nhóm các Cường Quốc thuộc nhóm G8 (tám siêu cường kỹ nghệ) họp tại đây, và sau đó, lại xẩy ra vụ khủng bố tại Hoa kỳ 11 tháng 9 năm 2001.
Chúng tôi xin trở lại sự vắng mặt của các quốc gia giầu thịnh, kỹ nghệ cao, tại Khóa họp thượng đỉnh lần này. Sự vắng mặt này gây một cảm giác không tốt đối với quốc gia tham dự, cách riêng các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, thứ tư. Sự vắng mặt này có thể giải thích nhiều cách khác nhau: Các quốc gia giầu thịnh, và kỹ nghệ cao, xem ra ích kỷ, không nghĩ đến việc cứu đói, nhưng chỉ nghĩ đến những quyền lợi kinh tế của mình, như ông Jacques Diouf, Tổng thư ký FAO, đã nói lên cách đây ít ngày: đó là các quốc gia "thiếu thiện chí chính trị", muốn giữ tình trạng này để sản xuất và khai thác thị trường thế giới; cũng có thể là các quốc gia giầu thịnh ít tín nhiệm vào Tổ chức FAO trong việc quản lý số tiền của họ đóng góp - Trong bài xã thuyết đăng trên nhật báo "Tin Chiều" số ra Chúa nhật 9.6.2002 (trước ngày khai mạc Khóa họp thượng đỉnh của FAO), một nhà ngoại giao lão thành Ý viết như sau: "Ngân sách hằng năm của FAO là 1tỉ 200 triệu Mỹ kim. Số tiền này do các quốc gia Hội viên đóng góp (thực sự nhiều quốc gia không bao giờ đóng góp) dành để chi tiêu và phát lương cho khoảng 3,500 công chức và nhân viên phục vụ tại Tổ chức. Số còn lại tức 600 triệu dành cho việc cứu đói trên thế giới: giọt nước trong biển cả. Chúng ta thử hỏi: số tiền 600 triệu Mỹ kim này là gì đối với môt tỉ 200 triệu người nghèo (sống dưới mức độ một Mỹ kim mỗi ngày) trên thế giới? Thực ít ỏi, nhưng số ít ỏi này, đến lúc phát ra, có đến tay người nghèo hay không, lại là một chuyện khác nữa!
Chương trình cứu đói và gia tăng thực phẩm trong Khóa họp lần trước, nhằm đến việc giảm bớt mỗi năm 20 triệu trong số gần 800 triệu người cực khổ; như vậy trong năm 2015 sẽ giảm được một nửa số người đói khổ trên thế giới. Nhưng trong cuộc họp báo vài ngày trước đây, ông Tổng thư ký cho biết: tổng số người được cứu khỏi nạn đói, mỗi năm, chỉ giảm có 6 triệu thay vì 20 triệu. Và như vậy, để giảm một nửa số người đói khổ, nếu không có sự đóng góp thêm, không thể thực hiện được trong năm 2015, mà trong năm 2030, nghĩa là cần thêm 15 năm nữa, vì "thiếu thiện ý chí chính trị của các quốc gia giầu thịnh, và kỹ nghệ cao". Ông công nhận: "Chương trình cứu đói này bị coi như một thất bại".
Nhà ngoại giao lão thành tác giả bài xã thuyết đăng trên nhật báo Tin Chiều, đã đặt ra nhiều câu hỏi: Ai là người kiểm soát được số 6 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ, họ ở đâu? và kiểm soát theo tiêu chuẩn nào? Ông Tổng thư ký FAO công nhận: "Khóa họp thượng đỉnh này là của người nghèo. Chúng tôi đã mời tất cả các vị lãnh đạo chính phủ của thế giới giầu có, nhưng không một vị nào đến". Thực sự chỉ có hai vị đứng đầu Chính phủ Ý (vì trụ sở tại Roma) và Tây ban nha, hiện diện. Như vậy, sự vắng mặt của các quốc gia giầu thịnh cho thấy rằng: họ thiếu hay ít tín nhiệm vào việc điều hành ngân sách của FAO, do họ đóng góp phần lớn và có thể cũng không tin vào các con số kê khai và những thành công của FAO. Ai cũng thấy rằng: Nạn đói khổ, nghèo nàn vẫn gia tăng thay vì giảm bớt. Hố sâu giữa người nghèo (đại đa số) và người giầu (thiểu số) càng ngày càng lớn rộng thêm. Một lý do khác khiến các quốc gia giầu thịnh không tham dự và "thiếu ý chí chính trị", bởi vì họ muốn đóng góp vào Quỹ cứu đói với điều kiện này là các quốc gia nghèo phải theo kế hoạch "hạn chế sinh sản của họ". Họ cho rằng: để giảm nạn đói, cũng cần phải giảm miệng ăn. Ðây là một đường lối chính trị thực dân mới. Trái đất này có khả năng cung cấp thực phẩm cần thiết không những cho sáu tỉ dân cư hiện nay, nhưng còn hơn nữa. Biết bao tài nguyên trên trái đất này và dưới đáy biển vẫn chưa được khai thác. Ai cũng thấy rằng: tại các quốc gia giầu thịnh, số sinh mỗi ngày mỗi ít đi, trong lúc đó mức sản xuất thực phẩm lại dư thừa, nhiều lúc phải đình lại việc sản xuất hoặc sa thải nhân công hoặc hủy bỏ số dư thặng, trong lúc đó số người chết đói tại các quốc gia nghèo vẫn gia tăng. Ðây là một bất công, do thiếu sự phân phối đồng đều, và nhất là thiếu tình liên đới nhân loại, được Ðức Gioan Phaolô II luôn luôn nhắc đến.
Trong diễn văn khai mạc, Ông Tổng thư ký LHQ "báo động tình hình nguy ngập" của nạn đói. Mỗi bốn giây có một người chết vì nạn đói; như vậy mỗi phút có 15 người chết; trong một giờ có 900 người và trong một ngày có khoảng hơn 20 ngàn người chết vì nạn đói, không kể chết vì nhiều căn cớ khác. Trong lúc dó, tại các quốc gia giầu thịnh lại có nhiều người mắc chứng bệnh mập phù, vì ăn quá nhiều, phải tìm cách chạy chữa. Một bên chết vì đói, bên kia chết vì bội thực. Một thí dụ làm nhiều người ngạc nhiên: Mỗi ngày tại Thành phố Torino (miền bắc nước Ý, hơn một triệu dân cư) vứt vào các thùng rác khoảng 80 tấn bánh mì thừa, khô cứng, trong lúc đó nhiều trẻ em và người nghèo hằng ngày bới các đống rác ở vùng ngoại ô các Thành phố lớn, hay các thùng rác để kiếm một chút gì ăn hoặc có thể dùng được cho nhu cầu của mình và của gia đình. Cảnh ông Lazarô nghèo khổ, bệnh tật, ghẻ lở ... nằm trước của nhà người tỉ phú, chờ đợi những mụn bách rớt từ mân cao cỗ đầy của người này, nhưng vô ích. Cảnh tượng thê thảm này được Chúa Giêsu đưa ra cách đây hai ngàn năm vẫn tiếp tục diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta.
Trong giờ đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa nhật 9/06/2002. Ðức Goan Phaolô II nói đến Khóa họp thượng đỉnh của FAO, với những lời như sau: "Xin Thiên Chúa chúc lành cho cuộc gặp gỡ này và xin Người soi sáng hướng dẫn các Vị trách nhiệm các quốc gia, để biết lắng nghe những yêu cầu chính đáng của từng triệu, triệu người hằng ngày sống trong khổ cực". ÐTC xin các Chính phủ đẩy mạnh thêm chiến dịch chống nạn đói trên thế giới. Lần này ÐTC không đích thân đến Trụ sở FAO để đọc diễn văn trước Khóa họp, nhưng ngài đã gửi Sứ điệp cho các Phái đoàn tham dự. Chúng tôi sẽ giới thiệu sứ điệp nầy trong mục thời sự kỳ tới.