Các Giám mục Argentina

kêu gọi canh tân xã hội

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các Giám mục Argentina kêu gọi canh tân xã hội.

Tình hình chính trị, kinh tế tại Argentina, một quốc gia rất phong phú về tài nguyên, trong những tháng 1-2/2002,  trở nên rất trầm trọng. Nhiều cuộc biểu tình bạo động của người dân, nạn nhân của cơn khủng hoảng kinh tế, nếu không sớm giải quyết, rất có thể đưa đến một cuộc nổi loạn và do đó thúc đẩy quân đội trở lại năm chính quyền như những năm trước đây.

Ðứng trước tình hình khẩn trương này, các vị chủ chăn Giáo hội công giáo Argentina rất lo ngại và bắt buộc các ngài phải lên tiếng. Ngoài việc cử một phái đoàn đến gặp Vị lãnh đạo quốc gia,  để tìm giải pháp hòa giải và đem lại an ninh trong nước,  các Giám mục, trước khi lên đường đến Roma  viếng Tòa Thánh, đã cho công bố một thông cáo kêu gọi canh tân xã hội, vì đây là một điều kiện phải có, để đem lai hy vọng cho toàn dân. Trong những ngày này,  các Giám mục đang ở Roma, nhưng rất lo lắng về tình hình trong nước. Chắc chắn các ngài đang chờ đợi  những chỉ dẫn của ÐTC, để có thể góp công nhiều hơn nữa vào việc hòa giải quốc gia.

Trong thông cáo, trước hết, các Giám mục kêu gọi đối thoại và để việc đối thoại đem lại thành quả cụ thể, các ngài quả quyết rằng: "Ðể việc đối thoại tại Argentina được hiệu nghiệm và có tính cách đáng tin , cần phải thức tỉnh nơi cấp lãnh đạo chính trị, tài chánh, nghiệp đoàn, kinh doanh ... sự cần thiết thực hiện  những cử chỉ và dấu hiệu minh chứng rõ ràng ý muốn thành thực về thay đổi thực sự và sâu xa. Những thay đổi đòi hỏi này thực ra rất khó khăn, nhưng không phải là không thể thực hiện được".

Các Giám mục viết: "Chúng tôi đã nhận thấy  rằng: trong số nhiều đề nghị được đưa ra, có một số rất ít nói lên việc từ bỏ lợi lộc cá nhân hay phe phái, để có thể nghĩ đến một ý chí thành thực về thay đổi". Các Giám mục viết thêm: "Chúng tôi muốn nhắc lại rằng: Chúng tôi, các Giám mục, vì là những thừa tác viên của hòa giải, của hiệp nhất và của hiệp thông, muốn dấn thân đẩy mạnh công việc thiết lập một khoảng cách cần thiết để củng cố những giây liên kết xã hội giữa người dân Argentina. Ðối thoại không có nghĩa là "không có lợi ích gì", cũng không có nghĩa là đi vào trong việc chung sống với phe phái nào. Ðối thoại là một cử chỉ can đảm và có tính cách rao giảng: cử chỉ này chuẩn bị hết thẩy chúng ta thành những người phục vụ chân lý. Chúng ta đã học biết rằng: Chúa Giêsu đã đối thoại với hết mọi người, cả với những người thù địch của Ngài".

Thông cáo viết tiếp: "Vì thế sự hiện diện của chúng tôi không phải là một việc thi hành quyền bính chính trị, càng không phải là một mưu toan chiếm địa vị không thuộc phạm vi thiêng liêng của chúng tôi, những người lãnh đạo tinh thần, thừa tác viên của Thiên Chúa. Chúng tôi chỉ muốn tạo nên một khoảng rộng để xã hội có thể gặp nhau, nhưng không phải để va chạm nhau, hay đối địch nhau. Chúng tôi muốn đối thoại để kêu gọi thành lập một thời đại mới, không nhằm đến việc gây hại cho quyền lợi  kinh tế hay chính trị của phe này, phia kia. Chúng tôi muốn hiện diện trong lúc này cách cụ thể,  để giúp người dân cũng như những ai có trách nhiệm công cộng, trong việc tìm kiếm thành thực chân lý và công ích của mọi người, với sự lo lắng cách riêng và ưu tiên đối với các nguời nghèo khổ".

Nhắc đến tình hình thực sự của Ðất nước, các Giám mục viết: "Chúng tôi nhận ra rằng: cơn khủng hoảng rất sâu xa. Xã hội chúng ta bị phân tán cách trầm trọng. Ðây là cơn khủng hoảng về tín nhiệm và về tính cách đáng tin. Người dân không còn cảm thấy mình được đại diện bởi cấp lãnh đạo của mình nữa; phe này không tín nhiệm phe kia và tìm trong lỗi lầm của nguời khác trách nhiệm hoàn toàn của tất cả những gì đang xẩy  ra. Trong đa số nguời dân, có những người, những nhóm, đã đề cao việc đối thoại, như con đường để tìm ra những thỏa ước căn bản, để có thể biến thành những đường lối chính trị cho quốc gia. Nhiều người đã dùng những danh từ như "tái lập", "tái thiết" Argentina".

Các Giám mục viết thêm: "Có một số người tỏ ra sợ hãi là việc đối thoại sau cùng sẽ đi đến một sự khai thác mới, hay chỉ là một cách tranh thủ thời giờ, để có thể trấán an sự bất mãn cực độ, và những phẫn uất  của người dân và rồi lại tiếp tục như trước đây".

Các vị chủ chăn Giáo hội Argentina nhận xét: Trong hầu hết các câu chuyện trong lúc này có câu hỏi quan trọng sau đây: làm thế nào để có thể thay đổi được với chính những người cầm quyền đã đưa Ðất nước đến tình trạng này? Có lẽ việc trả lời cho câu hỏi hợp lý và thành thực này là một giải pháp khó khăn hơn cả. Như chúng tôi đã nói trên đây: "Có rất nhiều đề nghị được đưa ra, nhưng rất ít đề nghị nói lên sự sẵn sàng từ bỏ những quyền lợi phe phái hay cá nhân, để có thể tin rằng: thực sự có một ý chí muốn thay đổi".

Câu hỏi đặt ra thực bi quan và thất vọng. Kinh nghiệm hằng ngày cho chúng ta thấy: Tham vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn. Một khi lên cầm quyền, có danh vọng, tiền của, giầu sang... ai là người sẵn sàng từ bỏ ra đi, nếu không phải là vị thánh sống hay là người chỉ nghĩ đến ích quốc lợi dân mà thôi. Hai hạng người này có lẽ không tìm thấy hay rất khó tìm được trên Trái Ðất này. Nhìn vào mỗi quốc gia, mỗi xã hội chúng ta thấy rõ lòng tham không đáy của con người.

Thông cáo của các Giám mục Argentina kết thúc: "Như chúng tôi viết trên đây và chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa là để việc đối thoại được hiệu nghiệm và được dân chúng tín nhiệm, cần thức tỉnh nơi giới lãnh đạo chính trị, tài chánh, nghiệp đoàn, kinh doanh, sự cần thiết thực hiện  những cử chỉ và những dấu hiệu cụ thể minh chứng rõ ràng ý muốn thành thực về những thay đổi thực sự và sâu xa. Các thay đổi đòi hỏi đây rất khó, nhưng không phải không thể làm được. Vì thế, chúng tôi yêu cầu Chính phủ và mọi tầng lớp xã hội  hãy có những cử chỉ và dấu hiệu cụ thể, để việc đối thoại tại Argentina có thể thực hiện dốc quyết này là đi đến những thỏa hiệp nhằm phục hưng Ðất nước trong bối cảnh hòa bình và đoàn kết".

 


Back to Home Page