Chân phước Edward Pope
gương mẫu của Chức Linh Mục
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Chân phước
Edward Pope, gương mẫu của Chức Linh Mục.
(Radio Veritas
Asia - 5/06/2002) - Thứ sáu, 7
tháng 6 năm 2002, Lễ trọng kính Thánh Tâm
Chúa, cũng là ngày cầu nguyện cho sự thánh hóa các
Linh mục. Trong dịp này, Bộ Giáo sĩ cho công bố một văn kiện
dài về Ngày Cầu Nguyện nầy, để giúp các linh mục suy niệm
về Thiên Chức đã lãnh nhận do lòng thương yêu nhưng không
của Thiên Chúa. Ngoài văn kiện này (chúng tôi sẽ có dịp
trở lại về văn kiện này trong bài nói chuyện khác), nhật báo "Quan Sát
Viên Roma", cơ quan bán chính thức Tòa Thánh, số ra ngày
5/06/2002, dành một bài về Chân phước Edward Pope, linh mục người
Bỉ, được biết đến nhiều không những tại Bỉ, nhưng còn tại
nhiều nơi trên thế giới. Cha Pope được Ðức Gioan Phaolô II tôn phong
lên Bậc Chân phước ngày 3 tháng 10 năm 1999
trong Thánh Lễ đồng tế, do
ÐTC chủ tế, tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.
Trong bài thời sự nầy, chúng tôi xin lược tóm bài của Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" viết về Cha Edward Pope, một linh mục sống vào thời đại này, và là một gương mẫu sống động trước mắt nhiều người.
Ngày 13 tháng
10 năm 1971, trong buổi tiếp kiến chung dành cho tín hữu hành hương
đến từ nhiều nơi trên thế giới, trong lúc Khóa
họp khoáng đại của THÐGM thế giới về đề tài "Chức
Linh mục thừa tác và đức công bình trên thế giới" đang
diễn ra trong Nội Thành Vatican, Ðức Phaolô VI (1963-1978) nhắc
lại sự cao cả của Chức Linh mục Công giáo và nhận xét như
sau: "Nếu Linh mục là người của Thiên Chúa, là một Chúa
Kitô khác, là dấu hiệu mà nguồn ơn thánh được thông ban
cho, trong lịch sử của đời sống linh mục, thì Linh mục là một
người được gọi, được chọn, một người được hưởng
đặc ân của lòng thương xót Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu
thương Linh mục cách riêng. Thiên Chúa đã ghi dấu Linh mục
bằng một dấu riêng biệt, và như vậy Thiên Chúa đã chuẩn
bị linh mục xứng hợp cho việc thi hành các quyền năng của
Người. Thiên Chúa đã làm cho linh mục say mê về Mình, đến
độ làm cho chín mùi một hành động yêu mến
trọn vẹn và lớn lao hết sức có thể: đó là hành
động tận hiến hoàn toàn, vĩnh viễn, hạnh phúc. Linh mục có
can đảm làm cho đời sống mình thành một hiến lễ, như Chúa
Kitô, cho người khác, cho mọi người và cho chúng ta".
Nhật báo
"Quan Sát Viên Roma" bình
luận: "Thật là những lời cao cả, sâu xa về Chức Linh mục". Những lời này là tổng hợp về giáo lý, về mục vụ
và về chức linh mục của cuộc sống anh hùng của Chân phước
Edward Pope.
Bài báo viết
tiếp: "Mỗi lần Giáo hội tuyên bố "chân phước" hay
"hiển thánh" cho một trong các con cái của mình, tức là muốn
chúng ta, các người còn sống, coi vị này như một chứng nhân
đặc biệt của Chúa Kitô.
Giáo hội trình bày trước mắt chúng ta và trao tặng Vị này
cho chúng ta, để qua đời sống của Ngài, chúng ta hiểu nhiều
hơn những đòi hỏi của đời sống Kitô và nhất là để
chúng ta sống đầy đủ thêm mỗi ngày đời sống này".
Thế giới ngày
nay bị tục hóa mỗi ngày mỗi thêm mãi, muốn khước từ, muốn
loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài đời sống tư nhân cũng như xã
hội. Linh mục sống trong môi trường như vậy, với những thay
đổi mau lẹ của thời đại, không thể không bị ảnh hưởng.
Linh mục hầu như bị cô lập, không còn chỗ đứng, không còn
nhận ra căn cước của mình nữa, và cảm thấy
mình bất lực trước
một thế giới sa đọa về các giá trị thiêng liêng, luân lý, tôn giáo như vậy. Ðứng trước tình trạng đáng thương hại
này, cần phải có ơn can đảm và ánh sáng mạnh mẽ cách riêng
đễ giữ vững được ý nghĩa cao cả thiêng liêng. Trái lại,
nhiều lúc chúng ta không thấy có sự can đảm và ánh sáng
này, cả nơi các vị đã đượcThiên
Chúa chọn, để hướng dẫn người khác tiến trên con
đuờng công chính. Chúa nói: "Các con là muối đất, nếu
muối đã trở nên lạt lẽo, thì còn dùng được chi nữa".
Giữa lúc thế
giới xa Thiên Chúa và nhiều Linh hồn được Người gọi, chọn
cách riêng, không trở
nên muối đất, ánh sáng thế gian, thì qua
việc tôn phong Cha
Edward Pope lên bậc Chân phước, Ðức Gioan Phaolô II muốn nêu lên trước
mặt chúng ta một gương mẫu cụ thể, do Chúa Thánh Thần thực
hiện và dành cho thế giới ngày nay, nhất là cho các thế hệ
linh mục trẻ trung, có khả năng hy sinh vì Nước Chúa. Bí quyết
của đời sống thánh thiện, của
đời sống linh mục anh hùng của Cha Pope là lòng yêu mến "điên rồ" đối với Ðức Trinh Nữ Maria. Nơi Mẹ, Cha đã
cảm nghiệm rằng: không thể tách lìa hoạt dộng của Chúa Thánh
Thần trong chúng ta, ra khỏi hành động của Mẹ Maria, cũng như
không bao giờ có thể tách lìa Mẹ Maria khỏi Chúa Thánh Thần.
Nhờ ảnh hưởng
mạnh mẽ của Mẹ Maria, Cha Pope đã có thể thực hiện được
cuộc đời tận hiến, như của lễ tình yêu cho việc thánh hóa
hàng giáo sĩ. Thực ra, một tháng trước lúc chết, Cha
viết như sau: "Tôi cảm thấy rằng sứ mệnh của tôi phải
được gia tăng nhiều bằng việc hiến dâng tất cả đời sống
của tôi. Bởi vì tôi thấy rằng tôi không xứng đáng về sứ
mệnh của tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa như hạt lúa
mì phải chết đi, phải biến mất, để trổ sinh nhiều hơn".
Cha Pope đã sống
theo con đường tận hiến của Thánh Louis Grignon de Montfort và đã
thực hiện rất nhiều lời tiên tri của Thánh Nhân, nói về
"Các tông đồ của thời đại sau cùng này". Và đây có
thể là việc thực hiện mà Chúa Giêsu đã muốn dùng Cha,
theo kiểu nói của Thánh Grignon de Montfort, để "canh tân thế
giới qua Mẹ Maria và kết thúc qua Mẹ thời đại ơn thánh,
thời đại đã được khởi sự với Mẹ?".
Trong một của
nhiều bức thư viết cho Cha linh hướng, Cha Pope nói lên lý tưởng
của cuộc đời, ước mong của tâm hồn mình, như sau: "Con
muốn mang lửa trong mình con ... Ước gì lửa này cháy sáng
trong con! Ước gì lửa của Nước Chúa thiêu đốt con, để
con có thể hun nóng anh chị em con. Nhiều linh mục đến với con
và nhiều vị sẵn sàng. Ước gì con cháy sáng nơi chính mình
con, để đốt lên ngọn lửa
nơi người khác!".
Dĩ nhiên có sự
hợp nhất sâu xa giữa giáo lý của Thánh Grignon de Montfort và
các bút tích của Cha Pope, bởi vì cả hai đều hướng về
Ðức Maria và cả hai chỉ có một ước muốn này là được
đẹp lòng Mẹ và nhìn ngắm Mẹ hết sức có thể, vì cả hai
xác tín rằng: càng nhìn ngắm Mẹ nhiều hơn, chúng ta sẽ
được Chúa Giêsu nhìn đến ta
và nếu Mẹ Maria hiện diện nhiều hơn mãi trong đời sống của
ta, và được đón nhận trong phần sâu thẳm nhất của tâm
hồn ta, như Gioan đã đón nhận Mẹ về nhà mình, thì Chúa sẽ
hiện diện hơn trong ta và tiếng kêu "Ta khát" của Người
sẽ được sống mạnh mẽ thêm mãi ....
Nơi trường học
của Mẹ Maria, Cha Edward Pope,
vị tông đồ nhiệt thành này, đã
học biết theo Chúa Kitô, bằng việc nhắc lại mọi ngày Lời
"Xin vâng" không điều kiện đối với chương trình tình yêu
của Thiên Chúa.
Trong giờ đọc
Kinh Truyền Tin ngày 3 tháng 10 năm 1999, sau Thánh lễ Phong Chân
phước của Cha Edward Pope, và ngỏ lời riêng
với các tín hữu Bỉ, người đồng hương của chân phước,
Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Chân phước Pope nuôi dưỡng trong mình
lòng sùng kính cách riêng đối với Ðức Trinh Nữ
Maria.... Tôi mời gọi các linh mục tái
khám phá đời sống của Chân phước và sứ điệp của
Ngài, để trở nên dụng cụ tốt lành,
mà qua đó Thiên Chúa kêu gọi các thanh niên phục vụ Người
trong Chức Linh mục hoặc trong đời sống tận hiến. Chúng ta hãy
cầu ngugện sốt sắng để
Thiên Chúa sai nhiều thợ
gặt cho cánh đồng của Người".
Trước đó, giảng trong thánh lễ phong chân phước cho cha, và chú giải lời Tiên tri Isaia "Tôi sẽ hát lên bài ca tình yêu của tôi cho Ðấng tôi yêu mến, cho vườn nho của Người", ÐTC áp dụng vào Cha Pope, người đã hiến tất cả cuộc đời linh mục cho Chúa Kitô. Cha đã trở nên gương mẫu cho các linh mục, nhất là cho các linh mục của nước Bỉ quê hương của Cha. Cha mời gọi các linh mục sống đời sống mình cách phù hợp với Chúa Kitô, Chủ chăn nhân lành, để có thể trở nên như Cha, "những linh mục đầy lửa", say mê Chúa, say mê các linh hồn. Công việc mục vụ thực sự chỉ sinh nhiều hoa trái trong sự chiêm niệm, nhìn ngắm Chúa Giêsu và Mẹ Maria .... Tôi mời gọi các linh mục hãy luôn luôn đặt Thánh Thể vào trung tâm cuộc sống và thừa tác vụ linh mục của mình, như Chân phước Pope".