ÐTC tiếp tân Ðại sứ Cộng hòa Romania
trình thư ủy nhiệm
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC tiếp tân Ðại sứ Cộng hòa Romania trình thư ủy nhiệm.
(Radio Veritas
Asia - 1/06/2002) - Thứ bẩy mùng
một tháng sáu năm 2002, ÐTC đã
tiếp Ông Mihail Dobre, Tân Ðại sứ
Cộng hòa Rumani, trình thư ủy nhiệm.
Trong diễn văn
dài đọc cho Nhà ngoại giao Rumani, trước hết ÐTC nhắc lại rằng: cuộc gặp gỡ hôm nay giữa Ngài và Tân Ðại sứ, làm cho
ngài nhớ đến chuyến viếng thăm tại Cộng hòa Rumani,
đã được thực hiện từ 7 đến 9 tháng 5 năm 1999.
Trong diễn văn trình thư ủy nhiệm, Tân Ðại sứ cũng nhắc đến
sự kiện lịch sử này với nhiều hãnh diện. Ông nói: "Người dân Rumani hãnh diện đã được đón tiếp ÐTC, trước
các dân tộc đại đa số theo Giáo hội Chính thống, sau khi chế
độ cộng sản sụp đổ, và
đón tiếp ÐTC với tâm tình yêu mến và thân hữu trong chuyến
viếng thăm lịch sữ tại Rumani vào tháng 5 năm 1999. Trong dịp
này, dân tộc Rumani đã biểu lộ một lần nữa dấu hiệu của
tình huynh đệ Kitô, tâm tình luôn luôn được nuôi dưỡng.
Dân tộc Rumani tiếp tục trở nên những người tiên phong
trong tiến trình lại gần nhau giữa Chính thống giáo và Công
giáo".
Ông Tân Ðại sứ cũng nhắc đến quá khứ oanh liệt của dân tộc Rumani. Ông nói: "Tôi thuộc về dân tộc Rumani, một dân tộc có quá khứ oanh liệt, được liên kết với Kitô giáo từ thời các Tông đồ rao giảng Lời Chúa, một dân tộc xác nhận căn cước riêng của mình, nhờ vào một tính cách đặc biệt, "vẫn được gọi là tính cách Roma-Ðông-Âu". Ðại diện cho nền tu đức Kitô với truyền thống từ hai ngàn năm, người dân Rumani hãnh diện vì được đón tiếp ÐTC".
Ðáp lời vị tân đại sứ, ÐTC nhắc đến ÐHY Alexandru Todea vừa qua đời cách đây ít ngày. Ngài nói: "Chuyến viếng thăm tại Rumani đã cho tôi cơ hội được gặp lại Vị chủ chăn anh hùng và ôm hôn người anh em trung thành này. Cuộc tiếp đón nồng hậu cho tôi thấy đức tin mạnh mẽ của dân tộc Rumani, đã lãnh nhận được từ lúc rao giảng Tin Mừng. Người dân Rumani đã chấp nhận Tin Mừng làm phần gia tài và làm căn cước quốc gia của mình".
Ðức Gioan
Phaolô II nhắc
lại, sau những năm sống dưới chế độ độc tài cộng sản,
nay Rumani đang tiến trên con đường dân chủ. Chứng minh sự
trưởng thành dân chủ của dân tộc là việc các đảng phái
chính trị trong nước thay đổi nhau cách hòa bình và bằng
phương pháp dân chủ lên cầm quyền. Ngài ước mong dân tộc
Romania theo đuổi con đường này, để có tiếng nói mỗi ngày
mỗi mạnh thêm tại Châu Âu và trên thế giới.
ÐTC ca ngợi những thành quả mà mọi người đều công nhận trong lãnh vực dân chủ, kinh tế và xã hội trong những năm vừa qua để mưu ích cho người dân. Với những bước tiến này, ÐTC cầu chúc cho Rumani được hòa đồng vào Liên hiệp Châu Âu, cũng như trong các tổ chức miền và quốc tế... đây là những tổ chức sẽ giúp Rumani phát triển trong hòa bình và an ninh.
Và đây cũng
là ước mong của dân tộc Rumani: ước mong đã được Tân
Ðại sứ biểu lộ trong diễn văn trình Thư Ủy nhiệm lên ÐTC.
Nhà ngoại giáo Rumani nói: "Thành tín về vị trí tự nhiên
của mình trong đại gia đình các dân tộc Châu Âu, người dân
Rumani đang thực hiện những
nỗ lực đáng kể, nhằm đi
đến việc được nhận vào
các Tổ Chức của Châu
Âu và người dân Rumani biết ơn ÐTC nhiều về việc ủng hộ liên
lỉ mà ÐTC đã dành cho dân tộc, để có thể thực hiện những
ước vọng chính đáng của mình".
Ðức Gioan
Phaolô II nhắc
lại mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội Chính thống và Giáo
hội Công giáo, mà ngài đã
có dịp chứng kiến trong chuyến viếng thăm tháng 5 năm 1999. Lúc
đó, Ðức Giáo chủ Teoctist của Giáo hội chính thống, cùng với
chính phủ mời ÐTC viếng thăm, đã
ý thức sâu xa về bổn phận phải cùng nhau hoạt động để
rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô, Ðấng là Ðường đi, là
Chân Lý và là Sự Sống, trong sự tôn trọng và trong cộng
tác với nhau.
Về phía các
Giáo hội Công giáo địa phương, ÐTC cũng nhận thấy những cố
gắng để đối thoại với
Giáo hội Chính thống, trong bầu khí thân hữu, huynh đệ và
nâng đỡ nhau. ÐTC cầu nguyện để các sáng kiến và nỗ lực
như vậy gia tăng thêm mãi, để có thể thực hiện đầy đủ
lời Chúa cầu nguyện cho các môn đệ của Người: "Ước
gì họ trở nên một" (Gv 17,11).
ÐTC công nhận
rằng: không thiếu các khó khăn, nhưng với sự góp phần của
mọi người, thì các khó khăn nầy sẽ được vượt qua. Thời
kỳ đen tối nay đã qua, tự do nay đã lấy lại, các vết thương
cần được chữa lành, các khó khăn giữa hai Giáo hội và
Nhà nước, cần tìm giải
pháp dứt khoát, nhờ việc đối thoại bình
thản. Việc giải quyết các vấn đề khó khăn, nhất là
việc trả lại các cơ sở của Giáo hội công giáo, bị tịch
thu và được trao cho Giáo hội chính thống, cần đến sự can
hiệp của Nhà Cầm quyền dân sự, theo các tiêu chuẩn về công
bình, để Giáo hội Công giáo có phương tiện cần thiết cho
việc chu toàn sứ mệnh của mình. ÐTC nhân mạnh như sau: "Thưa
Ðại sứ, để thực hiện sứ mệnh của mình, Giáo hội cố
gắng đưa con người đến việc thực hiện đầy đủ ơn gọi
của họ. Giáo hội ước muốn gặp gỡ mỗi một con người
trong các giai đoạn khác nhau của cuộc sống: trong gia đình,
trong trường học, trong thế giới lao công và văn hóa, trong
các bệnh viện và trong bất cứ môi trường nào, trong đó
con người sinh sống, hoạt động....Thực ra, Giáo hội ý thức
về bổn phận đề nghị một niềm hy vọng cho tương lai và đem
đến những ơn thánh cho họ".
Vì lý do này,
ÐTC nói rõ: Giáo hội cần đối thoại với Nhà Cầm quyền,
để đi đến những thỏa hiệp về cộng tác trong các lãnh vực
khác nhau của xã hội dân sự. Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rõ ràng
như sau: "Giáo hội không xin đặc ân hay miễn trừ nào cả.
Trái lại, trung thành với sứ mệnh và những mục tiêu của
mình, Giáo hội ước muốn phục vụ từng người và mọi người
nhân danh Chúa Kitô và sứ mệnh của Giáo hội lại càng khẩn
cấp, ở những nơi con người đau khổ hay sống trong tình trạng
khó khăn". ÐTC giải thích: "Tôi nghĩ ngay đến nhiều vấn
đề liên hệ đến nạn thất nghiệp, đến việc di tản, đến
những tan rã gia đình, cũng như đến các vấn đề cản trở
giới trẻ nhìn cách bình thản về tương lai của họ".
Trong phần kết thúc diễn văn, ÐTC cầu chúc Tân Ðại sứ thành công trong nhiệm vụ mới. Ngài bảo đảm Tân Ðại sứ sẽ gặp được mọi dễ dàng nơi các Viên chức của Tòa Thánh.
Ðại sứ công
nhận trách nhiệm nặng nề đã được Tổng Thóng cộng hòa
Rumani trao phó cho. Với ước muốn góp phần vào việc phát
triển mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Rumani, Tân Ðại
sứ sẽ tiếp tục con đường đã được vạch ra từ lúc Tòa
Thánh và Chính phủ dân chủ Rumani tái thiết quan hệ ngoại
giao, vào năm 1990. Nền tảng của con đường này là truyền
thống khoan dung tôn giáo của dân tộc Rumani và thái độ cởi
mở và sự xích lại gần mà ÐTC đã biểu lộ,
đối với dân tộc Rumani ... Tiến triển này là do việc
củng cố tinh thần đối thoại trên bình diện
chính trị, cũng như trên bình diện các mối quan hệ văn
hóa, tôn giáo và trong lãnh vực giáo dục. Ðại Sứ quả
quyết như sau: "Bổn phận của tôi là tiếp tục tiến đi và
phát triển thêm tất cả những gì đã thực hiện được cho
tới lúc này".
Tân Ðại sứ Romania, ông Mihail Dobre, sinh năm 1960, đã lập gia đình, có hai người con. Ông đã giữ nhiều chức vụ trong và ngoài nước. Chức vụ sau cùng là Cố vấn và Xử lý thường vụ Tòa Ðại Sứ Rumani cạnh Tòa Thánh từ năm 2001. Nay ông được bổ nhiệm làm Ðại sứ chính thức cạnh Tòa Thánh và trình thư ủy nhiệm thứ bẩy 01/06/2002.
Rumani, một quốc
gia thuộc miền Ðông Âu. Bắc giáp Ukraine, Nam giáp Bulgari và
Serbi - Tây giáp Hungari và Ðông giáp Macedoni và Biển Ðen.
Diện tích gồm 238,391 cây số vuông - Dân số: trên 10 triệu, trong đó có 2 triệu rưỡi người Công giáo, thuộc hai lễ nghi Bizantin và Latinh - chia thành 12 giáo phận, dưới quyền hướng dẫn của 15 giám mục (cả hai lễ nghi), với sự cộng tác của gần một ngàn rưởi linh mục - 180 tu sĩ không có chức linh mục, khoảng 1,200 Nữ tu, và hơn 500 giáo lý viên. - Phần còn lại, hầu hết theo Giáo hội chính thống (khoảng 87%). Chính thống là tôn giáo quốc gia. Ðức Teoctist là vị Giáo chủ chính thống đầu tiên, đã cùng với chính phủ, mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Rumani và đón tiếp ngài cách nồng hậu tại Bucarest tháng 5 năm 1999.