ÐTC thành lập
Hàng Giáo phẩm chính thức tại Nga
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC thành lập
Hàng Giáo phẩm chính thức tại Nga.
Thứ Hai 11 tháng
2 năm 2002, ngày lịch sử của Giáo hội công giáo tại Nga: ÐTC
chính thức thành lập Hàng giáo phẩm, bằng việc cất nhắc
bốn giáo hạt thuộc hàng quản trị Tông Tòa, lên hàng Giáo
phận chính tòa với vị chủ chăn riêng của mình.
Sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ, năm 1991, Tòa Thánh cho lập hai Giáo hạt Quản trị Tông Tòa: Moscowa (trong miền Nga Châu Âu) và Novosibirsk (trong miền Siberia). Ðến năm 1999, ÐTC thiết lập thêm hai giáo hạt quản trị Tông Tòa khác nữa là: Saratov (miền nam Nga Châu Âu) và Irkutsk (miền Ðông Siberia). Gọi là Giáo hạt quản trị Tông Tòa, bởi vì trực thuộc quyền quản trị của Tòa Thánh. Bộ Giáo luật, khoản 371, triệt 2, nói rõ về hình thức này: "Giáo hạt quản trị Tông Tòa là một phần nhất định của Dân Chúa, vì những lý do đặc biệt và trầm trọng cách riêng, không được Ðức Giáo Hoàng thiết lập như một giáo phận và việc lo lắng mục vụ của giáo hạt này được phú thác cho một Vị Giám quản Tông Tòa; vị này quản trị giáo hạt nhân danh Ðức Thánh Cha".
Tình trạng của
các Giáo hạt quản trị Tông tòa tại Nga nay được coi như đã
chấm dứt và đã đến lúc phải thành lập Hàng Giáo phẩm
cho Giáo hội công giáo tại đây. Ngày 11.2.2002, bốn giáo hạt
quản trị Tông Tòa Moscowa, Saratov, Novosibirsk và Irkutsk được cất
nhắc lên bậc Giáo phận chính tòa với vị chủ chăn riêng của
mình. Ðây là những giáo phận rộng mênh mông và được
coi là lớn nhất trên thế giới, xét về phương diện địa dư: gồm từng ngàn cây số
vuông, từ miền núi Oural đến miền bắc cực Siberia giá lạnh,
rừng núi, cho tới
Thái bình dương. Trong các miền mênh mông này số người công
giáo chỉ có một triệu 300 ngàn; nhưng họ đã có một lịch sử
lâu dài và đã chịu những cuộc bách hại dữ dội
dưới chế độ cộng sản Liên xô, cách riêng thời ông
Stalin...
- Miền bắc Nga Châu Âu: Tổng giáo phận Moscowa, được gọi là "Tổng Giáo phận Mẹ Thiên Chúa" - Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, Giám quản Tông Tòa, nay được bổ nhiệm làm TGM đứng đầu Giáo Tỉnh . Số giáo dân trong Tổng giáo phận hiện nay là 200 ngàn, dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của 108 linh mục.
- Miền nam Nga
Châu Âu: Giáo phận Saratov, được gọi là "Giáo phận Thánh
Clemente". Ðức Cha Clemens Pickel, Giám quản Tông Tòa, trở
thành Giám mục chính tòa - Số người công giáo: 100 ngàn với
33 linh mục.
- Miền Tây
Siberia: Giáo phận Novosibirsk, được gọi là "Giáo phận Chúa
biến hình". Ðức Cha Joseph Werth, Dòng Tên, Giám quản Tông
Tòa, thăng Giám mục chính tòa. Người công giáo: một triệu
tín hữu, nhưng chỉ có 40 linh mục. Với lãnh thổ mênh mông,
việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Công việc mục vụ
rất vất vả. Ðức Giám mục và nhiều linh mục đã đến gặp
ÐTC trong lúc ngài viếng thăm cộng hòa Kazakhstan cuối tháng 9
năm 2001.
- Miền Ðông
Siberia: Giáo phận Irkutsk, được gọi là "Giáo Phận Thánh
Giuse". Ðức Cha Jerzy Mazur, Dòng Ngôi Lời, giám quản Tông
Tòa được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa. Số giáo dân: 50 ngàn do 37 linh mục hướng dẫn.
- Tổng giáo phận Moscowa và ba giáo phận phụ thuộc Satarov, Novosibirsk và Irkutsk từ nay hợp thành Giáo Tỉnh Moscowa.
Tuyên bố với
giới báo chí, Tiến sĩ Navarro Valls, giám đốc Phòng báo chi Tòa
Thánh, nói như sau: "Các giám hạt quản trị tông tòa là
những hình thức theo bản chất có tính cách tạm thời và
ngoại lệ, do tình hình riêng của địa phương, trong khi chờ
đợi biến thành những giáo phận chính tòa. Ðây là một công
việc hành chánh tạo nên do sự
cần thiết, nhằm hoàn thiện dần dần việc giúp đỡ thiêng
liêng cho các người công giáo sống rải rắc trong những miền
đất mênh mông của Nga".
Việc biến đổi
các giáo hạt quản trị tông tòa thành những giáo phận chính
tòa là một luật lệ thông thường vẫn được áp dụng khắp
nơi trên thế giới, khi hoàn cảnh cho phép.
Giáo hội chính
thống cũng làm như vậy: ngay tại Roma cũng có một giáo hạt
cho các tín hữu chính thống. Giáo hội công giáo luôn luôn
tôn trọng sáng kiến của Giáo hội chính thống trong việc thành
lập các cơ cấu về quản trị mục vụ mà Giáo hội này nghĩ
là cần thiết, để bảo đảm việc giúp đỡ thiêng liêng cho
các cộng đồng tín hữu của mình tại bất cứ nơi nào. Giáo
hội công giáo cũng đòi sự tôn trọng như vậy, khi nhận thấy
nhu cầu của các tín hữu thuộc quyền mình.
Việc thành lập Hàng Giáo phẩm chính thức không gây hại gì cho các mối quan hệ đại kết. Giáo hội công giáo cầu chúc, với tổ chức mới tại Nga, việc đối thoại được xúc tiến mạnh mẽ hơn và sự cộng tác trở nên hữu hiệu hơn giữa hai Giáo hội. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: Trong 10 năm vừa qua, Cơ quan "Trợ Giúp Giáo hội đau khổ" của Cha Van Straaten đã cung cấp cho Giáo hội chính thống 17 triệu Mỹ kim. Hơn nữa Chính phủ Liên Bang Nga không đặt vấn đề nào cả về việc thành lập Hàng giáo phẩm này.
Giám đốc Phòng báo chí sỡ dĩ phải lên tiếng, bởi vì Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa phẫn nộ về việc thành lập Hàng Giáo phẩm chính thức tại Nga. Ðức Kliment, TGM chính thống của Giáo phận Kaluga và Borovo, phó chủ tịch Phân bộ ngoại giao của Tòa Giáo chủ Chính Thống Moscowa đã tuyên bố n sau: "Nhũng biện pháp do Vatican quyết định là một sự vi phạm các nguyên tắc của giáo luật và của những luật lệ về các mối quan hệ giữa các giáo hội. Những hành động như vậy là một ngăn trở lớn lao cho sự phát triển về đối thoại giữa các Giáo hội chúng ta". Trước đó, Tòa Gíao chủ Moscowa đã biểu lộ lập trường của mình cho Ðức TGM George Zur, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nga.
Phát ngôn viên
của Phân bộ ngoại giao, ông
Igor Vyzhanov, người giáo dân, cho rằng: Quyết định của Vatican
làm cho cuộc gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Giáo chủ chính
thống Alexis đệ nhị, trở nên xa hơn nữa". Theo ông Vyzhanov,
"Ðàng sau quyết định này có mưu toan của một phe nhóm trong
Giáo hội công giáo cương quyết tiếp tục các hoạt động
truyền giáo tại Nga".
Nhật báo
Kommersant thuật lại lời tuyên bố của một vị đại diện Tòa
Giáo chủ Moscowa (nhưng giấu
tên) rằng: "Người công giáo thiết lập một cơ cấu giáo
sĩ với quyền hành đầy đủ, nằm song song bên cạnh cơ cấu
của Giáo hội chính thống trên lãnh thổ "thánh" của Giáo
hội này, và như vậy, họ
muốn tỏ ra rằng: Giáo hội công giáo đã luôn có những
nguồn gốc sâu xa tại Nga và muốn hoạt động truyền giáo một
cách danh chính ngôn thuận".
Trước những phản ứng tiêu cực này, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Hãng thông tấn Itar-Tass (của Nga), Ông Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh trả lời như sau: "Những thay đổi kỹ thuật không ăn nhằm gì với việc chiêu mộ tín đồ của ai cả". Tiến Sĩ Navarro Valls nhắc lại rằng: mới đây Tòa Giáo chủ Moscowa đã cất nhắc những địa điểm truyền giáo của mình tại Berlin, Wien và Bruxelles lên cấp bậc "giáo xứ". Ông nhấn mạnh thêm rằng: "Quyết định của ÐTC hoàn toàn phù hợp với Hiến Pháp Nga, bởi vì Hiến pháp này công nhận tự do lương tâm, tự do tôn giáo cho các công dân của mình". Ông cũng nhắc lại: Chính phủ Nga không đưa ra vấn nạn nào cả đối với quyết định của Vatican. Trong lúc này Ðiện Cẩm Linh chi lo lắng hoàn thiện các mối quan hệ với Tây phương và không chấp nhận việc phản đối của Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa. Cũng nên nhớ lại: Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho nhật báo Ba lan Gazeta Wyborcza, Tổng thống Nga, Ông Vladimir Putin tuyên bố: "Ông có một sự tôn trọng lớn lao đối với Ðức Gioan Phaolô II và sẵn sàng mời ngài viếng thăm Nga bất cứ lúc nào".