Vài con số thống kê về
Giáo hội Công Giáo trên thế giới
trong năm 2002
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Vài con số thống
kê về Giáo hội Công Giáo trên thế giới trong năm 2002.
Vào tháng 2
năm 2002, ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh và các Vị cộng tác của
ngài đã trình lên ÐTC cuốn niên giám mới của Giáo hội,
Ấn bản Năm 2002. Theo cuốn niên giám mới, tình hình Giáo hội
Công Giáo trên thế giới trong năm 2002 đáng lạc quan, cách
riêng về con số các chủng sinh. Nhìn vào con số này, chúng ta
có thể quả quyết rằng: cơn khủng hoảng về ơn kêu gọi
được coi là chấm dứt, sánh với năm 1978, là năm có con
số thấp nhất về chủng sinh trong các đại chủng viện.
Số người công giáo hiện nay trên thế giới - Theo cuốn niêm giám năm 2002, số người công giáo hiện nay trên thế giới là một tỉ 50 triệu (1,050,000,000) trong số 6 tỉ 47 triệu dân cư trên thế giới (6,047,000,000 ), tức chiếm khoảng 17,3%. Sánh với năm 2001, con số này được coi là ổn định. Một tỉ 50 triệu người Công giáo được phân chia tại các Châu Lục, theo tỉ lệ như sau:
- tại Châu đại dương, số người công giáo chiếm: 0,8%
- Châu Á: 10,7%
- Châu Phi: 12, 4%
- Châu Âu: 26,7%
-
Châu Mỹ kể
cả bắc và nam Mỹ: 49,4%.
Nhìn vào con số
gần 5 tỉ người ngoài Giáo hội, chúng ta thấy rằng cánh đồng
truyền giáo còn rất mênh mông. Biết bao người chưa được
nghe rao giảng Tin Mừng. Vì thế, trong Tông thư "Bước vào ngàn
năm thứ ba", được ký
và công bố ngày 6 tháng Giêng năm 2001, sau thánh lễ bế mạc
Năm Thánh 2000, ÐTC viết như sau: "Công việc truyền giáo vẫn
còn ở giai đoạn khởi sự", nghĩa là công việc truyền giáo
trong Giáo hội phải tiếp tục luôn mãi, không được phép ngừng.
Giáo hội với các quốc gia trên thế giới - Cuốn niên giám năm 2002 còn cho biết:
- Hiện nay 174 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Với con số này, chúng ta nhận thấy rằng: Vatican là một quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới xét về phương diện địa dư, với diện tích chỉ gần nửa cây số vuông, nhưng uy tín của Tòa Thánh ngang hàng với các siêu cường. Các vị lãnh đạo quốc gia và các chính phủ thường đến viếng thăm Vatican. Với uy tín như vậy, Tòa Thánh có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế, cách riêng trong việc cổ võ hòa bình và tình liên đới huynh đệ giữa các dân tộc. Ai cũng nhận thấy rằng: cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các vị lãnh đạo các Giáo hội và các Tôn giáo thế giới ngày 24 tháng Giêng vừa qua tại Assisi, có một tiếng dội rất sâu rộng. Mọi người đều công nhận rằng: chỉ có Ðức Gioan Phaolô II mới có uy tín và khả năng triệu tập một cuộc gặp gỡ như vậy.
Nhân sự mục vụ trong Giáo hội - Theo cuốn niên giám năm 2002:
-
Các Giám mục hiện nay trên thế giới (hồi hưu và tại
chức) là 4,541 vị. Trong năm 2001, ÐTC đã bổ nhiệm 161 giám mục
mới.
- Các linh mục: 405,178 vị, trong số này có 265,781 linh mục giáo phận; phần còn lại là linh mục dòng. Số linh mục trong năm 2000 tăng được 189 vị, sánh với năm 1999. Thực sự số linh mục được phong chức là 789 vị, trong lúc đó, số linh mục dòng giảm mất 600 vị.
- Thầy sáu vĩnh viễn: 27,824 vị - Con số này cũng gia tăng nhiều, cách riêng tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Chức Thầy sáu vĩnh viễn đã có từ đầu Giáo hội, sau đó bị gián đoạn, rồi được lấy lại trong Công đồng chung Vatican II (1962-1965). Các Thầy sáu vĩnh viễn trở lại phục vụ Giáo hội không phải để bù vào nạn khan hiếm linh mục hay thay thế linh mục. Các Thầy sáu vĩnh viễn không thể thay thế linh mục, cách riêng trong hai nhiệm vụ thánh này: cử hành thánh lễ và ban Bí tích Hòa giải.
- Tu sĩ nam không có chức linh mục là 55,057 vị. Các tu sĩ không có chức linh mục mỗi ngày mỗi giảm sút, cách riêng tại thế giới Tây phương. Tại các xứ truyền giáo, con số Tu sĩ không có chức linh mục, tuy không giám sút, nhưng cũng không gia tăng mạnh mẽ, như các chủng sinh.
- Nữ tu khấn
trọn: 801,185 vị. Số Nữ tu cũng bị giảm sút nhiều sau Công
đồng Vatican II, nhất là tại Thế giới Tây phương. Trái lại
tại các xứ truyền giáo, số các nữ tu gia tăng rất đáng
kể, một phần cũng nhờ vào các dòng giáo phận mới thành
lập.
- Thành viên của các tu hội đời: 30,687 vị . Ðây là các vị Nam Nữ có lời khấn, nhưng sống giữa thế gian, không có y phục riêng, sống thành cộng đoàn hoặc riêng rẽ, để làm tông đồ, nhất là bằng gương sáng đời sống. Hình thức hiến thân này được Giáo hội cổ võ và hiện nay được phổ biến mạnh mẽ, cách riêng nơi giới nữ.
- Các nhà truyền
giáo giáo dân: 126,365 vị nam, nữ. Sau Công đồng Vatican II, người
giáo dân ý thức về trách nhiệm của mình trong Giáo hội,
xung phong lên đường truyền giáo với tư cách riêng hoặc dấn
thân trong các Phong trào mới, với tư cách đoàn thể (trọn
cả gia đình vợ, chồng con cái bỏ quê hương ra đi đến những
nơi xa lạ để đem Tin Mừng cho anh chị em chưa biết Chúa), như
những gia đình thuộc Phong trào Tân Chầu nhưng, Phong trào Tổ
Ấm hay Cộng đồng
Sant' Egidio. Trong lúc khan hiếm linh mục và Tu sĩ nam, nữ tại
các xứ truyền giáo, người giáo dân lại hăng say rao giảng
Tin Mừng. Như vậy chúng ta thấy rằng: Chúa Thánh Thần luôn
luôn hoạt động trong Giáo hội bằng cách này cách khác.
Trong một thế giới có nhiều bóng tối, nhưng sự sáng không
bao bị giập tắt.
- Một lực lượng
rất đáng kể trong Giáo hội hiện nay là các Giáo lý viên:
2,641,888 vị. Ðây cũng là một sức mạnh truyền giáo mới
trong Giáo hội. Nhờ các giáo lý viên nam, nữ, công việc mục
vụ và truyền giáo phát triền mạnh mẽ, cách riêng tại Châu
phi và Châu Mỹ Latinh. Tại Việt Nam hình ảnh giáo lý viên có
ngay từ thời kỳ rao giảng Tin Mừng. Chúng ta còn nhớ gương
Thầy Giảng Anrê Phú Yên (tử đạo thời Cha Alexandre De Rhodes
đến giảng Tin Mừng tại Việt Nam), được tôn phong lên bậc
Chân Phước trong Năm Thánh 2000. Tại Roma trong những năm vừa
qua, một trường huấn luyện giáo lý viên đã được thành
lập, trực thuộc Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc.
- Con số chủng
sinh đại chủng viện hiện nay là: 110,583 thầy. Trong năm 1978,
năm bị khủng hoảng trầm trọng hơn cả, chỉ có 63,882 thầy. Sánh
với năm 2001, con số chủng sinh gia tăng 73,1%. Trong 30 năm, con
số chủng sinh gia tăng như sau:
Châu phi tăng 150% --- Châu Á: 125% --- Châu Mỹ bắc và nam: 65% --- Châu Âu: 12%.