Về Những chứng nhân sống động

của một Giáo hội  Bulgaria tử đạo

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Về Những chứng nhân sống động của một Giáo hội  Bulgaria tử đạo.

Chúa nhật 26/05/2002, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm mục vụ tại Cộng hòa Bulgari, ÐTC chủ tế Thánh lễ tôn phong ba Linh mục tử đạo lên bậc Chân phước: (1) Cha Kamen Vitchev, (2) Cha Pavel Djidjov và (3) Cha Josaphat Chichkov. Ba Vị Chân phước mới thuộc Dòng "Ðức Mẹ lên trời", bị xử bắn trong đêm 11 sáng ngày 12 tháng 11 năm 1952,  cùng với Ðức Giám mục Eugenio Bossilkov  thuộc Dòng "Thương Khó" (Passioniste), người đã  được tôn phong lên bậc Chân phước tại Roma, ngày 15 tháng 3 năm 1998. Cùng với  ba vị Linh mục được phong Chân phước còn có một Vị linh mục khác nữa, hiện nay là giám mục hồi hưu; đó là  Ðức Cha Methodì Stratiev, Giám mục Giáo phận của các tín hữu công giáo thuộc lễ nghi Bizantin-Slavô tại Bulgari.

Ðức Giám mục đã được đồng tế với ÐTC trong Thánh lễ Phong Chân phước cho ba người bạn của mình. Cha Stratiev, lúc đó chưa làm Giám mục,  cũng bị cộng sản bắt giam cùng với Ba Chân phước mới.

Ðức Cha Methodi Stratiev sinh năm 1916 (năm nay 82 tuổi), thụ phong linh mục ngày 26 tháng 7 năm 1942, ba năm trước khi cộng sản lên nắm quyền tại Bulgari; được bổ nhiệm làm Giám mục 28 tháng 4 năm 1963, nhưng chỉ được tấn phong  ngày 5 tháng 9 năm 1965. Ðức Giám Mục cũng thuộc Dòng Assumptioniste như ba Chân phước được tôn phong Chúa nhật 26 tháng 5 năm 2002, tại Quảng trường trước nhà thờ chính tòa Plovdiv. Ngài cũng bị đưa ra tòa xử và ngồi cạnh ba người bạn,  những tố cáo trong vụ xử hoàn toàn giả tạo, và các người bạn của ngài đã bị lên án tử hình.

Ðức Cha Stratiev rất xúc động về cuộc hành hương của ÐTC tại Bulgari. Ngài nói: "Lúc tôi bị cùm chân, khóa tay và bị giam trong tù, có bao giờ tôi dám nghĩ rằng: Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô đến đây và các bạn linh mục của tôi, cùng bị giam với tôi, được ngài tôn phong lên bậc Chân phước, chính tại Bulgari này". Ðức Cha nói tiếp: "Tôi đã được gặp ÐTC trong nhà thờ chính tòa Hy lạp công giáo tại Sophia, thứ bẩy 25 tháng 5 năm 2002. Rồi sáng Chúa nhật 26/05/2002, tôi lại được đồng tế Thánh lễ với Ngài, trong đó ngài cất nhắc Ba Vị Tử đạo bạn của tôi lên danh dự bàn thờ. Một ơn lớn lao Chúa ban cho tôi".

Ðức Cha xác nhận: Hiện nay tại Bulgari có khoảng 200 ngàn người trước đây đã  bị cộng sản giam trong các trại tập trung và nay vẫn còn sống sót;  nhưng không một người nào tìm cách trả thù. Người cộng sản hiện còn sống và nhiều người trong họ ở trong chính quyền, nhưng không bao giờ họ xin lỗi, không một người nào nghĩ đến quá khứ nữa, để xin tha thứ vì đã tàn phà nhiều gia đình do chính sách đàn áp của họ. Không một người nào xin lỗi vì đã giam tù, giết hại biết bao người đồng hương. Người cộng sản không bao giờ chấp nhận việc xin tha thứ và ngày nay, tại Bulgari, không còn chế độ cộng sản nữa, họ cũng không bao giờ xin tha thứ về những sai lầm của họ".

Ðức Giám mục nói với giọng rất cương quyết, bởi vì ngài là một trong các nạn nhân của chế độ và lời ngài không ai dám cải chính. Ngài nói: "Các người cộng sản muốn phá hủy, muốn loại trừ các Giám mục, linh mục và tín hữu công giáo. Họ tố cáo chúng tôi là người do thám, là thù địch của chế độ, là bọn chống đối cách mạng, phản bội quốc gia.... Họ tố cáo chúng tôi muốn chống lại Nhà nước, muốn lật đổ chế độ. Các Vị tử đạo được họ gọi là những tên  do thám, thù địch của quê hương. Họ không muốn người dân biết rằng các vị tử đạo liều chết để minh chúng đức tin, để trung thành với Chúa, với Giáo hội công giáo duy nhất". Ðức Giám mục kết thúc: "Chúng ta không ngạc nhiên. Cả Chúa Giêsu đã chết vì bị cáo gian, vu vạ, vì chúng ta, vì nhân loại và Người đã bị coi như một tội nhân".

Bên cạnh Ðức Cha Stratiev trong thánh lễ Phong Chân phước, có Ðức Cha Christo Proykov, Giám mục giáo phận Sophia coi sóc các tín hữu thuộc lễ ngfhi Ðông phương. Sinh năm 1946, thụ phong lịnh mục năm 1971, được bổ nhiệm làm giám mục năm 1993, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, và được tấn phong ngày 6 tháng giêng năm 1994 do ÐTC Gioan Phaolô II tại Vatican. Ngài tuyên bố trong dịp này như sau: "Ơn kêu gọi linh mục của tôi đã phát xuất trong khi gặp gỡ các linh mục, sau nhiều năm bị giam trong những hoàn cảnh thê thảm,  nhưng đầy đức tin. Các chứng nhân can đảm này đã làm cho tôi hiểu rõ bổn phận hy sinh mạng sống cho Giáo hội, Mẹ của tôi, là một người Mẹ đã chịu bách hại dữ dội trong lịch sử, nhưng người Mẹ này là một "cái đe thép cứng rắn" đã làm hư hại nhiều chiếc búa đập trên đó". Ðức Cha Christo Proykov nói tiếp:  Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo ngay sau đệ nhị thế chiến chấm dứt. Tôi còn nhớ sự sợ hãi, lo lắng của cha mẹ tôi, khi thấy các linh mục bị bắt giam trong tù và biết bao vụ xử bất công  hằng ngày đổ trên đầu các người công giáo. Có nhiều linh mục bị án tử hình, bị bắn. Giáo hội Bulgari chúng tôi là một Giáo hội tử đạo. Trong nhiều năm chúng tôi bị bách hại dữ dội. Sau khi chế độ sụp đổ, các linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân sống sót được ra khỏi tù, khoảng 200 ngàn người. Nhưng hầu hết với một sức khỏe trong tình trạng bi đát: yếu đau, bệnh tật, gầy còm, kiệt sức. Nhiều vị đã chết ngay sau khi  ra khỏi tù. Từ đây nở sinh ơn kêu gọi của tôi". Ðức Cha Proykov kết thúc: "Tôi đã khởi sự việc chuẩn bị của tôi trong một Giáo hội được gọi là "Giáo hội thầm lặng". Ngày hôm nay đây, tất cả chúng tôi vui mừng sống thời đại mới và tương lai thuộc về Chúa Kitô, Ðấng đã hứa: "Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế".

"Tôi năm nay 74 tuổi. Tôi không bao giờ nghĩ một ngày nào đó  ÐTC có thể đến viếng thăm Bulgari". Ðây là lời tuyên bố của Cha Giuse Yonkov, Dòng Passioniste (như Chân phước Eugenio Bossilkov). Cha nói: "Trong những này, tôi luôn luôn nhìn ngắm ÐTC". Cũng như biết bao tín hữu công giáo khác, Cha Yonkov đã mang trên mình những đau khổ của cuộc bách hại. Ngày nay đối với cha cũng như đối với toàn dân Bulgari: công giáo và chính thống, là một ngày đặc biệt: ÐTC đến viếng thăm Bulgari. Cha cảm thấy như thể tất cả gánh nặng của cuộc bách hại kia trong chốc lát, như "một cuộc giải thoát".

Cha nói một cách hùng hồn: "Cách biểu lộ tốt hơn cả niềm hân hoan của chúng tôi là dùng chính lời Thánh Kinh: "Bước chân của Vị rao giảng Tin Mừng xinh đẹp biết dường nào! Chân của ÐTC rảo trên các ngả đường đau khổ của chúng tôi là niềm an vui cho mọi người, công giáo cũng như chính thống. Tôi hết rất xúc động được thấy ÐTC tôn phong lên bậc Chân phước ba Linh mục Dòng Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời. Các ngài bị giết năm 1952 cùng với Ðức Giám mục Eugenio Bossilkov, thuộc dòng Passioniste, và là vị đã  được ÐTC cất nhắc lên danh dự bàn thờ cách đây bốn năm. Tôi tin chắc rằng: Máu các vị tử đạo là nền móng để xây dựng một Bulgari mới".

Cha nhắc lại những năm học tại chủng viện. Hằng ngày nghe máy bay réo, bom nổ, súng bắn ... hầu khắp nơi, phải trốn nhiều lần trong ngày tại các hầm trú ẩn; ngoài ra còn nạn đói, không có gì ăn.  Trước hình hình nguy ngập này, các chủng sinh phải bỏ chủng viện Svistov, di chuyển về Malcika, do cha Stefano Brugaglia coi sóc. Cha cũng chỉ có thể cho chủng sinh ăn mỗi ngày ít đậu mà thôi. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác: thiếu điện, thiếu nước, không có nhà vệ sinh. Thánh lễ phải cử hành lúc 4 giờ sáng trong mùa hè và trong mùa đông lúc 5 giờ. Cha nhắc lại những cuộc bách hại, việc bắt giam và giết Ðức Cha Bossilkov, các vụ xử gian dối, cấm các hoạt động tôn giáo. Cha nói: "Chế độ  cộng sản nay đã sụp  đổ, Bulgari bước vào giai đoạn mới. Chúng tôi được tự do. Dĩ nhiên còn biết bao vấn đề, nhưng chúng tôi được tự do. Cuối cùng, thời gian nước mắt, đau khổ, bách hại đã qua. Hôm nay đây chúng tôi có ÐTC đến với chúng tôi. Như thể điều không tin được!" Ðức Cha Bossilkov nói: "Những vết máu sẽ mở ra một con đường cho một tương lai tốt đẹp hơn. Và chính trong Mùa Xuân mới này, Thiên Chúa lau sạch nước mắt của chúng tôi!" ( L'Osservatore Romano 29.5.2002).

Qua chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Bulgari, Thế giới và Giáo hội hoàn cầu mới có dịp biết đến Giáo hội nhỏ bé, nhưng đầy can đảm tại Bulgari. Nhỏ bé vì chỉ gồm khoảng 80 ngàn giáo dân thuộc cả hai lễ nghi Bizantin-slavô  và nghi lễ Latinh; cả hai nghi lễ  được chia  thành ba giáo phận. Giáo hội công giáo tại Bulgari là một Giáo hội Tử đạo, như Ðức Cha  Methodi,  một trong các vị bị giam tù dưới chế độ cộng sản, lúc còn là linh mục,  đã quả quyết,  sau Thánh lễ Phong Chân phước của ba linh mục cùng bị giam tù với ngài và  bị xử bắn,  trong đêm 11 sáng ngày 12 tháng 11 năm 1952.

Trong phần trước , chúng tôi đã có dịp nói đến một số giáo sĩ đã bị giam tù dưới chế độ, còn sống sót, sau khi chế độ cộng sản Trung-đông-Âu sụp đổ. Trong phần này, chúng tôi xin nói đến chứng tá anh hùng của một số nữ tu và của một nữ giáo dân, được nhật báo quan sát viên Roma thuật lại, nhân chuyến viếng thăm của ÐTC tại Giáo hội và Quốc gia Bulgari, một chuyến viếng thăm mà mọi người đều công nhận  là một ơn lớn lao Chúa dành cho Giáo hội tử đạo này, như cô Tanya Nakova, 17 tuổi thuộc Ca đoàn đã hát lễ,  do ÐTC chủ tế sáng Chúa nhật 26/05/2002, cô  đã nói lên,  sau buổi gặp gỡ vào chiều Chúa nhật 26/05/2002 giữa ÐTC và thanh niên Bulgari trong nhà thờ chính tòa Plovdiv, như sau: "Chuyến viếng thăm của ÐTC là một ơn lớn lao,  đang đem lại cho tôi biết bao vui mừng, hạnh phúc".

"Các người cộng sản kiểm soát cả sự yên lặng của chúng tôi, bởi vì chứng tá yên lặng của chúng tôi làm họ sợ hãi". Ðây là lời của Soeur Maria-Liliana Boiceva, Bề trên Tu viện Carmelo Chúa Thánh Thần ở Sophia, kể lại với đặc phái viên nhật báo quan sát viên Roma (29/05/2002).

Tu viện Kín Carmelo tại Sophia được thành lập ngày 24 tháng 5 năm 1935, thuộc lễ nghi Bizantin-Slavô, nhằm ngày lễ Thánh Cirillo và Methodio tông đồ và cha của các dân tộc slaves. Việc thành lập Tu viện này đã được Ðức Pio XI (1922-1939) chúc lành và ÐHY Eugène Tisserant, lúc đó là Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương, nâng đỡ.

Nữ tu Maria-Liliana kể lại những năm bách hại,  với hãnh diện và khiêm tốn rằng: "Nghĩ đến và ý thức về việc được đau khổ vì Giáo hội, vì  ÐTC, đem lại sức mạnh cho chúng tôi và giúp chúng tôi tiến bước. Hơn nữa, chúng tôi biết rằng với cuộc bách hại, bằng cách tố cáo chúng tôi là "những người dò thám, tay sai của Ðế quốc ngoài", họ muốn xóa bỏ hẳn sự hiện diện của Giáo hội công giáo tại Bulgari. Nhưng chúng tôi xin Chúa ban ơn trung thành trong việc phục vụ Người, với sức mạnh làm chứng cho Chúa,  cả với việc hy sinh mạng sống mình,  hay với bất cứ việc gì khác có thể xảy đến.

Nữ tu Bề trên kể lại việc Cộng sản chiếm Tu viện. Các Bề trên bị điệu đến các nhà giam, hầu hết đã bị chết trong tù. Các Nữ tu còn trẻ bị giải tán, đuổi ra khỏi Tu viện, trở lại gia đình, trong số này có nhiều nữ tu đã bị bách hại dữ dội. nữ tu Maria-Liliana quả quyết: "Với cái chết của Stalin và với việc ông Kruscev lên cầm quyền, chúng tôi hy vọng có một sự thay đổi nào đó. Nhưng không phải như vậy. Dù sao, chúng tôi cũng chiếm lại được Nhà thờ Thánh Phanxicô và trong đó, chúng tôi sửa lại các phòng nhỏ để ở và cầu nguyện. Tất cả mọi công việc được làm trong yên lặng. Như vậy chúng tôi lại được hợp nhau để theo đuổi cuộc đời tận hiến trong cầu nguyện và trong sự thinh lặng làm việc. Nhưng chúng tôi biết rõ người  cộng sản kiểm soát cả sự yên lặng của chúng tôi, bởi vì sự yên lặng này làm họ sợ hãi".

Nữ tu Maximiliana Provkova, một nữ tu của Tu viện các Nữ tu Thánh Thể ở  Sophia, chứng nhân của một của một sự việc khác gây nhiều xúc động.  Soeur kể lại: "Trong tu viện, chúng tôi tìm được hai máy microphones (Máy tăng âm). Ðây là một dấu hiệu bé nhỏ của sự tự do, với sự tự do này chúng tôi đã sống trong thời kỳ cộng sản và đây là một dấu hiệu nhỏ bé cho thấy các quyền con người được tôn trọng như thế nào. Chúng tôi, các nữ tu biết rằng mình luôn luôn bị canh phòng và như vậy chúng tôi biết rằng bất cứ ai ra vào tu viện đều bị kiểm soát. Họ nghe các điện thoại của chúng tôi. Họ do thám chúng tôi từ các cửa sổ".

Nữ tu Maximiliana nhắc lại, với sự giúp đỡ của cha mẹ họ hàng, trong những năm 1981 và 1982, các nữ tu làm một số việc cần thiết trong tu viện. Lúc đến lượt ngoài bức tường, họ hết sức ngạc nhiên chúng tôi thấy một máy micro hoàn toàn lành lẹn, với nhiều đường giây nối kết với nhau. Chúng tôi bắt đầu rút các giây  ra để xem nó đi đến đâu. Chúng tôi thấy các giây này được nối với nhau dưới sàn nhà, theo các hành lang, đến một phòng khác và tại đây có một máy micro thứ hai đã được đặt sẵn. Họ đã đặt hai máy này trước khi trao nhà cho chúng tôi, để thay thế tu viện họ đã tịch thu. Ðiều này có nghĩa là trong suốt hai mươi năm họ đã nghe tất cả những gì chúng tôi nói. Nhưng thử hỏi: họ đã có thể nghe được nhũng gì trong một tu viện? ngoài các kinh, các bài hát, và những buổi trao đổi thiêng liêng mà thôi".

Nữ tu Maximiliana kể tiếp rằng ngày hôm sau của việc khám phá ra hai micro, một lính cứu hỏa đến gỏ cửa nhà dòng nói: "Tôi cần xem lại cả nhà". Dĩ nhiên đây là một công an trá hình muốn xem hai máy micro, nay như thế nào. Ðây là chính sách của họ: tìm cách tạo bầu khí trong đó con người phải luôn luôn sống trong lo sợ, cả với cái bóng của chính mình. HọÏ tưởng rằng họ có thể làm cho Thiên Chúa khiếp sợ. Nhưng Thiên Chúa không sợ ai cả. Mà trái lại...".

Nữ tu Maximiliana kể thêm: "Giáo hội không được phép in sách vở báo chí gì cả. Nhưng chúng tôi, giữa trăm ngàn khó khăn,  đã làm những gì có thể làm, để Lời Chúa đến với con người. Các sách được dịch; sau đó,  nhờ  giấy than, được đánh máy ra nhiều bản. Những trình bày, chính chúng tôi, các nữ tu,  lo làm bằng tay. Các sách được dịch ra,  do một người nước ngoài chuyển lén lút cho chúng tôi. Ngày đêm chúng tôi thay nhau đánh máy. Trong các sách đến tay chúng tôi năm 1979, tôi nhớ có cuốn về Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Rất hay! Chúng tôi biết rằng: làm công việc phiên dịch và phổ biến này là một việc liều lĩnh lớn lao. Nhưng đây là phương thế duy nhất để phổ biến các sách đạo. Ngày nay chúng tôi còn giữ công việc này, để các nữ tu trẻ không quên lịch sử đã xẩy ra tại đây và để các em biết: người cộng sản có quan niệm như thế nào về tự do".

Bà Maria Petseva, một phụ nữ giáo dân đầy can đảm, ăn nói chậm rải, rõ ràng. Bà kể lại: "Trong thời kỳ cộng sản, người dân không dám rửa tội con cái, bởi vì họ biết rằng sẽ bị bách hại và cũng không dám làm phép cưới trong nhà thờ".

Bà vẫn đeo nhẫn nơi ngón tay. Bà nói: "Ðây là chiếc nhẫn tôi đã mang từ lúc làm phép cưới trong nhà thờ, thời cộng sản. Vừa ra khỏi nhà thờ, tôi thấy trước mặt bốn người: hai mặc thường phục, hai mặc binh phục". Chính bà đặt câu hỏi: "Tôi muốn hỏi các anh: đi nhà thờ là một tội ác à?  Làm phép cuới hay rửa tội con cái trong nhà thờ phải chăng là một tội ác?". Bà cúi xuống, lắc đầu. Rồi ngẩng lên, với nụ cười: "Chúng tôi không bao giờ ngừng cầu nguyện. Ðức Trinh Nữ Maria đã cứu vớt chúng tôi".

 


Back to Home Page