Vài nét về việc ÐTC Gioan Phaolô II

tiếp Tổng Thống Hoa kỳ, ông George W. Bush

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về việc ÐTC Gioan Phaolô II tiếp Tổng Thống Hoa kỳ, ông George W. Bush.

Lúc 16 giờ  thứ ba 28/05/2002, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Tổng thống Hoa kỳ, ông George W. Bush và đoàn tùy tùng. Tổng thống đến Roma để cùng với 19 Vị Quốc trưởng và Thủ tướng chính phủ thuộc Khối Phòng thủ Bắc đại Tây dương (NATO) ký kết Thỏa ước giữa NATO và Nga. Thỏa ước này có mục đích cùng nhau chống lại Nạn khủng bố quốc tế, đang đe dọa thế giới hiện nay - cùng nhau bảo vệ hòa bình thế giới. Ðây là một Thỏa ước rất quan trọng và là một bước quặt của lịch sử trong mối quan hệ giữa Thế giới Tây phương và Khối Nga. Thỏa ước này chấm dứt chiến tranh lạnh giữa hai Khối trước đây thù địch nhau.  Như mọi người biết, trước đây, NATO đã được thành lập  với mục đích bảo vệ Thế giới Tự do chống lại những cuộc xâm chiếm của Khối Cộng sản do Liên xô lãnh đạo.

- Khối NATO được thành lập ngày 4 tháng 4 năm 1949 tại Washington, thủ đô Hoa kỳ. Lúc đó chỉ có đại diện 12 quốc gia (Bỉ, Canada, Ðan mạch, Pháp, Anh, Island, Ý, Hòa lan, Luxembourg, Nã uy, Bồ đào Nha và Hoa kỳ).

- Ngày 18 tháng 2 năm 1958, hai quốc gia Hy lạp và Thổ nhĩ kỳ xin gia nhập.

- Ngày 9 tháng 3 năm 1955, Khối NATO nhận thêm Cộng hòa Liên Bang Ðức.

- Ðể đối phó với khối NATO, 14 tháng 5 cũng năm 1955, Liên xô và các nước chư hầu thành lập Thỏa ước Varsovie, một tổ chức toàn quân sự gồm các nước Cộng sản Trung-đông-Âu, do Liên xô lãnh đạo.

- Ngày 13 tháng 8 năm 1961, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Ðức cho xây cất Bức tường Berlino, để ngăn chặn người dân của các nước thuộc khối Cộng sản, nhất là của Ðông Ðức trốn sang các nước Tự do Tây phương.

- Ngày 4 tháng 3 năm 1966, Nước Pháp, lúc đó do Tướng Charles De Gaule lãnh đạo, tuyên bố ra khỏi Tổ chức quân sự của NATO, nhưng vẫn còn là thành viên chính trị của Khối.

- Ngày 01 tháng 8 năm 1975, Thỏa ước Helsinki được ký kết. Thỏa ước này công nhận biên giới địa dư được vạch ra sau Ðệ nhị thế chiến tại Châu Âu. Thỏa ước còn được gọi là Thỏa ước về an ninh và cộng tác giữa các nước Châu Âu Ðông và Tây, trong đó có cả Hoa kỳ, Canada và Tòa Thánh. Tòa Thánh đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ võ Thỏa ước này, đồng thời cũng là thành viên của Thỏa ước.

- Ngày 30 tháng 5 năm 1982, Tây ban nha trở thành quốc gia hội viên thứ 16 của NATO.

- Ngày 11 tháng 12 năm 1987, tại Washington, Khối  NATO và  Khối thuộc Thỏa ước Varsovie,  ký kết văn kiện về  giảm bớt số hỏa tiễn loại  trung bình.

- Ngày 9 tháng 11 năm 1989, Bức Tường Berlin sụp đổ. Năm 1990, hai nước Ðức,  Tây và Ðông Ðức thống nhất, do công nghiệp lớn lao của Thủ tướng Helmut Kohl.

- Ngày 25 tháng 12 năm 1991: Khối Liên xô bị tan rã. 15 Cộng hòa trong Cựu  Liên xô trở thành các quốc  gia độc lập.

- Ngày 10 tháng Giêng năm 1994, Khối NATO chấp nhận đề nghị của Hoa kỳ về việc "Nhìn Nhận Nhau để Cùng Xây Dựng Hòa Bình" (Partnership cho hòa bình)  với các nước thuộc cựu Liên xô và Ðông Âu.

- Ngày 28 tháng 2 năm 1994, NATO hạ bốn máy bay quân sự của cộng hòa Serbie vi phạm không phận "cấm" tại Bosnia-Erzegovina. Ðây là cuộc đụng độ quân sự thứ nhất trong lịch sử của Khối NATO.

- Ngày 3 tháng 6 năm 1996, NATO soạn thảo và công bố văn kiện  "căn cước Châu âu về  phòng thủ".

- Ngày 27 tháng 5 năm 1997, tại Paris, "Thỏa ước sáng lập" các mối quan hệ mới giữa NATO và Nga được ký kết.

- Ngày 12 tháng 3 năm 1999, với việc gia nhập của Hungari, Cộng hòa Tchèque và Ba lan (ba nước thuộc cựu Liên xô), NATO gồm 19 quốc gia hội viên. Nga phản đối việc gia nhập này. Nhưng  nay như mọi người thấy: Nga không thể sống cô lập. Trong lễ nghi ký kết sáng 28/05/2002, Tổng Thống Putin tuyên bố: "Không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc cộng tác với nhau".  Tổng thống biết rằng: Ðây là một lựa chọn rất phức tạp, một đàng do sự chống đối của Ðảng cộng  sản, tuy không cầm quyền, nhưng còn thế lực trong quốc hội Nga (Duma); đàng khác do áp lực  của phe bảo thủ. Tổng thống Putin của Nga đã chọn con đường cộng tác, để chống kẻ thù chung hiện nay đang đe dọa thế giới,  để bảo đảm an ninh cho các quốc gia, như Tổng Thống Bush ước mong trong lễ nghi ký kết Thỏa ước: "Một Châu Âu tự do và hòa bình".

- Ngày 28/05/2002, 19 quốc gia hội viên NATO cùng với Nga ký  kết  Bản Tuyên ngôn- Roma (Pratica di Mare) một  Văn kiện lịch sử, công nhận chính thức việc thành lập Hội đồng Nato-Nga (gồm 20 quốc  gia, nhưng Nga không quyền veto (phủ quyết)  khi Nato nhận các sự gia nhập của các quốc gia thuộc cựu Liên xô. Tổng thư ký Nato, Lord Robertson, mời gọi các Lãnh tụ của Khối Nato và Tổng thống Putin của Nga cùng nhau "chống lại kẻ thù chung", tức nạn khủng bố quốc tế". Ông nói thêm: "Thành công hay thất bại của Hội đồng sẽ tùy thuộc vào khả năng làm việc của mọi người cho "lợi ích chung".

Sau lễ nghi ký kết Văn kiện, Tổng Thống Hoa kỳ, ông George Bush, đến viếng thăm Ðức Gioan Phaolô II. ÐTC cảm ơn Tổng thống, dù mắc bận rất nhiều công việc trong những ngày này, trước khi lên đường trở lại Hoa kỳ, đã có nhã ý đến viếng thăm Ngài. Trong 25 phút thảo luận riêng với ÐTC, theo phát ngôn viên Tòa Thánh, Tiến sĩ Navrrro Valls, thì hai Vị đã bàn đến một số vấn đề sôi bỏng quốc tế hiện nay, cách riêng tình hình bi đát tại Trung Ðông. ÐTC nhấn mạnh, ngoài vấn đề chính trị, cần phải tìm giải pháp khẩn cấp về khía cạnh nhân đạo: chấm dứt các cuộc sát hại dân lành Do thái cũng như Palestine. ÐTC cũng nhắc đến tình hình khó khăn của các tín hữu Kitô tại Thánh địa. Trong dịp này, một lần nữa ÐTC nhắc lại sự gần gũi của ngài với dân tộc Hoa kỳ trong biến cố xẩy ra ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Ngoài các vấn đề trên đây, Tổng thống lo lắng nhiều về tình hình Giáo hội công giáo Hoa kỳ, sau những vụ gương mù của một số linh mục gây nên. Sự lo lắng này, Tổng thống đã biểu lộ vào ban sáng lúc gặp giới báo chí. Ông nói: "Tôi sẽ chú ý nghe ngài. Ngài là nhân vật có một uy tín và một sự cảm thông rất lớn lao. Riêng tôi, tôi sẽ nói với ngài là tôi rất tôn trọng sự lãnh đạo của ngài  trong việc tìm cách củng cố Giáo hội công giáo tại Hoa kỳ".  Tuy tại Hoa kỳ có sự phân biệt rõ ràng giữa thế quyền và thần quyền, giữa Giáo hội và Nhà nước, Tổng Thống lo lắng về tình hình Giáo hội hiện nay, vì khối công giáo Hoa kỳ gồm 60 triệu (1/3 số cử tri), một khối đông hơn cả, với những cơ cấu và tổ chức rất hoàn bị. Ða số người công giáo Hoa kỳ, theo truyền thống, vẫn bỏ phiếu cho Ðảng Dân chủ. Nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Bush đã nhận được nhiều phiếu của người công giáo. Muốn tái đắc cử, Tổng thống không thể bỏ qua số phiếu của người công giáo. Nhiều người công giáo đồng ý với Tổng thống Bush về việc đề cao những giá trị cao quí tôn giáo, đạo đức, luân lý, bảo vệ sự sống và gia đình. ÐTC  trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ về hy vọng rằng, dù có những khó khăn trong lúc này, nhưng ngài vẫn đặt hy vọng nhiều nơi Giáo hội công giáo Hoa kỳ, cách riêng vào những nguốn sức mạnh thiêng liêng và sâu xa của những người công giáo Hoa kỳ, dấn thân làm chứng cho các giá trị Tin Mừng giữa xã hội.

Trong buổi tiếp chung Tổng thống Hoa Kỳ và đoàn tùy tùng, ÐTC  cũng chào Ngoại trưởng Colin Powell và Bà Condoleeza Rice, Cố vấn an ninh của Tổng thống. Tổng thống trao tặng ÐTC tượng Ðức Mẹ bằng bạc. ÐTC tặng lại Tổng thống Hoa Kỳ tượng Ðức Mẹ bằng san hô mầu sắc rất quí giá.

Chào biệt ÐTC, Tổng thống nói: "Tôi hy vọng được gặp lại ÐTC". ÐTC đáp:  Xin Thiên Chúa chúc lành cho Hoa kỳ. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí rất thân mật. Ðây là lần thứ hai trong thời gian gần một năm Tổng thống Bush gặp Ðức Gioan Phaolô II.

 


Back to Home Page