Ðiểm báo ngày 25&26/05/2002
về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II
tại Azerbijan và Bulgaria
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Ðiểm báo
ngày 25&26/05/2002 về
chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Azerbijan và Bulgaria.
Chúa nhật
26/05/2002, ngày kết thúc chuyến viếng thăm của Ðức Gioan
Phaolô II tại
Azerbaijan và Bulgaria. Lúc 10.15, ÐTC chủ tế thánh lể cho cộng
đồng công giáo tại Plovdiv, thành phố lớn thứ hai của
Bulgaria và là nơi có đông người công giáo hơn cả, khoảng
20 ngàn tín hữu trên tổng số 80
ngàn tín hữu trong toàn quốc. Trong Thánh lễ, ÐTC tôn
phong lên danh dự bàn thờ ba Linh mục Tử đạo: (1) Linh Mục
Kamen Citchev, (2) Linh Mục Pavel Djidjov và (3) Linh Mục Josaphat Chichkov, bị xử
bắn trong tù đêm 11 sáng
ngày 12 tháng 11 năm 1952, cùng với Ðức Cha Eugenio Bossilov;
Ðức Cha nầy đã được
ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân phước Tử đạo ngày
15.3.1998 tại Vatican. Trước khi lên đường trở về Roma, lúc
17.30, trong nhà thờ chính tòa Plovdiv, ÐTC gặp giới trẻ: một
cuộc gặp gỡ không bao giờ ÐTC bỏ qua trong các chuyến viếng
thăm mục vụ của ngài trên thế giới. Ngài vẫn thường nói
với Thanh niên: "Các con
là tương lai của Giáo hội, của Ðất nước và của thế giới". Ngài tín nhiệm vào giới trẻ và luôn luôn được họ
đáp lại bằng tình yêu mến và lắng nghe. Năm Thánh ngoại lệ
1983-1984, kỷ niệm 1950 năm Ơn cứu chuộc, ÐTC lập ra Ngày thế
giới Thanh niên, và mọi người
đều công nhận: Ðây là một việc Chúa Quan phòng. Ngày này
đem lại một Mùa Xuân mới trong Giáo hội.
Báo chí quốc tế vẫn theo dõi với nhiều hứng thú chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðài truyền hình quốc gia Bulgaria truyền hình trực tiếp tất cả các hoạt động của ÐTC trong những ngày viếng thăm. Báo chí địa phương dành nhiều bài và hình ảnh để tường thuật chi tiết chuyến viếng thăm. Các báo ra ngày thứ bẩy 25/05/2002 vẫn đề cao tâm tình yêu mến của Ðức Gioan Phaolô II đối với dân tộc Bulgaria: "Tôi không bao giờ ngừng tôn trọng và yêu mến dân tộc của anh chị em". Biến cố nổi bật hôm thứ bẩy 25/05/2002là cuộc gặp gỡ vị Giáo chủ chính thống Maxim và Ðức TGM Joan tại Tu viện Thánh Gioan ở Rila, cách thủ đô Sophia hơn 100 cây số.
Nhật báo Trud
(-- có nghĩa là "Lao Ðộng"--) đề cao "cái hôn bình an"
đã hiệp nhất ÐTC và Ðức Giáo chủ chính thống". Thực sự,
chỉ có bắt tay mà thôi, không có sự ôm hôn. Ðức Hồng Y
Kasper, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất
các tín hữu Kitô, và thành viên
đoàn tùy tùng của ÐTC, ngài
đã giải thích như sau trên đài truyền hình quốc gia Ý, sau
thánh lễ Phong Chân phước: "Thực ra Ðức Giáo
Chủ Chính Thống Giáo Bulgaeri, từ trước tới giờ không
ôm hôn ai cả". Ðức Giáo
chủ năm nay gần 88 tuổi và
theo dư luận: ngài thuộc phe bảo thủ.
Giáo sư
Thần học, Antoni Hubanchev, một tín hữu chính thống, tuyên
bố: rất thất vọng, vì ÐTC
và Ðức Giáo chủ không ôm hôn nhau và không cầu nguyện
chung". Ông nói: "Chúng tôi không cần biết đến những
gì xẩy ra cách đây một ngàn năm; chúng ta phải nhìn về tương
lai; và chúng tôi rất hài
lòng bởi vì ÐTC đến đây.
Ngài đã làm hết sức ngài".
Trái lại
Ðức TGM Joan, đón tiếp ÐTC tại Tu viện Rila, rất hài lòng vì
được gặp lại ÐTC tại Bulgaria. Hai vị đã quen biết nhau thời
kỳ Công đồng Vatican II. Chính ÐTC nói: "Ðức TGM đã tham dự
Công đồng với tôi" (trong tư cách quan sát viên của Giáo
hội chính thống). Trong diễn văn đọc tại Tu viện, Ðức TGM
chào mừng ÐTC như sau: "Vạn phúc cho Ðấng nhân danh
Thiên Chúa đến với chúng tôi". Cũng trong bài diễn văn
này, Ðức TGM nói: "Những chia rẽ do con người tạo nên
và con người có bổn phận đoàn kết lại với nhau". (Nhật
báo Corriere della sera 26.5.2002).
Nhật báo
"Standard", một tờ báo quan trọng khác của Bulgari, thuật
lại, với nhiều chi tiết, cuộc gặp gỡ Ðức Giáo chủ chính
thống, với những hình ảnh ý nghĩa. Báo này cũng thuật lại
một hai chi tiết "có tính cách tò mò", chẳng hạn như "để hiểu nhau, hai vị đã nói tiếng Nga với nhau" và "các
Vị TGM chính thống đã tặng ÐTC một chùm nho sản xuất tại Tu
viện". Bình luận cuộc gặp
gỡ, nhật báo nhận xét rằng: "cả hai vị lãnh đạo tôn giáo
đều tỏ ra sự buồn tiếc về những chia rẽ chưa hàn gắn
được".
Nhật báo công
giáo Ý "Tương Lai", số ra ngày Chúa nhật
26.5.2002, dành hẳn trang 2 và 3 để tường thuật, với những
hình ảnh khác nhau, và nhiều tin tức, chuyến viếng thăm.
Trang hai đăng
hình ÐTC trên chiếc xe
"Lưu Ðộng", có đoàn
cảnh sát hộ vệ chạy trên đường phố thủ đô Sophia, giữa dân chúng đứng hai bên đường chào mừng,
hoan hô. Giữa trang, đăng hình
ÐTC đang chắp tay cầu nguyện - hình ÐTC xuống xe Papalmobil, giơ
tay chào dân chúng. Dưới các hình này, đề tít lớn như
sau: "Tại Plovdiv, Thành phố của Tử đạo".
Cũng trên trang 2 này, nhật báo "Tương Lai" kể lại nhiều tin như : Người Hồi giáo cầu nguyện cho ÐTC. "Vị Thủ Lảnh Hồi giáo, sau cuộc gặp gỡ riêng ÐTC chiều thứ bẩy 25/05/2002 tại Tòa Sứ Thần, tuyên bố với giới báo chí: "Trong lúc này các người Hồi giáo Bulgari đang cầu nguyện cho sức khỏe của ÐTC". Vị Giáo trưởng nói thêm: "Ðức Gioan Phaolô II là một người hòa bình và các người Hồi giáo hợp nhất với ngài trong việc chiến đấu chống lại chiến tranh và khủng bố". Vị Thủ Lãnh Hồi Giáo nầy đã tham dự Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi 24 tháng Giêng năm 2002.
Trong bài khác, nhật báo công giáo Ý viết vắn tắt về Ðức Cha Jovcev, Giám mục giáo phận Plovdiv: Ngài đã phải trốn tránh cộng sản, giả làm thợ máy và tài xế của Ðức Giám mục, để có thể học hành. Ðáng lẽ được thụ phong linh mục năm 1974, nhưng phải chờ đợi hai năm mới được phép Nhà nước. Sau đó, ngài trở về quê hương mình như một cha sở, rất hoạt động , tổ chức các lớp dạy giáo lý, gặp gỡ thanh niên; do đó gây nên tức giận cho người cộng sản. Họ cấm thanh niên tham dự các buổi hội họp, canh gác Cha Jovcev ngày đêm, đe dọa. Cha không sợ hãi, tiếp tục hoạt động. Cộng sản báo thù, trá hình, đột nhập vào nhà đập đánh mẹ của Cha Jovcev và đập đánh cả cha nữa. Cha phải được đưa vào nhà thương điều trị ít tuần lễ.
Ðể bảo đảm
an ninh, Cha Jovcev được chuyển sang Roma, học thêm tại Giáo Hoàng
Học viện Ðông phương. Cộng sản không muốn Cha trở lại
Bulgaria nữa. Vatican nhất định bổ nhiệm Cha làm Giám mục năm
1988, lúc chế độ cộng sản
chưa sụp đổ. Sau những cuộc thảo luận gay go giữa Tòa Thánh
và chính phủ Bulgari cộng sản, Cha đã được bổ nhiệm làm
Giám quản Tông Tòa giáo phận Plovdiv-Sophia. Ðức Cha Jovcev là
con người can đảm, nhiều sáng kiến, thông minh, được bổ
nhiệm làm Giám mục lúc mới 38 tuổi. Và Chúa nhật
26.5.2002, là ngày vinh quang, sau những năm đen tối của
Plovdiv và của Bulgari.
Trên trang ba ,
báo "Tương Lai" dành hơn
nửa trang với tít lớn: "Một ánh sáng
sau những khiếp sợ của một giai đoạn lịch sử đen tối". Dưới tít này, đăng hình
ảnh chuyến viếng thăm Tu viện Thánh Gioan ở Rila sáng thứ bẩy
25/05/2002, Ðức TGM Joan đang trao cây nến sáng lúc ÐTC bước vào
Tu viện.
Hình nhỏ khác ở góc trang 3: cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Thủ tướng Simeone --- cựu Hoàng của Bulgaria, và gia đình của Thủ tướng tại Tu viện. Ðuợc giới báo chí hỏi: Bulgari chờ đợi gì nơi chuyến viếng thăm này, Thủ tướng trả lời: "Chờ đợi một sự công nhận về phía Châu Âu. Các ông thấy: Nước chúng tôi cũng là một quốc gia Châu Âu; tại sao, có lúc người ta lại quên hẳn Bulgari?".
Trong bài khác,
báo "Tương Lai" viết về những cảm tình và nhận xét của
người chính thống về Ðức Gioan Phaolô II.
Hình ảnh mệt nhọc của ÐTC gây xúc động cho nhiều người.
Ðức TGM chính thống Simeon đề nghị: các vị gần gũi ÐTC nên
can gián ngài lại. Nhưng ai là người dám làm một việc như
vậy? Tất cả chúng tôi cảm
phục và đánh giá cao những gì ngài đang làm. Ðối với tôi,
ngài là một trong các nhà truyền giáo đầu tiên. Mọi người
đều thấy ngài như Chúa Kitô đang đau khổ trên Thánh giá vậy".
Nhân đề nghị của Ðức TGM chính thống, Tiến sĩ Navrro Valls phát ngôn viên và giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, trong cuộc gặp gỡ, được giới báo chí yêu cầu giải thích những biểu lộ tình yêu mến thực sự của người dân đối với ÐTC trong những ngày này. Ông tuyên bố: "ÐTC nhập thể vào thừa tác vụ mục vụ của ngài những giới hạn thể xác, giới hạn này như thế nào, mọi người đều thấy. Ngài tiếp tục ra đi và điều khuyến khích ngài, chính là phản ứng lớn lao của tình yêu mến từ phía người dân". Vì thế, ÐTC ra lệnh cho các vị cộng tác của ngài tiếp tục chuẩn bị các chuyến ra đi theo chương trình đã ấn định: Tháng bẩy đi Toronto - rồi tiếp tục sang Thành phố Mexico và cuối cùng sang Guatemla. Tháng 8/2002, đi Ba lan, và tháng 9/2002, đi thăm cộng hòa Croat. Năm 2003, ÐTC đi Manila, để chủ tọa Ngày thế giới về Gia đình lần thứ bốn.
ÐHY Kasper, chủ
tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín
hữu Kitô, vị cùng đi với
ÐTC, tuyên bố: "Dĩ nhiên, chúng tôi lo lắng nhiều, nhưng tôi
nghĩ rằng: ngài muốn minh chứng cho mọi thấy: một người
già vẫn có giá trị , trái hẳn với những gì thế giới ngày
nay nghĩ tưởng".
Nhật báo
"Roma Thời Báo", số phát hành ngày
26.5.2002, đã dành trang 8 để tường thuật về chuyến viếng
thăm của ÐTC tại Bulgari. "Ra đi là sứ mệnh của tôi":
đây là tít lớn chiếm cả trang. Trên tít này có thêm lời
bình luận như sau: "ÐTC nói: Viếng thăm các Xứ sở xa xăm
là phần bổn phận của tôi để
cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô".
ÐHY Crescenzo
Sepe, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc,
thuộc đoàn tùy tùng của ÐTC, bình luận như sau: "ÐTC có
một ý chí mạnh mẽ, mặc dầu những yếu kém thể xác. Ý chí
này thắng được các mệt nhọc".
Tờ báo cũng kể lại lời của Linh mục Petar Kjossov, người thông dịch các bài diễn văn của ÐTC trong những ngày này. Cha kể lại rằng: "Trước chuyến viếng thăm hầu như mỗi buổi chiều, trong ba tuần lễ, cha dạy tiếng Bulgari cho ÐTC trong một giờ rưỡi, nhất là cách đọc. ÐTC là "một học trò rất chú ý, nhanh nhẹn, sáng suốt. Nhiều lúc tôi xin ngài: Kính thưa ÐTC, chúng ta nghỉ chút chăng? Ngài đáp: Không, cứ tiếp tục đi!". ÐTC thật nhẫn nại và can đảm như thế nào! Với 82 tuổi, còn chịu khó học tiếng các nước ngài viếng thăm, để có thể tiếp xúc với dân chúng. Ngài cử hành Thánh lễ, đọc các bài diễn văn bằng tiếng Bulgari. Chúng ta hiểu được lời ngài xin các tín hữu cầu nguyện, có thể tiếp tục sứ mệnh của ngài.