Ðiểm báo chí quốc tế ngày 23&24/05/2002

về chuyến viếng thăm của ÐTC

tại Azerbaijan và Bulgaria

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðiểm báo chí quốc tế ngày 23&24/05/2002 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Azerbaijan và Bulgaria.

Trong khi các nhà cầm quyền các quốc gia chú ý theo dõi việc Tổng thống Hoa kỳ, Ông George Bush và Tổng Thống Nga, Ông Vladimir Putin, tại Ðiện Cẩm Linh,   ký thỏa uớc tài giảm vũ khí, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh giữa hai Siêu cường kéo dài trong nửa thế kỷ  qua và từ nay cùng cộng tác để chiến đấu chống chính sách khủng bố quốc tế, đang đe dọa hòa bình thế giới, báo chí quốc tế vẫn chú ý nhiều đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại hai quốc gia  Azerbaijan và Bulgaria, nơi đây số người công giáo rất nhỏ bé,  sánh với Hồi giáo và Giáo hội chính thống.

Không kể các báo chí địa phương, các báo chí xuất bản tại Ðức, Pháp, Anh, Tây ban nha, Ý, Hoa kỳ ... đều theo dõi sát chuyến viếng thăm này. Dĩ nhiên mọi người thấy rằng: chuyến viếng thăm của ÐTC có một tầm mức rất quan trọng, không những về phương diện tôn giáo, để củng cố mối quan hệ với  Hồi giáo và tiến đến hiệp nhất với các tín hữu chính thống, nhưng cả về phương diện chính trị nữa, nhất là trong lúc Châu Âu đang tiến đến thống nhất, không những về phương diện tiền tệ, quân sự, nhưng cả về chính trị nữa. Việc thống nhất Châu Âu, như ÐTC đã nói lên nhiều lần phải được xây dựng trên các giá trị cao quí của tôn giáo và đạo đức luân lý. Châu Âu cần phải thở bằng hai lá phổi: Ðông và Tây. Việc thống nhất không thể loại trừ một quốc gia nào, dù nhỏ bé, nghèo nàn.  Như vậy, xét về phương diện chính trị, chuyến viếng thăm góp phần rất  lớn vào việc cổ võ hòa bình tại Châu Âu, nơi xẩy ra hai đại thế chiến, và trong những năm vừa qua, chiến tranh diệt chủng tại miền Balkan; chuyến viếng thăm của ÐTC  cổ võ  việc chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các nền văn hóa, cổ võ tình liên đới huynh đệ giữa gia đình nhân loại. Hòa  bình không chỉ do các nhà chính trị, nhưng do nhất là các lực lượng tôn giáo, vì bản chất của các tôn giáo là giáo huấn con người về  đạo đức, luân lý, là xây dựng và bảo tồn các giá trị cao quí tinh thần, là thăng tiến phẩm giá con người.

Báo chí Bulgaria: Sứ giả  hòa bình.

Các báo chí Bulgaria  ra ngày thứ sáu 24/05/2002, dành nhiều trang cho chuyến viếng thăm của ÐTC vừa bắt đầu tại BULGARI. Tất cả các báo chí tại Thủ Ðô Sophia cũng như trong toàn quốc đăng  nhiều hình về lễ nghi tiếp đón. Tựa  đề được dùng nhiều hơn cả, tuy hơi khác nhau, đều tập trung vào bài diễn văn của ÐTC đọc trong lễ nghi tiếp đón ÐTC tại Quảng trường Aleksander Nevsti, ở thủ đô Sofia. Một câu nói của ÐTC được tất cả các báo nhắc lại và đề cao: "Không bao giờ tôi ngừng yêu mến Bulgaria".

Hơn các báo khác, tờ Demokrazia, chạy tít lớn cả trang nhất: "Lời của ÐTC: Ước gì Thiên Chúa chúc lành cho Bulgaria". Tờ  "24 giờ", nhật báo được phổ biến rộng rãi, viết: "Tôi không bao giờ ngừng yêu mến anh chị em, bởi vì Bulgaria là Ðất của các cuộc gặp gỡ". Các trang sau dành cho bài diễn văn của ÐTC và bài diễn văn chào mừng ứng khẩu của Tổng thống Cộng hòa Bulgaria. Báo này nhấn mạnh đến câu đầu tiên của diễn văn: "Chào mừng ÐTC đến trong một quốc gia Châu Âu. Sự hiện diện của ÐTC tại đây chứng tỏ rằng ÐTC tín nhiệm chúng tôi".

Các báo khác viết với tít đề tương tự: Ước gì Thiên Chúa chúc lành cho Bulgaria. Nhật báo Trud (việc làm) trong bài xã thuyết đề  tựa  hơi lạ một chút như sau: "Chúng ta cũng đã thấy phép lạ này".

Tờ Sega (Giờ phút) chú ý nhiều đến cuộc gặp gỡ với Vị Giáo chủ Giáo hội chính thống. Tựa  đề chiếm cả trang nhất: "Ðức Giáo chủ Maksim đã đón tiếp ÐTC".

Dĩ nhiên các báo khác của Bulgaria, số ra ngày 24/05/2002, dành nhiều bài và  hình ảnh của Vị Giáo Hoàng đặc biệt này. Tờ Standard, cũng số ra ngày 24/05/2002, dành riêng một "Tabloid" (tám trang), với tít đề: "Ðây là giờ của ÐTC". Trang cuối cùng hoàn toàn về hình ảnh của ngài với hàng chữ: "Sứ giả hòa bình".

Sau đây chúng ta hãy lướt qua vài nhận định của các báo ngoại quốc:

The Times : Ðể củng cổ mối quan hệ với Thế giới Hồi giáo.

Trong số ra ngày 23/05/2002, nhật báo Times viết như sau: "Cũng như trong các chuyến viếng thăm khác,  năm vừa qua tại Armêni, Kazakhstan và Ukraine, cả trong dịp này ÐTC muốn củng cố mối quan hệ với Thế giới Hồi giáo và với Giáo hội chính thống. Với cái nhìn về Afganistan  và Cecenia cũng như cái nhìn về Trung Ðông, ÐTC lên án những đau khổ liên tiếp gây nên cho những người vô tội do chính sách cuồng tín Hồi giáo và chủ nghĩa đế quốc".

The Daily Telegraph : Nhân danh Hòa bình.

The Daily Telegraph, cũng nhật báo Anh, tường thuật lúc ÐTC đến Azerbaijan, viết như sau: "Chuyến viếng thăm này được coi là cơ hội lại gần Hồi giáo nhân danh Hòa bình", rồi bình luận như sau: Thực ra ÐTC đã không bỏ qua việc kêu gọi mạnh mẽ chống lại mọi hình thức của bạo lực được thi hành nhân danh Thiên Chúa".

Tờ "Nhật Báo Frankfurt" (Frankfurter Allgemeine Zeitung) Một lời mời gọi tôn trọng nền độc lập của dân tộc và của các quốc gia.

Trong số ra ngày 23/05/2002, và dành cả trang bên  trong, tờ báo xuất bản tại Ðức  nhấn mạnh lời khuyên của ÐTC về thái độ khoan dung và  trong sáng. "ÐTC nói rằng: việc đối thoại là dụng cụ duy nhất để loại trừ những căng thẳng, mà không đưa các quốc gia vào những vụ đổ máu  dã man; ÐTC nhắc đến những vụ tranh chấp vẫn  không được giải quyết trong miền giữa Biển Ðen và biển Caspio và ngài khuyên các quốc gia nuôi dưỡng ước muốn về độc lập và tự quyết, như mục tiêu nền tảng phải đạt tới; ngài cũng lên án mọi hình thức đế quốc".

Le Monde : Ngài muốn đẩy mạnh con đường đối thoại giữa các nguời công giáo và chính thống.

Ðặc phái viên từ Moscowa của nhật báo có uy tín tại Pháp, tờ  Le Monde, viết về chuyến viếng thăm tại Azerbaijan, như để kết thúc vòng các chuyến viếng thăm tại các cựu cộng hòa  trong Liên Bang Sô viết, trong miền Caucase, được độc lập từ năm 1991. Báo này nhắc lại từng chuyến viếng thăm và nhấn mạnh sự kiện này là tại tất cả các quốc gia này, cộng đồng công giáo rất nhỏ bé sánh với cộng đồng Hồi giáo. Le Monde giải thích: "Nhưng việc ÐTC đến tại các quốc gia này cốt yếu như là một biểu hiệu,  để lại gần Chính Thớng Giáo  Nga, với mục đích lấy lại sự hiệp nhất hoàn toàn của các tín  hữu Kitô. Và cũng chính vì thế, ÐTC đến viếng thăm Bulgaria, để gặp Vị Giáo chủ chính thống Bulgaria, Ðức Maxim và đẩy mạnh việc đối thoại giữa các người công giáo và chính thống".

Tờ El Pais : Ngài sẽ tiếp tục hô lên kêu gọi hòa bình nhân danh Thiên Chúa.

Nhật báo lớn của Madrid, thủ đô Tây ban nha, dành nhiều bài về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Azerbaijan và trả lời cho những nguời đặt ra câu hỏi trong lúc này như sau: "ÐTC đi đến một Xứ sở, nơi chỉ có 120 người công giáo và hai linh mục, cũng không có Tòa Sứ thần, nơi mà trên các con đường ÐTC qua lại vắng tanh, vắng ngắt... để làm gì? ----Người công giáo Tây ban nha dĩ nhiên có quyền đặt câu hỏi này, vì họ tuốn ra các ngả đường đông như kiến để hoan hô ÐTC--- . Sau đây là câu trả lời của tờ báo Madrid như sau: "Tất cả cho thấy rằng: đây là ý chí của ÐTC cương quyết theo đuổi đi trên các ngả đường của thế giới như sứ giả hòa bình, cho tới khi nào ngài không còn sức lực nữa mới thôi. Chính ngài đã nói rõ ràng với các đại diện của giới chính trị, nghệ sĩ và trí thức: "Khi nào tôi còn tiếng nói, tôi sẽ hô lên kêu gọi hòa bình nhân danh Thiên Chúa".

Tờ "Tin Chiều" (Corriere della sera) : "Không bao giờ tôi tin là Bulgaria  có liên lụy vào vụ mưu sát  tôi".

Nhật báo Ý số ra ngày 25/05/2002, dành một bài dài về lời ÐTC quả quyết:  Không bao giờ tôi tin Bulgaria có liên lụy vào vụ mưu sát tại Quảng trường Thánh Phêrô".  Lời tuyên bố này và lời  ÐTC nói lên ngay trong buổi tiếp đón: "Tôi không bao giờ ngừng yêu mến dân tộc Bulgaria" làm cho Nhà cầm quyền Bulgaria như trút khỏi "những ám ảnh" bị tố cáo trước dư luận  thế giới về việc có liên lụy vào vụ mưu sát xẩy ra ngày 13/05/1981. Ngoài lời của ÐTC, Tòa Thánh và Chính phủ Bulgaria đã cùng nhau ký bản thông cáo chung chấm dứt vụ tố cáo này. Vì thế Tổng thống đã nói với  ÐTC: "Sự hiện diện của ÐTC chứng tỏ ÐTC  đã tin chúng tôi. Xin Cảm ơn, xin cảm ơn ÐTC". Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám dốc Phòng báo chí Tòa Thánh, trong đoàn tùy tùng của ÐTC, tuyên bố với giới báo chi tại Sophia rằng: "Tôi không bao giờ tin rằng Bulgaria có liên lụy vào vụ mưu sát, vì lòng yêu mến, và sự  tôn trọng mà tôi vẫn mang trong tâm hồn đối với dân tộc này". Tờ báo nầy bình luận như sau: Từ nay, một giai đoạn lịch sử đã chấm dứt. Nhưng chuyến viếng thăm tại Bulgaria vẫn tiếp tục. Ðây là một bước đã thực hiện, một bước tiến mà Bulgaria chờ đợi từ lâu; ÐTC tiếp tục gặp gỡ đối thoại với Ðức Giáo chủ chính thống  Bulgaria, một cuộc đối thoại không dễ dàng, bởi vì có thể còn bị áp lực của Tòa Giáo chủ Moscowa.

Theo cái nhìn của nhật báo "Tin Chiều", thì  Thủ tướng Bulgaria có thể làm trung gian để vuợt qua các khó khăn, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga, một chuyến viếng thăm mà ÐTC  từ lâu mong ước. Trong diễn văn đọc buổi gặp gỡ Ðức Maxim, ÐTC đã dùng những lời rất mạnh mẽ như sau: "Chúa Giêsu đã lập Giáo hội: và lập  một Giáo hội duy nhất,  thế nhưng  ngày nay chúng ta trình diện cho thế giới nhìn thấy chúng ta chia rẽ nhau.  Ðây là một gương mù gây hại cho việc rao giảng Tin Mừng".

 


Back to Home Page