Ðiểm báo ngày 24/05/2002

về chuyến viếng thăm của ÐTC

tại Azerbaijan và Bulgaria

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðiểm báo ngày 24/05/2002 về chuyến viếng thăm của ÐTC  tại Azerbaijan và Bulgaria.

 

Các Báo chí tại Thủ đô Bulgari đã dành nhiều trang  nói về chuyến thăm của ÐTC, trước và ngay lúc ÐTC đặt chân lên Sophia. Trước đó, đài truyền hình quốc gia  BULGARI đã dành những buổi truyền hình về thân thế, sự nghiệp của Vị Giáo Hoàng gốc Slavô này.

Nhật báo "Novinite" của thủ đô Sophia loan tín nơi trang nhất với hàng chữ lớn như sau:  "ÐTC Gioan Phaolô II cầu chúc cho Bulgari một tương lai thịnh vượng và hòa bình". Tin này được loan đi qua mạng lưới Internet, ngay sau lúc ÐTC đặt chân lên Ðất Bulgari, rồi sáng hôm sau (thứ sáu 24/05/2002) đăng lại đầy đủ chi tiết hơn trên trang nhất. Mọi bước đi, mọi cử chỉ, mọi lời nói của ÐTC đều được theo dõi với sự chú ý đặc biệt. Nhật báo "Standard" với cung giọng hứng thú viết: "ÐTC đã hôn kính đất Bulgari". Hãng thông tấn của Bulgari thuật lại mọi lời ÐTC nói,  với nhiều hình ảnh  về lễ nghi tiếp đón rất long trọng tại Quảng trường trung tâm, đẹp nhất và rộng rãi nhất của Thủ đô: "Quảng trường Aleksander Nevski".

Nhật báo công giáo Ý, "Tương Lai", số ra ngày thứ sáu 24.5.2002, dành toàn trang ba với nhiều hình ảnh khác nhau về lễ nghi tiếp đón tại Quảng Trường Aleksander Nevski.

Hình ÐTC ngồi trên ghế,  đặt trên khán đài, trước đoàn vệ binh danh dự của Phủ Tổng thống, với y phục khác thường. Bên phải ÐTC, là Ðức Giáo chủ Maxim và các Giáo sĩ cấp cao của Giáo hội chính Thống, và Ðại diện Hồi giáo.  Bên trái là Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ, các Bôï trưởng, Chủ tịch Quốc hội, Ngoại giao đoàn. ÐTC ngồi, tất các vị khác đều đứng. Thấy vậy, ÐTC, tuy mệt nhọc, do việc di chuyển và công việc ban sáng tại  Azerbaijan, cũng khôi hài như sau: "Tổng Thống của anh chị em còn trẻ (thực sự trẻ), nên đứng được. Tôi già nua rồi, bắt buộc phải ngồi". Thực sự như vậy. Từ  ít tháng nay, nhất là từ Lễ Phục sinh, ÐTC không thể đứng lâu được, vì chứng bệnh đau đầu gối. Mọi người đều hiểu tình trạng này và thông cảm.

Phía Trên bức hình về lễ nghi đón tiếp, nhật báo công giáo Ý chạy tít lớn như sau: "Bulgari luôn luôn ở trong tâm hồn tôi". Phía dưới tít này, cớ thêm lời nhận định như sau: "Ngay từ lúc đến Sophia, ÐTC tuyên bố trong diễn văn đáp từ Tổng thống Bulgari rằng: "Tôi xin tuyên bố với mọi người: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi không bao giờ ngừng yêu mến dân tộc anh chị em, bằng việc dâng anh chị em lên trước Tòa Ðấng Tối cao. Sự hiện diện của tôi hôm nay đây là một biểu lộ hùng hồn của tâm tình tôn trọng và yêu mến đối vối quốc gia cao trọng này và mọi con cái của quốc gia này".

Một tràng pháo tay dài hoan hô ÐTC. Lời này là lời dân tộc Bulgaria mong ước từ lâu, để cải chính trước thế giới những tố cáo Bulgari liên lụy trong vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II ngày 13.5.1981.

ÐTC đề cao danh dự của Dân tộc Bulgaria, nhưng không đả động gì đến chế độ quá khứ, mà chỉ nói xa xa rằng: "Mùa Ðông lâu dài và giá lạnh của chế độ độc tài  đã ghi dấu,  trong đau khổ,  Bulgari  và biết bao quốc gia khác của Châu Âu này".

Ai cũng biết rằng: Bulgari là một trong các quốc gia nghèo ở Châu Âu, với gia tài nặng nề chế độ cộng sản để lại và biết bao chênh lệch trong xã hội,  tạo nên bởi chế độ Tư bản đầy tham vọng và ích kỷ. ÐTC khuyến khích công cuộc canh tân xã hội đã được khởi sự và cầu chúc Bulgari được đón nhận và được nâng đỡ  cách quảng đại  từ Liên hiệp Châu Âu. Lời của ÐTC được Chính phủ ước mong và đánh giá rất cao, bởi vì Chính phủ Sophia đang hết sức vận động để dược gia nhập Liên hiệp  Châu Âu. Một mục tiêu còn xa xăm, có thể vào  năm 2007.

Cũng nơi trang ba, nhật báo "Tương Lai" đăng chương trình hoạt động của ÐTC trong ngày viếng thăm thứ hai tại Bulgari: Viếng thăm Nhà thờ chính Tòa kính thánh Aleksander Nevsti của Giáo hội chính thống. Ðây là một Ðền thớ lớn nhất của Giáo hội chính thống tại miền Balcan và là một lâu đài lịch sử thời danh nhất của Thủ đô Sophia. Viên đá đầu tiên được làm phép năm 1882; công việc xây cất được khởi sự năm 1904 và hoàn tất năm 1912. Năm 1951, trở thành Nhà thờ chính tòa của Tòa Giáo chủ Bulgaria. Nhà thờ được xây cất để nhớ lại cuộc chiến thắng quân đội  Thổ nhĩ kỳ và dâng kính Thánh Aleksander Nevski, được Giáo hội chính thống phong thánh năm 1547. Trong nhà thờ này có bàn thờ kính hai Thánh Tông dồ Dân Slavô: Thánh Cirillo và Thánh Methodio, nhà truyền giáo đầu tiên và có nhiều công với nền văn hóa dân tộc Bulgari và các dân tộc Slavô. Thứ sáu  24 tháng 5/2002, Giáo hội chính thống Bulgari mừng lể hai Thánh Tông đồ nầy, cũng là ngày Quốc khánh. ÐTC đến đặt vòng hoa trước đài kỷ niệm kính hai Thánh Tông đồ, không xa Nhà thờ chính tòa. Chính phủ cũng đến kính viếng và đặt vòng hoa trước khi ÐTC tới.

Tờ "Tương Lai" cũng nhắc đến chuyến viếng thăm xã giao  của ÐTC  tại Phủ Tổng thống lúc 9.30  sáng thứ sáu 24/05/2002,  giờ địa phương  Bulgari  - rồi  viếng thăm Tòa Giáo chủ và Thánh Hội nghị chính thống. Ban chiều gặp giới Chính trị, Văn hóa, Khoa học  và Nghệ thuật tại Tòa nhà Văn hóa của Thủ đô Sophia.

Bài khác cũng trên trang ba với lời tựa: "ÐTC đến với những người đã sống cuộc bách hại". Trong bài này, nhật báo thuật lại Thánh lễ do ÐTC cử hành cho cộng đồng công giáo nhỏ bé tại thủ đô Baku của Azerbaijan vào  sáng thứ năm 23/05/2002. Trong bài giảng, ÐTC nói: "Anh chị em rất thân mến, những con cái rất yêu mến của Giáo hội công giáo, hôm nay Cha đến với anh chị em. Cha cũng biết những đau khổ của anh chị em và Cha mang tất cả anh chị em trong tâm hồn,  trong những năm của cuộc hành hương nơi sa mạc của cuộc bách hại . Hôm nay đây, cha đến đây để thông công niềm vui của anh chị em đã trở lại tự do".

Bình luận lời trên của ÐTC,  nhật báo "Tương Lai" viết như sau: "Với những lời đầy thương mến này, ÐTC thúc đẩy, khuyến khích cộng đồng nhỏ bé, bằng việc khuyên cộng đồng này nhìn về giới trẻ, dễ bị cám dỗ và sa ngã trong việc tìm kiếm và chạy theo thú vui và vật chất. Nhưng ÐTC cũng nói thêm ngay rằng: "Thanh niên có khả năng theo đuổi những lý tưởng cao quí và hy sinh đến bậc anh hùng, để bênh vực công lý, phẩm giá con người, tự do và hòa bình.  Cần phải huấn luyện giới trẻ để họ có can đảm dám làm, dám hy sinh. Ðể đạt tới đích, cần phải huấn luyện về đức tin, về tình bạn chân thành. Sẽ không có can đảm làm việc thiện, nếu không tìm sức mạnh nơi Chúc Kitô, Ðấng đời đời trẻ trung".

Tờ "Tương Lai" cũng loan tin rằng: Sau Thánh lễ sáng thứ năm 23/05/2002 tại Baku, ÐTC trao tặng 100 ngàn Mỹ kim cho anh chị em tị nạn Armeni và Nagorno-Karabach,     tặng 20 ngàn Mỹ kim cho Giáo hội chính thống để chuộc lại một linh mục chính thống bị phiến quân Cecenia bắt cóc. Phiến quân đòi chuộc một triệu Mỹ kim.

Trong dịp ÐTC viếng thăm Azerbaijan, Tổng Thống Heidar Aliev tặng một khu đất cho cộng đồng công giáo nhỏ bé để xây cất nhà thờ. Tổng thống còn có một cử chỉ khác nữa hết sức tế nhị đối với ÐTC. Khách sạn đón tiếp ÐTC tại Baku trở thành "lãnh thổ ngoại giao  Vatican" trong lúc ÐTC lưu lại Azerbaijan.   Tại Baku không có Tòa Giám mục, không có Tòa Sứ Thần. Lần thứ nhất ÐTC dừng nghỉ tại một khách sạn.

Tờ  "Hiệp Nhất" ø, nhật báo của Ðảng cựu cộng sản Ý (số ra ngày 23.5.2002 ) viết: Hai lý do chính của chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Tại Azerbaijan ngài gặp Hồi giáo  mới và đại diện của Hồi giáo này. Ðây là Hồi giáo vẫn theo đường lối ôn hòa. Tại Kazakhstan, sau ít ngày xẩy ra vụ khủng bố tại Hoa kỳ, ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngài đã muốn lập một chiếc cầu đối thoại và thân hữu giữa hai tôn giáo lớn độc thần, Kitô giáo và Hồi giáo. Ðường lối hành động này của Ðức Gioan Phaolô II đã được ghi trong một biến cố rất quan trọng mùa hè vừa qua: Lần thứ nhất ngài vào một Ðền thờ Hồi giáo (tại Syrie) - Rồi, tháng Giêng năm 2002, cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi để cầu nguyện cho hòa bình ... Tại miền  Caucase, chiếc cầu này dược coi là hoàn tất, chỉ còn thiếu Nga và Bielorussia, là  hai quốc gia  có Chính thống  giáo chiếm đa số. Ðường lối chính trị của Ðức Gioan Phaolô II đã bắt đầu đem lại những bước tiến trên con đường chữa lành các vết thương về chia rẽ  nơi  Thân Thể Chúa Kitô".

Nhật báo Ðức  có tên là  "Miền Nam",  số ra ngày  23.5.2002,  chạy tít lớn trên trang nhất như sau:  "Một chuyến ra đi lịch sử". Tờ báo nhấn mạnh rằng: Trước hết chuyến viếng thăm được thực hiện tại nơi tử đạo của biết bao người bị sát hại trong miền núi Karaback, trong cuộc chiến giữa Armêni và Azerbaijan.  Sau đó thuật lại ít lời tuyên bố của lãnh tụ các người Hồi giáo miền Caucase , như "ÐTC đã làm biết bao việc chống lại chế độ độc tài".  Nhắc đến chuyến viếng thăm Bulgari, Tờ báo Ðức viết: "Ðây cũng là chuyến viếng thăm lịch sử".

Nhật báo "Tương Lai"  số ra ngày 23/05/2002, ngày đầu của chuyến viếng thăm Azerbaijan và Bulgari,  đã dành ba trang để thuật lại các biến cố:

Bài xã thuyết nơi trang nhất đặt câu hỏi: Tại sao ÐTC ra đi, với sức khỏe yếu kém và tuổi cao như vậy? Tác giả bài xã thuyết trả lời bằng câu của Thánh Phaolô: Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta. Ðức Gioan Phaolô II ra đi chỉ vì tình yêu Chúa, tình yêu các linh hồn thúc đẩy ngài. Sức mạnh của Chúa Kitô là chính lúc ngài ở trên Thánh giá, lúc bị coi là thất bại. Thành công của ÐTC không phải chỉ trong sức mạnh của những năm còn trẻ, nhưng còn và nhất là ở trong sức mạnh của đau khổ. Tác giả kết luận: Cái nhìn của thế gian khác cái nhìn của Ðức tin, cái nhìn của Ðức Karol Wojtyla.

Trong hai trang sau, tờ báo công giáo Ý đăng lại bài rất đáng chú ý của báo chí Nga về chuyến viếng thăm, với tít đề: "Chuyến viếng thăm theo cái nhìn của các phương tiện truyền thông Nga". Bài viết nhấn mạnh đến sự chú ý của giới báo chí Nga đối với chuyến viếng thăm.  Tờ Izvestija cho rằng: với chuyến viếng thăm Azerbaijan, ÐTC muốn quân bình hóa chuyến viếng thăm mà ngài đã thực hiện năm vừa qua tại Armêni, một quốc gia chính thức giao chiến với Azerbaijan, để nhắc lại rằng ngài luôn luôn gần gũi mọi dân tộc trên Trái đất này. Gazeta, một tờ báo khác của Nga viết như sau: Việc Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Ðức Giáo chủ Maxim của Giáo Hội chính thống Bulgari,  đánh dấu một điểm mốc đường, trong lịch sử xích lại gần nhau giữa các tín hữu công giáo và chính thống giáo.

 


Back to Home Page