Ðiểm báo ngày thứ năm 23/05/2002

về chuyến viếng thăm của ÐTC

tại Azerbaijan và Bulgaria

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðiểm báo ngày thứ năm 23/05/2002 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Azerbaijan và Bulgaria.

Các báo chí xuất bản sáng thứ năm 23.5.2002 tại Ý và tại Roma đều  nói đến chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II, tại Cộng hòa Azerbaijan và cả Bulgari nữa, nơi ngài sẽ tới thăm, từ chiều thứ năm,  23/05/2002, cho đến Chúa Nhật 26 tháng 5/2002.

Các Nhật  Báo  "TIN CHIỀU"  (phát hành  tại Milano) -  nhật báo  "Roma Thời Báo"  và tờ  "Bản Tin" (phát hành  tại Torino)--- tất cả  đều lưu ý cách riêng đến ba sự mới lạ trong chuyến viếng thăm quồc tế, lần thứ 96 này của Ðức Gioan Phaolô II -  "Ba sự mới lạ" đó là những điều sau đây:

(1) Thứ nhất: ÐTC dùng thang máy để lên  và xuống máy bay; (2) Thứ hai: ÐTC  dùng  một "bục có bánh xe" do người đẩy , khi di chuyển. Ðây là lần thứ nhất, ÐTC dùng bục  để đi chuyển trong chuyến thăm quốc tế. (3) Thứ ba: ÐTC chỉ đọc một phần diễn văn, phần còn lại do một  Giám chức đọc thay.

Ngoài ba mới lạ trong chuyến viếng thăm lần này, các báo chí đều thuật lại lời quả quyết mạnh mẽ sau đây của ÐTC: "Khi nào tôi còn hơi thở, tôi còn lên tiếng".  Báo chí bình luận nhiều cách khác nhau như sau: "Dù mệt nhọc,  vì giới hạn của sức khỏe, đi lại khó khăn, nhưng Ðức Gioan Phaolô II nhất định không từ bỏ sứ mệnh của mình. Ðây là cách trả lời gián  tiếp cho những người nói đến "việc ÐTC từ chức", trong dịp mừng thượng thọ vừa qua, ngày  18.05/2002, ngày sinh nhật thứ 82 của ÐTC. "Ðây là những lời lời  nói lên dấn thân mới của ngài và dấn thân cho tới cùng. Nếu sức khỏe bắt buộc từ chức, thì ngài chỉ đầu hàng khi không còn hơi thở nữa mà thôi". "ÐTC cuơng quyết đến cùng, ít ra những ai ở bên cạnh ngài hiểu như vậy. Vì khi vừa bước vào máy bay, ÐTC liền nói với các vị trong đoàn tùy tùng như sau: "Lại một lần nữa, tôi buộc  các Vị ra đi với tôi".

Một điểm khác quan trọng cũng được các báo chí nhắc lại, là  những lời ÐTC nói lên những xác tín của ngài; chẳng hạn như :  "Tôi đến như sứ giả của hòa bình" (Lời ÐTC nói với Tổng thống cộng hòa Azerbaijan). "Ðừng bao giờ nhân danh Thiên Chúa để gây chiến tranh. Ðừng bao giờ  trần tục hóa  Thánh danh Ngài - Hãy tôn trọng nhau,  đừng  chấp nhận bất cứ hình thức cực đoan tôn giáo nào". "Không bao giờ được lợi dụng Thánh Danh Thiên Chúa để biện hộ cho những bạo lực" - ÐTC lớn tiếng kêu gọi: "Chiến tranh hãy ngừng đi! Ðức Gioan Phaolô II mệt nhọc, nhưng cương quyết theo đuổi các dấn thân của ngài. Năm 2001, ÐTC  viếng thăm Armêni, một quốc gia đang có chiến tranh với Azerbaijan. Năm nay ngài đến Azerbaijan, bên cạnh Armêni. Dĩ nhiên, đây như là một hành động gián tiếp nói với hai dân tộc láng giềng này  rằng: hãy chung sống trong hòa bình".

Tại Phủ Tổng thống, trong buổi gặp gỡ với Giới chính trị, Văn hóa, nghệ thuật, một lần nữa, ÐTC nhắc lại: "Tôi đến Azerbaijan như sứ giả của hòa bình. Ðừng nhân danh thánh danh Thiên Chúa, để chiến tranh. Ðừng trần tục hòa thánh danh Ngài".

Nhật báo "Tin Chiều" đề cao lời ca ngợi và cảm ơn của ÐTC dành cho các tín hữu Hồi giáo và Giáo hội chính thống. "Tôi xin ca ngợi các vị, hỡi các tín hữu Hồi giáo, vì tính cách hiếu khách quảng đại của các vị, một giá trị quí giá đối với tôn giáo và dân tộc của các Vị. Cảm ơn các vị, vì đã đón nhận các tín hữu thuộc các tôn giáo khác như anh chị em của các vị". Rồi ngài cảm ơn Giáo hội chính thống Azerbaijan  (-- chiếm 12%  dân số--), rất gần gũi và tùng phục Tòa Giáo chủ Nga.

Nhật báo  "Roma Thời Báo"  còn thuật lại sự kiện rất ý nghĩa sau đây: Trong cuộc gặp gỡ tại Phủ Tổng thống Azerbaijan với giới chính trị, văn hóa, nghệ thuật, đại diện các tôn giáo, có hai ca đoàn: ca đoàn nam hát bài "Gloria"  (Kinh Sáng danh) - ca đoàn nữ hát bài "Ave Maria" (Kinh Kính Mừng).. Cả hai ca đoàn dĩ nhiên gồm hầu hết  tín hữu Hồi giáo, vì đại đa số dân Azerbaijan theo tôn giáo này. Cả hai bài đều được Ðài Truyền hình Quốc gia Azerbaijan truyền trực tiếp. Nhật báo giải thích như sau: Dĩ nhiên để kính tặng Vị Thượng khách, nhưng đây cũng là một cử chỉ  không ai có thể nghĩ đến được, tại hầu hết các nước theo Hồi giáo.

Nhật báo "Tin Chiều"  thuật lại trong một bài vắn câu  chuyện sau đây với tựa đề: "Cái hôn tay của một đại tá công giáo, cựu sĩ quan của Hồng quân Liên xô".

Trong số các vị đến chào kính ÐTC tại Phủ Tổng thống, có một đại tá tên là Okolov, cựu sĩ quan của Hồng quân Liên xô, đến bắt tay  chào ÐTC, như các vị khác thuộc giới chính trị, văn hóa, nghệ  thuật. Ðại tá Okolov, không mặc quân  phục,  bắt tay cách kính cẩn và cúi rất sâu. Tổng thống Heidar Aliev,  một cựu đảng viên cộng sản trong Ủy ban lãnh đạo Ðảng cộng sản Liên xô, người đã chống đối đường lối ôn hòa của Chủ tịch Gorbaciov,  nay nói với  ÐTC về Ðại tá Okolov như sau: "Ðây là người công giáo". Như vậy, Okolov là một trong số 120 người công giáo của Azerbaijan. Tổng thống mời ông đến, để minh chứng tính cách đa tôn giáo và tự  do tôn giáo tại nước Ông.

Sau buỗi gặp gỡ này, Ðại tá tuyên bố cách hãnh diện: "Tôi nhớ  cách đây sáu năm, tại Baku (-- thủ đô Azerbaijan--) tôi được thấy một vị linh mục công giáo, sau 60 năm.   Vị linh mục này là người Ba lan, như ÐTC, tên là Leji Pilus. Vị linh mục tiền nhiệm ngài, là  cha Stefan Demurov,  bị một số phận hẩm hiu, là  bị đầy đi Siberia. Cả nhà thờ chính tòa Baku, được xây cất  do tiền dâng cúng của một phú gia  dầu hỏa, người Ba lan, bị  phá hủy trong những thập niên  30. Kiến trúc sư của nhà thờ này cũng là người Ba lan, tên là Ploshko, họa theo kiểu mẫu nhà thờ Notre-Dame  ở Paris. Thay thế nhà thờ này, người cộng sản Liên Xô  đã cho xây cất  câu lạc bộ  giải trí  của KGB. Câu lạc bôï này vẫn còn. Thay vì đi lễ, thỉnh thoảng tôi đi nghe hòa nhạc. Tôi là đại tá trong Hồng quân. Tôi được mời luôn. Ðiều này dễ hiểu. Không thể làm cách khác được? Lúc dó không bao giờ tôi có thể tưởng tượng được rằng: một ngày kia, tôi được chào kính ÐTC. Tôi đã được chào kính ngài tại đây, ở Baku này. Một điều hầu như không thể tin được!

Sáng thứ năm 23.5.2002, tại Tòa nhà thể thao của thủ dô Baku, ÐTC đã cử hành Thánh lễ cho cộng đồng bé nhỏ tại Azerbaijan. Theo dõi đài Truyền hình trực tiếp, chúng tôi thấy có khoảng hai ngàn người dự thánh lễ, chắc chắn có một số anh chị em công giáo đến từ những quốc gia lân cận.Thực sự người công giáo tại các quốc gia trước đây thuộc Liên xô chung quanh Azerbaijan rất thưa thớt. Ða số các người dự lễ chắc chắn có nhiều tín hữu Hồi giáo và chính thống, vì trong lúc cho rước lễ, linh mục thỉnh thoảng lại dừng lại hỏi người rước lễ,  để biết có phải là "tín hữu công giáo không". Người ngoài công giáo không được rước lễ. Ngoài đoàn tùy tùng của ÐTC, có khoảng 20 linh mục thuộc các quốc gia láng giềng đến đồng tế với ÐTC và đồng thời chia vui với  cộng đồng công giáo nhỏ bé tại Azerbaijan. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy Nhà cầm quyền cũng hiện diện trong thánh lễ.

Theo dõi những biến cố xẩy ra trong các chuyến viếng thăm, cách riêng trong chuyến viếng thăm của ÐTC tại các nước có số giáo dân công giáo quá ít, mà lại đã sống lâu năm dưới chế dộ cộng sản, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và ca ngợi Thiên Chúa: "Chúa thực cao cả, quyền phép vô biên. Chỉ mình Ngài có thể thay đổi tâm hồn con người, thay đổi thế giới. Công việc của Ngài thật kỳ diệu và vĩ đại!". Như đại tá Okolov tuyên xưng: Cách đây 60 năm có bao giờ tôi tưởng tượng được một ngày kia, tôi được kính chào ÐTC tại đây, tại Baku này, quê hương của tôi?

Theo dõi lễ nghi từ giã tại sân bay quốc tế Baku, nhiều người cảm phục thái độ hiếu khách, lịch sự của Tổng thống Heidar Aliev và các nhân viên Chính phủ Azerbaijan (nhiều vị trước đây thuộc Ðảng cộng sản Liên xô). Tổng thống nói với ÐTC như sau: "Chuyến viếng thăm của Ngài là chuyến viếng thăm lịch sử đối với dân tộc chúng tôi".  ÐTC viếng thăm Azerbajan có 24 tiếng đồng hồ mà thôi. Ông và các nhân viên trong chính phủ, Quốc hội, đứng nghiêm tại phi trường cho tới lúc máy bay của hãng hàng không "Azerbaijan"  chuyển bánh ra phi đạo. Ông vẫy tay chào ÐTC,  trong máy bay, rồi mới ra về.

Tất cả các lễ nghi tiếp đón dành cho ÐTC, không riêng tại các nước công giáo, đều đặc biệt long trọng. ÐTC không phải là một Vị lãnh đạo một Siêu cường trên thế giới. Nhưng các Vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đều công nhận rằng: ÐTC  là một vị lãnh đạo tinh thần uy tín nhất trên thế giới ngày nay. Ngài là sứ giả thực của hòa bình, của tình huynh đệ  giữa các dân tộc. Tiếng nói của ngài có ảnh hưởng sâu rộng nơi quần chúng, nơi các vị lãnh đạo quốc gia.

Tổng thống Bulgari tuyên bố  với đài Phát thanh Vatican, trong chương trình phát thanh bằng tiếng  Bulgari, rằng: "Tôi rất ước ao được ÐTC viếng thăm Bulgari, bởi vì đây là một việc công nhận lớn lao chiến thắng của nền dân chủ và là một sự ủng hộ hữu hiệu cho những ước vọng của chúng tôi hướng về Châu Âu. ÐTC còn hơn là một là Một Vị Quốc trưởng, hơn là một Vị Lãnh đạo tôn giáo, ngài là một biểu hiệu. Mỗi chuyến viếng thăm của ngài, đều trở nên một biến cố lịch sử cho Xứ sở Bulgari, một xứ sở đã bị liên lụy trong vụ mưu sát ÐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô , ngày 13 tháng 5, năm 1981. Vì thế, một lễ nghi đặc biệt đã được chuẩn bị để đón tiếp ÐTC đến phi trường Thủ Ðô Sofia, vào chiều tối thứ năm 26 tháng 5. Chúng tôi sẽ kể tiếp trong bài sau.

 


Back to Home Page