Bulgaria chờ đợi ÐTC viếng thăm

với niềm hy vọng

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chuyến viếng thăm mục của Ðức Gioan Phaolô II tại Cộng hòa Azerbaijan và Bulgaria: Bulgaria chờ đợi ÐTC với niềm hy vọng.

Sau một ngày viếng thăm Cộng hòa Azerbaijan (22-23/05/2002), chiều thứ năm 23/05/2002, ÐTC lên đường đi thăm Cộng hòa Bulgari. Máy bay chở ÐTC và đoàn tùy tùng đáp xuống sân bay Sophia (thủ đô)  lúc 18 giờ (giờ địa phương) (tức một giờ đêm Việt nam). Lễ nghi tiếp đón diễn ra tại Quảng trường Aleksandr Nevski. Sau đó, ÐTC về Tòa Sứ Thần nghỉ đêm.

 

Sau đây là chương trình ba ngày viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Bulgaria:

Sáng thứ sáu 24/05/2002 - lúc 9.30, ÐTC đến viếng thăm xã giao Tổng Thống cộng hòa BULGARI. Rồi ngài kính viếng Nhà thờ chính Tòa của Tòa Giáo chủ chính thống Bulgari, dâng kính hai Thánh Cirillo và Methodio, đặt vòng hoa bên  Ðài kỷ niệm kính hai Thánh Tông đồ Dân Tộc Slavô. Sau đó, ngài viếng thăm xã giao Ðức Giáo chủ Maxim và Thánh Hội nghị Giáo hội chính thống.

Ban chiều thứ sáu 24/05/2002 - lúc 17.30, ÐTC gặp Ðại diện Cộng đồng Do thái và  lúc 18.15, tại Tòa nhà Văn hóa, ngài gặp đại diện giới Văn hóa, Khoa học và Nghệï thuật.

Thứ bẩy 25/05/2002 - Ban sáng, ÐTC viếng thăm Tu viện Thánh Gioan tại Rila, cách thủ đô Sophia khoảng 120 cây số. Tại đây, ngài gặp Thủ tướng chính phủ Bulgari.

Ban chiều thứ bảy 25/05/2002: trở về Sophia, ÐTC gặp vị Giáo trưởng và một số đại diện Hồi giáo và đại diện các Giáo hội Kitô. Rồi kính viếng Nhà thờ chính tòa công giáo thuộc Lễ nghi Latinh và nhà thờ chính tòa công giáo thuộc lễ nghi Bizantino-Slavô.

Sáng Chúa nhật 26/05/2002 -  ÐTC đi Plovdiv, thành phố lớn thứ  hai, sau thủ đô Sophia và cách thủ đô 150 cây số, để cử hành thánh lễ,  lúc 10.15 tại Quảng trường trung tâm Thành phố. Trong Thánh lễ, ÐTC tôn phong lên bậc Chân phước Tử đạo, ba linh mục: (1) Kamen Vitchev, (2) Pavel Djidjov và (3) Josaphat Chichkov. Cả ba Vị đều thuộc Dòng Assumptioniste (Ðức Mẹ lên trời), bị bắn trong đêm 11 sáng ngày  12  tháng 11 năm 1952.

Ban chiều Chúa nhật 26/05/2002 -Trong nhà thờ chính tòa, ÐTC gặp giới trẻ.

Lúc 18.30 chiều Chúa Nhật 26/05/2002, lễ nghi từ giã tại sân bay Plovdiv. Máy bay chở ÐTC và đoàn tùy tùng đáp xuống phi trường quân sự Ciampino-Roma lúc 20 giờ Chúa Nhật 26/05/2002. Kết thúc chuyến viếng thăm quốc tế thứ 96 của ÐTC.

 

Cộng hòa Bulgaria chờ đợi ÐTC viếng thăm với niềm hy vọng.

Năm 1952, Bulgari thực hiện một cử chỉ mà không quốc gia nào thuộc Khối  Liên xô đã đám làm: lên án tử hình và xử bắn một vị Giám mục công giáo. Trong đêm 11 sang ngày 12 tháng 11, cách đây 50 năm, Ðức Cha Eugenio Bossilov, thuộc Dòng Passioniste, bị xử bắn công khai. Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên bậc Chân phước tử đạo tại Roma, ngày 15/03/1998. Cũng trong đêm này, cùng với Ðức Giám mục, có ba linh mục người Bulgari, thuộc Dòng Assumptionite (Ðức Mẹ lên trời) cũng bị xử bắn: Cha Kamen Vitchev, Cha Pavel Djdjov và Cha Josaphat Chichkov. Ba Vị tử đạo này sẽ được ÐTC cất nhắc lên danh dự bàn thờ Chúa nhật 26/05/2002, trong Thánh lễ cử hành tại Plovdiv.

Ðức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Bulgari: một biến cố lịch sử, gợi lên nhiều xúc động, đồng thời niềm hy vọng về tương lai. Bulgari gợi lại hính ảnh Chân phước Gioan XXIII, Vị đại diện đầu tiên của Tòa Thánh tại Sophia trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1934. Trong những ngày viếng thăm Bulgari, Ðức Gioan Phaolô II sẽ nghĩ tại Tòa Sứ Thần, do chính Ðức Sứ Thần Angelo Giuseppe Roncalli đã mua,  trong lúc ngài giữ chức vụ đại diện Tòa Thánh tại Bulgari. Cho tới lúc này, người dân Bulgari vẫn nhớ hình ảnh hiền từ, cử chỉ đơn sơ và cởi mở  của Vị Ðại diện của Tòa Thánh, sau này lên làm Giáo Hoàng, với tên hiệu Gioan XXIII. Ðức Gioan XXIII  là Vị Giáo Hoàng loan báo, chuẩn bị và khai mạc Công đồng chung Vatican II, để mở một con đường mới cho Giáo hội bước vào thế kỷ XXI và Ngàn năm thứ ba.

Cộng đồng công giáo Bulgari chiếm có 1% (khoảng 80 ngàn) dân số toàn quốc,  gồm gần 8 triệu, trong đó có 86% thuộc Giáo hội chính thống - 13% theo Hồi giáo. Giáo hội công giáo được chia thành 4 giáo phận, do 5 Giám mục quản trị, với sự cộng tác của 17 linh mục giáo phận và 34 linh muc Dòng - 86 nữ tu và 68 giáo lý viên.

Giáo hội công giáo Bulgaria là một Giáo hội thở bằng hai lá phổi, hoàn bị lẫn nhau: Lễ nghi Latinh và lễ nghi Bizantino-Slavô. Giáo hội này còn là một trong các Giáo hội bị bách hại dữ dội hơn cả trong thời kỳ dưới chế độ cộng sản Liên xô.

Chuyến viếng thăm của ÐTC là một cuộc hành hương có giá trị cao về hiệp nhất với 86% theo Giáo hội chính thống, và về đối thoại với 13% theo Hồi giáo. Tại đây, Vị Giám mục Roma, Kế nghiệp  Thánh Phêrô, ôm hôn vị Giáo chủ chính thống Bulgari, Ðức Maxim và gặp các thành viên của Thánh hội nghị chính thống. Ngài sẽ viếng thăm Tu viện Thánh Gioan tại Rila, rất cổ kính của Giáo hội chính thống. Những cuôïc gặp gỡ có tính cách đại kết trùng hợp với Ngày Lễ kính hai Thánh Cirillo và Methodio, Tông Ðồ dân Slavô, được dân chúng Bulgari tôn kính cách đặc biệt, bởi vì hai Thánh anh em này là những nhà truyền giáo đầu tiên đem Tin Mừng  cho dân tộc Bulgari. Hai thánh Tông đồ nầy cũng là những vị tiên phong và là dấu hiệu của hiệp nhất và hiệp thông giữa hai thế giới Tây và Ðông, giữa hai nền văn hóa Latinh và Hy lạp. Hai Thánh Tông đồ còn là những vị tiên phong trong việc hội nhập Phúc Âm vào các nền văn hóa địa phương, bằng việc lập chữ viết riêng cho dân chúng tại đây, và phiên dịch Thánh Kinh và nhiều Sách phụng vụ ra tiếng địa phương.

Chuyến viếng thăm Bulgaria và nhất là Lễ Phong Chân phước cho ba Vị Tử đạo tại Plovdiv, nhắc lại cho mọi người tưởng nhớ đến các tín hữu Kitô  bị bách hại và bị giết, từ năm 1944, lúc chế độ cộng sản lên cầm quyền. Tại Bulgari cũng như tại các quốc gia miền Trung-Ðông Âu, thuộc Khối Liên xô, tín hữu công giáo cũng như chính thống,  đã biết rõ chế độ cộng sản, vì họ là nạn nhân của các cuộc bách hại trong hơn nửa thế kỷ. Những đau khổ này làm cho họ hiểu nhau hơn và lại gần nhau hơn, hiệp nhất với nhau hơn, để bảo vệ đức tin, cộng tác với nhau trong việc tái thiết quốc gia, trên nền tảng các giá trị cao quí của dân tộc và của tôn giáo.

Sự hiệp nhất trong việc làm chứng cho cũng một đức tin Kitô  của các tín hữu công giáo, chính thống và tin lành, là một tiếng nói mạnh mẽ hơn tất cả các chia rẽ trong quá khứ. Nhìn ngắm gương anh hùng các Vị Tử đạo (công giáo, chính thống, tin lành) nạn nhân của chế độ cộng sản vô thần, người dân Bulgari chờ đợi chuyến viếng thăm của ÐTC với niềm hy vọng mới: phục hưng các giá trị tinh thần, đạo đức và tôn giáo đã bị mất đi hoặc bị lu mờ trong thời kỳ đen tối.

Ngoài ra, người dân Bulgaria, với chuyến viếng thăm của ÐTC,  hướng về Châu Âu thống nhất. Tự do trong chân lý  là con đường duy nhất, để có thể lấy lại các giá trị tốt lành, truyền thống cổ kính của dân tộc, để đem lại hy vọng cho các gia đình, cho thế hệ trẻ và cho tương lai Xứ sở , vừa thoát chế độ cộng sản vô thần, với biết bao vấn đề phải giải quyết: chính trị, xã hội, kinh tế.

Trong công việc tái thiết quốc gia, Giáo hội công giáo, tuy nhỏ bé,  sẵn sàng cộng tác và góp phần phục vụ Quê hương. Người công giáo biết rằng: Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II nhằm củng cố đức tin của họ, nhưng cũng để xác nhận giá trị của sự hiệp nhất và của sự trung thành. Biết bao người công giáo bị giết, bởi vì họ trung thành và hiệp thông với Chúa Kitô, với Giáo hội và với Vị Kế nghiệp Phêrô. Sau những đêm đen tối giá lạnh của Mùa Ðông, chắc chắn sẽ tới ngày tươi sáng và nóng ấm của Mùa Xuân. Giáo sư Marco Semov của Ðại học Sophia, nổi tiếng về Tâm lý quần chúng, quả quyết như sau: "Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II là một biến cố lịch sử, và vì là biến cố lịch sử, nên không thể chỉ giới hạn trong ba ngày. Ðây là một trong các biến cố ý nghĩa hơn cả của những thập niên vừa qua trong đời sống chính trị, xã hội và thiêng liêng của Ðất nước. Nhưng, nhất là, về phương diện tôn giáo, nó sẽ để lại một dấu vết sâu xa trong các tâm hồn". Giáo sư nói tiếp: "Dù đang sống trong tình trạng của nghèo nàn về vật chất và tinh thần, Bulgari đã đang tiến trên con đường của mình và Châu Âu đã quan sát và đã thấy. Ðiều này có nghĩa là Xứ sở chúng tôi đã có một địa vị mới trên bản đồ Châu Âu. Cả chúng tôi nữa, chúng tôi phải tin rằng: Vị Thượng Khách đến viếng thăm Bulgaria vì ích lợi của chúng tôi".

 


Back to Home Page