ÐHY Carlo Maria Martini

nói về Ngày cầu nguyện

cho hòa bình thế giới tại Assisi

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐHY Carlo Maria Martini nói về Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi.

ÐHY Carlo Maria Martini, một trong số hơn 20 Hồng Y tham dự Ngày cầu nguyện  cho hòa bình tại Asissi, hôm 24 tháng Giêng (2002), do ÐTC Gioan Phaolô II triệu tập, với sự tham dự của 46 phái đoàn các Giáo hội Kitô và các Tôn giáo lớn thế giới,  đã nói về biến cố  lịch sử này trên nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire) số ra ngày  Chúa nhật 27.01.2002, trong một bài viết có tựa đề là: "Tôi tường thuật ngày Assisi của tôi".

ÐHY Carlo Maria Martini, năm nay gần 75 tuổi, được bổ nhiệm làm TGM Milano năm 1979, thăng Hồng Y năm 1983. Ngài là một trong các Hồng Y nổi tiếng nhất, không những tại Ý, nhưng trên cả thế giới Công giáo, nổi tiếng không những về tài đức, nhưng còn về sự thông thái sâu rộng. Ngài là một trong các vị chủ chăn coi sóc  một trong số các giáo phận lớn nhất trên thế giới: Giáo phận Milano, gồm hơn 5 triệu tín hữu, hơn một ngàn giáo xứ lớn nhỏ và hơn hai ngàn linh mục. Milano là thành phố kỹ nghệ và - như nhiều người nói -  nuôi sống cả nước Ý. Tổng giáo phận Milano trong thế kỷ 20 vừa qua đã cung cấp cho Giáo hội hai vị Giáo Hoàng: Ðức Pio XI (1922-1939) và Ðức Phaolô VI (1963-1978). ÐHY Martini cũng được dư luận quần chúng coi là "một trong các Vị  có thể được chọn làm Giáo Hoàng". Nhưng có lẽ ngài sẽ không lên làm Giáo Hoàng, vì sắp đến tuổi hồi hưu. Ngài đã đệ đơn xin từ chức lên ÐTC và quyết định trở lại Thánh địa, để tiếp tục nghiên cứu về Kinh Thánh. Trước khi làm Hồng Y TGM Milano, ngài là giáo sư Kinh Thánh và Viện trưởng Học viện Thánh Kinh ở Roma, rồi  Viện trưởng Ðại học Gregoriana của Dòng Tên, vì ngài cũng là một Linh mục Dòng Tên. Với trách nhiệm nặng nề về một Giáo phận rộng lớn như vậy, ÐHY còn có thì giờ để viết và cho xuất bản nhiều sách về các đề tài Kinh Thánh. ÐHY Martini còn là một trong các vị cổ võ sự hiệp nhất và đối thoại với các Giáo hội Kitô và các tôn giáo. Cách đây ba năm ngài đã đón tiếp cuộc gặp gỡ giữa các Giáo hội và Tôn giáo tại Milano, do Cộng đồng Sant' Egidio tổ chức, theo tinh thần Assisi. Ngoài ra,  ÐHY còn tham dự các cuộc gặp gỡ ngoài nước, cũng do Cộng đồng này tổ chức hằng năm, để tiếp tục tinh thần Assisi, do ÐTC khởi xướng từ năm 1986.

Sau đây là bài tường thuật của ÐHY Carlo Maria Martini đăng trên nhật báo "Tương Lai":

"Cuộc gặp gỡ Assisi trong những ngày vừa qua (24-25/01/2002), theo lời mời của ÐTC, đã cho thấy các đại diện của các Giáo hội Kitô, không phải Công giáo,  và của các tôn giáo lớn trên thế giới tụ họp tại đây. Cuộc gặp gỡ này là một biến cố đặc biệt và ý nghĩa của nó còn phải được đào sâu thêm nữa. Tham dự cuộc gặp gỡ này đối với tôi  thực là một ơn lớn lao.

Chúng tôi cùng nhau lên đường - các giám mục và các vị khách - cùng với ÐTC, trên chuyến tầu từ Vatican. Ðây đã là một kinh nghiệm tốt đẹp rồi, bởi vì chúng tôi bắt đầu tiếp xúc và quen biết nhau.

Ngày gặp gỡ - như mọi người biết - được chia thành ba lúc khác nhau. Trước hết, các vị lãnh đạo nói lên chứng tá riêng của mình về hòa bình. Rồi, ÐTC đọc diễn văn, trong đó ngài nêu lên những lý do của cuộc gặp gỡ và nhất là ngài tái xác nhận điều ngài quan tâm hơn cả, đó là "không thể có chiến tranh tôn giáo - chiến tranh không phát xuất bởi tôn giáo - bạo lực không phát xuất bởi tôn giáo -  khủng bố không phát xuất bởi tôn giáo và tất cả các tôn giáo có thể và phải tôn trọng nhau". Hơn nữa đây là những đề tài quan trọng, nhất là sau ngày 11 tháng 9 năm 2002, được ngài luôn luôn nhắc lại".

ÐHY viết tiếp như sau: "Không thiếu những học giả thời ta dự đoán cho ngàn năm thứ ba này những chiến tranh về văn hóa, thậm chí về tôn giáo nữa. Với tất cả sức mạnh, Ðức Gioan Phaolô II muốn tỏ cho thế giới biết: không như vậy và không phải  như vậy, có thể không xẩy ra như vậy; các tôn giáo trái lại là nguồn mạch của hòa bình và của tha thứ, bằng việc đối thoại giữa các tôn giáo với nhau,  dù có những khác biệt  nhau. Và thực sự, tại Assisi, ÐTC đã nhấn mạnh nhiều đến điểm này: "Chúng ta muốn cho thế giới biết rằng: tâm tình thành thực của cầu nguyện không đưa đến lập trường đối chọi nhau và càng không đưa đến sự khinh miệt nhau, nhưng trái lại đưa đến việc đối thoại xây dựng, trong đó mỗi người,  không để mình đi đến, bất cứ bằng cách nào, thuyết tương đối hay hổn hợp tôn giáo, trái lại ý thức rõ ràng về chứng tá và về việc rao giảng". Và còn hơn nữa: "Ðây là giờ phút vượt qua  cách cương quyết những cám dỗ xưa kia của thù địch, đã xẩy ra trong lịch sử của nhân loại, cả trong lịch sử tôn giáo nữa".

Sau diễn văn, đến buổi cầu nguyện: các đại diện của mỗi tôn giáo cầu nguyện riêng theo thể thức và kinh nguyện của mình. Và đây là giờ phút chính của ngày cầu nguyện cho hòa bình. Tại Assisi, mọi người đều cầu nguyện cách riêng cho hòa bình. Và điểm chót của cầu nguyện là một trong các sứ điệp nổi bật hơn cả của cuộc gặp gỡ này. Bởi vì cầu nguyện cho hòa bình, trước hết tức là tín nhiệm vào Thiên Chúa và phú thác cho Người. Trong dịp Ðầu năm Dương lịch ÐTC đã nhấn mạnh đến giá trị của việc lựa chọn này: "Việc cầu nguyện cho hòa bình không phải là một yếu tố đến sau dấn thân cho hòa bình, trái lại việc cầu nguyện ở chính trung tâm của nỗ lực  xây dựng hòa bình trong trật tự của công lý và tự do. Cầu nguyện cho hòa bình có nghĩa là mở rộng tâm hồn con người cho sự xâm nhập của quyền năng canh tân của Thiên Chúa".

ÐHY Martini kể  tiếp như sau: "Ban chiều, đây là lúc nói đến các dấn thân chung. Tất cả các đại  diện các Giáo hội Kitô và các tôn giáo đều tham dự, cùng với đám đông thanh niên. Nhưng nhất là hình ảnh của ÐTC là một hình ảnh thực nổi bật. Tôi nghĩ đi nghĩ lại trong mình: đây thực là một việc thi hành quyền tối cao của ÐTC, không những quyền tối cao theo pháp luật đối vối Giáo hội công giáo, nhưng còn cả một quyền tối cao về danh dự và về uy tín đối với các Giáo hội không phải công giáo,  đã nhận lời mời của ngài và đối với cả các Tôn giáo nữa, có thể các đại diện này không chấp nhận lời triệu tập của một ai khác. Dĩ nhiên trong sự khiêm tốn của ngài, ÐTC ngồi tại cũng một lễ đài như các vị các vị lãnh đạo tôn giáo khác, nhưng chính ngài giữ địa vị trung tâm và uy tín của ngài tạo nên một hình thức cho việc tham khảo của thế giới. Và vì ngài đại diện một sự việc quan trọng này: lần thú nhất trong lịch sử tất cả thế giới tôn giáo công nhận Vị Giáo Hoàng Roma như điểm  tham khảo và quy tụ, công nhận ngài như người có khả năng làm cho suy tư về các vấn đề quan trọng đang gây lo lắng và đau khổ cho nhân loại".

Ðức TGM Milano kết thúc bài viết như sau: "Biến cố Assisi thực là một biến cố nổi bật. Biến cố này giờ đây được trao lại không những cho lịch sử mà thôi, nhưng nhất là cho đức tin của chúng ta, để có thể mời gọi chúng ta kiên trì trong việc cầu nguyện cho hòa bình, trao lại  cho đời sống chúng ta, để chúng ta nuôi dưỡng trong tâm hồn những tâm tình về dối thoại, về công lý và về tha thứ".

 


Back to Home Page