Lễ Thượng thọ

sinh nhật thứ 82

của ÐTC Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Lễ Thượng thọ sinh nhật thứ 82 của ÐTC Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia - 18/05/2002) - Hôm thứ bẩy 18/05/2002, ngày sinh nhật của Ðức Gioan Phaolô II.

Ngoài việc cầu nguyện, trong những ngày này, các lời chúc mừng từ khắp nơi trên thề giới được gửi về Roma, cá nhân cũng như đoàn thể, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, từ các Quốc trưởng, Thủ tướng, các Hồng Y, Giám mục... đến người dân thường. Trong chuyến viếng thăm tại giáo phận Hải Ðảo Ischia (trong Ðịa Trung hải) của Cộng hòa Ý,  Chúa nhật 5 tháng 5 năm 2002, 10 ngàn thanh niên nam nữ và trẻ em đã dâng tặng ÐTC một "chiếc bánh sinh nhật" nặng 35 kí. ÐTC cảm ơn tâm tình quí mến của giới trẻ, rồi ngài nói khôi hài như sau: "Phải có sức ăn mạnh mẽ của thanh niên mới có thể tiêu thụ hết chiếc bánh "khổng lồ" này được. Giới trẻ thích thú vỗ tay hoan hô và hát bài: "Tanti Auguri, tanti Auguri, tanti Auguri a Te" (Chúc mừng ÐTC, chúc mừng ÐTC, chúc mừng ÐTC vạn an, vạn phúc).

Trong buổi tiếp kiến chung thứ tư 15/05/2002, đáp lại lời chúc mừng của các đoàn hành hương đến từ khắp thế giới tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC nói như sau: "Cha tận  tình cảm ơn mọi người về các lời chúc mừng và các lời cầu nguyện gửi đến Cha, nhân ngày sinh nhật của Cha.  Cha cũng tin cậy vào sự nâng đỡ thiêng liêng của anh chị em, để tiếp tục cách trung thành Thừa tác vụ mà Chúa đã trao phó cho Cha. Một lần nữa, xin hết lòng cảm ơn". (L' Osservatore Romano 15/05/2002).

Ðức Karol Wojtyla sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920, tại Wadowice,  trong tỉnh Cracovia (Krakow), miền Nam Ba Lan, trong gia đình trung lưu, rất đạo đức. Cha là sĩ quan, Mẹ là một tín hữu công giáo thành tín. Ngoài Karol, hai ông bà còn có một người con trai khác, tên là Edmund,  sinh trước Karol, là bác sĩ, nhưng bị nhiễm dịch chết trong lúc hành nghề tại Varsovie. Lúc 9 tuổi, Karol bị mồ côi mẹ. Hai cha con thu xếp dọn nhà lên Thị xã Cracovia, để Karol có thể theo học dễ dàng tại Trung và Ðại học. Hồi 20 tuổi, trong lúc đang học, Karol lại bị mồ côi cha. Karol phải vừa lo học, vừa lo làm việc để tự túc. Chúa Quan phòng đã an bài mọi sự, Karol mồ coi, không còn thân nhân nào trong gia đình, để sau này trở thành người cha của đại gia đình công giáo.

Sau khi học hết Ðại học, Karol xin vào chủng viện của Tổng giáo phận Cracovia, trong những năm Ba lan bị quân đội Ðức Quốc xã chiếm đóng. Ðể chuẩn bị vào Ðại chủng viện, Karol phải học thêm Latinh. Hằng ngày sau giờ làm việc, Karol đến nhà một linh mục người bạn, để cha dạy thêm Latinh. Một hôm vào lúc 10 giờ đêm, ra khỏi nhà Cha giáo, trời tối nghịt, xe chở quân đội Ðức đụng vào Karol. Té ngã, bất tỉnh.  Cha giáo dạy Latinh không thấy Karol đến học nữa. Cha chạy tìm hỏi, lúc đó mới biết Karol đang nằm trong nhà thương. Cha đến thăm, thấy Karol bị băng bó nơi đầu. Cha hỏi tại sao vậy? Karol trả lời: "Từ nhà Cha ra ngoài đường, xe nhà binh  đụng vào. "Vậy ai đưa anh vào đây? - Không biết, nhưng con thấy có một bà chạy đi kêu xe cứu thương, xe đến và chở con vào đây. Cho tới lúc này, con không biết và không nghe gì về bà này nữa". Khi Karol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng, cha giáo dạy Latinh viết một cuốn sách về Vị Giáo Hoàng mới, trong đó cha có kể lại câu chuyện Karol bị tai nạn xe hơi xưa kia. Mọi người phải công nhận Ðức Trinh Nữ Maria đã cứu Karol và chuẩn bị Karol sau này lên làm Giáo Hoàng. Vì thế, đời của Ðức Karol Wojtyla là đời yêu mến và hoàn toàn hiến thân cho Mẹ  "Totus Tuus" (Trọn cả con thuộc về Mẹ). Sau nầy, ÐTC cũng đã xác tín là  chính Ðức Maria đã cứu ngài trong vụ mưu sát ngày 13/05/1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Học xong tại Chủng viện, Karol được phong chức Linh mục cách âm thầm trong nhà nguyện của ÐHY Tổng giám mục Cracovia, ngày mùng một tháng 11 năm 1946, Lễ Các Thánh Nam Nữ. Ngày hôm sau, lễ các Linh hồn, Cha được phúc dâng ba thánh lễ "mở tay" trong hầm nhà thờ chính tòa Cracovia.

Năm 1947, ÐHY TGM Cracovia gửi cha Karol Wojtyla đến Roma học tại Ðại học Angelicum của các Cha Ða minh và tại đây Cha đậu tiến sĩ Thần học. Trong lúc theo học tại Thủ đô Giáo hội, trong các kỳ nghỉ hè, Cha Karol thường đi  Pháp, Bỉ để giúp các cộng đồng công giáo Ba lan tị nạn ra ngoài nước.

Trở về Ba lan, Cha Karol được bổ nhiệm làm cha phó, rồi làm tuyên úy sinh viên và làm giáo sư Ðại học công giáo Lublino, Ðại học công giáo duy nhất tồn tại, cả trong thời kỳ cộng sản cầm quyền tại Ba lan.

Kỳ hè năm 1958, trong lúc đi nghỉ với sinh viên,  Cha được ÐHY Stefan Wyszynski gọi về Varsovie. Tới nơi, ÐHY Giáo chủ trao cho cha sắc chỉ bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Cracovia. Lễ tấn phong được cử hành ngày 28 tháng 9 năm 1958. Ngày 13.01.1964, Ðức Cha Karol Wojtyla được thăng Tổng Giám mục Cracovia và ngày 27 tháng 6 năm 1967, Ðức Phaolô VI thăng ngài lên Hồng Y.

Trong thời kỳ Công đồng chung Vatican II, Ðức Cha Karol Wojtyla đã tham dự tất cả bốn khóa họp. Ngài có nhiều công trong việc soạn thảo Hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" (Gaudium et Spes)  nói về sự hiện diện của  Giáo hội trong thế giới. Ngoài ra,  ngài còn là thành viên của nhiều Bộ và Hội đồng Tòa Thánh thuôīc Giáo Triều Roma.

Cũng trong những năm tại Roma, Cha Karol đã đến San Giovanni Rotondo gặp Cha Pio và xưng tội với ngài. Trong thời kỳ Công đồng, Ðức Cha Karol lại có dịp tiếp xúc với Cha Pio, nổi tiếng thánh thiện và làm nhiều phép lạ. Một Nữ giáo sư (hiện còn sống) mẹ của bốn người con còn nhỏ, mắc chứng ung thư, viết thư cho Ðức Cha Karol lúc đó đang tham dự Khóa họp của Công đồng ở Roma, xin cầu nguyện. Ðọc thư xong, Ðức Cha suy nghĩ và rồi viết ít hàng bằng tiếng Latinh cho Cha Pio, sai người đem đến trao tận tay cho Cha tại San Giovanni Rotondo, cách Roma hơn 300 cây số về phía nam.  Ðọc xong, với nét mặt suy tư, Cha Pio nói: "Ðây là một việc quan  trọng". Một tuần sau, Ðức Cha Karol nhận được thư của bà báo tin đã được lành mạnh, để lo lắng cho bốn đứa con nhỏ. Bà xin hết lòng cảm ơn Ðức Giám mục và Cha Pio . Ðức Cha Karol lại viết thư một lần nữa cho Cha Pio, để cám ơn ngài.  Bà giáo sư này vẫn còn sống và hằng năm trong các kỳ hè, cùng với người chồng (cũng là giáo sư) và các con, các cháu đến trại hè Castegandolfo kính thăm ÐTC và nghỉ ít tuần tại đây. Bức thư của Ðức Cha Karol và của Cha Pio đã được báo chi Ý đăng lại. Người viết bài này đã đọc và cũng đã được gặp Bà Giáo sư tại Castelgandolfo.

Ngày 18/05 Năm Thánh 2000, hơn tám ngàn linh mục từ khắp thế giới tuốn về Roma tham dự Ngày Toàn Xá và cũng để cùng nhau mừng Thượng thọ ÐTC,  bằng Thánh lễ đồng tế với Ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô. Một quang cảnh đáng ghi nhớ chưa hề thấy tại Roma, với con số linh mục đông đảo như vậy tụ họp chung quanh Người Cha chung của toàn Giáo hội và để cùng nhau tuyên xưng đức tin, tuyên xưng lòng trung thành với Giáo hội, đã được Chúa Giêsu thiết lập trên Tảng đá "Phêrô".

Mỗi lần mừng Thuợng thọ của ÐTC, báo chí thắc mắc đặt ra câu hỏi này: Liệu ÐTC có từ chức không? Lần này cũng như mấy lần trước đây, một số báo chí cũng đặt ra câu hỏi trên đây. Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin trích lại lời ÐTC Phaolô VI trả lời với Giáo sư Jean Guiton, triết học gia Công giáo nổi tiếng người Pháp, bạn thân của Ðức Phaolô VI.  Câu hỏi như sau: "ÐTC đã ấn định hạn tuổi cho các Giáo sĩ cấp cao (Hồng Y, Giám mục...) từ chức lúc đầy 75 tuổi. Vậy ÐTC có từ chức lúc đến tuổi này không? - Lúc đó, Ðức Phaolô VI đã trả lời như sau: "Một người Cha trong gia đình không bao giờ từ chức."

Về việc từ chức của ÐTC, chúng ta hãy nghe Ðức Hồng Y Jozef Ratzinger, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, một Vị Hồng Y nổi tiếng nhất hiện nay của  Giáo Triều và một cộng tác viên rất trung thành và đắc lực của ÐTC, tuyên bố trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho tờ tuần báo công giáo Ðức (Munchner Kirchen Zeitung). ÐHY nói: "Về điểm này, tôi không bao giờ được chất vấn cả. Và trong trường hợp cảm thấy không còn có khả năng tiếp tục nữa, lúc đó chắc chắn sẽ có việc từ chức. Nhưng, cho tới  lúc nào giá phải trả sẽ là những đau khổ phải chịu, thì ÐTC sẽ đương đầu đến cùng". ÐHY nói thêm: "Ðức Wojtyla nói ít hơn, nhưng hết sức lắng nghe và đặt ra những câu hỏi, do đó chúng ta thấy rằng ngài sáng suốt như thế nào".

Câu hỏi tương tự về từ chức cũng được đặt ra cho ÐHY Oscar Rodriguez Maradiaga, TGM Tegucipalga, thủ đô Honduras (Trung Mỹ châu) đến Roma trong dịp này, để lãnh Tiến sĩ danh dự về Khoa giáo dục, do Ðại học Salesien cấp. ÐHY trả lời: "Nếu trong trường hợp không thể tiếp tục thi hành Thừa tác vụ vì lý do sức khỏe, chắc chắn ngài có can đảm từ chức".

Lập trường của hai ÐHY không phải mới lạ gì. Bộ Giáo luật đã đề phòng trường hợp như vậy có thể xẩy ra.

Trả lời câu hỏi trên đây, Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, tuyên bố với giới báo chí: "Tại Vatican không phải là vấn đề đem ra thảo luận. Ðiều ÐTC nói lên, không phải một năm nay, một tháng nay, nhưng là mới hôm  thứ tư  15.5. 2002,  trong buổi tiếp kiến chung vẫn có giá trị.  Lúc đó, cám ơn các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến, ÐTC xin cầu nguyện để có thể tiếp tục cách trung thành Thừa tác vụ mục vụ, cho tới khi nào Chúa muốn".

 


Back to Home Page