ÐTC khoản đãi các Vị tham dự
Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới
tại Assisi (24-25/01/2002)
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC khoản đãi
các Vị tham dự Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại
Assisi.
Sau cuộc gặp gỡ
cầu nguyện tại Assisi ngày 24 tháng giêng năm 2002, lúc 18:30,
ÐTC và tất cả các vị tham dự trở về Vatican trên chuyến tàu
lịch sử Roma-Assisi-Roma. Các Vị đại diện các Giáo hội và Tôn
giáo trong những ngày đến Roma, được tiếp đãi lịch sự tại
Cư xá Santa Marta, và tại một hai tòa nhà trong Nội Thành
Vatican.
Trước khi các
vị này lên đường trở về Quê hương, lúc 13 giờ thứ sáu
25/01/2002, ÐTC mời các vị dùng bữa thân mật trong Phòng Khánh
tiết được gọi là "Sala Ducale". Ðây là một phòng rộng
lớn, thời xưa vẫn được dùng cho các dịp long trọng: tiếp
các vua chúa, các quốc trưởng đến viếng thăm Vatican - hội
nghị Hồng Y để bổ nhiệm Hồng Y mới, trao tước hiệu nhà thờ
và phù hiệu Hồng y cho các
vị vừa được bổ nhiệm -
hội nghị Hồng Y để quyết định tôn phong lên bậc Chân phước
hay Hiển Thánh... Ngày nay, lễ nghi trao tước hiệu nhà thờ,
sắc bổ nhiệm và phù hiệu Hồng y diễn ra tại Thính đường
Phaolô VI hoặc tại Quảng trường Thánh Phêrô, như lần bổ
nhiệm 44 Hồng y đầu năm 2001.
Nhật báo
Corriere della sera viết: "ÐTC không thể tiếp các phái đoàn tại
một nơi nào khác hơn "Sala Ducale", vì đây là một Phòng
Khánh tiết sang trọng và uy tín hơn cả của Phủ Giáo Hoàng, hơn
nữa Phòng này rộng đủ để đón tiếp gần 300 vị được mời.
Trưa thứ sáu
25/01/2002, Sala Ducale trở nên phòng "Tiệc", nơi ÐTC khoản đãi
các vị đại diện các Giáo hội và tôn giáo đã đáp lời
mời tham dự Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới và dấn
thân chung từ nay trở đi cổ võ hòa bình, tình huynh đệ giữa
các dân tộc và các tôn giáo. "Tôn giáo không thể và
không được phép trở nên lý do tranh chấp, trái lại phải
rao giảng các giá trị cao siêu. Tôn giáo phải rao giảng công
lý và hòa bình."
Trong Phòng Khánh
Tiết này được đặt 14 bàn tròn; trên mỗi bàn đặt một bình
hoa mầu trắng và vàng (mầu cờ Vatican); mỗi bàn có 10 vị khách
và một bàn hình chữ U ở cuối phòng, dành cho ÐTC và bốn
vị Giáo chủ của các Giáo hội Ðông phương: Ðức Bartolomeo
đệ nhất, Giáo chủ chính thống đại kết Constantinopoli - Ðức
Gennadios, TGM-Giáo Tỉnh các tín hữu chính thống tại Ý - Ðức
Emmanuel, GM chính thống, Giám đốc Văn phòng Giáo hội chính thống
bên cạnh Cộng đồng Châu Âu - Ignace Hazim, Giáo chủ Hy lạp-chính
thống Antiochia và cả miền Ðông. Bên cạnh hai vị sau cùng này
là ÐHY Sodano, Quốc Vụ Khanh và ÐHY Kasper, chủ tịch Hội đồng
Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô - rồi
Ðức Mar Dinka, Giáo chủ Giáo hội Assira - Ðức Anastasio, TGM giáo
hội chính thống Albania - một vị đại diện Ấn giáo và Tiến sĩ
Kaiser, Tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô tại
Genève, gồm khoảng 350 giáo hội khác nhau (Giáo hội công giáo
không là thành viên, mà chỉ gửi một quan sát viên trường
trực mà thôi) và Vị đại diện Giáo hội Anh giáo.
Truớc bữa ăn,
ÐTC đọc diễn văn vắn tắt bằng tiếng Anh. Ngài cảm ơn
các vị đại diện đã đáp lại lời mời đến tham dự
Ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi. Rồi ngài nói thêm:
"Từ các đồi miền Umbria chúng ta trở về các đồi của
Roma và với niềm vui lớn lao, tôi chào mừng các ngài trong nhà này
là nhà ở của tôi. Cửa nhà này luôn luôn mở ra cho mọi
người và các ngài hôm nay đây ngồi tại bàn ăn này không
phải như người xa lạ, nhưng như những người bạn hữu.
Assisi và Roma. Phanxicô và Phêrô: là những nơi và những người
khác nhau, nhưng tất cả là những nơi, những người rao giảng
cùng một sứ điệp hòa bình mà các Thiên sứ đã hát lên
tại Belem: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới
thế cho người Chúa yêu thương". Và đây cũng như một dấu
hiệu của các người đồng bàn đến từ các nơi khác nhau,
nhưng hiệp nhất trong dấn thân chung cho lý tưởng hòa bình. Dấn
thân này, một dấn thân phát
xuất bởi lòng sùng đạo thành thực, chắc chắn là cái mà
Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta. Và đây chính là cái mà
thế giới tìm kiếm nơi các người theo các tôn giáo. Dấn
thân này là nguồn hy vọng mà chúng ta có thể đem đến trong
giờ phút đặc biệt này cho toàn nhân loại".
Một diễn văn
vắn tắt, nhưng mang ý nghĩa sâu xa, đã được các vị hiện
diện vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Việc đón nhận lời của
ÐTC cũng là một dấu hiệu hứa hẹn trong tương lai.
Qua đài truyền
hình, mọi người đều chúng kiến trong ngày cầu nguyện cũng
như trong buổi gặp nhau tại Vatican, một bầu khí thân mật giữa
ÐTC và các vị đại diện: những cái bắt tay khăng khít, những
cái vỗ vai thân mật, những cái ôm hôn nhau...
Ðây là những cử chỉ nói lên cách hùng hồn không
thể có sự thù ghét giữa các tôn giáo, không thể có
chiến tranh nhân danh Thiên
Chúa. Trái lại nói lên cho thế giới biết: bao lâu con người
tuyên xưng rằng: hòa bình
của nhân loại khởi sự có, lúc mà mọi người cùng khẩn
cầu Thiên Chúa, dù con người có những tín ngưỡng khác
nhau."
Mời gọi các
vị đại diện các Giáo hội và các Tôn giáo, như Cha Federico
Lombardi, Giám đốc chương trình đài Vatican và Giám đốc Trung
tâm truyền hình Vatican, nói: "ÐTC đã biết giải thích và nói
lên những ước vọng chính đáng
của người dân và của nhân loại, ngày nay đang chờ
đợi ơn hòa bình và niềm hy vọng về một tương lai
tốt đẹp hơn". Nhật báo L' Osservatore Romano viết: "Không
lời tuyên ngôn nào về hòa bình hướng theo ý thức hệ -
không ai cảm thấy sự khác biệt nào, dù chỉ một chút thôi,
về thiện chí của các vị tham dự ngày cầu nguyện, tuy
có sự khác biệt về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, mầu da".
Cha Bernardo Cervellera, Giám đốc Hãng
thông tấn quốc tế Fides, tuyên bố: "Thuyết cuồng tín
tôn giáo bị đánh bật. Giờ đây cần phải tránh khỏi thuyết
tục hóa và ý thức hệ
chủ trương coi tôn giáo là cặn bã của quá khứ". Tôn giáo
là cái gì gắn liền với bản
tính con người. Con người thời xưa cũng như thời nay đều
cần đến tôn giáo. Không có tôn giáo, tức sẽ không còn
các giá trị cao quí nữa.
Hảng tin Fides
cũng xác nhận thái độ hòa giải của Giáo hội chính thống
Nga trong dịp này, về phía
Ðức TGM Pitirim, nhân vật số hai của Tòa Giáo chủ Moscowa cũng
như về phía Ðức Alexis đệ nhị, Giáo chủ Giáo hội chính thống
Nga, đã cử Ðức Pitirim đại diện tham dự Ngày cầu nguyện
cho hòa bình tại Assisi. Theo tin báo chí: Tòa Giáo chủ Moscowa
không muốn tham dự; nhưng vì áp lực của Tổng Thống Nga, ông
Vladimir Putin, và của Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo chủ chính
thống đại kết, Ðức Alexis đệ nhị đã quyết định cử
đại diện tham dự.
Thực ra trong
các vị được mời, chỉ thiếu đại diện của Giáo hội
chính thống Hy lạp, vì chưa thấy cơ hội thuận tiện cầu
nguyện chung. Còn đại diện của Giáo hội chính thống Giêrusalem
không được hộ chiếu của chính phủ Do thái cấp, vì thế không
thể xuất ngoại được.
Nhiều người muốn biết trên bàn ăn tại Sala Ducale có những món gì? Chúng tôi xin thưa ngay rằng: cao lương mỹ vị không có. Rượu ngon, rượu quí cũng không có. Ðây là bữa ăn thanh đạm, chỉ hơn bữa ăn trưa thứ năm 24/01/2002 tại Tu viện Phanxicô ở Assisi một chút thôi. Không có rượu, không có thịt, không có rượu mạnh, sau bữa ăn... để tránh xúc phạm đến tính cách nhậy cảm của một số tôn giáo (kiêng ruợu, kiêng thịt ...). Trên bàn ăn chỉ thấy nước lạnh, nước ngọt (cam, dứa, bưởi...). Sau món khai vị, món chính (pasta) hai loại khác nhau, rồi các món rau: artichaut (actiso ) - asperge (măng tây) và khoai rán... Món tráng miệng (dessert): trái cây thuộc các loại khác nhau, bánh ngọt và sau cùng cà phê.