Niên giám năm 2002

thống kê mới của Giáo hội Công giáo

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Niên giám năm 2002 thống kê mới của Giáo hội công giáo.

Cuốn niên giám thống kê mới của Giáo hội công giáo sẽ được công bố trong những ngày tới đây. Theo các con số mới nhất cho tới đầu năm 2001, trong năm 2000, số người công giáo trên thế giới là một tỉ 45 triệu.

Sánh với năm trước (1999), con số này tăng lên 7 triệu; nhưng sánh với bản thống kê năm 1999, thì con số này giảm chút ít: 0,1%. Con số một tỉ 45 triệu gồm cả các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân. Ðây là một đại gia đình công giáo, đại gia đình các con cái của Thiên Chúa,  không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ. Ðại gia đình này tiếp tục  gia tăng từ từ. Sánh với con số dân cư trên cả Trái đất, người công giáo chiếm có 17,3%.

Cộng đồng Dân Chúa (Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam, nữ và anh chị em giáo dân) phải cùng nhau cộng tác và hiệp nhất, để đem Tin Mừng cho anh chị em chưa biết, chưa tin Chúa. Ðây là mệnh lệnh Chúa trao cho các Tông đồ trước khi về trời, nhưng cũng trao cho mỗi người chúng ta: "Các con hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật". Rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mọi tín hữu Kitô, do Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình và bằng các hình thức khác nhau, nhưng tất cả cùng theo đuổi một mục đích: "Nguyện xin cho Nước Chúa ngự đến!".

Từ năm 1978, Ðức Karol Wojtyla, Hồng Y TGM giáo phận Cracovia, bên Ba lan, được bầu làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolô đệ nhị  (16/10/1978), cách đây gần 24 năm, con số người công giáo tăng từ 757 triệu lên tới một tỉ 45 triệu,  khoảng 38%. Con số tăng rất đáng kể, nhưng sánh với việc gia tăng dân số thế giới, con số này tăng quá ít, nhất là tại những nơi dân số gia tăng mạnh mẽ, như tại Châu Á (chỉ cần nhìn vào hai quốc gia mênh mông như Trung quốc (với khoảng một tỉ 200 triệu dân cư ) và Ấn Ðộ (với khoảng một tỉ). Cũng do việc gia tăng dân số này, chúng ta thấy trong năm 1978, con số công giáo trên thế giới chiếm 18%, nhưng trong năm 2000, xuống 17,3%, bởi vì số người công giáo không gia tăng song song với mức độ gia tăng dân số thế giới.

Nhìn vào từng Châu lục , chúng thấy con số người công giáo gia tăng rất khác nhau:

Tại Châu Phi, số người công giáo từ năm 1978 đến năm 2000 tăng rất mạnh mẽ, tới 137,4% (từ 54 triệu 759 ngàn lên tới 130 triệu18 ngàn)

Tại Châu Á: tăng 69.83% (từ 63 triệu 183 ngàn lên đến 107 triệu 301 ngàn)

Tại Châu Mỹ  41,67% ( từ 356 triệu lên tới 519 triệu 391 ngàn )

Tại Châu Âu: 5, 17% ( từ 266 triệu lên tới 280 triệu 144 ngàn)

Tại Châu Ðại dương: 46,05% ( từ 5 triệu 616 ngàn,  lên tới 8 triệu 202 ngàn).

Nhìn vào sự hiện diện của người công giáo tại các Châu lục, tỉ số cũng  rất khác nhau:

Tại Châu Á chỉ có 2,9%

Tại Châu Âu: 40%

Tại Châu Mỹ:  63% (riêng tại một số quốc gia miền Trung và miền Nam Mỹ, lên tới 90,1% và 86,6% ). Trái lại, tại miền Bắc Mỹ sự hiện diện này chỉ tới 24,6%.

Tại Châu Ðại dương: 26%. Nhìn vào sự gia tăng nhanh chóng và sự hiện diện đông đảo tại Châu phi và Châu Mỹ, ÐTC nhiều lần đặt hy vọng vào hai Châu Lục này : Ðây là tương lai của Giáo hội.

Về con số các Giám mục, trong 22 triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, từ 3,714 lên tới 4,541.

Trong lúc đó con số  linh mục không gia tăng, hoặc có gia tăng nhưng không đủ để bù vào con số chết đi. Hiện nay trên cả thế giới có 405 ngàn linh mục Giáo phận và Dòng tu. Sánh với năm 1978, con số số này giảm mất 3,75%. Một hiện tượng đáng lưu ý: hiện nay con số linh mục Giáo phận xét chung gia tăng rất đáng kể; nhưng số linh mục Dòng tu xét chung lại giảm bớt (trừ một ít nơi có gia tăng, như  tại Châu Á và Châu phi).

Số người công giáo tại Châu Á gia tăng rất chậm, nhưng số linh mục, giáo phận cũng như Dòng tu, lại  gia tăng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn cả, sánh với các Châu lục khác, từ 27,700 trong năm 1978 lên tới 43,500 (tức 57,28%) trong năm 2000. Sau Châu Á, đến Châu phi, con số lịnh mục trong năm 1978 là 17 ngàn, nay lên tới 27 ngàn.

Cũng trong thời gian này, Linh mục Châu âu từ 250 ngàn giảm xuống 209 ngàn (11,28%) - Tại Châu Ðại dương cũng bị giảm sút,  từ 5,500 đến 5,000. Tại Châu Mỹ con số linh mục hiện nay là 121 ngàn, không thay đổi nhiều (nhờ vào Châu Mỹ Trung và Latinh), chỉ giảm mất 0,47%.

Chức Thầy Sáu đã được thiết lập từ thời Các Thánh Tông đồ (theo Sách Công vụ), nhưng bị gián đoạn trong nhiều thế kỷ, và sau cùng đã được Công đồng chung Vatican II (1962-1965) lấy lại, không phải vì lý do khan hiếm Linh mục hoặc để thay thế Linh mục, như nhiều người nghĩ. Trong diễn văn đọc cho các Giám mục miền Caraibes đến Roma "Ad Limina", trong nhũng ngày vừa qua, ÐTC nói rõ ràng: "Giáo hội không thể có, nếu không có Chức Linh mục".  Việc tái lập Chức Sáu --- bởi vì đây là một trong các Chức thánh: Giám mục, Linh mục và Phó tế và bởi vì Chức  Sáu đã có từ đầu Giáo hội,--- để cộng tác với Giám mục và Linh mục trong công việc mục vụ và rao giảng Tin Mừng, nhất là để lo công việc bác ái, từ thiện (diaconia, phục vụ các người nghèo khổ). Từ ngày được tái lập, con số các Thầy Sáu vẫn gia tăng liên tiếp khắp nơi, nhất là tại Châu Âu và Châu Mỹ. Tại Châu Á và Châu Mỹ Latinh, con số các Thầy sáu rất giới hạn.

Trái lại, con số các Tu sĩ nam không có chức Linh mục giảm sút nhiều,  từ 76 ngàn xuống đến 55 ngàn.

Các Nữ tu cũng bị giảm sút, tuy không mạnh mẽ bằng các Tu sĩ nam không có chức Linh mục. Trong 22 năm Triều Giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, số các Nữ tu giảm mất 19%, cách riêng tại các quốc gia giầu thịnh và tại các nơi đức tin bị sa sút; nhưng tại các quốc gia trên đường phát triển, con số này lại gia tăng, cách riêng đối với các Dòng Nữ địa phương.

Con số chủng sinh gia tăng rất đáng khích lệ, gia tăng khắp nơi, sau cơn khủng hoảng. Từ năm 1978 đến năm 2000, con số chủng sinh từ 64 ngàn lên tới 111 ngàn, cách riêng tại Châu Á, Châu Phi.  Tại Châu Ðại dương, Châu Âu và Châu Mỹ có gia tăng, nhưng còn kém  mức trước đây.

 


Back to Home Page