Khóa họp khoáng đại ngoại lệ của LHQ
về vấn đề Nhi đồng trên thế giới
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Khóa họp khoáng
đại ngoại lệ của LHQ về vấn đề Nhi đồng trên thế giới.
(Rdio Veritas Asia
- 11/05/2002) - Khóa họp khoáng
đại ngoại lệ của LHQ về vấn đề Nhi đồng trên thế giới, do cơ quan UNICEF điều động, với sự cộng tác của nhiều Tổ
chức không chính phủ, được khai mạc hôm thứ tư vừa qua
8/05/2002 và
bế mạc thứ bẩy 11/05/2002, dưới quyền chủ tọa của Ông Kofi
Annan, Tổng thư Liên hiệp quốc, và với sự tham dự của hơn
60 đại biểu chính trị đại diện 180 quốc gia hội viên, 3 ngàn
đại biểu của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) và 350 trẻ em đến
tù các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ðây là một ngạc
nhiên lớn lao, vì lần thứ nhất đại diện nhi đồng hiện
diện và phát biểu trong một Khóa họp khoáng đại của Tổ chức
LHQ.
Hai lý do thúc đẩy UNCEF và nhiều tổ chức phi chính phủ tổ chức Khóa họp này: Trước hết, tình hình trầm trọng của các trẻ trên thế giới hiện nay - Rồi những hứa hẹn của các Vị Lãnh đạo các quốc gia ------ cách đây 11 năm trong Khóa họp của LHQ, để hoàn hảo hơn tình hình các trẻ em và phụ nữ---- hầu như không được thực hiện gì cả hay quá ít.
Ðể có một cái nhìn về tình hình chung hiện nay của các trẻ em trên thế giới, chúng tôi xin kê khai những con số về trẻ em, do các báo chí nêu lên nhân Khóa họp khoáng đại đặc biệt của LHQ về các trẻ em.
Con số trẻ em
trên thế giới hiện nay là 2,1 tỉ, tức khoảng 36% nhân loại
- 132 triệu trẻ em sinh ra trong năm 2000. Trong số này, cứ 100
trẻ em sinh ra, có 57 em tại Châu Á - 19 tại Châu Phi - 9 tại
Trung Mỹ Latinh và miền Caraibes - 7 tại miền Trung-Ðông và Bắc
Phi - 5 tại Ðông-Âu và cựu Liên xô - Tại các quốc gia kỹ
nghệ giầu có: Tây Âu, Hoa kỳ, Canada, Nhật Bản, Australia và
Châu Ðại dương chỉ có 7 em mà thôi.
Hoàn cảnh sinh sống của các em rất khác biệt nhau: 1 trên 4 em, trong cảnh cùng cực ---- 1 trong 12 em, chết trước khi đầy 5 tuổi - ( trong một năm khoảng 11 triệu). Tuổi trung bình của của người trường thành là 63 - Tại các nước kỹ nghệ có thể sống trên 73 tuổi. Tại Châu phi, tuổi trung bình chỉ tới từ 43 đến 45- Trên cả thế giới hiện có khoảng 150 triệu trẻ em không được ăn uống dủ - 120 triệu không dược đi học - Trong số 35 triệu người di dân, tị nạn có tới 28 triệu là trẻ em và phụ nữ.
Trong 10 năm vừa
qua, có khoảng 2 triệu trẻ em bị giết - 4 triệu bị tàn tật (do chiến tranh, do mìn nổ, do các tai nạn khác) - một triệu em
mồ côi - Cứ mỗi 3 giây có một trẻ em chết, vì cảnh nghèo
khổ (đói khát, thiếu thuốc men) - 90 ngàn trẻ em chết sau ba
ngày sinh ra - Hiện nay có khoảng 300 ngàn trẻ em bị xử dụng
trong chiến tranh - 250 triệu trẻ em bị cưỡng ép làm việc để
giúp đỡ gia đình nghèo - Việc lạm dụng trẻ em trong việc làm
mỗi ngày mổi lan rộng khắp nơi. Cảnh khổ cực là nhiều trẻ
em bị bắt hay bán làm nô lệ tại Pakistan , Sudan,
và những trẻ em bụi đời tại Brazil - tại các miền Hồ lớn của Châu phi, nơi hầu
như luôn luôn có những vụ tranh chấp vũ trang. Một số đông
trẻ em sống chui rúc trong các vùng ngoại ô thành phố lớn
trở thành những người phạm tội ác, trước khi trưởng
thành - Dã man hơn cả là rất nhiều trẻ em nam nữ bị cưỡng
ép làm nghề mãi dâm hoặc bị bắt cóc hay bị bán để lấy
đi các cơ thể ghép vào các bệnh nhân giầu có. Những vụ
giải phẫu lấy cơ quan thường xẩy ra nơi các trẻ em bụi
đời, sống đầu đường xó chợ, cách riêng
tại Brazil, nơi đây có khoảng 10 triệu trẻ em bị bỏ rơi
ngoài lề xã hội.
Chúng ta thấy:
người lớn có bổn phận bênh vực các trẻ em, nhưng trái
lại, đã cư xử tàn bạo,
vô nhân đạo với các trẻ em như thế nào. Một tội ác lớn
lao của xã hội ngày nay là tội phá thai. Hằng năm có từng
triệu trẻ em bị sát hại bởi các vụ phá thai trước khi sinh
ra. Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã từng nói: "Tội ác lớn
nhất của thế giới ngày nay là tội giết các trẻ em vô tội
chưa sinh ra. Một tội ác ghê tởm: người mẹ giết người
con của mình". Mẹ Têrêsa đã
lập nhiều nhà để thu lượm các trẻ em sơ sinh
bị bỏ rơi ngoài đường; Mẹ Têrêsa
tìm mọi cách thuyết phục các người mẹ, để họ
đừng bao giờ phạm tội ghê tởm này. Nếu không thể
nuôi con được, thì xin cứ trao cho Mẹ Têrêsa và các nữ
tu của Mẹ.
Một lý do khác
thúc đẩy việc tổ chức Khóa họp khoáng đại lần này là
sau 11 năm (1990), tại trụ sở LHQ, UNICEF đã tổ chức Khóa
họp về trẻ em. Lúc đó các vị lãnh đạo chính trị các quốc
gia tham dự hứa hẹn nhiều sự: thức ăn và nước uống
nhiều hơn, thuốc men
nhiều hơn để chữa các chứng bệnh thông thường cho
các trẻ em, chăm sóc trẻ em và phụ nữ về phương diện y
tế - chiến đấu chống các
chứng bệnh truyền nhiễm bằng việc chích phòng ngừa...- lập
thêm nhiều trường học - và hoàn hảo về phẩm chất - giúp
đỡ các trẻ em mồ côi hay bị sống trong hoàn cảnh khó khăn
... Tiếc thay, tình hình các trẻ em không khả quan hơn, mà trái
lại đi đến chỗ tồi tệ hơn. Cả trong lúc này, lúc bước
vào ngàn năm mới, vẫn còn biết bao trẻ em nạn nhân của đói
khổ, của chiến tranh, của bệnh
tật, của nạn mù chữ, của mãi dâm, của những khai thác
bất công trong việc làm...
Trong ngày khai
mạc, Ông Tổng thư LHQ đã có những lời cứng rắn đối với
các người lớn, cách riêng các vị có trách nhiệm về số
phận các trẻ em, các quốc gia trên thế giới. Ông nói: "Người lớn đã phản bội các trẻ em trên thế giới".
Ông
nhắc lại năm quyền căn bản của trẻ em: (1) Cứu thoát khỏi nạn
đói - (2) khỏi cảnh nghèo khổ - và (3) khỏi các chứng bệnh truyền
nhiễm - (4) khỏi những lạm dụng và khai thác - và (5) quyền được
giáo huấn. Ðây là những
quyền rất rõ ràng, nhưng chúng ta, các người lớn, đã bỏ
qua một cách đáng chê trách. Giờ đây chúng ta phải xóa bỏ
những thiếu sót này".
Những lời rất
mạnh mẽ này đã gây xúc động cử tọa, cách riêng các
trẻ em hiện diện trong Khóa họp này. Các em biết: còn có
nguời lên tiếng bênh vực các em. Các em
chăm chú lắng tai nghe
những lời cứng rắn của ông Tổng thư ký, không để mất
một lời nào.
Tiếp sau Ông
Tổng thư ký, hai đại biểu nhi đồng, cảm động, xem ra có vẻ
lạc lõng trong một môi trường rất lạ lùng đối với các
em, nhưng rất ý thức về sự quan trọng của vai trò của mình,
đại diện hơn hai tỉ trẻ em thế giới, với những câu dơn sơ,
những lời rõ ràng, phát biểu vắn tắt như sau: "Chúng tôi
các trẻ em trên thế giới, nhưng cũng là các trẻ em của
chiến tranh nữa. Chúng tôi là những nạn nhân của chứng bệnh
AIDS. Chúng tôi là những trẻ em,
mà tiếng nói không bao giờ được lắng nghe". Sau tràng
pháo tay hoan hô, hai em trở lai chỗ của mình giữa các bạn hữu,
mang theo hy vọng là lần này tiếng nói của các em được lắng
nghe hơn.
Ngày khai mạc Khóa họp của LHQ về trẻ em trùng hợp với ngày thứ tư, ngày ÐTC tiếp chung các tín hữu hành hương đến từ nhiều nơi trên thế giới. Nhân dịp này, ngài nói: "Cộng đồng quốc tế hãy gia tăng dấn thân để chiến đấu chống lại "những tai họa", đang gây đau khổ cho tuổi trẻ, để cứu các trẻ em khỏi chiến tranh, khỏi những lạm dụng bằng mọi cách". Về khóa họp khoáng đại của LHQ về các trẻ em, ÐTC nói: "Cuộc gặp gỡ quan trọng này gợi lại sự chú ý về các tai họa vẫn tiếp tục gây đau khổ cho trẻ em; trẻ em là một kho tàng quí giá, nhưng cũng đễ bị thương tích, của gia đình nhân loại". ÐTC nói tiếp: "Tôi nghĩ đến các chiến tranh, cảnh nghèo khổ, những khai thác và những lạm dụng dủ loại, mà các trẻ em là nạn nhân. Tôi cầu chúc rằng: dấn thân được nhắc lại lần này trong việc bênh vực trẻ em, được hướng dẫn tiến đến một cuộc thăng tiến thực sự về phẩm giá con người và tiến đến việc tôn trọng các quyền của trẻ em".