ÐTC tiếp chung

các Giám mục quần đảo Antilles

đến Roma  viếng Tòa Thánh

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp chung các Giám mục quần đảo Antilles đến Roma  viếng Tòa Thánh (Ad Limina).

(Roma 11/05/2002) - Quần đảo Antilles, (petites Antilles) cũng gọi là quần đảo "Caraibê" gồm một nhóm những  đảo nhỏ nằm trong Ðại Tây dương, giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, ngang với Trung Mỹ, và phân biệt với  quần đảo (Antilles grandes)  của Cộng hòa Cuba và Cộng hòa Dominic. Trong các quần đảo  Caraibê  này có Cộng hòa Trinidad-Tobago là lớn hơn cả. Các Giám mục thuộc miền này đến Roma  viếng Tòa Thánh và được ÐTC tiếp chung, hôm thứ ba 7/05/2002. Trong diễn văn đọc cho các vị chủ chăn miền này, ÐTC nhấn mạnh đến ba điểm chính yếu sau đây:

1 - Giám mục lãnh nhận sự sự sung mãn của Chúc Linh mục - Nhiệm vụ chính yếu của Chức tư tế  là tế lễ.

2 - Vai trò của Hàng giáo sĩ và vai trò của Hàng giáo dân khác nhau.

3 - Vấn đề hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa tại các Giáo hội miền Caraibes.

 

1 - Các Giám mục được mời gọi thông công đầy đủ vào Chức Tư Tế đời đời của Chúa Giêsu

Trước hết, các ngài là vị Tư Tế, là linh mục, chớ không phải là người chỉ huy hành chánh, người kinh doanh, chuyên viên kinh tế hay công chức bàn giấy ... Là linh mục, có nghĩa là gì? ÐTC giải thích như sau: "Nghĩa là trước hết các Ðức Cha được mời gọi dâng lễ hy sinh, bởi vì đây là bản chất của chức linh mục." Trung tâm của chức tư tế Kitô ở tại việc tiến dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô". Thánh Thể là bản chất của việc làm  tư tế, vì thế không có gì quan trọng bằng việc dâng thánh lễ". ÐTC nói thêm: "Vì lý do này, việc cử hành thánh lễ là điểm trung tâm của chuyến viếng thăm  Tòa Thánh của các Ðức Cha. Chúng ta không bao giờ được quên rằng: Mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô-Phaolô mà chúng ta tôn kính ở Roma này, là mộ của Các Vị Tử đạo; sự sống và sự chết của các Ngài đã được lôi cuốn vào chiều sâu của lễ hy sinh của Chúa Kitô, đến độ quả quyết rằng: "Tôi đã được đóng đanh cùng với Chúa Kitô, không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2, 20).

ÐTC cũng gọi Công Ðồng Vaticanô II  là "Ơn vĩ đại làm nhiều ích lợi cho Giáo hội trong thế kỷ XX" (x. Tertio Millennio ineunte, số 57). Trong những thập niên vừa qua, có nhiều bóng tối, khó khăn; nhưng cũng đã có nhiều dấu hiệu tốt lành loan báo Mùa Xuân mới, như Năm Ðại Toàn xá 2000",  mở ra một giai đoạn mới về những ước vọng thiêng liêng và những nghị lực tông đồ mới nơi các tín hữu và  chắc chắn đây là những thành quả của Chúa Thánh Thần. Trong các thành quả này, ÐTC nhắc riêng đến việc người giáo dân đã khám phá ra ơn Bí tích Rửa tội và dấn thân làm việc tông đồ.

2 - Vai trò của Hàng Giáo dân trong đời sống Giáo hội khác vai trò của Hàng Giáo sĩ

Giáo dân làm tông đồ không có nghĩa là thay thế chức Linh mục. ÐTC nhấn mạnh như sau: "Lời quả quyết: Giáo dân thay thế các linh mục, mỗi ngày mỗi khan hiếm,  lời quả quyết nầy  không  phù hợp  với giáo huấn của các Nghị phụ Công đồng. Các ngài chỉ đề cao "sự  bổ túc lẫn nhau sâu xa giữa linh mục và người giáo dân". ÐTC nhắc lại rõ ràng rằng: "Giáo hội công giáo không thể có, nếu không có Chức linh mục,  mà chính Chúa Giêsu muốn cho Giáo hội". Rồi ngài giải  thích: Việc hiễu sai lầm về vai trò của người giáo dân đưa đến "việc giáo sĩ hóa giáo dân" và "việc giáo dân hóa giáo sĩ ". Vai trò Bí tích và phụng vụ thuộc về Linh mục. Linh mục là người chủ tọa Cộng đồng Kitô trên bình diện phụng vụ và mục vụ. Người giáo dân  giúp linh mục bằng nhiều cách khác nhau trong bổn phận này. Dấn thân của người giáo dân bị "chính trị hóa", khi hàng giáo dân chiếm "quyền" trong nội bộ Giáo hội.  Việc này xẩy ra khi Giáo hội không còn được  nhìn  như "mầu nhiệm của ơn thánh", nhưng  được nhìn  trong viễn tượng có tính cách "xã hội, hoặc chính trị". Khi không còn là một phục vụ, nhưng là quyền bính trong việc quản trị Giáo hội, từ phía giáo sĩ cũng như  phía giáo dân, thì những  điều ngược lại bắt đầu cảm thấy. Ðối với linh mục, chế độ giáo sĩ là hình thức của quyền bính hơn là của phục vụ. Chế độ này luôn luôn gây nên va chạm, đối  địch giữa linh mục và giáo dân. Chế độ này gặp thấy trong hình thức hướng dẫn kiểu người đời, nghĩa là không quan tâm đủ đến bản chất siêu việt và bí tích của Giáo hội. Hai thái độ này đều gây hại. "Trái lại -  theo lời ÐTC - Giáo hội cần đến một tinh thần  biết nhìn nhận tính cách bổ túc và hoàn bị  lẫn nhau giữa ơn  gọi linh mục và ơn gọi giáo dân  và tinh thần này cần sâu xa và có nhiều sáng kiến. Không có như vậy, chúng ta không thể hy vọng trung thành với giáo huấn của Công đồng được, và cũng không thể vượt qua được những khó khăn liên hệ đến "căn cước linh mục, đến sự tín nhiệm nơi Linh mục và ơn gọi tiến lên chức linh mục".

3 - Ðiễm quan trọng thứ ba  liên hệ đến vấn đề hội nhập văn hóa

ÐTC  khuyến khích như sau: "Chúng ta phải đi ra ngoài  biên giới của Giáo hội, bởi vì Công đồng Vatican II đã muốn như vậy: việc chính yếu là cổ võ các nghị lực mới cần thiết cho sứ vụ của Giáo hội trong thế giới. Các Ðức Cha hãy ý thức về sự kiện này là "một phần cốt yếu của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội là việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa,  và tôi biết chắc rằng: miền của các Dức Cha rất quan tâm đến sự cần thiết phát triển các hình thức của nguời dân Caraibes về phụng tự và về đời sống công giáo".

ÐTC nhắc lại điều ngài đã nhấn mạnh  trong Thông diệp "Fides et Ratio"  (Ðức tin và Lý trí): "Tin Mừng không nghịch lại với nền văn hóa này, nền văn hóa kia, như thể Tin mừng muốn tước lột nền văn hóa đó khỏi những gì thuộc về nó và cưỡng ép nó phải lãnh nhận những hình thức bên ngoài không phù hợp với nó" (số 71). Tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng: các nền văn hóa địa phương không những không bị giảm bớt bởi việc gặp gỡ với Tin Mừng, nhưng trái lại còn được thúc đẩy cởi mở  đón nhận cái mới lạ của chân lý Phúc Âm, để múc lấy từ đó  sức phát triển thêm mãi". (x. Ecclesia in America , số 70).

Và để thực hiện đúng ý nghĩa của việc hội nhập Tin Mừng  vào các nền văn hóa địa phương,  ÐTC nêu lên ba tiêu chuẩn, "để tìm hiểu xem những thử nghiệm của chúng ta về việc hội nhập Tin Mừng, có một nền tảng vững chắc lành mạnh hay không".

Tiêu chuẩn thứ nhất - là tính cách hoàn vũ cùa tinh thần nhân loại -  Những dòi hỏi của nó không khác nhau, cả trong những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau. Căn cứ trên tiêu chuẩn này, ÐTC giải thích: "Vì thế, không bao giờ có một nền văn hóa có thể là tuyệt đối,  đến độ không chấp nhận  những giá trị mới: tinh thần nhân loại, ở cấp bậc thẳm sâu hơn cả, vẫn là một, trong mọi thời đại, mọi nơi và mọi nền văn hóa".

Tiêu chuẩn hai là: trong dấn thân vào các nền văn hóa mới, Giáo hội không thể từ bỏ gia tài quí báu phát xuất từ dấn thân ban đầu của Giáo hội,  với nền văn hóa Hy lạp-Latinh, bởi vì, nếu làm như vậy, sẽ có nghĩa là "từ chối chương trình quan phòng của Thiên Chúa, Ðấng hướng dẫn Giáo hội qua các ngả đường của thời đại  và của lịch sử. Vì thế, đây không phải là việc từ bỏ gia tài Hy lạp-Latinh, để Tin Mừng nhập thể lần nữa vào nền văn hóa Caraibes. Ðúng hơn, đây là việc dấn thân xử dụng gia tài văn hóa của Giáo hội trong việc đối thoại sâu xa và làm phong phú lẫn nhau, bằng nền văn hóa Caraibes.

Tiêu chuẩn ba là:  nền văn hóa không được đóng kín  trong sự khác biệt riêng của mình, không được ẩn giấu mình trong sự cô lập, hoặc chống lại các nền văn hóa và truyền thống khác.

Ðiểm khác không kém quan trọng đã được nhắc đến trong Tông huấn Hậu- THÐGM về Châu Mỹ "Ecclesia in America" là việc huấn luyện người giáo dân, để họ đi từ một đức tin theo thói quen đến một đức tin đầy ý thức, sống động. Ðể  đạt tới mục tiêu nầy, cần phải có việc giảng dạy sâu rộng giáo lý cho mọi tầng lớp, vì đây là con đường dẫn đưa đến Chân lý, tức chính Chúa Kitô, và để tránh khỏi việc lan tràn nguy hiểm của các giáo phái tại miền Caraibes.

Nhắc lại lời Ðức Phaolô VI (1963-1978), viết trong Thông điệp "Ecclesiam suam", ÐTC giải thích phải giảng dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng như thế nào: perspicuitas, lenitas, fiducia, prudentia (số 81) -  đó là với  sự rõ ràng - thái độ hiền lành, khiêm tốn - tín nhiệm -  khôn ngoan.  Nói rõ ràng tức là trình bày chân lý mạc khải cách dễ hiểu cho người thời nay. Ðòi hỏi của chúng ta không phải trong việc trình bày văn chương, lý luận, đề tài,   nhưng là chính phục các linh hồn - Thái độ hiền lành, khiêm tốn giúp chúng ta hiểu biết những lo lắng, những thắc mắc và những đau khổ của con người: "Ta thương đám đông dân này" (Lời Chúa Giêsu) -  Với tín nhiệm: nghĩa là đừng bao giờ mất cái nhìn về chân lý tuyệt đối và phổ quát do Chúa mạc khải - chân lý mọi người ước mong, cả những người xem ra không quan tâm, thù địch hay lãnh đạm. - Sự khôn ngoan và lương tri, được Ðức Phaolô gọi là "prudentia" (sự đắn đo, thận trọng) và Thánh Gregoriô Cả gọi là một nhân đức của những người can đảm.

ÐTC kết luận: "Trong công việc này, trách nhiệm nặng nề của Thừa tác  vụ giám mục xuất hiện trong tất cả sự khó khăn của nó. Chúng ta phải cầu nguyện mọi ngày, để Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, chúng ta có thể rao giảng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa và không theo sự khôn ngoan của thế gian "để Thánh giá của Chúa Kitô không trở nên vô hiệu" (1 Cor 1,17). Chúng ta là "thầy dạy Chân lý". Thầy dạy Chân lý không bao giờ ngừng khẩn xin "ơn Chúa để thấy  trọn cả đời sống, và  xin ơn sức mạnh  để nói lên chân lý  cách hiệu nghiệm".

 


Back to Home Page