Vài nét về Giáo hội công giáo tại Ukraine

trên đường phục hưng

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Giáo hội công giáo tại Ukraine trên đường phục hưng.

(Radio Veritas Asia - 11/05/2002) - Sau nửa thế kỷ sống dưới chế độ bách hại của Cộng sản Liên xô, Giáo hội công giáo tại Ukraine  hiện đang trên đường phục hưng. Công việc phục hưng rất vất vả và  đòi thời  gian lâu dài, vì chế độ cộng sản đã để lại những hậu quả tai hại về mọi phương diện, cách riêng về  luân lý và tôn giáo. Trong nửa thế kỷ, cách riêng, dưới thời nhà độc tài khát máu Stalin, chế độ tìm mọi cách để phá hủy tận gốc rễ nền văn hóa, giới trí thức và Giáo hội công giáo, nhất là trong miền Ðông Ukraine, miền giáp giới Liên xô. Các nhà thờ đều bị tịch thu để xử dụng cho những dịch vụ trần thế, hoặc để trao cho Giáo hội chính thống. Người công giáo chỉ còn có hai lựa chọn: hy sinh tính mạng để minh chứng đức tin, hay bị đầy đi tại Siberia, miền giá lạnh với những công việc hết sức nặng nhọc, với những trại tập trung hết sức dã man - hoặc theo lệnh Nhà nước chuyển sang Giáo hội chính thống, để được sống yên hàn. Thế giới đều biết đến gương anh hùng của ÐHY Josef Slipyj, vị chủ chăn can đảm của Giáo hội công giáo Ukraine, trong nhiều năm bị giam tù và nhiều vị tử đạo khác, trong số này có 25 vị đã được ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân phước tử đạo trong chuyến viếng thăm mục vụ tại đây, cuối tháng 6 năm 2001.

Cũng nên nhắc lại rằng, chuyến viếng thăm của ÐTC năm 2001, đã bị Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa phản đối và tìm mọi cách ngăn cản, bởi vì Giáo hội chính thống Nga coi lãnh thổ Ukraine, tuy đã lấy lại nền độc lập chính trị sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ, nhưng về phương diện tôn giáo, vẫn thuộc quyền của Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa. Xem ra đây là một hành động phi lý. ÐTC Gioan Phaolô II đã được Tổng thống  Cộng hòa Ukraine và Giáo hội công giáo tại đây mời viếng thăm. Ngài không cần phải có sự đồng ý của người nào, hay một quyền bính nào khác. Là vị chủ chăn toàn Giáo hội công giáo, ngài có quyền viếng thăm đoàn chiên đã dược Thiên Chúa phú thác cho ngài.   Dĩ nhiên Giáo hội chính thống tại Ukraine còn lệ thuộc Tòa Giáo chủ Moscowa, nhưng một phần cũng đã li khai, thành lập Giáo hội chính thống riêng, không còn chấp nhận quyền của Tòa Giáo chủ Moscowa nữa. Việc lệ thuộc hay li khai của Giáo hội chính thống Nga thuộc nội bộ của Giáo hội này, không ăn nhằm gì với chuyến viếng thăm của Vị chủ chăn Giáo hội công giáo.

Công việc phục hưng, tuy vất vả và đòi thời gian lâu dài, đang  mang lại thành quả cụ thể. Sau hơn sáu năm huấn luyện, thứ bảy (4/05/2002 ) đã có năm  tân linh mục đầu tiên được phong chức tại chủng viện Vorsel ở thành phố Kiev. Chủng viện này đã do chính các chủng sinh góp công xây cất và được dâng kính Thánh Tâm Chúa. Các chủng sinh vừa học, vừa làm việc, để cùng nhau xây dựng lại Giáo hội. Hiện nay trong chủng viện có 34 chủng sinh. Ðây là "hy vọng mới" của Giáo hội công giáo Ukraine. Ðây là nền tảng của Giáo hội, của sứ vụ mục vụ và truyền giáo, như ÐTC vừa nói với các Giám mục Quần đảo Antilles đến Roma "viếng Tòa Thánh" (Ad Limina): "Giáo hội công giáo sẽ không có, nếu không có Thừa tác vụ linh mục mà Chúa Giêsu muốn cho chính Giáo hội" (L'Oss. Rom. 8/05/2002).

Lễ nghi phong chức thứ bẩy 4/05/2002 cho thấy rằng: dù sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, Giáo hội công giáo tại Ukraine, thuộc cả hai lễ nghi Latinh và Bizantin,  mỗi ngày mỗi phát triển, một đàng  nhờ vào những cố gắng của Giáo hội địa phương,  đàng khác nhờ vào sự giúp đỡ tích cực và tình liên đới huynh đệ của các HÐGM của Thế giới Tây phương. Một dấu hiệu khác nữa của việc phát triển này là trong những ngày vừa qua, Tòa Thánh đã thiết lập  thêm hai giáo phận mới (lễ nghi Latinh): Kharkic-Zaporizhia, với  lãnh thổ được cắt chia bởi hai Giáo phận Kyiv-Zhytomir và Kamyanets-Poldilskyi, và Giáo phận Odessa-Simpheropol, với lãnh  thổ cắt chia bởi giáo phận Kamyyanets - Poldilskyi.

Việc thiết lập thêm hai Giáo phận mới tại Ukraine  dĩ nhiên lại gây "khó chịu"  cho Giáo hội chính thống Nga. Thực ra Giáo hội chính thống không có quyền phản đối, cũng như đã không thành công trong việc chống lại chuyến viếng thăm của ÐTC tháng sáu năm 2001 tại Ukraine. Giáo hội chính thống tại Ukraine, lệ thuộc quyền Tòa Giáo chủ Moscowa,  cũng không có quyền phản đối, vì đây là công việc nội bộ của Giáo hội công giáo Ukraine và Roma.

Cách đây ít tháng, ÐTC cất nhắc bốn Giáo hạt Giám quản Tông tòa tại Nga lên bậc Giáo phận chính thức. Sự kiện này đã gây phản ứng mạnh mẽ nơi Giáo hội chính thống Nga cho tới lúc này. Phẩn uất đến độ trục xuất khỏi lãnh thổ Nga một Linh mục người Ý, cha Stefano Caprio,  và Ðức Cha Jerzy Mazur, người Ba lan, giám mục giáo phận Irkutsk (trong miền Siberia). Dù xa cách Giáo phận từng ngàn cây số, Ðức Cha Mazur, hiện đang ở Varsovie (thủ dô Ba lan) vẫn dùng diện thoại để tiếp xúc với Tòa Giám mục và Chúa  nhật 5/05/2002 các tín hữu giáo phận  đã được nghe bài giảng của Vị chủ chăn mình, qua điện thoại, được máy phóng thanh phổ biến trong nhà thờ chính tòa.

Cộng hòa Ukraine rộng hơn 600 ngàn cây số vuông (gấp gần 2 lần Việt nam), với dân số trên 50 triệu. Ðây là một cộng hòa rộng lớn, đông dân cư  và giầu có, nhất là về dầu hỏa và nông sản, trước đây thuộc Liên Bang Sô viết. Thời chế độ cộng sản, Nhà cầm quyền Liên xô đã thiết lập nhiều cơ sở vĩ đại tại đây, cách riêng "lò nguyên tử Chernobyl".

Số người công giáo thuộc cả hai lễ nghi Latinh và Bizantin khoảng  năm triệu rưởi (hơn 11%), được chia thành 18 giáo phận (kể cả hai giáo phận mới vừa được thiết lập trong những ngày vừa qua) do 25 Giám mục (hai vị mới được bổ nhiệm chưa phong chức) hướng dẫn, trong số này có hai vị Hồng Y: một vị cho Lễ nghi Bizantin, ÐHY Lubomyr Husar - và một vị cho Lễ nghi Latinh, ÐHY Marian Jaworski, cả hai được tấn phong Hồng Y ngày 21-22/02/2001 tại Vatican. Linh mục giáo phận trên hai ngàn và linh mục Dòng tu gần 400. Chủng sinh trên một ngàn- Nữ tu vĩnh khấn: gần một ngàn và khoảng 900 giáo lý viên. Tổng số nhân viên mục vụ: trên 4 ngàn rưởi.

 


Back to Home Page