Cha George Cottier

nhà thần học của Phủ Giáo Hoàng

bình luận và giải thích việc trở về

của Cộng đoàn

Thánh Gioan Maria Vianney bên Brazil

với Giáo hội Roma

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cha George Cottier, nhà thần học của Phủ Giáo Hoàng, bình luận và giải thích việc trở về của Cộng đoàn Thánh Gioan Maria Vianney bên Brazil  với Giáo hội Roma.

Như chúng tôi đã loan tin trong bài thời sự trước đây: Cộng đoàn tín hữu trong Giáo phận Campos, bên Brazil, từ 20 năm nay theo Ðức Cha  Marcel Lefèbvre, li khai khỏi Giáo hội công giáo Roma,  ngày 18 tháng Giêng năm 2002, cũng là ngày khởi sự Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã trở về và được đón nhận trong Giáo hội Roma, dưới quyền hướng dẫn của ÐTC Gioan Phaolô II, Kế nghiệp Phêrô và Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ. Lễ  nghi đón nhận Cộng đoàn trở về được cử hành long trọng trong Nhà thờ chính tòa Campos, dưới quyền chủ tọa của ÐHY Dario Castrillon Hoyos, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ ,  đại diện ÐTC.

Bình luận về vụ trở lại này, Cha George Cottier, Dòng Ða minh, nhà thần học nổi tiếng của Phủ Giáo Hoàng, tuyên bố như sau:

"Ðây là một tin tốt lành, một tin vui mừng. Một sự tan vỡ được hàn gắn lại trong chính Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô ". Cha nói thêm: "Ðây là một bước tiến;  và nếu muốn giải thích  theo viển tượng  của một bước thoái lui,  liên quan đến Công đồng chung Vatican II,  thì đây là một "bước lui" của việc giải thích sai lầm Công Ðồng Vaticanô II. Ngay từ thời Công đồng, khả thể cử hành thánh lễ theo lễ nghi củ của Thánh Pio V, trong một số trường hợp ---(thí dụ cho các linh mục cao niên)--- đã được dự tính rồi. Sau việc li khai của Ðức Giám Mục Lefèbvre, Tòa Thánh đã cho phép Huynh đoàn Thánh Phêrô giữ truyền thống này. Ngoài ra, chính ÐTC đã yêu cầu ít ra trong những thành phố lớn, nên chỉ định một nơi nào nhất định, để có thể cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh, trong vài dịp  cả bằng lễ nghi củ của Thánh Pio V nữa".

Sau đây là một số câu hỏi do đặc phái viên nhật báo công giáo "Tương Lai"  (19.01.2002) đặt ra và được Cha George Cottier trả lời  minh bạch.

Hỏi - Như vậy, đâu là sự mới lạ của biến cố này (vụ trở về với Giáo hội Roma của Cộng đoàn Thánh Gioan Maria Vianney)?

Ðáp - Ðàng sau bè rối Lefèbvre, còn có nhiều cái khác nữa: việc khước từ Công đồng, Phong trào hiệp nhất, Nguyên tắc về tự do tôn giáo. Việc khước từ toàn bộ, mà trong đó việc khước từ Phụng vụ chỉ là một cái cớ mà thôi, cho dù có nhiều người đi theo Ðức Cha Lefèbvre chính vì lý do  phụng vụ nầy. Từ ngày li khai cho tới lúc này, chúng ta thấy có nhiều người theo Ðức Cha Lefèbvre đã trở về hiệp  thông hoàn toàn với Giáo hội công giáo. Nhưng điều kiện đầu tiên luôn luôn là việc công nhận hoàn toàn quyền bính của Công đồng Vatican II. Và đây là điều mà nhóm chính, tức nhóm Ecône  tại Thụy sĩ , cho tới lúc này, vẫn chưa chấp nhận.

Hỏi - Nhưng một trong các cột trụ của Vatican II là hiến chế "Sacrosanctum Concilium", Hiến chế về Phụng vụ.

Ðáp - Ðây là một trong các bản văn hay nhất của Công đồng  Vatican II. Nhưng không cần phải đồng hóa Hiến chế này "với mọi cách thức trong đó việc cải cách phụng vụ được thực hiện". Chúng ta không thể quên rằng: trong những năm đầu của Công đồng, tại một số quốc gia đã có nhiều rối loạn. Chúng ta lấy thí dụ này: bình ca Gregoriano. Trong một giai đoạn nào đó, đã bị khước từ cách mạnh mẽ. Và để thay thế bằng cái gì?  Nhiều lúc bằng những bài hát không có gì là tôn giáo hay quá ít tôn giáo. Hoặc bằng một phụng vụ "ồn ào" không có một khoảng cách nào dành cho sự yên lặng nữa. Nhiều người đau khổ vì những sự việc lố lăng như vậy. Và một số người đi theo Ðức Cha Lefèbvre, có thể họ không thấy rõ vấn đề mà Vị Giám Mục này đặt ra.

Hỏi - Vâng, đồng ý với Cha vậy. Nhưng mở rộng  cho phép việc dùng lễ nghi củ của Thánh Pio V,  không liều đi đến chỗ gia tăng hỗn loạn sao?

Ðáp - Những khác biệt vẫn luôn luôn được chấp nhận. Tôi đây thuộc Dòng Ða minh: cho tới Công đồng Vatican II, chúng tôi có phụng vụ riêng của Dòng Ða minh, đây là một lễ nghi hơi khác lễ nghi Roma. Nhưng sự hiệp nhất không vì thế bị tổn thương chút nào. Chúng ta có thể chấp nhận hoàn toàn hiến chế của Công Ðồng Vaticanô II về Phụng Vụ, vừa duy trì tính cách đặc thù riêng của mình. Ðàng khác, chúng ta hãy nhớ rằng: chính Công Ðồng không nghĩ đến việc cử hành tất cả bằng tiếng địa phương: Kinh nguyện Thánh Thể phải được giữ bằng tiếng Latinh. Việc cải cách phụng vụ đã tiến thêm một bước nữa. Và trong khi nhìn vào đa số  người công giáo, đây là một sự lựa chọn đúng...

Hỏi - Dung hòa cách nào tính cách biệt thù này với một sự hiệp thông hữu hiệu với toàn Giáo hội?

Ðáp - Nhiều người theo Lefèbvre cho rằng: Lễ của Ðức Phaolô VI mà chúng ta theo, "không thành, không có giá trị". Từ nay trở đi nhóm bên Brazil này  (nhóm  vừa trở về với Giáo hội) sẽ không nghĩ như vậy nữa. Dần dần cần phải đi đến những bước khác nữa; thí dụ như việc tham dự cả vào việc đồng tế theo lễ nghi mới nữa. Nhưng chúng ta không vội vàng.  Ðiều quan trọng là trong tâm hồn họ không còn có việc khước từ nữa. Sự hiệp thông đã tìm lại được trong Giáo hội,    sức năng động bên trong của nó, năng động này sẽ trưởng thành dần dần.

Hỏi - Với cử chỉ ngày 18/01/2002 vừa qua việc thực hiện Công đồng đã tiến được một bước nữa hay lùi lại đàng sau?

Ðáp - Chắc chăn là tiến thêm được một bước nữa. Trong Công đồng Vatican II không một ai muốn gây nên những tan rã. Mục đích của Công đồng là làm cho Giáo hội hòa hợp hơn, để đối phó với những thách đố mục vụ. Trong Công đồng các Nghị phụ có một ý muốn rất mạnh mẽ về tính cách trung tâm của Phụng vụ trong đời sống Giáo hội. Và nếu có một nơi đặc biệt nào của hiệp thông,  đó phải chính là Thánh Thể. Chúng ta phải vui mừng về ơn hòa giải này. Tôi hy vọng rằng Công đồng mở rộng đường đón nhận người khác nữa. Trong tiến trình này, sự hiệp thông với Vị Kế Nghiệp Phêrô là nền tảng. Cả trong Phụng vụ nữa. Cho tới lúc này trong thánh lễ mà các người theo Lefèbvre cử hành, không có sự hiệp thông với ÐTC. Giờ đây, ít ra tại Brazil, không còn như vậy nữa.

Ðó là bài phỏng vấn Cha George Cottier.

Tiện đây, chúng tôi lược qua lịch sử của việc li khai của Giám mục Marcel Lefèbvre.

Tổng Giám Mục Marcel Lefèbvre là người Pháp, ngay từ lúc đầu đã phản đối Công đồng Vatican II. Và trong hy vọng xích lại gần vị Giám mục li khai này,  vào năm 1984, Ðức Gioan Phaolô II đã cho phép dùng rộng rãi hơn lễ nghi củ thời công đồng Tridentino có trước Công đồng Vatican II. Nhưng Ðức Cha Lefèbvre chủ ý cho mọi người thấy rõ: việc khinh miệt Công đồng không phải chỉ về khía cạnh phụng vụ, nhưng cả khía cạnh thần học nữa, bằng cách coi việc canh tân phụng vụ, một biểu lộ rõ ràng hơn cả,  như một hành động bất trung tín. Năm 1988, Lefèbvre loan tin muốn phong chức bốn giám mục, công khai bất tuân chỉ thị của ÐTC. Dù đã có nhiều mưu toan về đối thoại, ngày 30 tháng sáu năm 1988 này, Vị Giám mục người Pháp này đã phong chức Giám mục cho bốn linh mục. Hành động này tức khắc đã đưa đến việc phạt vạ tuyệt thông. Ngày mùng 2 tháng 7 cũng năm này (1988), ÐTC cho công bố Tông thư "Ecclesiam Dei". Với bức thư này ngài cho thành lập Ủy ban đặc biệt để hòa giải. Công việc hòa giải đã thu lượm được nhiều thành quả tốt đẹp. Vĩ đại  hơn cả là việc Cộng đoàn Thánh Gioan Maria Vianney ở Campos (Brazil) trở về với Giáo hội Roma ngày 18 thánbg giêng 2002. Còn Huynh đoàn Thánh Pio X ở Ecône (Thụy sĩ) quan trọng hơn cả và có chi nhánh tại một số quốc gia, thì chưa trở về;  nhưng công việc tiếp xúc vẫn tiếp tục và trong Năm Thánh 2000 vừa qua, Huynh đoàn này có tổ chức cuộc hành hương, bước qua Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phêrô, với sự yên lặng của Vatican, nghĩa là không bị cản trở.

 


Back to Home Page