Thế giới nhìn về Assisi với niềm hy vọng

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thế giới nhìn về Assisi với niềm hy vọng.

Ngày 24 tháng Giêng năm 2002, thế giới nhìn về Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, sứ giả hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc, không phân biệt tín ngưỡng, văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ,  mầu da; tại Assisi,  đại diện các Giáo hội và các tôn giáo lớn trên thế giới, đáp lời mời của Ðức Gioan Phaolô II , tụ họp để cùng nhau, mỗi người theo tín ngưỡng và nghi thức riêng của mình, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, như cách đây 16 năm (1986), vào cuộc gặp gỡ lần thứ nhất cầu nguyện cho hòa bình; lúc đó thế giới còn chia thành hai khối kình dịch nhau và đe dọa nhau;  và cũng như   cách đây chín năm, tức năm 1993  cuộc  gặp gỡ lần thứ hai, lúc chiến tranh  diệt chủng tại miền Balcan trở nên dữ dội, tàn bạo.

Cuộc gặp gỡ thứ ba tháng giêng năm 2002 để cầu nguyện cho hòa bình thế giới giữa lúc thế giới bị đe dọa kinh khủng bởi chính sách khủng bố, diễn ra trong bẩy tiếng đồng hồ: trong bẩy tiếng đồng hồ này, biết bao điều sẽ xẩy ra tại Assisi cho tương lai thế giới!.

Lúc 8:30, từ nhà Ga Vatican, chuyến tầu hòa bình  chở Ðức Gioan Phaolô II và đại diện các Giáo hội và các tôn giáo, khoảng trên 300 vị, chuyển bánh xe từ từ tiến về nhà Ga Assisi. Trên chuyến tầu hòa bình này, còn có nhiều Vị Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và Nhà cầm quyền dân sự, trong đó có Tổng Thống cộng hòa Ý, ông Carlo Arzeglio Ciampi, Thủ tường chính phủ và một số người được mời tham dự, như các vị đại diện các Phong trào và Hội đoàn công giáo quốc tế và một số đại diện Hàng Giám mục thế giới. Theo nguồn tin chúng tôi nhận được, sẽ có máy bay trực thăng của Quân lực Cộng hòa Ý bay trên chuyến tầu, lúc đi cũng như lúc về, để bảo vệ an ninh.

Lúc 11 giờ trưa, tại Ðền thờ phía dưới kính Thánh Phanxicô, thường gọi là Basilica di Santa Maria degli Angeli (Ðền thờ Ðức Maria của các Thiên Thần), cuộc gặp gỡ thứ nhất trong ngày cầu nguyện được khởi sự. Tại đây ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hoà bình, sẽ đọc diễn văn khai mạc. Sau đó, các đại diện Giáo hội chính thống, Giáo hội Anh giáo, các Giáo hội Tin Lành cải cách, Ấn giáo, các tôn giáo truyền thống của Châu phi, Phật giáo, Do thái giáo và Hồi giáo, lần lượt phát biểu ý kiến. Tiếp theo là bài diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II.

Lúc 12:30, tại các địa điểm khác nhau dành cho mỗi Giáo hội và tôn giáo, các phái đoàn sẽ cầu nguyện theo lễ nghi của mình cho hòa bình. ÐTC chủ tọa lễ nghi cầu nguyện của Giáo hội công giáo trong Ðền thờ phía dưới kính Thánh Phanxicô.

Lúc 15:30, cuộc gặp gỡ thứ ba và sau cùng của ngày cầu nguyện  cho hòa bình thế giới và cũng là điểm nổi bật hơn cả trong ngày, sẽ có lễ nghi đọc Bản tuyên ngôn về sự dấn thân chung cho hòa bình. Bản tuyên ngôn này sẽ được đọc tại quảng trường của Ðền thờ phía dưới bằng các tiếng  Anh, Ý, Ả rập. Sau diễn văn dẫn nhập  của ÐHY Francis Arinze, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại  liên tôn, ÐTC sẽ đốt một trong các cây đèn được đặt trước khán đài. Tiếp sau ÐTC, các vị đại diện các Giáo hội và các tôn giáo lần luợt đốt lên cây đèn của mình . Rồi ÐTC dọc diễn văn vắn về ý nghĩa của cây đèn đã được đốt cháy và chiếu sáng.

ÐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô sẽ đọc diễn văn bế mạc Ngày cầu nguyện. Các lễ nghi được kết thúc bằng cái ôm hôn hòa bình giữa ÐTC và đại diện các Giáo hội và các tôn giáo.

Trong khi chờ đợi lên đường trở về Vatican cũng trên chuyến tầu hòa bình, ÐTC viếng thăm các Nữ tu Dòng Kín Clarisse và gặp chung các Tu sĩ Phanxicô trong Ðền thờ Thánh kính Thánh Tổ phụ  Phanxicô ở phía dưới (Santa Maria degli Angeli).

Như mọi người thấy rõ và hiểu rằng: vai trò chủ chốt của Ngày 24  tháng Giêng n ăm 2002, là việc cầu nguyện. Như chính Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên ngày mùng 3 tháng giêng năm 1993:  " Lời cầu nguyện là vũ khí thực của hòa bình. Một thứ vũ khí không một sức mạnh hùng hậu nào có thể thắng được, khi chúng ta thành thực dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta".

Ði đến Assisi, mỗi vị đại diện Giáo hội và tôn giáo mang theo ý thức rõ ràng này là tôn giáo nhằm đến sự sống, không phải sự chết, nhằm đến sự tôn trọng mỗi một con người, được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người, với tất cả các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người; tôn giáo không nhằm và không cho phép đàn áp, bất công, báo oán, thù ghét;  tôn giáo nhằm cổ võ cuộc chung sống hòa bình giữa các dân tộc, các mầu da, các tôn giáo; tôn giáo không nhằm đến những tranh chấp và chủ trương chiến tranh. Tôn giáo biết rằng: phải có những khác biệt và chấp nhận những khác biệt này: đây là bước đầu tiên tiến đến một nhân loại hòa giải, có thể mở rộng cửa cho một tương lai hòa bình.

Ngày 24 tháng giêng năm 2002 tại Assisi, thế giới  được chúng kiến tại chỗ hay qua đài truyền hình,  một quang cảnh, một bầu khí của hòa thuận, của tình huynh đệ, trong sự tôn trọng "căn cước của mỗi một người", như chính Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên ngày mùng 9 tháng giêng năm 1993 tại Thành phố của Thánh Phanxicô.

Assisi là nơi lý tưởng của mỗi người thiện chí, nam cũng như nữ, muốn tìm kiếm và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới. Thực sự, cuộc gặp gỡ trong tình huynh đệ như vậy sẽ giúp cho việc hiểu biết nhau, có thể xóa bỏ những thành kiến vẫn có từ lâu đời, và đưa đến sự công nhận tự do tôn giáo bất cứ ỡ phương trời nào.

Chúng ta, các tín hữu công giáo, trong khi tham dự cuộc gặp gỡ qua đài truyền hay phát thanh, hãy hiệp thông với lời cầu nguyện tha thiết của ÐTC và của đại diện các tôn giáo thế giới để xin Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên dụng cụ của hòa bình của Người, như Thánh Phanxicô đã cầu nguyện trước đây từ nhiều thế  kỷ: lời cầu nguyện mà chúng ta vẫn đọc lại hay hát lên, mỗi khi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, mỗi khi chúng ta họp nhau trong tình yêu thương của Chúa.

Trên chiếc tầu chở "Vũ khí cầu nguyện", chúng ta bất cứ ở phương trời nào trên trái đất này, hãy hướng về Assisi, để cùng với ÐTC và đại điện các Giáo hội và các tôn giáo hô lớn tiếng: "Ðừng bao giờ có khủng bố nữa, đừng bao giờ gây chiến tranh nữa. Chúng ta hết thảy, không phân biệt tín ngưỡng, văn hóa, mầu da, ngôn ngữ... hãy cùng nhau tiến trong lý tưởng về Assisi, thành phố hòa bình, hòa giải, tha thứ, yêu thương và huynh đệ, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bình hơn, huynh đệ hơn.

 


Back to Home Page