Trình bày Tông thư Tự sắc về Bí tích Hòa giải

trên bình diện mục vụ

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Trình bày Tông thư-Tự Sắc "Miserciordia Dei" của ÐTC Gioan Phaolô II, trên bình diện mục vụ.

Chúng ta đã lược tóm nội  dung Tông thư-Tự Sắc "Misericordia Dei" (lòng thương xót Thiên Chúa) của ÐTC Gioan Phaolô II, ký ngày  7/04/2002, và được công bố ngày 2/05/2002  trong cuộc họp báo,  do hai Ðức HY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin  và ÐHY Jorge Arturo Medina Estevez, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, và Ðức TGM Julian Herranz, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh phụ trách việc giải thích các Bản văn Luật pháp.

Chúng ta cũng  đã thuật lại bài thuyết trình của ÐHY  Ratzinger, Tổng trưởng Bộï Giáo lý Ðức tin, giải thích về phương diện giáo lý của Văn kiện mới. Hôm nay, chúng ta bàn đến bài thuyết trình của ÐHY Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích,  nói về  khía cạnh  "Mục vụ" của Tông thư- Tự sắc  "Misericordia Dei".

ÐHY quả quyết rằng: Tông thư nằm trong một lô các văn kiện Giáo huấn của Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II về phương diện giáo lý và mục vụ, có tính cách  quy phạm  cho toàn Giáo hội công giáo. ÐHY nhắc lại những văn kiện quan trọng đã được Ðức Gioan Phaolô II công bố trong những năm vừa qua, có liên hệ đến bí tích Hòa Giải, như:  Bộ Giáo luật mới (25/01/1983) - Tông huấn hậu THÐGM về "Reconciliatio et Paenitentia" (Hòa giải và Sám hối - 02/12/1984) - Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo (11/10/1992), nhân dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vatican II: 11/10/1962) và Thư gủi cho các Linh mục toàn thế giới Thứ năm Tuần Thánh năm 2002.

ÐHY Tổng trưởng giải thích lý do của việc công bố Văn Kiện mới:  do việc suy giảm ý thức về tội lỗi và  lơ là trong đời sống Kitô. Ðể canh tân đời sống thiêng liêng (như ÐTC viết trong Tông thư bế mạc Năm Thánh 2000 "Tertio Millennio ineunte" (bước vào Ngàn năm thứ ba), cần phải nhìn lại giáo lý công giáo về tội lỗi, về sự trở lại và việc cúu rỗi qua chương trình cứu chuộc của các Bí tích, cách riêng Bí tích Sám hối và Hòa giải.

Chúa đã trao phó kho tàng ơn thánh cho Giáo hội. Do đó, Giáo hội  là dụng cụ và dấu hiệu của ơn cứu rỗi. Giáo hội có bổn phận phục vụ con người và bổn phận chính yếu là hoạt động mục vụ của chính Giáo hội, của các Thừa tác viên và của toàn Dân Chúa. Nhưng ơn cứu rỗi không thể thực hiện được, nếu không có việc trở lại, mà việc trở  lại  này là ơn của Thiên Chúa, một sáng kiến của lòng thương xót, lôi kéo con người khỏi nô lệ tội lỗi và dẫn đưa họ về với sự hiệp thông với Chúa Cha, vừa tái lâp lại hình ảnh làm con cái Thiên Chúa,  là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô và  là đền thờ Chúa Thánh Thần.

ÐHY Medina Estevez nói đến những thực tại ghê sợ của tội đã được Sách Thánh  so sánh với sự chết, với bệnh phong cùi, với cuộc lưu đầy, với sự đói khát và với  ách nô lệ. Tất cả những hình ảnh này nói lên hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi phá hủy mối giây liên kết của con người với Thiên Chúa, phá hủy sự quân bình về mối quan hệ của con người với chính mình và với xã hội. Nói tóm lại: Tội lỗi là một sự xúc phạm đến lòng nhân lành của Thiên Chúa, một vết thương cho sự thánh thiện của Giáo hội và một căn cớ của những rối loạn, gây hại cho xã hội.

Vì lý do này, việc rao giảng ơn cứu rỗi là bổn phận đầu tiên và chính yếu của Giáo hội, và như vậy việc cử hành các Bí tích - nguồn ơn cứu rỗi - là sứ vụ liên tiếp của Giáo hội. Bí tích Hòa giải hay Sám hối là "secunda post naufragium tabula" (tấm ván thứ hai bám vào để cứu mình,  sau khi bị đắm tầu), do Chúa Giêsu thiết lập để đến gặp gỡ con người, sau Bí tích Rửa tội, đã sa ngã, chìm đắm trong tội lỗi.

ÐHY Tổng trưởng Bộï Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích quả quyết: "Bí tích Sám hối hay Hòa giải đã được phú thác cho Giáo hội và cách riêng cho các Giám mục, vì các ngài như những người bảo vệ sự hiệp thông Giáo hội và cho các Linh mục, những người cộng tác của Giám mục. Thừa tác vụ của Bí tích Hòa giải không phải là một đặc ân hay một thi hành quyền bính, nhưng là một việc biểu lộ cụ thể trách nhiệm mục vụ, mà mỗi Giám mục và mỗi linh mục đã lãnh nhận trước mặt Thiên Chúa ngày phong chức và do đó là một phục vụ thuộc bổn phận,  thi hành cho anh chị em mình, như dấu hiệu của sự lo lắng ân cần về mục vụ của Giáo hội đối với các con chiên lạc và bị thương tích, cần trở về trong  một  đàn chiên của vị Chủ chăn nhân lành. Việc thi hành trung thành và luôn luôn sẵn sàng của Thừa tác vụ này là dấu hiệu của lòng nhiệt thành tông đồ và của việc ý thức rõ ràng về sứ vụ mà Thiên Chúa đã phú thác cho các Thừa tác viên của Người: trở nên người phục vụ Dân Chúa". ÐHY giải thích thêm: "Dĩ nhiên Thừa tác vụ Bí tích Hòa giải không phải dễ dàng  và ÐTC đã giải thích những đặc tính trong Thư gửi cho các Linh mục Thứ năm Tuần Thánh, trong đó ngài nhấn mạnh đến dự kiện này là các tín hữu có quyền tìm được nơi các linh mục những thừa tác viên luôn luôn sẵn sàng đón tiếp họ trong tòa giải tội.

Tự  Sắc "Misericordia Dei" nhắc lại giáo huấn truyền thống của Giáo hội, theo đó, phương thế duy nhất thông thường của việc cử hành Bí tích Sám hối, gồm có việc tự cáo đầy đủ các tội mình, và  sau đó việc tha tội cá nhân. Cũng như ÐHY Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, ÐHY Medina Estevez cũng nhắc lại "Những cái gọi là việc giải tội tập thể hay giải tội chung" chỉ được coi là "ngoại lệ hay ngoại trừ", và chỉ được dùng đến trong những trường hợp nguy  tử hay khi không thể, xét về thể lý hay về tinh thần, không thể cử hành theo hình thức thông thường (xưng tội cá nhân và tha tội cá nhân). Sánh ví "những việc giải tội tập thể" với hình thức thông thường của việc cử hành Bí tích Sám hối, là một sai lầm về giáo lý, một lạm dụng về kỷ luật và một thiệt  hại về mục vụ".

ÐHY Medina Estevez kết thúc bài thuyết trình bằng việc nêu cao gương các Thánh đã hiến tất cả cuộc đời cho việc thi hành Thừa tác vụ của Bí tích Hòa giải, như Thánh Gioan Maria Vianney, Thánh Leopoldo Mandic và Cha Pio, tức Chân phước Pio da Pietrelcina (sẽ được tôn phong Hiển Thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002). Cha nói lên những lời đơn sơ, những ý nghĩa sâu xa: "Trong sự hỗn loạn của tình dục và thăng trầm nghịch cảnh, xin sự hy vọng quí giá của lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa nâng dỡ chúng ta: với thái độ tín nhiệm, chúng ta hãy chạy đến Tòa giải tội, nơi đây với sự lo lắng của Người Cha, Thiên Chúa  chờ đợi chúng ta trong mọi lúc, và, dù ý thức về tính cách không thể tha thứ được trước mặt Người, chúng ta đừng bao giờ bao giờ hồ nghi về ơn tha thứ đã được long trọng tuyên bố đối với những sai lầm của chúng ta".


Back to Home Page