Trình bày Tông thư -Tự sắc về Bí tích Hòa giải

trên bình diện thần học

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Trình bày Tông thư -Tự sắc về Bí tích Hòa giải, trên bình diện thần học.

Văn kiện mới của ÐTC "Misericordia Dei" có tính cách quan trọng về Thần học - Mục vụ - và Luật pháp. Vì thế ÐHY Ratzinger  đã trình bày về phương diện Thần học - ÐHY Medina Estevez  nói về  Mục vụ, và Ðức TGM Herranz về luật pháp. Bài thời sự nầy xin thuật lại bài thuyết trình của ÐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhắn mạnh đến khía cạnh thần học.

Trước hết ÐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin nhắc lại rằng: Trong Tông thư bế mạc Năm Ðại Toàn xá "Khởi đầu ngàn năm mới" ("Tertio Millennio ineunte", ÐTC đã nhấn mạnh đến việc canh tân Giáo hội qua Bí tích Hòa giải trong lúc bước vào Ngàn năm thứ ba. Vì thế Tông thư-Tự sắc "Misericordia Dei" cũng được đặt trong bối cảnh này và cụ thể hóa một số khía cạnh quan trọng của việc thực hành Bí tích Hòa giải, trên bình diện thần học - mục vụ và luật pháp.

Khía cạnh thứ nhất được ÐHY nhắc lại là việc xưng tội cá nhân. Tuy  tội lổi của mỗi người có liên hệ và ảnh hưởng đến đời sống xã hội, nhưng trách nhiệm chính vẫn là "cá nhân", và như vậy việc tha thứ của Thiên Chúa cũng hoàn toàn có tính cách cho chính cá nhân. ÐHY quả quyết như sau: "Thiên Chúa biết mỗi một người, gọi họ bằng chính tên  và cứu độ họ, nếu họ sa ngã trong tội lỗi. Trong các Bí tích khác, Chúa nói thẳng với mỗi một người; nhưng trong bí tích Hoà Giải, thì tính cách cá nhân được biểu lộ rõ ràng hơn nữa. Ðiều này ám chỉ  đến các yếu tố tạo thành Bí tích: việc xưng tội cá nhân và việc tha thứ cho chính người sám hối".

Vì thế, việc  ban phép giải tội tập thể là một hình thức đặc biệt khác thường và chỉ có thể thi hành trong một số trường hợp khẩn cấp nhất định. Do những lạm dụng của việc ban bí tích  giải tội tập thể, trong những thập niên vừa qua, việc xưng tội cá nhân xem ra bị lu mờ và đi vào cơn khủng hoảng trầm trọng. Và nếu không có những biện pháp ngăn chặn, việc xưng tội cá nhân sẽ dần dần biến mất.

ÐHY giải thích thêm như sau: Khi ÐTC  muốn bớt lại việc ban phép giải tội  tập thể, thì chắc chắn có người đặt ra câu hỏi:  Bí tích Hòa giải trong các thế kỷ đã bị nhiều biến đổi;  vì thế việc ban phép giải tội tập thể cũng nằm trong những biến đổi này. ÐHY trả lời: Dĩ nhiên trong các thế kỷ,  thực sự đã có nhiều thay đổi, nhưng yếu tố cá nhân vẫn luôn luôn là yêu tố chính của Bí tích này.

Ðể giải thích, ÐHY Ratzinger trưng lại giáo lý của Công đồng chung Trento (1545-1563). Các Nghị phụ đã hiểu rõ mệnh lệnh của Chúa Giêsu trao cho các môn đệ lúc Ngài lập Bí tích Hòa giải: "Các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người đó được tha. Các con cầm buộc ai, thì người đó bị cầm buộc". Ðiểm then chốt của Lời Chúa vừa được trích trên, là do sự kiện này:  Chúa trao phó cho các môn đệ việc lựa chọn tháo gỡ hay cầm buộc. Như vậy các môn đệ chỉ là dụng cụ "trung lập" (neutrale) của sự tha thứ Thiên Chúa. Nói thể khác, Chúa trao cho các ngài quyền phân biệt, phê phán cách khách quan,  và các ngài phải phân biệt và phê phán từng trường hợp. Vì thế, trong Bí tích Hòa giải, các Nghị phụ nhận ra rõ ràng tính cách "thẩm phán" (xét xử). Như vậy, chúng ta thấy: trong Bí tích Hòa giải có hai khía cạnh: khía cạnh Bí tích (do mệnh lệnh của Chúa, vượt khỏi  quyền hành của các môn đệ, và của cộng đồng các môn đệ của Giáo hội); khía cạnh khác  "trao trách nhiệm về quyết định", và quyết định này phải được đưa ra một cách khách quan; vì thế phải công bình và trong ý nghĩa này quyết định có tính cách xét xử (thẩm phán). Như vậy quyền xét xử (thẩm phán) thuôīc về chính Bí tích và quyền thẩm phán này đòi một cơ cấu luật pháp về phía Giáo hội, nhưng dĩ nhiên luôn luôn phải hướng về bản chất của Bí tích, về ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa".

ÐHY Ratzinger, tổng trưởng,  giải thích thêm nhữ và  "Tính cách Bí tích-thẩm phán này của Bí tích Hòa giải kèm theo hai sự kiện quan trọng này: Ðây là một bí tích đặc thù, khác bí tích Rửa tội, một đàng đòi phải có quyền riêng về Bí tích, do đó quyền này liên kết với Chức Thánh (chức linh mục) - đàng khác, nếu trong việc thi hành quyền này còn phải đánh giá, phê phán, như vậy đã quá rõ ràng là vị thẩm phán phải biết sự việc đang xét xử. Trong khía cạnh luật pháp này, có sự cần thiết ngấm ngầm của việc tố cáo cá nhân bằng việc kể lại các tội lỗi của mình, để xin ơn tha thứ nơi Thiên Chúa và nơi Giáo hội,  bởi vì tội lỗi đã phá hủy sự hiệp nhất tình yêu với Thiên Chúa,  ban cho trong Bí tích Rửa tội . Khởi sự từ đây,-- từ  Công đồng  Trento -- có thể nói lên rằng: việc xưng các tội trọng  và từng tội trọng là việc cần thiết do "luật Thiên Chúa" (jure divino). Bổn phận xưng tội - Công đồng quả quyết - đã được thiết lập bởi chính Chúa và là một yếu tố tạo thành Bí tích. Vì thế, ÐHY kết luận: "Thay thế việc xưng tội cá nhân bằng việc ban  phép giải tội tập thể không ở trong quyền hạn của Giáo hội. ÐTC nhắc lại cho chúng ta trong Tự sắc mới. Tự sắc nói lên những hiểu biết về quyền hạn của Giáo hội và mối quan hệ với Lời Chúa, những lời bắt buộc cả ÐTC nữa.

Về việc giải tội tập thể, ÐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin giải thích: Chỉ trong tình trạng cần kíp, trong đó sự cúu rỗi của con người bị nguy hiểm, lúc đó việc giải tội tập thể được làm trước, và việc xưng tội cá nhân được hoãn lại đến lúc khác, nghĩa là đến lúc có thể xưng tội cá nhân. Ðây là ý nghĩa đích thực của việc giải tội tập thể. Ý nghĩa này đã bị làm lu mờ và bị lạm dụng. Nhưng bổn phận của Giáo hội ấn định khi nào cũng có tình trạng khẩn cấp.

Sau những thập niên vừa qua, việc giải thích về những lý do của tình trạng khẩn cấp lan rộng đến mức độ không thể chấp nhận được nữa. Vì thế, ÐTC  trong văn kiện mới này, đã đưa ra những chỉ thị rõ ràng, phải được áp dụng trong chi tiết về phía các Giám mục.

ÐHY nêu lên câu hỏi này: Như vậy văn kiện đặt những gánh nặng mới trên vai các tín hữu ư? Ngài trả lời: Hoàn toàn trái ngược lại: tính cách hoàn toàn cá nhân  của cuộc sống người tín hữu phải được bảo vệ. Dĩ nhiên, việc tố cáo tội lỗi riêng mình có thể trở nên nặng nề đối với con người, bởi vì tự dẹp  tính kiêu căng  của mình và đặt nó trước sự nghèo nàn của mình. Nhưng chính đây là cái chúng ta cần đến, cái đóng kín chúng ta trong sự cuồng tín về sự vô tội của chúng ta và như vậy chúng ta cũng khép kín mình  trước người khác và đối với người khác nữa. Trong phương pháp chữa bệnh, có những đòi hỏi bệnh nhận phải chấp nhận, cả những  đau đớn sâu xa và nhiều lúc nguy hiểm nữa. Trong Bí tích Hòa giải, việc tố cáo tội lỗi riêng được đặt trong tình thương vô biên của Thiên Chúa. Cần phải làm công việc này một cách bình thản, trong tinh thần tín nhiệm của con cái Thiên Chúa. Như vậy việc xưng tội trở nên một kinh nghiệm của cuộc giải phóng, trong đó gánh nặng của quá khứ được trút khỏi và chúng ta có thể cảm thấy mình trẻ lại, nhờ ơn thánh Chúa, Ðấng ban lại mỗi lần cho chúng ta tuổi xuân xanh của tâm hồn.


Back to Home Page