Tòa Giáo chủ Nga nhận lời mời

tham dự Buổi cầu nguyện

cho Hòa bình thế giới tại Assisi

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một bước tiến mới: Tòa Giáo chủ Nga nhận lời mời tham dự Buổi cầu nguyện  cho Hòa bình thế giới tại Assisi.

Trong những ngày vừa qua, Vatican nhận được sự chấp nhận của Tòa Giáo chủ chính thống Nga, đáp lại lời mời của Ðức Gioan Phaolô II, tham dự Buổi cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi, vào ngày 24 tháng giêng năm 2002. Tòa Giáo chủ Moscowa sẽ gủi một phái đoàn và cho biết rõ tên các vị thành viên của phái đoàn. Như vậy Phái đoàn Chính thống Nga đến Asssisi là điều chắn chắn. Trong lúc này, Vatican chỉ còn chờ đợi thư trả lời của Giáo hội chính thống Hy lạp, một giáo hội vẫn cứng rắn đối với Roma, nhưng sau chuyến viếng thăm tháng 5 năm 2001 của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes, mối quan hệ giữa hai Giáo hội đã trở nên khác, nếu không muốn nói là tốt đẹp trăm phần trăm.

Như vậy các phái đoàn của Giáo hội Kitô (Công giáo, Chính thống, Tin lành) nay lên tới 46 phái đoàn thay vì 44 phái đoàn sánh với những ngày trước đây.

Như thế, trong lần nầy, người ta có thể ghi nhận sự tham dự rộng rãi hơn cả của Giáo hội chính thống đối với một sáng kiến của Ðức Gioan Phaolô II.

Danh sách còn có thể còn thay đổi vào những ngày cuối cùng. Tất cả hơn 300 vị tham dự sẽ là "những vị thượng khách" của Vatican và cùng đi trên một chuyến xe lửa với ÐTC từ nhà Ga Vatican đến nhà Ga Assisi. Từ đây các vị lên xe ca đi đến nhà thờ Santa Maria degli Angeli, (Ðức Maria của các Thiên Thần) như chương trình chúng tôi đã loan báo trước đây.

Việc tham dự của phái đoàn chính thống Nga là một tin vui mừng bởi vì báo hiệu một sự "tan băng" giữa mối quan hệ giữa Roma và Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa. Việc tan băng này đã được báo trước bằng những dấu hiệu và cử chỉ nhỏ bé, nhưng mang nhiều ý nghĩa và hứa hẹn trong tương lai. Thí dụ chuyến viếng thăm của Nữ Ca đoàn của Tòa Giáo chủ Moscowa tại Vatican dịp Lễ Giáng sinh tháng 12 năm 2001. Ca đoàn đã hát trong Ðền thờ Thánh Phêrô và trong nhà nguyện "Mater Ecclesiae" (Ðức Maria, Mẹ Giáo Hội) của Phủ Giáo Hoàng  trước sự hiện diện của Ðức Gioan Phaolô II. Trong dịp này ngài đã gửi lời kính thăm Ðức Giáo chủ và chúc mừng Lễ Giáng sinh của Giáo hội chính thống, được mừng vào ngày mùng bẩy tháng giêng, theo lịch Giuliano.

Thứ ba ngày 15.01.2002, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga đã dành cho nhật báo Ba lan "Gazeta Wyborcza" một bài phỏng vấn quan trọng. Sau khi bày tỏ "sự tôn trọng khác thường" đối với Ðức Gioan Phaolô II , Tổng thống Nga tuyên bố: "Tôi đã đến Vatican và tôi biết ơn ngài nhiều bởi vì ngài đã tiếp đón tôi. Tôi nhớ luôn mãi cuộc gặp gỡ này. Có thể chuyến viếng thăm này là chuyến viếng thăm không được chờ đợi trước, nhưng tôi cũng cảm thấy một sự hãnh diện về sự kiện này là một vị đại diện của dân tộc Slavô, một người Ba lan, đã trở nên Giáo Hoàng Roma. Ðối với chúng tôi, người dân Nga, việc này thật là một vinh dự".

Sau đó, Tổng thống Putin chuyển sang vấn đề có tính cách chính trị hơn. Ông nói: "Trong mối quan hệ giữa Nga và Vatican không có vấn đề nào cả. Lúc này đây tôi sẵn sàng mời ÐTC viếng thăm. Nhưng nếu  phải đến Moscowa, chính ngài muốn rằng: đây là một chuyến viếng thăm có giá trị đầy đủ, nghĩa là nó đưa đến việc tái lập các mối quan hệ bình thường với Giáo hội chính thống Nga". Tổng thống nói tiếp: "Việc này không tùy thuộc nơi tôi. Tôi chỉ có thể góp phần vào việc làm cho mối quan hệ giữa hai Giáo hội trở nên hoàn toàn". Tổng thống bảo đảm với đặc phái viên nhật báo Ba lan rằng: "Tôi bảo đảm với Ông là tôi đang hoạt động theo chiều hướng này".

Dấu hiệu thật rõ ràng: Ðiện Cẩm Linh muốn rằng việc tranh chấp giữa Giáo Hội Chính Thống và  Giáo Hội Công Giáo chấm dứt đi và vì những lý do chính trị rất minh bạch. Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001 (sau vụ khủng bố tại Hoa kỳ), Nước Nga đã liên kết với khối chống khủng bố do Hoa kỳ cầm đầu; như vậy Nga được công nhận hoàn toàn thuộc cộng đồng quốc tế với tước hiệu đầy đủ. Tổng thống Putin hiểu rõ  uy tín tinh thần của Ðức Gioan Phaolô II và của Vatican nói chung; vì thế trong lúc này những cãi vã, tranh chấp về văn hóa và về lịch sử-tôn giáo là những điều bất lợi cho Ðiện Cẩm Linh, bởi vì như vậy gây nên một thế đứng cô lập, một thế đứng riêng rẽ, tuy vốn quí giá đối với dân tộc Slavô, nhưng xét về phương diện chính trị không có lợi gì.

Thực ra Tòa Giáo chủ Moscowa, vốn  có một truyền thống "hòa hợp" với quyền bính chính trị, cả trong thời kỳ dưới chế độ cộng sản Liên xô, xem ra cũng muốn theo đường lồi của Tổng thống Putin. Chứng cớ là mới đây phát ngôn viên của Phân bộ ngoại giao  của Tòa Giáo chủ tuyên bố như sau: "Tổng thống Putin đã có một thái độ thẳng thắn, một thái độ quan tâm đến những lợi ích của Giáo hội chính thống Nga".

Nhưng thực sự vẫn còn nhiều trở ngại khác. Mới đây chính Ðức Alexis đệ nhị Giáo chủ chính thống Nga tuyên bố rằng: "Với những điều kiện nhất định, tôi không loại trừ  khả thể của một chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Nga", dù trong lúc này Vị giáo chủ cho rằng: "Hiện nay chuyến viếng thăm không thể được, bởi vì người công giáo mỗi ngày mỗi lan rộng trên lãnh thổ chúng tôi".

Những tranh chấp và cãi vã của Giáo hội chính thống đối với Giáo hội công giáo được tập trung vào hai điểm liên hệ chặt chẽ với nhau sau đây: tố cáo việc chiêu mộ tín hữu của chính thống và sự hiện diện của các người công giáo Ðông phương theo lễ nghi Bizantin (như chính thống) tại  Ukraine, vốn trung thành với Roma. Cả hai đề tài này được đề cao cách mạnh mẽ trong chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine (Kiev và Leopoli) hồi tháng sáu năm 2001, một chuyến viếng thăm mà Ðức Alexis đệ nhị  đã phản đối cách mãnh liệt.

Dĩ nhiên, Giáo hội chính thống, vừa thoát khỏi 80 năm chế độ cộng sản (và trong một vài giai đoạn cuộc bách hại trở nên rất dữ dội), cảm thấy mình không được chuẩn bị để có thể đối phó với công việc tông đồ trong một bầu khí mới của tự do và lo sợ sự ganh đua của các tôn giáo và giáo hội khác mạnh mẽ hơn,  cả về phương diện vật chất nữa, như Giáo hội công giáo chẳng hạn. Từ đó, phát xuất việc cãi vã và tranh chấp với các người công giáo Ðông Phương theo lễ nghi Bizantin, (hay những người  công giáo đông phương Uniati hiệp nhất), theo giáo lý của Roma, nhưng lại theo lễ nghi Bizantin, như chính thống giáo). Ðây là cái lo sợ, vì lịch sử cho thấy rằng: những gì đã xẩy ra trong thế kỷ XVI --(lúc các người công giáo lễ nghi Bizantin hiệp nhất và thề trung thành với Roma)--- có thể sẽ xảy ra lại và có lợi cho Vatican; thật ra,  đây cũng là điều xem ra đáng mong ước đối với nhiều người dân Nga,  được hợp nhất với Roma, nhưng vẫn giữ các lễ nghi và tiếng nói riêng trong phụng vụ như các cộng đồng công giáo tại Ukraine hiện nay.

Ai cũng thấy rằng: Giáo hội công giáo lễ nghi Ðông phương không chiêu dụ một tín hữu của giáo hội chính thống Nga. Trong một cuộc gặp gỡ cách đây một tháng với Tổng thống Ukraine, ông Leonid Kuchma, ÐHY Lubomir Husar  (TGM coi sóc cộng đồng công giáo thuộc lễ nghi Bizantin) ước mong một cuộc phục hưng các môn học thần học tại Xứ sở, nhưng ngài nhấn mạnh rằng: việc phục hưng này phải liên hệ đến nền thần học công giáo cũng như nền thần học chính thống trên mức độ bình đẳng.

Những mưu toan thường được Tòa Giáo chủ chính thống Moscowa đưa ra để tranh luận về tính cách hợp pháp của Giáo hội công giáo lễ nghi Bizantin tại Ukraine mỗi ngày mỗi trở nên lu mờ và không có sức thu hút người dân, ngoài một số vị lãnh đạo cáp cao nhất. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy rằng: cần phải từ bỏ những tranh chấp vô ích, những chia rẽ kéo dài,  và cần đi đến những cuộc đối thoại xây dựng giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội chính thống. Phải chăng việc đáp lại lời mời tham dự buổi cầu nguyện tại Assisi là một bước tiến mới đánh dấu việc khởi sự của các cuộc đối thoại trong tương lai giữa hai Giáo hội?

Trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, được khởi sự  từ ngày 18 và kết thúc ngày 25 tháng Giêng năm 2002, Lễ Thánh Phaolô trở lại, chúng ta các tín hữu Kitô: Công giáo, Chính thống, Tin lành,  hãy tha thiết cầu xin ơn hiệp nhất, như Chúa Giêsu đã cầu xin với Thiên Chúa Cha trước cuộc Tử nạn: "Ut sint unum: Lạy Cha,  Xin cho họ trở nên một!"

 


Back to Home Page